Vòng luẩn quẩn
Tại quận Meerut, miền bắc Ấn Độ, cách New Delhi khoảng 100 km, năm 2023, anh Mohsin đã vay khoảng 1.440 USD thông qua chương trình Thẻ tín dụng nông dân (Kisan Credit Card-KCC) do chính phủ triển khai. KCC vận hành như một thẻ tín dụng thông thường, cho phép rút tiền mặt. Tuy nhiên, thay vì dùng số tiền này để trồng mía hay mua phân bón, Mohsin lại dùng để lo hồi môn cho chị gái theo yêu cầu của gia đình nhà trai, hãng thông tấn Al Jazeera đưa tin.
Đám cưới dự kiến diễn ra vào năm 2025, nhưng cuối cùng bị hủy do những đòi hỏi về hồi môn ngày càng tăng mà gia đình Mohsin không thể đáp ứng. Khi đó, anh đã lún sâu vào nợ nần, không còn khả năng trả góp, cũng như không có vốn để đầu tư gieo trồng hay mua sắm thiết bị nông nghiệp. Theo quy định, nếu khoản vay không được thanh toán đúng chu kỳ mùa vụ, lãi suất sẽ tăng từ 4% lên 7%. Và anh càng trì hoãn trả nợ, thì nguy cơ khoản vay có thể bị phân loại là tài sản không sinh lời (NPA) càng cao, làm tổn hại đến xếp hạng tín dụng và khả năng vay trong tương lai của anh.
Ra mắt vào năm 1998, sáng kiến KCC nhằm mục đích hiện đại hóa tín dụng nông thôn bằng cách cung cấp khoản vay ngắn hạn, lãi suất thấp cho nông dân để chi trả chi phí sản xuất, thay thế tín dụng phi chính thức và các tổ chức cho vay nặng lãi. Dựa trên quyền sở hữu đất đai, KCC vận hành như một hạn mức tín dụng luân chuyển, cho phép nông dân vay vào đầu vụ mùa và thanh toán sau khi thu hoạch. Với lãi suất thấp chỉ 4%/năm, đây công cụ tài chính ưu đãi, dễ tiếp cận đối với hàng triệu nông dân.
Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm qua, chương trình đã dần bị sử dụng sai mục đích. Ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là phía bắc Ấn Độ, nơi thu nhập từ nông nghiệp không đủ nuôi sống gia đình, nông dân bắt đầu dùng khoản vay KCC chi trả cho đời sống, tiêu dùng - một lựa chọn tiện lợi nhưng đầy rủi ro.
Sau khi gia đình Mohsin chọn được chú rể khác và yêu cầu hồi môn mới được thương lượng, khả năng lớn là Mohsin sẽ lại cần thêm tiền mặt. Tuy nhiên, anh không thể được cấp khoản vay KCC mới cho đến khi thanh toán khoản vay trước đó. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là nhờ các trung gian địa phương giúp trả lãi cho khoản vay hiện tại và gia hạn khoản gốc dưới dạng khoản vay mới. Đổi lại, những trung gian này tính lãi “cắt cổ” từ 2% đến 5 % mỗi ngày, khiến nợ nần ngày càng chất chồng.
Không có gì ngạc nhiên khi theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nợ xấu ở Thẻ tín dụng cho nông dân đã tăng tới 42% trong vòng bốn năm qua.
“Bẫy nợ” chực chờ
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, năm 2020 khoảng 20% nông dân Ấn Độ vẫn được xếp ở “dưới mức nghèo khổ”. Ngược lại, “nông dân giàu có” - có thể kiếm được hơn 2,5 triệu Rupee hằng năm (tương đương khoảng 760 triệu đồng) - chỉ chiếm 8% dân số làm nông nghiệp, theo khảo sát trên tờ Kinh tế tiêu dùng Ấn Độ năm 2024.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Quốc gia Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NABARD) cho thấy trung bình một gia đình nông dân chỉ kiếm được 4.500 Rupee (khoảng 1,3 triệu đồng) một tháng từ nghề nông, cộng với thu nhập từ các công việc phi nông nghiệp khác, một hộ gia đình nông dân chỉ kiếm được 13.600 Rupee (hơn 4 triệu đồng) một tháng, tức là chỉ 445 Rupee (khoảng 135.000 đồng) một ngày. Mức này thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu do chính phủ quy định đối với lao động không có tay nghề ở Ấn Độ, là 783 Rupee (gần 240.000 đồng) một ngày.
Mặt khác, nông dân nhận được sự hỗ trợ hạn chế của nhà nước cho các chi phí cá nhân đột xuất như viện phí, học phí, nghĩa vụ xã hội. Chi tiêu công cho y tế của Ấn Độ thuộc hàng thấp nhất thế giới, luôn dưới 2,5 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nguồn lực hạn chế gây áp lực đáng kể cho các hộ nghèo trong trường hợp cấp cứu y tế. Ông Mohammad Mehraj, nguyên trưởng làng Kaili Kapsadh, nơi có đa số dân theo đạo Hồi, cho biết: “Làm nông hầu như không đủ sống. Nếu phải đi cấp cứu hoặc cưới xin, gánh nặng là quá lớn”.
