Diện mạo mới vùng Tứ giác Long Xuyên

Gần 30 năm kể từ khi kênh đào T5 thoát lũ ra biển hoàn thành, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên đã canh tác được hai đến ba vụ lúa/năm, góp phần tăng năng suất, đời sống ngày một nâng lên. Kế thừa thành quả đó, đến nay, người dân trong vùng đã chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp, theo hướng bền vững.

Nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên thu hoạch lúa.
Nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên thu hoạch lúa.

Sau sáp nhập, vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang và một phần thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích khoảng 490.000ha. Nơi đây được xem là một trong những vựa lúa lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tên đất hóa tên người

Tháng 4/1997, tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn (nay là xã Ba Chúc, tỉnh An Giang), kênh T5 khởi công sau nhiều lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp thị sát. Kênh T5 dài 48 km, nối từ kênh Vĩnh Tế qua các xã: Vĩnh Gia, Hòa Điền, Bình Giang,… đến kênh Rạch Giá-Hà Tiên rồi đổ ra biển Tây Nam.

Cùng với kênh T5, các kênh đào T4, T6 và một số tuyến kênh xương sống khác được hình thành mang “sứ mệnh” tháo chua, rửa phèn, chở phù sa cho toàn vùng. Ông Huỳnh Lộc Dũng (68 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lạc Quới cũ (nay là xã Ba Chúc) cho biết: Trước đây, vùng này đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng. Trên cánh đồng bao la toàn cây tràm, cỏ bàng, năn, sậy…, giá trị kinh tế thấp.

Để sinh sống, người dân đốn tràm chở đi các nơi khác bán. Một số người dân nhổ cỏ bàng phơi khô, đan thành các vật dụng mang đi bán trang trải cuộc sống. Mặc dù vùng này rất nhiều cá, nhưng bán không ai mua. Thời đó, đời sống người dân rất bấp bênh.

“Quyết sách đào kênh T5 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm thay đổi mọi thứ, mang lại ấm no cho người dân”, ông Dũng chia sẻ.

Kênh T5 rộng bình quân 30m ngang, sâu 3m, được thi công khoảng 200 ngày hoàn thành, giúp hàng trăm nghìn ha vùng Tứ giác Long Xuyên trở nên trù phú. Mùa mưa, kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây. Mùa hạn kéo dài, kênh T5 dẫn nước ngọt vào các cánh đồng để trồng lúa, cây ăn trái, nuôi cá.

Mang ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tỉnh An Giang xây dựng Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt kèm bức tượng, bên cạnh dòng kênh này. “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. “Uống nước nhớ nguồn” luôn là đạo lý ngàn đời của ông cha ta... Con kênh này giờ được người dân trong vùng gọi là kênh Ông Kiệt, tiếp nối kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, tiếp tục dòng chảy lịch sử 200 năm cuộn tràn trên vùng đất phương nam... ”, ông Dũng đọc rõ từng chữ giới thiệu với chúng tôi nội dung trên tấm bia.

Ông Huỳnh Ngọc Anh (70 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Ba Chúc khẳng định: Từ một vùng đất hoang hóa, trồng lúa mùa chỉ 5-7 giạ lúa/công, nay nơi đây làm được hai đến ba vụ lúa/năm, năng suất tăng gấp nhiều lần.

Tại kỳ họp thứ 14 năm 2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang thông qua nghị quyết đổi kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt. Như đã thành thông lệ, cứ đến 11/6 hằng năm, tại Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt, người dân mang hoa, quả, thức ăn làm tại nhà đến tổ chức giỗ người lãnh đạo mang lại cơm no, áo ấm cho người dân, với lòng thành kính sâu sắc. “Kênh Võ Văn Kiệt giờ là tài sản của người dân trong vùng”, ông Huỳnh Ngọc Anh tự hào.

Đất nghèo nở hoa

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa xanh rì nép sau bức tượng Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Ngọc Anh khoe: “4ha đất của tôi giờ màu mỡ hơn, trung bình 8-9 tấn lúa/ha/vụ và khoảng hơn 70 tấn lúa/năm. Nhờ có tiền, con cái tôi được ăn học đàng hoàng”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Thuận Phạm Thị Thu Hương khẳng định: “Đời sống người dân địa bàn nâng lên đáng kể nhờ trồng lúa hai đến ba vụ/năm. Nhiều người sắm sửa, xây nhà mới khang trang hơn. Toàn ấp 250 hộ, 952 khẩu, nay chỉ còn hai hộ nghèo”.

