Lâm Đồng biệt phái cán bộ từ tỉnh về hỗ trợ các xã, phường

Hơn 400 cán bộ từ các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng (mới) dự kiến được điều động về 113 xã, phường nhằm hỗ trợ vận hành chính quyền địa phương hai cấp, góp phần xây dựng nền hành chính vì dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh trong kỷ nguyên vươn mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười tặng quà một người dân làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhân Cơ
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười tặng quà một người dân làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhân Cơ

“Vạn sự khởi đầu nan”

Xã Tà Hine được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số các xã Ninh Loan, Đà Loan, Tà Hine có tổng diện tích hơn 12,8 nghìn km², dân số hơn 23 nghìn người. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm Chế Vũ Vũ được điều động và chỉ định giữ chức Chủ tịch UBND xã Tà Hine từ ngày 1/7 chia sẻ, những ngày đầu vận hành, cơ sở vật chất còn thiếu thốn: trung tâm Phục vụ hành chính công nằm ngoài khuôn viên UBND xã, máy móc, thiết bị đã xuống cấp, không đáp ứng vận hành các phần mềm quản lý; trình độ, năng lực một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc của chính quyền địa phương hai cấp, cần được tập huấn, đào tạo thêm; địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên còn khó khăn trong giao dịch hành chính công hiện đại…Xã chủ động khắc phục khó khăn, bước đầu hoạt động hành chính công cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân và kỳ vọng thời gian tới vận hành suôn sẻ hơn.

5b18d9e1-b8a1-4b63-b693-4efe2ef04dd71.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Đặng Hồng Sỹ trao đổi với cán bộ công chức xã Tà Hine về hoạt động chính quyền địa phương hai cấp

Xã Đam Rông 2 được hình thành trên cơ sở sáp nhập xã Rô Men và Liêng S’rônh, huyện Đam Rông (cũ), có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ndu Ha Biên, nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng (cũ) được tăng cường về xã vùng sâu, vùng xa khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Khối lượng, cường độ làm việc rất lớn, yêu cầu nhiệm vụ cao, một số cán bộ, công chức lâu nay đã quen môi trường công tác cũ, nay bước đầu làm quen công việc mới nên còn lúng túng. Tuy nhiên, thuận lợi là đa số cán bộ, công chức ở xã đều có trình độ đại học, có bằng tin học, kinh nghiệm công tác; cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin thiết bị bảo đảm, nhờ kế thừa của huyện và hai xã trước đây đều mới được xây dựng, trang bị, đáp ứng tốt cho hoạt động hành chính công. “Sẽ có những cái mới cần được tiếp cận, làm quen, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của nhân dân, Đam Rông 2 xác định rõ trọng tâm, khâu đột phá để từng bước thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống nhân dân”, đồng chí Ha Biên đặt niềm tin. Già làng Kon Sa La Phin cho biết, bà con kỳ vọng chính quyền xã mới tiếp tục gần dân, sâu sát dân và quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng nhân dân để xây dựng đời sống ấm no, góp phần chung vào sự phát triển của tỉnh nhà.

Ghi nhận tại một số xã, phường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (mới) vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ, như về quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy móc; một số xã, phường điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không gian làm việc tại trung tâm phục vụ hành chính công còn chật hẹp. Mặc dù chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chỉ định, bố trí tại các xã, phường mới cơ bản bảo đảm về trình độ chuyên môn và năng lực thực thi nhiệm vụ, nhưng cần tiếp tục được nâng cao để thực hiện việc chuyển đổi hoàn toàn từ quản lý hành chính, sang quản trị phục vụ nhân dân.

27ce02637512fc4ca503.jpg
Người dân xã Tà Hine được cán bộ hướng dẫn lấy số thứ tự đúng lĩnh vực cần thực hiện làm thủ tục hành chính.

Từ ngày 13 đến 26/7, UBND tỉnh Lâm Đồng (mới) tổ chức tập huấn vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp nhằm hướng dẫn, giúp cán bộ, công chức tiếp cận nhanh, sử dụng thành thạo các bước, quy trình trong giải quyết thủ tục hành chính, vận hành hệ thống dịch vụ công theo mô hình mới. Một số sở, ngành cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp xã (mới) sau sắp xếp, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Văn phòng đăng ký đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tăng cường viên chức, người lao động đến hướng dẫn, hỗ trợ các xã, phường, đặc khu 3 tháng để giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Nửa tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 30 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính với tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt hơn 97%.

