Khắc phục hạn chế Chương trình giảm nghèo thông tin

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong mấy năm qua, tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau) đã có nhiều cố gắng, đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo thông tin, góp phần giúp người dân tiếp cận chính sách, nâng cao dân trí, năng lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phóng viên Báo Nhân Dân (bên phải) và các đồng chí lãnh đạo thành phố Bạc Liêu (cũ, nay là phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau) thăm mô hình sản xuất hoa màu của đồng bào Khmer ở địa phương.
Phóng viên Báo Nhân Dân (bên phải) và các đồng chí lãnh đạo thành phố Bạc Liêu (cũ, nay là phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau) thăm mô hình sản xuất hoa màu của đồng bào Khmer ở địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Ngô Vũ Thăng cho biết, nhờ làm tốt công tác nêu trên, đến nay, công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững của tỉnh Bạc Liêu trước đây (nay là tỉnh Cà Mau mới) đã đạt kết quả khả quan.

Cụ thể, đối với tiểu dự án giảm nghèo về thông tin, giai đoạn 2022-2025, tỉnh được phân bổ các vốn tương đối đáp ứng yêu cầu. Từ các nguồn vốn được Trung ương đầu tư, các địa phương, các ngành trong tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông cấp xã với hàng ngàn lượt đại biểu tham dự; in ấn hàng chục ngàn tờ rơi, áp-phích tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo thông tin...

img-2689-1.jpg
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau (bên trái) và đồng chí Tô Việt Thu (nữ), Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Bí thư phường Bạc Liêu thăm mô hình nuôi hải sản ở vùng ven biển của tỉnh.

Ngoài ra, các sở, ngành chức năng trong tỉnh, nhất là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông, tuyên truyền viên khóm, ấp về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Kết quả đã có hàng trăm lượt đại biểu tham dự, in ấn nhiều cuốn tài liệu tuyên truyền về các chính sách mới của chương trình, phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện nhiều tin tức, bài phản ánh, phóng sự chuyên đề...

Trong công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh Cà Mau hiện nay xác định thực hiện tốt công tác truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là yếu tố rất quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp nhận các nguồn lực để vươn lên.

Vì vậy, ngoài tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án, giải pháp giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…, địa phương còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

img-2687-3546.jpg
Nhiều hộ Khmer ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu (cũ) khá lên nhờ trồng rau màu. (Ảnh TRỌNG DUY)

Bên cạnh công tác tuyên truyền, tỉnh Cà Mau (mới) hiện đã và đang huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo đa chiều. Trong đó, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở các xã khó khăn.

Các sở, ngành, các xã, phường trong tỉnh còn chủ động xây dựng tài liệu, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các công chức trực tiếp làm công tác giảm nghèo, các đối tượng tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Kết quả, đã tổ chức tập huấn cho hàng ngàn lượt công chức làm công tác giảm nghèo, trưởng các tổ chức đoàn thể, bí thư, trưởng khóm, ấp, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, góp phần giúp nhiều người dân tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo.

Với sự nỗ lực nêu trên, nhiều hộ nghèo, người nghèo có ý thức, ý chí chủ động vượt khó, thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm trên 3%/năm...

img-2697.jpg
Các đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau (đứng giữa) thăm các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao.

Đồng chí Trương Thanh Nhã, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hậu (tỉnh Cà Mau) cho biết: Qua thực tế mấy năm làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu cũ, nay làm Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hậu), tôi nhận thấy công tác giảm nghèo thông tin rất quan trọng, làm tốt công tác này sẽ góp phần to lớn cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, cơ sở...

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, bên cạnh những thành tựu đạt được, địa phương hiện còn gặp khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nhất là giảm nghèo về thông tin.

Cụ thể như các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện của Trung ương ban hành chưa đồng bộ, còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại địa phương; do điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nhất là Cà Mau thuộc tỉnh vùng xa, nên việc giải quyết nhu cầu việc làm và đa dạng sinh kế của người dân tại địa phương còn hạn chế; một số ít bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

img-2695-1548.jpg
Đồng chí Trương Thanh Nhã (giữa, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hậu, tỉnh Cà Mau hiện nay) và lãnh đạo xã thường xuyên xuống tận xóm, ấp chỉ đạo các phong trào.

“Nhằm sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung triển khai có hiệu quả các nguồn vốn của chương trình giảm nghèo thông tin. Cần sớm rà soát, đối chiếu dữ liệu của hộ nghèo, cận nghèo vào dữ liệu dân cư quốc gia theo đúng quy định; bố trí đầy đủ cán bộ có trình độ, năng lực phục vụ cho công tác giảm nghèo tại địa phương; chú trọng thực hiện xã hội hóa, nhất là huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông; chú trọng nêu những điển hình gương người tốt, việc tốt cho công tác giảm nghèo tại địa phương...”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Phạm Văn Thiều chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm