Đổi thay ở làng biển

Nằm nép mình dưới chân sườn phía đông nam bán đảo Hòn Hèo, ba mặt giáp biển, làng biển Ninh Vân (phường Đông Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đang chuyển mình từng ngày, trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn. 

Toàn cảnh làng biển Ninh Vân, phường Đông Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: MỸ HÀ)
Toàn cảnh làng biển Ninh Vân, phường Đông Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: MỸ HÀ)

Những người dân lâu nay vốn chỉ quen nghề biển, nghề nông, giờ đã mạnh dạn học hỏi, đầu tư, tập làm du lịch bằng thế mạnh từ chính mảnh đất quê hương mình.

Tháng 10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2356/QĐ-UBND về việc công nhận xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (cũ) là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để địa phương chính thức đưa du lịch cộng đồng vào cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để giữ gìn, phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chuyển mình từ nghề cũ

Đến Ninh Vân hôm nay rất dễ dàng với cung đường đèo tuyệt đẹp vắt ngang dãy núi là ranh giới tự nhiên giữa vịnh Vân Phong và vịnh Nha Phu. Không nhiều du khách biết rằng, con đường này mới được mở khoảng đầu những năm 2010, còn trước đó người Ninh Vân chủ yếu đi lại bằng đường biển. Cũng nhờ có đường, thương lái, du khách, người thăm thân đến với Ninh Vân nhiều hơn và ấn tượng trước không gian, cảnh vật, nhịp sống của một làng biển thuần Việt.

Nhận thấy lượng khách gia tăng, nhu cầu chỗ nghỉ trở nên cấp thiết, năm 2019, ông Lê Văn Bảo, sẵn dịp xây cất căn nhà mới, liền bàn với vợ làm thêm phòng nghỉ cho thuê. Vốn là ngư dân, bao năm chỉ theo nghề lặn biển, săn bắt cá, nay bắt tay vào làm dịch vụ du lịch, ông không khỏi bỡ ngỡ. Song hiệu quả kinh tế đã khích lệ ông và người dân Ninh Vân. “Tôi đầu tư ban đầu cũng khoảng 400 triệu đồng, thấy hoạt động tốt thì mở lên được năm phòng khép kín. Thời gian cao điểm, trung bình hằng tháng, gia đình tôi đón khoảng 50 lượt khách, giá phòng từ 200.000-300.000 đồng/đêm. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Sau khi thấy chúng tôi làm khả quan, nhiều người khác cũng làm theo”, ông Bảo chia sẻ.

Từ những bước đi tự phát, mô hình du lịch cộng đồng tại Ninh Vân ngày càng định hình rõ nét bởi đây có thể coi là một sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời thúc đẩy bảo tồn nếp sống và di sản văn hóa bản địa. Ý thức rõ điều này, chính quyền địa phương đã thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng và ban hành các quy chế quản lý, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho người dân.

Theo Trưởng ban Nguyễn Trà Nhật Tiến, hiện tại có 19 hộ tham gia, kinh doanh các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tour tham quan... Các thành viên được hỗ trợ về quảng bá, giới thiệu khách, mua sắm trang thiết bị phù hợp, tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, học tiếng Anh... miễn phí. “Chúng tôi luôn luôn lắng nghe và đồng hành cùng người dân để phát triển kinh tế địa phương. Trước mắt, các hộ vẫn hoạt động song song giữa nghề cũ và phục vụ thêm cho du khách trải nghiệm. Người dân là chủ thể, họ không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn giữ vai trò gìn giữ và giới thiệu văn hóa, phong tục, lối sống đến du khách”, anh Tiến cho biết.

Đó cũng là một trong các yếu tố tạo nên sự thú vị ở Ninh Vân khi du khách có trải nghiệm chân thực và được “sống như người địa phương”, khám phá tập quán bản địa - điều không dễ tìm thấy trong các loại hình du lịch đại trà. Anh Hàng Lâm Kiệt, sinh năm 1994, là người tiên phong tổ chức các tour lặn biển, bắn cá - nghề lâu đời của người Ninh Vân, kết hợp ngắm san hô, cắm trại, thưởng thức hải sản do tự tay du khách bắt được.

Để mô hình hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn cho du khách cũng như bản thân, anh cùng các cộng sự học, thi lấy các chứng chỉ lặn biển quốc tế và cứu hộ biển. “Chúng tôi cung cấp một số dịch vụ như lặn ngắm san hô, bắt cá theo các hình thức freediving (lặn tự do), snorkeling (bơi với kính lặn và ống thở), ngoài ra cũng có cả scuba diving (lặn với bình khí) cho khách đã có bằng lặn biển. Các hoạt động đều có báo cáo với đồn biên phòng và cam kết không làm ảnh hưởng rặng san hô tự nhiên. Thu nhập khi có khách tương đối khá so với mức tiêu dùng tại đây, nhưng chưa ổn định”, anh Kiệt cho biết.

Gìn giữ hồn làng giữa dòng chảy du lịch

Làm sao để thu hút lượng khách ổn định luôn là bài toán đặt ra đối với các loại hình du lịch. Từ những mô hình giàu sáng tạo, câu chuyện làm du lịch cộng đồng ở Ninh Vân cho thấy một hướng đi cần được tổ chức bài bản hơn, gắn với vai trò điều phối của chính quyền. Ban Quản lý du lịch cộng đồng địa phương đã triển khai lắp đặt bảng thông tin, biển báo, bảng hướng dẫn về du lịch cộng đồng; đồng thời cùng người dân tích cực tham gia xây dựng trang thông tin điện tử, fanpage và nhóm trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quê hương.

du-lich-2.png
Cuộc sống bình yên nơi làng biển Ninh Vân, phường Đông Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: MỸ HÀ)

Anh Đinh Nhật Trường, sinh năm 1992, là người lớn lên tại thôn Tây, xã Ninh Vân (cũ) trong một gia đình thuần nghề đi biển. Dù đang làm việc tại Nha Trang, nhưng anh thường xuyên về thăm quê và luôn tranh thủ đưa hình ảnh đẹp của Ninh Vân để quảng bá trên mạng. “Đối với tôi, Ninh Vân là nơi tôi lớn lên và trưởng thành - ký ức đẹp về vùng biển nên thơ và yên bình luôn theo tôi. Trong lòng tôi luôn có mong muốn được góp phần làm điều gì đó tích cực và bền vững cho quê hương mình”, anh Trường chia sẻ.

Anh xây dựng nhóm Ninh Vân Locals trên Facebook, định hướng là nơi quảng bá đời sống, văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên Ninh Vân; kết nối các gia đình muốn phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm; cập nhật các sự kiện cộng đồng, tình hình thời tiết, môi trường, cơ sở vật chất mới; tạo thư viện để khách du lịch dễ dàng tìm hiểu, liên hệ, kết nối trực tiếp. Đến nay, nhóm đã có hơn 4.000 thành viên, nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách thông qua những câu chuyện dung dị, hình ảnh, video-clip về cảnh quan, con người Ninh Vân.

Theo ông Bảo, khách tìm đến đông do đã có điểm chỉ dẫn trên các ứng dụng như Google Maps và bị hấp dẫn từ các bức ảnh đẹp về sự bình yên, hoang sơ, hiền hòa được lan tỏa trên mạng. Song các hộ kinh doanh cũng cần nâng cấp hơn nữa chất lượng dịch vụ thì mới giữ chân được du khách.

Năm 2024, cơ sở của ông là một trong các hộ được Ban Quản lý du lịch cộng đồng địa phương cấp 30 triệu đồng để đầu tư cải thiện cơ sở vật chất. Cùng với thành viên trong ban, ông tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, vệ sinh định kỳ; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại cơ sở; tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý du lịch cộng đồng địa phương cũng nỗ lực sáng tạo thêm nhiều loại hình vui chơi, giải trí, nhưng nhất quán trên cơ sở bảo tồn cảnh sắc, cuộc sống của làng biển. Trưởng ban Nguyễn Trà Nhật Tiến cho biết: “Chúng tôi đã gợi ý, động viên người dân tổ chức thêm các tour như đạp xe tham quan, cắm trại, trải nghiệm một ngày làm ngư dân/nông dân qua các hoạt động bản địa đặc trưng như đón ghe về ở cầu cảng sáng sớm, đi chợ, lặn bắn cá, nhổ tỏi, nhổ đậu phộng...; tham quan Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển)... Du khách trong nước và quốc tế đều rất hứng thú với những điều này”.

Đồng tình với chủ trương giữ vững bản sắc vốn có của làng biển, anh Trường đề xuất thêm: “Tôi cho rằng, để trải nghiệm của du khách không rời rạc, đồng thời biến du lịch cộng đồng thật sự trở thành một mũi nhọn kinh tế cho địa phương, người dân cần được tập huấn thêm các kỹ năng giao tiếp, phục vụ, quản lý lưu trú, sơ cứu, pháp lý... Địa phương cũng cần xây dựng bản đồ trải nghiệm “ăn gì-chơi gì-ở đâu” và thành lập tổ hướng dẫn viên bản địa, là người làng, hiểu làng và kể chuyện làng”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Hoa cho biết, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 22/12/2023 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Quán triệt các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong nghị quyết, chúng tôi luôn khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản, gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội”, ông Hoa khẳng định.

Câu chuyện ở Ninh Vân cho thấy một hướng đi đáng suy ngẫm cho nhiều địa phương trên cả nước: Phát triển không nhất thiết phải bắt đầu từ quy hoạch lớn hay đầu tư ồ ạt, mà có thể khởi nguồn từ chính nội lực của cộng đồng - những người dân hiểu đất, hiểu nghề, hiểu văn hóa làng mình. Trong bối cảnh cả nước đang thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn di sản và nâng cao đời sống tinh thần người dân, bài học từ Ninh Vân rất đáng tham khảo: Lấy người dân làm trung tâm, lấy văn hóa làm nền, lấy bản địa làm thương hiệu - và nhờ đó, mỗi làng biển nhỏ đều có thể có lối đi mới thênh thang...

Có thể bạn quan tâm