Hà Nội ưu tiên nguồn lực xây thêm trường học

Thời gian qua, thành phố Hà Nội ưu tiên các nguồn lực về vốn, đất đai, tháo gỡ nhiều khó khăn… để đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới trường lớp, từng bước giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, đáp ứng nhu cầu của học sinh Thủ đô.

Dự án Trường trung học phổ thông Phúc Thịnh (xã Phúc Thịnh) sắp hoàn thành.
Dự án Trường trung học phổ thông Phúc Thịnh (xã Phúc Thịnh) sắp hoàn thành.

Mới đây, thông tin hai Trường trung học phổ thông công lập mới của Hà Nội là Phúc Thịnh (ở xã Phúc Thịnh) và Đỗ Mười (ở phường Yên Sở) tổ chức tuyển sinh lớp 10 “tràn tuyến” toàn thành phố, ngay cho năm học 2025-2026 khiến hàng nghìn gia đình như vỡ òa trong niềm vui.

Thêm nhiều chỉ tiêu tuyển sinh

Chị Nguyễn Minh Tâm (ở xã Đông Anh) mừng rỡ cho biết: Nghe tin Trường trung học phổ thông Phúc Thịnh sẽ đi vào hoạt động ngay năm học tới, gia đình chị đã hỏi han, tìm kiếm thông tin khắp nơi. Nhìn ngôi trường mới khang trang, hiện đại đang hoàn thiện những công đoạn cuối trước thềm năm học mới, cả nhà chị đều phấn khởi.

Trường trung học phổ thông Phúc Thịnh (tên dự án trước là Trường trung học phổ thông Nguyên Khê) được xây dựng trên lô đất có diện tích 25.233m2, với tổng mức đầu tư hơn 217 tỷ đồng, đáp ứng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Trường có quy mô 45 lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của 1.800 học sinh. Tương tự, Trường trung học phổ thông Đỗ Mười được xây dựng tại quận Hoàng Mai (cũ), vốn là điểm nóng về tình trạng thiếu trường công lập. Trường có tổng mức đầu tư 332 tỷ đồng, quy mô năm tầng nổi, một tầng hầm, gồm 45 lớp học, nhà hiệu bộ, nhà đa năng và các phòng chức năng. Hiện hai dự án này đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa vào sử dụng ngay cho năm học 2025-2026, còn công tác tuyển sinh đã hoàn thành với gần 1.000 suất học cho các em học sinh.

Với việc thành lập hai trường trung học phổ thông mới và cải tạo, mở rộng các trường cũ, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 của thành phố Hà Nội đã tăng thêm 3% so năm học trước, lên tỷ lệ khoảng 64%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 5.000 học sinh có suất học trong các trường công lập.

Không chỉ giảm áp lực ở cấp trung học phổ thông, thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn ở tất cả các cấp học. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục đại trà. Mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục đại trà. Mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô.

Trên địa bàn hiện có hơn 2.900 trường, 2,3 triệu học sinh, trong đó, có 23 trường chất lượng cao; gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Riêng năm học 2024-2025, thành phố xây dựng, thành lập mới 35 trường học. Công tác đầu tư xây dựng bảy trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên được tập trung thực hiện. Giai đoạn 2025-2030, thành phố có kế hoạch xây mới thêm 30-35 trường trung học phổ thông công lập mới đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. “Đây là một sự nỗ lực rất lớn của thành phố cũng như các địa phương, khi đã bố trí quỹ đất, nguồn lực xây dựng trường học”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Ưu tiên các nguồn lực cho giáo dục

Để từng bước hoàn thiện mạng lưới trường học trên địa bàn, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Trong đó, thành phố triển khai quyết liệt hoàn thành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố, Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về đầu tư xây dựng cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ vốn cho 1.458 dự án thuộc ba lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích với tổng số tiền gần 44.057 tỷ đồng.

Hằng năm, Hà Nội đều điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án xây dựng trường lớp. Các địa phương cũng chủ động bố trí nguồn ngân sách, chiếm khoảng 50% kế hoạch đầu tư công địa phương để triển khai đầu tư xây dựng trường lớp. Đơn cử, giai đoạn 2021-2025, đầu tư cho giáo dục của quận Hoàn Kiếm (cũ) chiếm 41% tổng vốn đầu tư công trung hạn. Với quận Hoàng Mai (cũ), ngân sách quận bố trí 4.686 tỷ đồng (khoảng 50% kế hoạch đầu tư công ngân sách địa phương) để triển khai 112 dự án xây mới, xây lại, cải tạo, bổ sung trang thiết bị cho các dự án trường học.

Bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn, thành phố chú trọng bố trí quỹ đất để xây dựng trường học. Tại khu vực nội thành, quỹ đất hiện còn rất hạn chế, nhưng các địa phương đã có những giải pháp quyết liệt. Tháng 5/2024, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (cũ) đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất tại khu đất số 43F-47C phố Ngô Quyền và 36A Trần Hưng Đạo (nay thuộc phường Cửa Nam mới) để thực hiện dự án xây dựng Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Đây là khu “đất vàng”, có nhiều hộ kinh doanh cố bám trụ, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng chính quyền địa phương vẫn quyết liệt thu hồi để xây dựng trường công lập.

Tương tự, quận Hoàng Mai (cũ) cũng đã tiếp nhận bàn giao 19 ô đất từ Tổng công ty HUD để tiến hành các dự án hạ tầng. Có mặt bằng, địa phương này đã nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư xây dựng trường học mới, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ, Hà Nội ưu tiên sử dụng quỹ đất sau khi di dời các nhà máy, trụ sở, trường đại học theo quy định để xây dựng các trường phổ thông; phát triển các trường học gắn với những dự án tái thiết đô thị; phân bố các trường trung học phổ thông phù hợp nhu cầu người học tại các khu vực dân cư; ưu tiên tại những khu vực nội thành đang thiếu trường học. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Bạch Mai cho biết, sau khi bố trí trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị, chính quyền phường sẽ tiến hành rà soát, phân bổ những trụ sở còn lại để phục vụ hai lĩnh vực y tế, giáo dục và các hoạt động của dân cư, nhất là để bảo đảm tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Chủ trương nhất quán của thành phố là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp các trường học từ mẫu giáo đến đại học, khẳng định vị thế trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước, từng bước sánh vai với thế giới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Tuy diện mạo mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều cải thiện, nhưng áp lực trường lớp vẫn đang tập trung cao tại các khu vực đông dân cư, quỹ đất hạn chế, nhất là với cấp trung học phổ thông. Nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội luôn là kỳ thi có mức độ cạnh tranh khốc liệt khi chỉ khoảng 55-60% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có suất học trong trường trung học phổ thông công lập. Nhiều trường chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định.

Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, bảo đảm điều kiện tiếp cận giáo dục thuận lợi, phù hợp theo độ tuổi với chất lượng giáo dục cao. Thành phố sẽ có thêm 109 trường trung học phổ thông, 31 trường phổ thông có nhiều cấp học. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 85-90%...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát sắp xếp quy hoạch mạng lưới và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp học, bảo đảm đủ số trường lớp theo quy định; bổ sung quỹ đất, đầu tư xây mới trường học; ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở cơ quan, trường đại học để xây trường học công lập; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở khu vực ngoại thành, các khu đô thị mới. Đáng lưu ý, với dự án 7 trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tiên tiến hiện đại, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã bố trí nguồn vốn để xây dựng. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số địa bàn đông dân cư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của thành phố là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp các trường học từ mẫu giáo đến đại học, khẳng định vị thế trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước, từng bước sánh vai với thế giới.

Có thể bạn quan tâm