Những nét chấm phá chân dung
Hồ Chí Minh
qua lăng kính quốc tế

Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng chiến thắng của các dân tộc đang đấu tranh đòi lại tự do và sự công bằng trong các mối quan hệ quốc tế suốt những năm giữa thế kỷ XX. Thế giới ngưỡng mộ Người với sự trân trọng một Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi và là một tấm gương nhân cách văn hóa lớn.

Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới

Từ rất sớm, cách đây hơn 100 năm, khi cái tên Nguyễn Ái Quốc còn chưa trở nên quen thuộc, trong bài phỏng vấn Thăm một chiến sĩ cộng sản quốc tế đăng trên tạp chí Tia lửa nhỏ, ngày 23/12/1923, nhà thơ, nhà báo Liên Xô Oxip Mandenxtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ nền văn hóa của tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy được sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[1]. Không chỉ trên lĩnh vực chính trị, sức lan tỏa “văn hóa tương lai” của Hồ Chí Minh đã vươn rộng trên phạm vi thế giới. Lịch sử đã ghi nhận điều đó. Oxip Mandenxtam là một trong những nhà báo đầu tiên phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc và đoạn trích trên sau này đã được các nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh dẫn lại nhiều lần.      

Dù nhiều năm tháng trôi qua, những đánh giá về Hồ Chí Minh phong phú và cũng thật khó tập hợp và hệ thống hóa được đầy đủ. Sau khi Hồ Chí Minh từ trần không lâu, một nhà nghiên cứu Mỹ đã viết: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại ngày nay - hơi giống Gandhi hơn giống Lenin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng, Ông là người bonsevic kỳ cựu và là một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (có điều gì xa lạ hơn đối với người nông dân bình thường?). Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của đời sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ… Người ta cảm thấy ở ông Hồ một sự tự tin: mình là ai, cái mình đã làm, một niềm tin sâu sắc đến nỗi không khó khăn gì mà không làm cho nhân dân thấy được điều đó. Việc ông từ chối sự sùng bái cá nhân là đặc biệt chú ý trong cái xã hội kém phát triển, nơi mà trong một thời gian ngắn từ địa vị một nông dân nghèo lên địa vị đứng đầu Nhà nước, thường làm đề tài cho người ta dễ bàn tán xôn xao và gây ảnh hưởng nhiều hơn là những vật kỷ niệm do mình dựng lên”[2]. Một chi tiết nhỏ: Hồ Chí Minh đã 5 lần xuất hiệt trên trang bìa tạp chí Times. Chỉ riêng điều đó trên tờ báo hàng đầu của Hoa Kỳ cũng nói lên tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn của Người.

Thế kỷ XIX đã chứng kiến hàng loạt cuộc xâm lược thuộc địa của các nước tư bản thực dân. Thế kỷ XX chứng kiến sự trỗi dậy “giải thực dân” của hàng loạt nước đã từng là thuộc địa. Nhân dân Việt Nam đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh đó và Hồ Chí Minh là người đi đầu dẫn dắt nhân dân Việt Nam trên đường thắng lợi.

Ngài Romad Chandra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, trong dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của Người (1980) đã cảm thán: 
 “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tư do
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao
Bất cứ nơi nào chiến đấu cho hòa bình và công lý
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao
Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho thế giới mới, chống đói nghèo
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”[3].

Có thể thấy rõ sự trân trọng ngưỡng mộ và tình cảm thân thiết với Hồ Chí Minh từ những người đứng đầu các nước thuộc “thế giới thứ ba” đang vùng lên đòi sự công bằng cho dân tộc mình. 

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô La Habana (Cuba). Ảnh: Vũ Hà - Phóng viên TTXVN tại Cuba

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô La Habana (Cuba). Ảnh: Vũ Hà - Phóng viên TTXVN tại Cuba

Chủ tịch Cộng hòa Cuba Phidel Castro viết trong điện chia buồn khi Người mất: “Hồ Chí Minh thuộc lớp người đặc biệt mà cái chết gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.  Cũng Phidel phát biểu ở Hà Nội, ngày 15/9/1973: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến thuật và chiến lược trong sáng của Người một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết  những vấn đề của bản thân mình”[4].

Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Venkataraman viết: “Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà dân tộc chủ nghĩa tiêu biểu: qua phong cách lãnh đạo tài ba, Người đã lãnh đạo nhân dân mình tự giải phóng khỏi gông xiềng đế quốc, tạo dựng nên hình ảnh bất diệt trong trái tim khối óc của những người yêu nước Việt Nam.

Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu QĐND)

Tổng thống Rajendra Prasad và Thủ tướng J.Nehru đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, năm 1958, tại sân bay New Delhi. (Ảnh Tư liệu QĐND)

Người còn là một người có tinh thần quốc tế chủ nghĩa tuyệt vời: sống hết mình cho niềm tin cuộc sống của những dân tộc anh em khác, vì những mục đích cao cả của loài người trên khắp năm châu lục. Người là nguồn động lực và khát vọng cho tất cả những ai yêu hòa bình trên thế giới trong mọi thời đại”[5].

Tổng thống Angieri Abudul Aziz Boutiflika ghi trong Sổ cảm tưởng sau khi thăm nhà sàn giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Qua chuyến viếng thăm cùng với những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi lại càng tự hào và đánh giá cao sự khiêm nhường, giản dị và thanh cao của Con Người đã suốt đời trung thành với những nguyên tắc của mình. Chúng tôi xin khẳng định chắc chắn rằng, cuộc đời Con Người vĩ đại này sẽ còn sống mãi, bất diệt trong ký ức của dân tộc mình. Người còn là nguồn hy vọng và ngọn đuốc cho các dân tộc đang đấu tranh vì một thế giới ở đó có an ninh, công bằng và sự nghiệp tự do, tiến bộ và thịnh vượng”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư

Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này”[7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trại hè thiếu nhi của con em cán bộ, công nhân ngành thực phẩm Armenia ở Liên Xô, ngày 22 tháng 7 năm 1959

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trại hè thiếu nhi của con em cán bộ, công nhân ngành thực phẩm Armenia ở Liên Xô, ngày 22 tháng 7 năm 1959

Đồng chí Gus Hall, Tổng Bí thư, đã có nhận xét về Hồ Chí Minh trong điện chia buồn ngày 17/9/1969 của Đảng Cộng sản Mỹ: “Đồng chí Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng lúc. Chính vì vậy mà đồng chí đã làm ra lịch sử.

Tầm vĩ đại tư tưởng của Người, nhãn quan sáng suốt nhìn xa, thấy rộng của Người chỉ có thể bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc về lực lượng thúc đẩy sự biến đổi có tính chất bùng nổ nhất trong toàn bộ công việc của loài người qua các thời đại lịch sử”[8].    

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga - tháng 11-1957. Ảnh Cục Lưu trữ Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga - tháng 11-1957. Ảnh Cục Lưu trữ Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga

Những dòng cảm xúc ngợi ca từ trái tim tương tự như vậy còn rất nhiều. Chỉ xin dẫn lại ý kiến của Tiến sĩ Modagad Atmad, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO trong bài viết tham gia Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Chí Minh (1990) đã nhấn mạnh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Nhận định này có tính bao quát và nói thay chúng ta nhiều điều về tầm vóc bao trùm của sự nghiệp và Tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trước hết và trên hết, Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh vì những cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhưng vượt khỏi biên giới Việt Nam, “tên Người là cả một niềm thơ” đã trở thành biểu tượng của các dân tộc đấu tranh giành lại những giá trị của mình.

Một nhân cách lớn, một tấm gương lớn

Năm 1953, trong cuốn hồi ký Một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Paris, Amyot-Dumont), ông Jean Sainterny - người  đại diện cho chính phủ Pháp tại Đông Dương trong những năm 1945-1946, đã viết “Ngay từ những xúc đầu tiên với Hồ Chí Minh, tôi đã có cảm tưởng rằng con người khắc khổ đó, với bộ mặt thể hiện đồng thời sự thông minh, mưu trí và tinh tế là một nhân vật thượng đẳng… Sự hiểu biết văn hóa rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng vô tư tuyệt đối đã làm cho uy tín của Người và lòng tin của nhân dân đối với Người không có gì sánh nổi. Những lời nói, những hành động, thái độ của Người, tất cả đều thuyết phục là Người không muốn dùng giải pháp bạo lực”[9].

Hồ Chí Minh đã toát lên những giá trị đạo đức, phong cách từ tấm gương trong sáng của Người. Những di sản ấy để lại những ấn tượng sâu sắc trong ký ức, tình cảm và nhận thức của nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè trên thế giới. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các chính khách đều thể hiện sự ngưỡng một nhân cách lớn, một phong cách đặc biệt Hồ Chí Minh. Cả những người từ phía đối phương cũng dành cho Người nhiều sự tôn trọng và những lời ca ngợi.

