Hóa ra, lịch sử Ai Cập có tới bảy bà Cleopatra nhà Ptolemy, và các bà thì đều xuất sắc cả. Chưa kể năm đến sáu bà Berenice hay Arsinoe nữa. Người phụ nữ lừng danh mà chúng ta khi nhắc tới, thường nghĩ ngay đến đôi mắt tím biếc của nữ minh tinh Elizabeth Taylor ấy, là Cleopatra VII, cũng là người trị vì cuối cùng của triều đại Ptolemy.
Đấy là một bất ngờ mà khi tới Ai Cập, tôi mới được biết. Ở cái vùng đất thần quyền và nam trị này, trong lịch sử cổ đại, những người phụ nữ vẫn đặt dấu ấn không ít. Đâu đó, bóng dáng những nữ hoàng Ai Cập vẫn thấp thoáng trong các hình khắc giữa những cây cột cao vút dưới ánh nắng hoàng hôn sông Nile ở đền Kom Ombo, Abu Simbel, những bức tường sống động hay hàng tượng ở đền thờ Luxor, Karnak, những bức phù điêu hay những tượng nhân sư giữa Bảo tàng Ai Cập.
Từ Hatshepsut-người phụ nữ luôn khẳng định vị trí của mình là một pharaoh đích thực, đến Cleopatra-người đàm phán với La Mã và thắp sáng nền văn minh phương Đông. Đấy là thứ màu sắc của những người phụ nữ đứng ra lựa chọn thay vì để bị lựa chọn. Tự bản thân họ đã là những vị thần.
Một anh chàng chủ một tiệm hương liệu nổi tiếng chợ Khan el-Khalili - ngôi chợ lâu đời nhất Trung Đông - nói rằng: Những loại nước hoa nổi tiếng, trong đó có mùi hương nền của Chanel No5, đều là các công thức từ Cleopatra VII ghi lại. Cứ tin là thế đi, dù có thể đấy chỉ là mánh khóe của những tay buôn bán truyền đời vài trăm năm.

Chỉ tại Hollywood, nên người ta nghĩ Cleopatra mải yêu đương đắm say và phù phiếm. Chúng ta dễ bị những thứ tô vẽ ấy đánh lừa, cũng như mải miết tin vào chuyện tình tay ba giữa Cleopatra - Caesar - Mark Antony, mà quên rằng người phụ nữ ấy phải bản lĩnh thế nào mới lèo lái nổi Ai Cập, vào thời kỳ đế chế này đã suy tàn. Cleopatra thành thạo chín ngôn ngữ, am tường triết học và được xem là nhà cai trị có học vấn nhất thời bấy giờ. Dù có nguồn gốc Hy Lạp, nhưng bà tiếp nhận văn hóa Ai Cập, tự nhận mình là thần Isis tái sinh, phục dựng đền đài, kiểm soát toàn bộ kinh tế Ai Cập với các mặt hàng xuất khẩu chiến lược như ngũ cốc, papyrus (giấy cói) và dầu thơm. Dù kết cục của bà là bi kịch, Cleopatra vẫn là nữ hoàng cuối cùng và là người giữ cho
Ai Cập độc lập trước khi trở thành tỉnh của La Mã. Dù dòng máu Hy Lạp cũng cản trở Cleopatra trong công cuộc được công nhận là một nữ hoàng Ai Cập đích thực, nhưng làm gì có Cleopatra nào bị đặt vào hoàn cảnh đầy sóng gió như “nữ hoàng số 7”?
Đi từ Cairo xuống phía nam, anh bạn dẫn đường kể nhiều về Hatshepsut hơn cả. Ở ngay hành lang chính Bảo tàng Ai Cập, bức tượng Hatshepsut bằng đá granite -
được khai quật từ lăng mộ KV60 - mang dáng vẻ một Sphinx (nhân sư) quyền lực, gắn râu giả, với lối phục trang như các nam pharaoh. Hatshepsut không phải nữ pharaoh đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, nhưng Hatshepsut là người đầu tiên dám đạp lên các quy định để giành ngôi vị pharaoh, ngay cả khi vương triều đó vẫn còn nam giới kế vị. Trong suốt hơn 21 năm trị vì, Ai Cập dưới tay “đứa con thần mặt trời Ra” - như bà tự nhận - không phải đối mặt với các cuộc binh đao. Đó là thời kỳ rực rỡ về thương mại, kiến trúc. Hàng hóa Ai Cập thậm chí vươn cánh tay tới cả vùng đất Punt (bây giờ là Somalia). Bà cũng cho xây dựng hàng loạt công trình tôn giáo. Chính bà là người khởi đầu cho hình thức mai táng phức hợp dưới lòng núi, tiền đề cho sự phát triển của Thung lũng các vị vua trong nhiều thế kỷ sau.
Ở một nền văn minh mà pharaoh được xem là hóa thân của thần thánh, việc những người phụ nữ có thể bước vào vị trí ấy là điều phi thường. Dấu ấn của Hatshepsut hay Cleopatra đều đến từ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không chờ đợi bất kỳ sắp đặt nào.