
Tiến sĩ Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Tiến sĩ Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Với thế mạnh về cảnh quan độc đáo, giá trị văn hóa-lịch sử đặc sắc và tầm nhìn phát triển bền vững, du lịch Ninh Bình đang khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh liên tục bứt phá, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch quốc tế với lượng khách tăng trưởng ấn tượng, doanh thu cao, dịch vụ được nâng cấp đồng bộ và đặc biệt chú trọng đến bảo tồn di sản.
Nhằm làm rõ hơn những thành tựu nổi bật, định hướng chiến lược cũng như các giải pháp thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số, phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi phỏng vấn với Tiến sĩ Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.


Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thương hiệu du lịch Ninh Bình ngày càng được khẳng định, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Năm 2024, du lịch Ninh Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 8,7 triệu lượt khách, tăng hơn 30% so với năm 2023. Trong đó, khách nội địa chiếm 7,2 triệu lượt và khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch ước đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Ninh Bình đã liên tục được các tổ chức quốc tế xếp hạng cao, như được "Trips to Discover" (Mỹ) liệt kê trong 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á, hoặc Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp vào top 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Ninh Bình còn đạt Giải thưởng Du lịch thế giới, được chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Đặc biệt, Ninh Bình vinh dự được Forbes xếp vào danh sách những điểm đến đáng đến nhất thế giới.
Trong ba tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đón hơn 4,4 triệu lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 535 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (từ ngày 25/01 đến 02/02/2025), toàn tỉnh đón 700.490 lượt (tăng 17% so với năm 2024) trong đó có 130.723 lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt gần 1.100 tỷ đồng, tăng gần 29% so với dịp Tết Nguyên đán 2024, công suất sử dụng buồng bình quân đạt 80-85%; Ninh Bình thuộc top 8 tỉnh có doanh thu cao nhất cả nước (đứng sau Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai).
Để đạt được những kết quả nổi bật, ấn tượng trên, ngành du lịch Ninh Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng các chiến lược và chính sách để thu hút du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể:
Một là, đầu tư vào hạ tầng du lịch: Ninh Bình đã tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối các điểm du lịch, giúp du khách thuận tiện hơn trong việc di chuyển.
Hai là, tăng cường quảng bá du lịch: Ngành du lịch đã tổ chức tham gia nhiều hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng truyền thông số, chuyên trang du lịch.
Bên cạnh tăng trưởng về số lượng khách, Ninh Bình tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ba là, chú trọng chất lượng du lịch: Bên cạnh tăng trưởng về số lượng khách, Ninh Bình tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ, sự chuyên nghiệp trong công tác đón tiếp phục vụ khách du lịch; phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường. Điều này thu hút đặc biệt khách quốc tế yêu thích thiên nhiên và văn hóa địa phương.
Bốn là, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực: Ninh Bình chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, từ hướng dẫn viên đến các nhân viên khách sạn, nhà hàng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Năm là, chuyển đổi số trong du lịch: Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách và cải thiện công tác quản lý của ngành.
Đến năm 2045, Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong top 10 điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch sẽ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội. Đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách, trong đó 2,5-3 triệu khách quốc tế và 10 triệu khách nội địa. Đến năm 2045, Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong top 10 điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Ngành đã và đang triển khai “đa nhiệm vụ”, “đa giải pháp” với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, trong đó: Đẩy mạnh xã hội hóa; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có cơ chế, chính sách để huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu lớn đầu tư các khu dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm, giải trí.
Nghiên cứu thị trường xúc tiến, quảng bá-liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành.
Thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động quản lý, xúc tiến quảng bá, kinh doanh du lịch, góp phần đẩy mạnh thu hút khách và doanh thu từ du lịch.


Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống thông tin số để nâng cao trải nghiệm du khách và quản lý du lịch hiệu quả, bao gồm:
Thứ nhất, ứng dụng di động cho du khách: Các điểm đến đã phát triển ứng dụng di động cung cấp thông tin chi tiết về điểm tham quan, dịch vụ, và các tính năng đặt vé, thanh toán trực tuyến, giúp du khách lập kế hoạch thuận tiện hơn.
Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng Công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống thông tin số để nâng cao trải nghiệm du khách.
Thứ hai, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR): Tỉnh đã ứng dụng công nghệ VR và AR tại một số điểm du lịch như Tràng An và Tam Cốc-Bích Động, giúp du khách khám phá các điểm đến một cách sống động trước khi đến.
Thứ ba, hệ thống thông tin số và quản lý dữ liệu: Sở Du lịch đã xây dựng hệ thống thông tin số, triển khai Tổng đài hỗ trợ khách du lịch trực tuyến và lắp đặt trạm hỗ trợ du khách tại các khu du lịch lớn của tỉnh.
Thứ tư, hướng dẫn viên du lịch ảo và Chatbot AI: Ninh Bình triển khai phần mềm hướng dẫn viên du lịch ảo và Chatbot AI để hỗ trợ du khách trong việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ năm, quảng bá và tiếp thị số: Ninh Bình tích cực quảng bá trên các nền tảng số, giúp tiếp cận đối tượng khách hàng rộng rãi và đa dạng như Website: sodulich.ninhbinh.gov.vn – dulichninhbinh.com.vn; App du lịch: Ninhbinhtourism.infor; Kênh Ấn tượng du lịch Ninh Bình trên Facebook và Youtube.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên luôn được xác định là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy, từ năm 2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, với định hướng đến năm 2030. Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 07, ngày 17/7/2009, để thực hiện Nghị quyết này, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố triển khai hiệu quả.
Công tác lập quy hoạch phát triển du lịch được chú trọng, hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, ngày càng hoàn thiện kết nối với các khu, điểu du lịch trong tỉnh và các tuyến đường quốc lộ. Hoạt động du lịch và dịch vụ dần được tổ chức, quản lý theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
Về những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên đó là: Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên gắn liền với phát triển du lịch. Các nghiên cứu khảo cổ học đã chỉ ra rằng cách đây hơn 30.000 năm, con người đã sinh sống, khai phá và thích ứng với những thay đổi môi trường và khí hậu khắc nghiệt.
Các giá trị văn hóa và thiên nhiên của Ninh Bình, như văn hóa lúa nước, văn hóa làng xã, các lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, và các công trình kiến trúc lịch sử như Cố đô Hoa Lư, Quần thể Danh thắng Tràng An, Khu du lịch Kênh Gà-Vân Trình, Khu sinh thái Vân Long, và Vườn quốc gia Cúc Phương, đã được bảo tồn và phát huy qua các thế hệ.
Tỉnh Ninh Bình đã tập trung xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cấp các điểm du lịch, như đường giao thông, nhà vệ sinh công cộng, và kiểm tra, đánh giá chất lượng môi trường, cảnh quan. Công tác bảo vệ tài nguyên du lịch, rừng đặc dụng và động vật hoang dã luôn được giám sát chặt chẽ. Các điểm du lịch cũng chú trọng nâng cao chất lượng tour, tuyến hiện có và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách qua các hoạt động văn hóa, âm nhạc, lễ hội như Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Tuần Du lịch "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An", concert Chân trời rực rỡ của ca sỹ Hà Anh Tuấn…
Tỉnh cũng triển khai nhiều đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư" giai đoạn 2021-2030, hay nghiên cứu khảo cổ học tại các khu di tích quan trọng. Đồng thời, tỉnh đã thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy bền vững các di tích, nhờ vào sự phối hợp giữa ngân sách tỉnh, các cấp và nguồn vốn xã hội hóa.
Tỉnh cũng triển khai nhiều đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Đồng thời, cách thức kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch như:
Thứ nhất, chính sách phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên được tỉnh Ninh Bình xác định rõ ràng trong các nghị quyết và kế hoạch dài hạn. Các chủ trương này không chỉ khuyến khích sự tham gia của các cơ quan chức năng mà còn huy động được sự vào cuộc của cộng đồng địa phương. Một số nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 02-NQ/TU về bảo tồn Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch và Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của tỉnh.
Thứ hai, việc bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên luôn được kết hợp với phát triển du lịch theo hướng bền vững. Du lịch phát triển gắn với bảo vệ không gian di sản, bảo tồn môi trường, đồng thời bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Việc phát triển du lịch luôn được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm không ảnh hưởng đến giá trị của di sản.
Thứ ba, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, như các tập quán canh tác, sinh hoạt và các lễ hội, luôn được gắn kết với công tác bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Truyền thống bảo vệ và gìn giữ di sản đã ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng, là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ các giá trị này.
Thứ tư, tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò cộng đồng trong việc quản lý và bảo vệ di sản. Người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch, đồng thời tham gia vào công tác bảo tồn và phát triển di sản, tạo động lực phát triển kinh tế.
Thứ năm, tỉnh cũng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với văn hóa địa phương, như các tour trải nghiệm không gian văn hóa tiền sử, du lịch nông nghiệp tại Tam Cốc, hay các hình thức du lịch homestay kết hợp với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cộng đồng.
Việc phát triển du lịch luôn được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm không ảnh hưởng đến giá trị của di sản.
Việc phát triển du lịch luôn được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm không ảnh hưởng đến giá trị của di sản.
Thứ sáu, tỉnh Ninh Bình chú trọng hợp tác công-tư và hợp tác quốc tế để phát triển du lịch bền vững. Các đối tác quan trọng trong mô hình này gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các nhà khoa học. Thành công trong việc bảo tồn và phát triển Quần thể Danh thắng Tràng An là một minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các bên, được công nhận và đánh giá cao từ UNESCO và các tổ chức quốc tế.