Còn Trưởng phòng Kinh tế xã Ba Chúc Lưu Đức Vũ cho biết, địa phương được sáp nhập từ xã Lạc Quới, xã Lê Trì và thị trấn Ba Chúc thành xã Ba Chúc, với diện tích 7.091ha, 7.044 hộ và 25.600 dân. Hơn 25 năm trước, ba xã này có tỷ lệ hộ nghèo gần 20%, nay chỉ còn 3,14%. Xuôi dòng kênh Ông Kiệt, chúng tôi gặp “tỷ phú chân đất” Trần Văn Nguyên (53 tuổi), ấp Lung Lớn, xã Hòa Điền đang cặm cụi kiểm tra sinh trưởng cây lúa.

Qua tìm hiểu được biết, chỉ hơn 10 năm chuyển từ xã Thoại Sơn về xã Hòa Điền lập nghiệp, ông Nguyên giờ có hơn 140 công đất ruộng, sắm ô-tô cả tỷ đồng. “Năm 2011, tôi bán 5 công đất màu mỡ ở Thoại Sơn qua đây mua 30 công đất. Nhờ hưởng lợi từ kênh Võ Văn Kiệt mà đất ở đây được xổ phèn, giúp trồng được hai vụ lúa/năm. Hiệu quả cải thiện liên tục qua từng năm, tôi đã mạnh dạn mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm”, ông Nguyên tâm sự.

Qua địa bàn xã Hòn Đất, chúng tôi bắt gặp năm đến sáu chiếc máy trình diễn cơ giới hóa thu hoạch lúa và xử lý rơm rạ trên cánh đồng của mô hình thí điểm thuộc đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, theo hướng bền vững.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Vinacam Lê Tấn Đức cho biết: Hợp tác xã tham gia đề án với diện tích 50ha cùng 10 thành viên. Qua thống kê, nông dân gieo sạ giảm từ 120kg lúa/ha xuống còn 70kg lúa/ha; năng suất đạt hơn 1 tấn/công, giá lúa bán cao hơn giá thị trường khoảng 300 đồng/kg. Việc gieo sạ thưa giảm chi phí thuốc trừ sâu, nước, chăm sóc, nâng cao lợi nhuận khoảng 30% so với canh tác thông thường.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thuận, xã Mỹ Thuận cho hay: Ngoài lợi nhuận từ trồng lúa, 70ha lúa của Hợp tác xã được trả tiền tín chỉ carbon từ Công ty Net Zero Carbon phối hợp Công ty BSB Nanotech thực hiện, dự kiến thu về thêm 2,5 triệu đồng/ha.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang Lê Hữu Toàn, địa phương là một trong những tỉnh tiên phong thực hiện đề án 1 triệu ha chất lượng cao, phát thải thấp.

Năm 2025, tỉnh đăng ký thực hiện 144.000ha và Tứ giác Long Xuyên là vùng trọng điểm. Để nâng cao hiệu quả đề án, chúng tôi nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ khuyến nông và nông dân về kỹ thuật canh tác; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Đồng thời ứng dụng công nghệ để phục vụ việc cấp tín chỉ carbon, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tín chỉ carbon quốc tế.

“Kết quả 6 tháng đầu năm, tỉnh đạt sản lượng 4,3 triệu tấn lúa, trong đó có đóng góp không nhỏ của diện tích đề án 1 triệu ha và ở vùng Tứ giác Long Xuyên”, ông Toàn cho hay.

Chúng tôi đi xe máy trên tuyến đường bê-tông mang tên Võ Văn Kiệt bằng phẳng, tận hưởng qua tầm mắt với một bên là dãy Thất Sơn hùng vĩ, bên kia là cánh đồng lúa xanh rì. Từ Lương An Trà (nay là xã Vĩnh Gia) về lại xã Bình Sơn, ra tuyến Quốc lộ 80 để về nơi cuối nguồn kênh Võ Văn Kiệt, xa xa là những chợ nhỏ nhưng buôn bán tấp nập.

Trên từng con kênh, nước phèn từ các con kênh đổ ra biển, trữ lại phù sa giúp cho từng đoạn cánh đồng trĩu hạt. Hai bên đường, những dãy nhà lợp tôn và mái ngói kiên cố đang dần thay thế cho nhà lá cũ kỹ. Dưới bóng râm, nhiều nông dân bàn tán về giống, về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, bán tín chỉ carbon.

Đâu đó là tiếng máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp hoạt động liên tục… Tất cả như minh chứng: Sau gần 30 năm, con kênh Võ Văn Kiệt đã mang lại diện mạo mới cho toàn vùng.

Có thể bạn quan tâm