Khó khăn vướng mắc chủ yếu do quy trình, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH còn rườm rà, chồng chéo, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển NƠXH tại địa phương.
Thiếu nguồn cung vì thủ tục pháp lý kéo dài
Theo ông Nguyễn Phú Quý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhu cầu mua NƠXH của người dân là rất lớn nhưng thiếu quỹ đất sạch (chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng), thủ tục đầu tư, quy trình pháp lý rất phức tạp. “Để khởi công được 1 dự án NƠXH, chúng tôi thường mất hơn 2 năm mới hoàn thành thủ tục”, ông Quý thông tin.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng Mai Công Hồ cho biết, do đầu tư thấp, NƠXH không thể có chất lượng cao và đẹp như nhà ở thương mại. Vì dành cho người có thu nhập thấp cho nên phân khúc nhà ở sẽ thấp hơn, bởi vậy cũng không cần thiết bố trí NƠXH quá gần các khu trung tâm, khu đô thị cao cấp mà nên gần các khu công nghiệp, trường đại học, nằm ở những khu ít dân cư để giảm giá thành xây dựng, có thể bán rẻ được cho người lao động. Việc xây dựng NƠXH ở khu vực nội đô cũng tạo áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật. “Sau khi hoàn thiện 2 chung cư NƠXH tại Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy nhu cầu về NƠXH của người dân còn rất lớn. Thành phố cũng đã dành khá nhiều quỹ đất để xây dựng NƠXH cho nên chúng tôi sẵn sàng tiếp tục thực hiện các dự án khác nếu có chủ trương từ thành phố. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị các bước và kêu gọi đầu tư cần được triển khai nhanh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân”, ông Hồ chia sẻ.
Để có được các khu NƠXH chất lượng tốt, nâng cao đời sống người lao động, thành phố Đà Nẵng cần yêu cầu các chủ đầu tư phải thiết kế đầy đủ tiện ích, dịch vụ, kết cấu, không gian xanh; kiểm soát chặt chẽ vật liệu xây dựng, nhất là điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, thoát nước…; tạo điều kiện để nhà đầu tư chủ động trong chính sách bán hàng trên cơ sở quy định, yêu cầu của Nhà nước, địa phương. Việc đưa thông tin về quy hoạch, đầu tư, lộ trình xây dựng, điều kiện bắt buộc để được mua NƠXH phải thực hiện một cách công khai, minh bạch đến người dân giúp giảm chi phí, hạn chế nạn cò mồi, lừa đảo, tiêu cực, tham nhũng trong mua bán NƠXH. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải có công tác hậu kiểm, xem người mua có đúng đối tượng, có ở hay cho thuê, hay chỉ là người đứng tên hộ… Về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng được mua NƠXH Chính phủ chỉ quy định khung, còn cụ thể nên để địa phương quyết định tùy vào điều kiện, nhu cầu người dân và kế hoạch phát triển kinh tế địa phương để quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn.
Cần nhiều chính sách đột phá
Sau khi hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nhu cầu NƠXH tại Đà Nẵng tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2023 đã bỏ điều kiện về cư trú khi mua NƠXH, do đó các dự án NƠXH, nhất là các dự án tại khu vực trung tâm thành phố đều có số lượng hồ sơ đăng ký mua tăng cao, nhiều hơn số lượng mở bán. Qua kiểm tra, có rất nhiều trường hợp cư trú tại các địa phương khác đăng ký mua NƠXH tại Đà Nẵng, làm giảm cơ hội tiếp cận NƠXH của các trường hợp lao động đang cư trú tại thành phố có nhu cầu thật sự.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Lê Văn Tuấn, trước khi hợp nhất, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt 9 đồ án phân khu đô thị và 3 đồ án quy hoạch phân khu, bố trí đủ quỹ đất phát triển NƠXH; ban hành Quyết định số 1972/ QĐ-UBND ngày 25/6/2025 phê duyệt điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, theo đó đã phê duyệt 69 khu vực dự kiến phát triển NƠXH tổng diện tích khoảng 152 ha. Tỉnh Quảng Nam (cũ) trước hợp nhất đã xác định 30 vị trí phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích khoảng 105 ha. Như vậy thành phố Đà Nẵng hiện nay đã quy hoạch tổng cộng 99 vị trí xây dựng NƠXH với diện tích khoảng 257 ha, bảo đảm diện tích đất để triển khai đáp ứng nhu cầu NƠXH giai đoạn 2026-2030. Khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch phân khu chung, Sở Xây dựng thành phố sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất bố trí thêm quỹ đất xây dựng NƠXH đáp ứng nhu cầu sau khi hợp nhất.
Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 201/2025/ QH15 ngày 29/5/2025 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 192/2025/ NĐ-CP ngày 01/7/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển NƠXH.
Theo đó, NƠXH sẽ thực hiện giao chủ đầu tư không qua đấu thầu, không yêu cầu lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, không phải thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng (chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt), lồng ghép thủ tục thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng, góp phần rút ngắn thời gian triển khai dự án NƠXH ít nhất 350 ngày. Điều này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bảo đảm chỉ tiêu phát triển NƠXH theo đề án của Chính phủ.
Để Đà Nẵng thật sự là "thành phố đáng sống", việc tháo gỡ những rào cản trên con đường đến với NƠXH là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa giấc mơ an cư, góp phần xây dựng một Đà Nẵng không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn bền vững về an sinh xã hội.
(★) Xem phụ trương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, Báo Nhân Dân, số ra ngày 22/7/2025.