Trong hoàn cảnh đó, họ buộc phải dựa vào tín dụng phi chính thức hoặc các khoản vay nông nghiệp để giải quyết những trường hợp khẩn cấp trong cuộc sống. Khi nông dân buộc phải vay tiền để đáp ứng các nhu cầu cơ bản thay vì đầu tư cho phát triển sẽ dẫn đến vòng xoáy nợ nần. Một nghiên cứu năm 2024 được công bố trên tạp chí Pharma Innovation, chỉ ra rằng chỉ một phần nhỏ các khoản vay KCC được sử dụng đúng mục đích. Khoảng 28% người dân dùng Thẻ tín dụng nông dân trả lời trong nghiên cứu thừa nhận họ đã dùng tiền cho chi tiêu gia đình, trong đó 22% chi phí y tế, 14% cho giáo dục con cái và gần 10% cho các chi phí liên quan đến cưới hỏi.
Trong một cộng đồng nhỏ, gắn bó chặt chẽ, việc không trả được nợ là nỗi xấu hổ lớn đối với các hộ nghèo. Mohsin cũng sống trong nỗi sợ hãi tương tự. Cha anh, ông Kamil, người đứng tên khoản vay của gia đình nói “Tôi thà chết đói còn hơn để nhân viên ngân hàng gõ cửa nhà mình”. Để thoát khỏi tình trạng này, những người nông dân như Mohsin phải dựa vào các trung gian tính lãi cao, giúp họ gia hạn các khoản vay KCC mà không phải trả nợ gốc.
Thomas Franco, nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn cán bộ ngân hàng Ấn Độ, cho biết, mặc dù các chương trình như KCC đã mở rộng quyền tiếp cận tín dụng cho nông dân, nhưng chúng cũng tạo ra bẫy nợ nguy hiểm. Vào mùa thu hoạch, nhiều nông dân, vốn đã gánh trên vai những khoản nợ cũ, lại buộc phải vay thêm. Các khoản vay nhằm mục đích đầu tư bị chuyển hướng để trang trải các chi phí cấp bách.
Đến năm 2024, theo dữ liệu chính thức của Chính phủ Ấn Độ, chương trình KCC đã giải ngân hơn 120 tỷ USD cho nông dân, tăng mạnh so với mức 51 tỷ USD vào năm 2014. Nhưng ông Franco cảnh báo những con số đó che giấu một thực trạng: “Các khoản vay được gia hạn hằng năm mà không thật sự trả nợ, trong sổ sách của ngân hàng nó được hiển thị là khoản giải ngân mới, nhưng thực tế người nông dân không nhận được tiền”.

Vẫn còn nhiều bất cập
Mùa màng thất bát, đời sống khó khăn, một số nông dân nghèo bị gánh nặng nợ nần đã chọn cách tiêu cực để giải thoát. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có những cải cách sâu rộng trong hệ thống an sinh cho nông dân, như chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, giáo dục chất lượng và cải cách cơ cấu nông nghiệp, thì các chương trình như KCC sẽ vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn.
Giáo sư Jayati Ghosh, nhà kinh tế phát triển tại Đại học Massachusetts Amherst, chỉ ra rằng hệ thống tín dụng hiện không đồng bộ với chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Các khoản vay thường yêu cầu hoàn trả ngay sau vụ mùa, nhưng nông dân cần vay trước khi gieo trồng và chỉ có thể trả nợ sau khi thu hoạch và bán hàng. “Việc buộc trả nợ trong khoảng thời gian hẹp đó là không thực tế, đặc biệt là khi nông dân không có sự hỗ trợ để cất trữ nông sản và chờ giá bán tốt hơn”, bà cho biết.
Bà cũng là người đồng chắp bút Báo cáo chính sách năm 2021 cho chính quyền bang Andhra Pradesh và đã nghiên cứu về tình trạng khó khăn của ngành nông nghiệp trong hơn ba thập niên. Bà nhận định: “Thất bại nằm ở Ngân hàng Quốc gia về Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NABARD), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) và chính phủ. Tín dụng nông nghiệp cần được trợ cấp, phân cấp và được thiết kế dựa trên các điều kiện thực tế. Tuy vậy tiền không phải là tất cả. Nếu không đầu tư vào thủy lợi, an ninh đất đai, nghiên cứu cây trồng ở địa phương, hạ tầng cất trữ và tiếp cận thị trường, thì các khoản vay cũng sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng này”.
Ông Dharmendra Malik, người phát ngôn của Liên minh Nông dân Ấn Độ đồng tình: “Không thể giải quyết được tình trạng khó khăn của nông nghiệp chỉ bằng các khoản vay dễ dàng. Cần đầu tư vào thủy lợi, hạ tầng cất trữ, giáo dục và bảo đảm giá cả cho nông sản”.