Giữ lửa nghệ thuật tuồng cổ trên miền đất võ

Ở vùng đất võ Bình Định (Gia Lai mới), nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn có một di sản văn hóa đã tồn tại qua bao thăng trầm lịch sử, đó là tuồng cổ.

Cần có những bước đi mạnh mẽ để tuồng cổ Bình Định không bị lãng quên.
Cần có những bước đi mạnh mẽ để tuồng cổ Bình Định không bị lãng quên.

Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật sân khấu mà còn là biểu tượng của tinh thần dân tộc, thể hiện khí phách, đạo lý và những giá trị nhân văn sâu sắc.

Dù đứng trước những thách thức của thời đại, tuồng cổ Bình Định vẫn bền bỉ tồn tại như một ngọn lửa cháy mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật truyền thống.

Cái nôi của nghệ thuật tuồng cổ

Theo nhiều nghiên cứu lịch sử, tuồng có mặt tại Việt Nam từ thời Lý, nhưng đến thời Tây Sơn mới thật sự phát triển mạnh mẽ tại Bình Định. Khi nghĩa quân Tây Sơn cầm quân chống giặc, những đoàn hát tuồng đi theo họ vừa phục vụ chiến sĩ, vừa truyền bá tư tưởng yêu nước, lòng trung nghĩa. Đây cũng chính là lý do mà nghệ thuật tuồng cổ Bình Định luôn mang sắc thái hùng tráng, khắc họa những hình tượng anh hùng, bậc trung thần, tướng lĩnh oai phong.

Những đoàn hát nổi danh như Đoàn tuồng Thanh Bình, Đoàn tuồng Đào Tấn ra đời, quy tụ các nghệ sĩ xuất chúng, tạo nên nền tảng vững chắc cho tuồng cổ miền trung. Do vậy, nhắc đến tuồng cổ, người ta thường hình dung những gánh hát bội với những đêm diễn náo nhiệt, những lớp mặt nạ uy nghi cùng giọng hát vang vọng. Nhưng nếu muốn tìm một nơi lưu giữ trọn vẹn phong vị truyền thống của tuồng, không đâu hơn Bình Định, vùng “đất võ, trời văn” hội tụ tinh thần quật cường của nghĩa quân Tây Sơn và sự tinh tế của nghệ thuật biểu diễn.

Bình Định là vùng đất nuôi dưỡng những nghệ sĩ tài danh, những người đã góp phần nâng tuồng lên một tầm cao mới, biến nó thành một loại hình nghệ thuật sân khấu mang đậm bản sắc dân tộc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, tuồng cổ ở Bình Định vẫn giữ nguyên sự đặc sắc vốn có với những vở diễn kinh điển như San Hậu, Đào Tam Xuân, Trảm Trịnh Ân… Không chỉ tái hiện những giai thoại lịch sử oai hùng, mỗi vở diễn còn hàm chứa những triết lý sâu sắc, đề cao lòng trung nghĩa, hiếu thảo, tinh thần bất khuất của con người Việt Nam.

Những động tác hình thể sắc bén, sự uyển chuyển trong từng bước đi, cách thể hiện nội tâm nhân vật qua ánh mắt, bàn tay… tất cả đều tạo nên một phong cách riêng biệt, không thể hòa lẫn với tuồng ở các vùng miền khác. Mỗi nghệ sĩ tuồng Bình Định không chỉ diễn mà còn sống với nhân vật của mình, khi tiếng trống thúc vang lên, ánh đèn sân khấu sáng rực, từng câu hát, từng động tác đều chứa đựng cả một bề dày lịch sử, lòng tự hào dân tộc.

Hành trình bảo tồn giữa thời hiện đại

Nhìn lại chặng đường của tuồng cổ Bình Định, người ta không khỏi chạnh lòng, không ít nghệ sĩ trẻ phải từ bỏ đam mê vì khó sống được bằng nghề. Những lớp nghệ sĩ gạo cội dần rời xa sân khấu, để lại khoảng trống lớn về lực lượng kế thừa. Tuồng cổ đang phải gắng sức tìm chỗ đứng trong bối cảnh các loại hình giải trí hiện đại phát triển mạnh mẽ. Dẫu vậy, những đoàn tuồng vẫn ngày ngày biểu diễn, kiên trì nuôi dưỡng đam mê và truyền nghề cho lớp trẻ. Những buổi diễn tại các đình làng, chương trình dành cho du khách đã và đang tạo nhiều cơ hội để tuồng cổ gần gũi hơn với công chúng. Không chỉ diễn trong tỉnh, các đoàn tuồng Bình Định còn tham gia các chương trình giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế, mang nghệ thuật tuồng đến với khán giả muôn phương. Không còn gói gọn trong những vở tuồng kinh điển, ngày nay nhiều đạo diễn đã mạnh dạn khai thác những đề tài gần gũi với đời sống đương đại, giúp tuồng dễ tiếp cận hơn với công chúng. Ngành du lịch Bình Định đang từng bước kết hợp tuồng cổ vào chương trình khám phá văn hóa địa phương, du khách đến Quy Nhơn ngoài thưởng thức cảnh đẹp biển xanh cát trắng còn có thể trải nghiệm một đêm diễn tuồng để ngược dòng lịch sử. Bên cạnh biểu diễn, việc số hóa các tư liệu, truyền tải qua các nền tảng mạng xã hội đã giúp tuồng cổ đến gần hơn với khán giả trong nước và quốc tế. Các trường học, trung tâm văn hóa đã mở lớp dạy tuồng, những nghệ sĩ lớn tuổi không ngại truyền nghề từ cách hát đến cách hóa trang, diễn xuất, giúp thế hệ kế cận tiếp thu đầy đủ tinh hoa của tuồng cổ.

Để tuồng cổ trở thành một di sản được ghi nhớ, cần có những bước đi mạnh mẽ hơn từ bảo tồn đến phát triển, từ truyền thống đến đổi mới. Sự sống còn của tuồng cổ không chỉ phụ thuộc vào nghệ sĩ mà còn cần sự chung tay của chính quyền, cộng đồng và công chúng. Khi mỗi câu hát tuồng vẫn còn vang vọng trên sân khấu, những lớp nghệ sĩ vẫn miệt mài cống hiến thì Bình Định vẫn mãi là cái nôi của tuồng cổ - một di sản văn hóa sống động, trường tồn cùng thời gian.

Có thể bạn quan tâm