Để nâng cao vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ban hành: Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch; Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/07/2023 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Các nghị quyết này đã được triển khai hiệu quả, bước đầu hỗ trợ kịp thời các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khuyến khích các đơn vị tham gia xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao công tác quảng bá và xúc tiến du lịch Ninh Bình. Đồng thời, các đơn vị cũng đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, nhân viên theo chính sách của Nghị quyết.
Từ khi Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/07/2023 của Hộ đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023=2030 được ban hành đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ tổng kinh phí là hơn 623 triệu đồng cho 63 lượt cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh.
Ngành du lịch Ninh Bình, mặc dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết để duy trì và phát triển bền vững, cụ thể như chưa phát huy hết tiềm năng du lịch văn hóa và lịch sử. Mặc dù Ninh Bình có nhiều di tích lịch sử, văn hóa phong phú, nhưng chưa khai thác các giá trị để phát triển các sản phẩm du lịch mang chiều sâu văn hóa.
Du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển trong bối cảnh chịu sức ép lớn về trách nhiệm bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường du lịch.
Du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển trong bối cảnh chịu sức ép lớn về trách nhiệm bảo tồn các giá trị di sản, tài nguyên môi trường du lịch. Môi trường du lịch ở tỉnh Ninh Bình có nguy cơ bị ảnh hưởng và ô nhiễm bởi các hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội và của các hoạt động du lịch. Thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu về kỹ năng, nghề (cả đại học, cao đẳng và đào tạo nghề)...
Một số giải pháp:
- Cần xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc, kết hợp với các hoạt động giáo dục, trải nghiệm để thu hút du khách quan tâm đến lịch sử và văn hóa địa phương. Tạo dựng các lễ hội, sự kiện văn hóa nhằm tăng cường sự hiện diện của Ninh Bình trên bản đồ du lịch quốc tế.
- Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản và các giá trị văn hóa.
- Xây dựng chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao về làm việc tại tỉnh; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để nâng cao chất lượng; tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ du lịch.
- Xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh các sản phẩm du lịch thăm quan thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, văn hóa, trong tương lai, tỉnh Ninh Bình đang xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách và nâng cao khả năng cạnh tranh của địa phương. Dưới đây là một số kế hoạch phát triển du lịch nổi bật:
Du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên: Tỉnh sẽ phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các khu bảo tồn như Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu sinh thái Vân Long, và Quần thể danh thắng Tràng An. Du khách sẽ có cơ hội tham gia vào các hoạt động như trekking, thám hiểm động vật hoang dã, du lịch môi trường, hoặc các hoạt động học hỏi về bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái.
Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp: Tỉnh cũng hướng đến phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với chăm sóc sức khỏe và spa. Các dự án này sẽ tập trung vào việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng sang trọng bên bờ các hồ, suối, và các khu vực có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp để thu hút khách du lịch cao cấp và khách quốc tế.
Du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề: Tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động truyền thống của người dân địa phương như dệt vải, làm gốm, hoặc tham gia vào các công việc hàng ngày của làng nghề. Điều này không chỉ giúp bảo tồn các nghề truyền thống mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và sâu sắc về văn hóa địa phương.
Du lịch kết hợp với sự kiện và lễ hội: Các lễ hội và sự kiện sẽ được nâng cấp và phát triển để thu hút du khách, chẳng hạn như Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, và các sự kiện thể thao, âm nhạc, hoặc ẩm thực. Tỉnh Ninh Bình cũng dự định tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, hội chợ, và hội thảo quốc tế để nâng cao sự hiện diện của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ninh Bình - Vùng đất di sản, nơi văn hóa, thiên nhiên và con người hòa quyện tạo nên những trải nghiệm độc đáo và khó quên. Chúng tôi luôn chào đón các bạn đến khám phá vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương và những địa danh đặc sắc khác. Mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi lễ hội truyền thống hay nụ cười thân thiện của người dân nơi đây sẽ mang đến cho các bạn những cảm xúc tuyệt vời.
Với định hướng chiến lược nhất quán phát triển bền vững và sự chú trọng đến bảo tồn di sản, du lịch Ninh Bình cam kết sẽ luôn mang đến cho các bạn những trải nghiệm không chỉ đáng nhớ mà còn ý nghĩa, kết nối bạn với những giá trị văn hóa, thiên nhiên đích thực của vùng đất này.
Trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững. Chúng tôi rất mong muốn du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm, và cùng chung tay gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của vùng đất này. Hãy đến và cảm nhận “Ninh Bình-tuyệt sắc miền Cố đô”
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
----------------
Ngày xuất bản: 16/5/2025
Thực hiện: VĂN LÚA
Trình bày: XUÂN BÁCH - NGỌC DIỆP
Ảnh: YẾN TRINH