Đổi mới cơ chế đầu tư và vận hành trường chất lượng cao

Những năm gần đây, các trường chất lượng cao tại Hà Nội ngày càng tạo sức hút lớn với học sinh. Tuy nhiên, hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ để mô hình giáo dục này đạt được những mục tiêu đề ra.

Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khảo sát thực tế tại Trường trung học cơ sở Thanh Xuân.
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khảo sát thực tế tại Trường trung học cơ sở Thanh Xuân.

Mô hình trường chất lượng cao được quy định tại Điều 12 của Luật Thủ đô năm 2012, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện (từ năm 2013 đến nay), thành phố Hà Nội đã có 22 trường mầm non, phổ thông được công nhận chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập và 5 trường ngoài công lập.

Được đầu tư xây dựng theo mô hình giáo dục chất lượng cao, Trường trung học cơ sở Thanh Xuân có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, đầy đủ. 100% số giáo viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhờ đó, nhà trường luôn giữ vững vị trí trong tốp đầu về thành tích học tập, được phụ huynh tin tưởng, đánh giá cao.

Là trường chất lượng cao ngoài công lập, Trường tiểu học Lê Quý Đôn (phường Từ Liêm) được xây dựng theo mô hình hiện đại, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và tiệm cận với chuẩn quốc tế. Trường có đủ các phòng học, phòng chức năng trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ công tác quản lý và dạy học có hiệu quả. Trường đã linh hoạt áp dụng với mô hình trường học mới, tiếp cận năng lực học sinh.

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố, hầu hết các trường chất lượng cao tại Hà Nội có cơ sở vật chất khang trang, đầu tư trang, thiết bị phục vụ phương pháp giáo dục tiên tiến. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các trường chất lượng cao có trình độ chuyên môn cao, nhiều trường có tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 95-100%. Phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, tích cực, cá nhân hóa, học qua trải nghiệm, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Giáo viên được quan tâm, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học hiện đại như STEAM, Montessori, Cambridge... Nhờ đó, chất lượng học tập tại các ngôi trường này đạt tốt, tỷ lệ học sinh giỏi cao, đoạt nhiều giải thưởng, phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nổi bật thì việc phát triển các trường chất lượng cao của Hà Nội hiện cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, thành phố mới có 12 trường được công nhận, đạt 60% so với kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương chưa xây dựng được trường chất lượng cao theo kế hoạch; chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích, thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập đăng ký, xây dựng mô hình trường chất lượng cao.

Bên cạnh đó, hiện một số trường chất lượng cao có sĩ số học sinh vượt quá quy định 30 học sinh/lớp, số lượng giáo viên đứng lớp thấp hơn so với quy định. Một số trường công lập chất lượng cao không duy trì được ưu thế, giảm sức hút. Đáng nói, cả bảy trường mầm non chất lượng cao đều có tỷ lệ tuyển sinh qua các năm thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra, khiến nguồn thu học phí không bảo đảm.

Ngoài ra, sau quá trình hoạt động, đến nay cơ sở vật chất một số trường công lập chất lượng cao đã bị xuống cấp. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất đang bị ràng buộc bởi một số quy định áp dụng chung cho các trường công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Các trường chất lượng cao chưa được trao quyền tự chủ trong đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, ngay cả khi trường có nguồn kinh phí hợp pháp. Đơn cử, Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú dù có năng lực tài chính để cải tạo và mở rộng cơ sở vật chất theo hướng khang trang, hiện đại, nhưng chưa được chủ động triển khai do không có quyền quyết định đầu tư.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình đánh giá, thành phố đang đầu tư các trường công lập đại trà đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường sau khi xây mới khang trang hơn so với cơ sở vật chất trường chất lượng cao hiện tại.

Trong khi đó, chương trình, phương pháp giảng dạy giống nhau, lấy học sinh làm trung tâm, dịch vụ hỗ trợ giáo dục ở các trường đáp ứng yêu cầu phụ huynh…, cho nên mô hình giáo dục chất lượng cao cũng chưa thật sự nổi trội ở thời hiện tại.

Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của một số trường chất lượng cao, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm duy trì các tiêu chí và chất lượng giáo dục tại các trường chất lượng cao.

Thành phố cần có cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, trong đó quan tâm cơ chế đầu tư ban đầu, đầu tư cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập chất lượng cao.

Bên cạnh đó, triển khai Luật Thủ đô 2024 để xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao có ưu thế vượt trội, khác biệt, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khuyến khích các trường ngoài công lập tham gia xây dựng và phát triển theo mô hình trường chất lượng cao của Luật Thủ đô mới.

Có thể bạn quan tâm