Bế mạc Trại hè Việt Nam 2025

Trại hè Việt Nam không chỉ là một chuyến đi mà là một hành trình nuôi dưỡng tình yêu quê hương, hình thành trách nhiệm và khát vọng đóng góp cho đất nước trong tương lai.

Các đại biểu tham dự Lễ bế mạc Trại hè Việt Nam 2025 chụp ảnh kỷ niệm.
Các đại biểu tham dự Lễ bế mạc Trại hè Việt Nam 2025 chụp ảnh kỷ niệm.

Tối 25/7, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ bế mạc chương trình Trại hè Việt Nam 2025.

Với chủ đề “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”, chương trình Trại hè Việt Nam 2025 thu hút sự tham gia của 110 đại biểu đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu đã cùng nhau trải qua 14 ngày, đi qua 10 tỉnh, thành phố, khám phá những vùng đất giàu bản sắc văn hóa và lịch sử; cùng nhau vun đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh: Việt Nam ngày nay đang vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - một đất nước độc lập, hội nhập, phát triển năng động và đổi mới toàn diện. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, chúng ta đã và đang tiếp tục viết nên câu chuyện hòa bình, phát triển và hội nhập, không chỉ cho dân tộc mình mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình khu vực và thế giới.

Năm 2025 là một dấu mốc lịch sử thiêng liêng, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025), kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Trại hè năm nay không chỉ là chuyến hành trình về nguồn mà còn là dịp để thế hệ trẻ kiều bào tri ân những hy sinh to lớn của cha ông, từ đó thêm tự hào và trách nhiệm với vận mệnh đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên cho biết, các em đã đặt chân đến những địa danh mang dấu ấn hào hùng của đất nước, từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đến Quảng Trị, Nghệ An, Ninh Bình và Hà Nội - những nơi gắn với truyền thống lịch sử vẻ vang và văn hóa đa dạng của dân tộc Việt Nam. Những trải nghiệm này đã để lại trong lòng các em ấn tượng sâu sắc và niềm tự hào mạnh mẽ về một Việt Nam tươi đẹp, đoàn kết và giàu truyền thống.

Trong hành trình Trại hè, các em đã dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ tại Quảng Trị... Đặc biệt, các em đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với cán bộ chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng.

ndo_br_bm2-3961.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên phát biểu tại buổi lễ.

Nhấn mạnh, Trại hè Việt Nam không chỉ là một chuyến đi mà là một hành trình nuôi dưỡng tình yêu quê hương, hình thành trách nhiệm và khát vọng đóng góp cho đất nước trong tương lai, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hy vọng, khi trở về, các em sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp, là cầu nối vững chắc giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và quê hương Việt Nam.

Chia sẻ tại lễ bế mạc, em Đặng Minh Tâm (kiều bào Ba Lan) cho biết, em cảm thấy rất may mắn và vinh dự khi tham gia Trại hè Việt Nam 2025; được đi một vòng Việt Nam, đến những vùng đất mới, khám phá những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương và thêm yêu đất nước mình hơn.

“Với em, Trại hè Việt Nam là cơ hội để em biết rõ hơn nguồn gốc của mình. Đây là cơ hội tuyệt vời để em hoàn thiện bản thân, nhất là khả năng nói tiếng Việt. Em đã tự tin và dũng cảm hơn khi phát biểu, nói chuyện bằng tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ mà em yêu thương. Trở về Ba Lan, em sẽ tự hào khi giới thiệu, lan tỏa tới bạn bè về quê hương em - một đất nước Việt Nam thân thiện, nhân ái và phát triển”, em Đặng Minh Tâm xúc động chia sẻ.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức Trại hè Việt Nam đã trao giải cho các thí sinh kiều bào đoạt giải trong Chương trình giao lưu tiếng Việt với chủ đề “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình” diễn ra ngày 23/7 trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam năm 2025.

Có thể bạn quan tâm