Cố Tổng thống Indonesia Soekarno che ô cho Hồ Chủ tịch tại Bandung, nhân chuyến của Người năm 1959

Cố Tổng thống Indonesia Soekarno che ô cho Hồ Chủ tịch tại Bandung, nhân chuyến của Người năm 1959

Sang Việt Nam gặp Hồ Chí Minh trong rừng Việt Bắc từ đầu năm 1954, nhà làm phim Roman Cacmen viết: “Suốt đời mình Hồ Chí Minh luôn có một ước ao cháy bỏng là Việt Nam sẽ giành được tự do và độc lập trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho cuộc đấu tranh này”[10]. Nhà đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Liên Xô kể lại: “Chúng tôi không thể tả xiết ngạc nhiên của mình khi nhìn thấy ngôi nhà lá đơn sơ và cuộc sống bình dị của Người.

- Tôi đã quen sống như thế này rồi - Người nói”[11]. “Hồ Chí Minh rất giản dị và khiêm nhường. Từ chối không cần có thư ký riêng, ông tự đọc qua tất cả các thư tín gửi đến, tự phúc đáp, tự đánh máy các bài viết của mình. Người thường có những buổi đi bộ dài ngày, xuống núi, đơn giản chỉ để gặp gỡ trò chuyện với những người nông dân, trên đồng lúa. Người cười vui khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện gặp hổ trong đêm”[12].   

Thủ tướng Pháp Georges Bidault đón tiếp trọng thể Bác Hồ hồi tháng 7-1946.(Ảnh Tư liệu từ tennguoidepnhat.net)

Thủ tướng Pháp Georges Bidault đón tiếp trọng thể Bác Hồ hồi tháng 7-1946.(Ảnh Tư liệu từ tennguoidepnhat.net)

Trong dịp Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ năm 1958, trong tiệc chiêu đãi Người, ngày 7/2/1958, Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru nói với các quan khách: “Chúng ta được tiếp xúc với một người, Người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc. Được gặp Người ấy, một con người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn… Thật là một điều hân hạnh được gặp con người vĩ đại và có sức hút  mãnh liệt đối với chúng ta. Mặc dù trong thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Bác Hồ, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người… tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả…”[13]. Những tình cảm đó của Nehru không hề phai nhạt. Khi Hồ Chí Minh từ trần, Thủ tướng J. Nehru có bài viết trên báo Người yêu nước (Ấn Độ) ngày 14/9/1969. Trong bài có những dòng: “Người không chỉ là một con người yêu hòa bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người không giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, Người là một con người quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết nhất xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào. Người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”[14].

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong tại chiến khu Việt Bắc năm 1951. (Ảnh tư liệu tại Triển lãm 'Tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào' ở TP.HCM)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong tại chiến khu Việt Bắc năm 1951. (Ảnh tư liệu tại Triển lãm 'Tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào' ở TP.HCM)

Tiến sĩ sử học E. Kobelev, người Nga, tác giả cuốn sách Đồng chí Hồ Chí Minh - tiếng Nga (1978), được dịch ra tiếng Việt (1985), tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác, được tái bản nhiều lần với trên 200.000 bản in, đã viết: “Hồ Chí Minh là một trong những vị lãnh tụ cách mạng, mà khi Người còn sống, tên tuổi đã được hàng triệu người biết đến, và trở thành huyền thoại. Mọi người khâm phục Người, đã nói về Người và mỗi người đều nhận thấy nét đặc trưng nổi bật trong hình ảnh của Người. Indira Gandhi (Ấn Độ) đã gọi Hồ Chí Minh “là một nhà lãnh đạo mềm dẻo mà vĩ đại và kiên định”, Rotney Arixmendi (Urugoay) coi Hồ Chí Minh “là biểu tượng cho sự uyên bác cộng sản chủ nghĩa ở châu Á”. Sanvado Agiende (Chi Lê), năm 1971 đã trả lời câu hỏi của một nhà báo: Ba phẩm chất của các nhà hoạt động chính trị mà ông muốn có như thế nào? Đó là: Nhất quán, nhân đạo, khiêm tốn cao cả của Hồ Chí Minh. Còn ở Liên Xô, người ta gọi Hồ Chí Minh là “hiệp sĩ cách mạng”, và từ những từ này thể hiện sự khâm phục đối với ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, bất khuất của người chiến sĩ và đồng thời tính giản dị và nhân đạo của Người”[15].       

Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa nhịp cùng các thanh niên Kazakhstan trong vũ điệu dân tộc, tháng 7 năm 1959

Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa nhịp cùng các thanh niên Kazakhstan trong vũ điệu dân tộc, tháng 7 năm 1959

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản - người đồng chí, người bạn chiến đấu thủy chung, ngày 18/5/1990, đã ghi trong Sổ cảm tưởng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại. Sự vĩ đại đó không chỉ được khẳng định bằng sự nghiệp cách mạng cao cả của Người mà còn được minh chứng bằng lối sống thanh bạch, giản dị. Đây là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà tất cả các nhà lãnh đạo Lào chúng tôi đều noi theo”[16].

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã đặt nền tảng cho quan hệ phát triển Việt Nam-Triều Tiên

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã đặt nền tảng cho quan hệ phát triển Việt Nam-Triều Tiên

Với tinh thần khoan dung văn hóa chân thành, cởi mở và ấm áp, với phong cách ung dung, gần gũi, hóm hỉnh và sắc sảo thông minh, Hồ Chí Minh đã tạo ra một sức cảm hóa lớn. Nụ cười nồng ấm và bàn tay thân thiện của Hồ Chí Minh đã xóa nhòa mọi ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ và cả những khác biệt về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội để đạt tới sự cảm thông và thấu hiểu, cả với những người mới lần đầu gặp Người, cả với những người còn chưa được gặp Người.

Một trong những điều làm nên sự vĩ đại của Hồ Chí Minh chính là sự khiêm tốn tuyệt vời của Người. Lời giới thiệu cuốn sách Hồ Chí Minh - Việt Nam - Á châu của Paul Mus, đặc phái viên của Cao ủy Pháp Bollaert đầu tháng 5/1947 ở Việt Bắc, viết: “Cái vĩ đại nhất của Hồ Chí Minh chính là cái sự bình thường của ông… Cụ Hồ đúng là một kiểu người Việt Nam gắn bó với quê hương, mang nặng tinh thần gia đình, quan tâm đến mùa màng và hết lòng vì tập thể.

Ông chỉ bình thường là người tiêu biểu nhất, sáng suốt nhất trong những người dân nước ông - những người ngang hàng chứ không phải là thần dân của ông.
… Cụ Hồ nổi lên như là người Á châu nhất của Á châu nhưng lại là người dễ tiếp xúc nhất với tinh thần của châu Âu.
Cụ là người đã đem lại sự kiêu hãnh và sức mạnh cho lục địa này”
[17].     

Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Voroshilov K.E, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ở Tbilisi, Gruzia, ngày 21-7-1959. Ảnh Sputnik.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Voroshilov K.E, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ở Tbilisi, Gruzia, ngày 21-7-1959. Ảnh Sputnik.

Tổng thống Liên bang Nga V. Putin trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11/2013, đã viết trong sổ lưu niệm tại nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”. Lời đánh giá này khá cô đọng và toàn diện nhưng điều thú vị là nhận xét của một Tổng thống gần như trùng với nhận xét của một nhà báo, nhà thơ trước đó gần 100 năm. Điều này minh chứng cho tầm vóc, giá trị và sự trường tồn của tấm gương Hồ Chí Minh - một tấm gương có thể phản ánh cả tương lai.

Thế giới đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm bài tạp chí, hàng ngàn bài báo viết về Hổ Chí Minh. Các tác giả viết về Người cũng rất đa dạng: các vị lãnh đạo, các chính khách, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, triết học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên, các nhà phân tích và bình luận quốc tế v v. Mỗi tác giả nhìn nhận và đánh giá về Hồ Chí Minh trên một góc nhìn khác nhau, bằng những cảm nhận và suy luận khác nhau, mặc dù vậy Hồ Chí Minh đã tỏa sáng từ tất cả những gì Người toát lên - từ tư tưởng cho đến phong cách, từ sự nghiệp cho đến tính cách, đạo đức. Thế giới đã nhiều đổi thay nhưng những giá trị nhân văn Hồ Chí Minh để lại vẫn được nhân loại trân trọng tưởng nhớ và lưu giữ.

Tác giả: Hồng Minh, Tuyết Loan, Vương Anh
Trình bày: Anh Tuấn
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN, Internet