“Tôi làm cán bộ xã”

Thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố trước đây, việc tăng cường cán bộ từ tỉnh, huyện về cơ sở tạo chuyển biến tích cực. Đơn cử, Công an tỉnh Đắk Nông (cũ) triển khai mô hình dân vận khéo “Tôi làm công an xã” từ năm 2020, tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ công an tỉnh trực tiếp về địa bàn các xã đã cụ thể hóa chủ trương “Bám cơ sở - Vì nhân dân phục vụ”, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.

0be2b060-277f-45ff-b09a-cafeb9fc42b41.jpg
Lãnh đạo xã Đam Rông 2 phổ biến, tuyên truyền đến người dân về chính quyền địa phương hai cấp

Tỉnh Lâm Đồng (mới) diện tích rộng nhất cả nước, có 103 xã, 20 phường và 1 đặc khu hành chính. Đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố then chốt để mô hình chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quy mô phường, xã mới lớn hơn, yêu cầu quản lý mở rộng đòi hỏi năng lực cán bộ phải được nâng lên, đặc biệt trong các lĩnh vực cần kiến thức chuyên sâu.

Chính quyền địa phương hai cấp hoạt động thông suốt, liên tục, song việc triển khai nhiệm vụ vẫn còn đối mặt không ít khó khăn, thách thức, trong đó có công tác nhân sự. Các xã ở xa trung tâm còn thiếu hụt nhân lực so với nhu cầu thực tế. Cấp xã tiếp nhận thêm 1.065 nhiệm vụ từ cấp huyện, công chức cấp xã trước đây chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cụ thể, nay trong bối cảnh công việc mới, khối lượng nhiều, không tránh khỏi lúng túng. Nhiều vị trí lãnh đạo chưa được bổ nhiệm do thiếu công chức bảo đảm chuyên môn và năng lực. Các lĩnh vực như chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông, tài chính, kế toán... đều thiếu nhân sự có trình độ phù hợp.

Trong 124 đơn vị hành chính cấp xã có tới 113 xã, phường đều đăng ký nhân sự hỗ trợ, có địa phương đăng ký đến 12 cán bộ tăng cường hỗ trợ tất cả các lĩnh vực, trừ văn phòng, kế toán và văn hóa thông tin. Tổng số nhân sự cần hỗ trợ lên tới 408 cán bộ, công chức, viên chức, tập trung chủ yếu các lĩnh vực công nghệ thông tin, tài nguyên môi trường, kế toán.

Hiện nay, nhiều cán bộ ở các sở, ngành của tỉnh có kiến thức, trình độ, chuyên môn cao và khả năng tư duy chiến lược, khi biệt phái về cơ sở là cơ hội rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động thích ứng và dám nghĩ dám làm. Đặc biệt, những cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ có cơ hội đồng hành cùng cơ sở tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn, giúp địa phương chuyển mình; cán bộ biệt phái trẻ tuổi phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện, năng nổ, nhiệt tình công tác, gần dân, bám sát địa bàn, tích lũy được kinh nghiệm quý, giúp sau này tham mưu đúng và trúng những vấn đề vĩ mô, phù hợp tình hình thực tế hơn. Cùng với đó, cán bộ cơ sở cũng học hỏi thêm được kinh nghiệm, phương pháp làm việc từ cán bộ tỉnh về, ngày càng trưởng thành, góp sức tạo chuyển biến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

quang-khrr.jpg
Cán bộ công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Tà Đùng
giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười vừa ký tờ trình của Đảng ủy UBND tỉnh báo cáo xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng (mới) về xem xét tổ chức biệt phái công chức từ các sở, ban, ngành đến UBND các xã, phường, đặc khu trong thời gian 3 tháng. Việc lựa chọn, phân bổ cán bộ về cơ sở sẽ được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của địa phương, bảo đảm “đúng vai, thuộc bài”, chú trọng những nhân tố trẻ, có khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn phù hợp, sẵn sàng “ba cùng” với bà con, nhằm tạo luồng sinh khí mới, bảo đảm mô hình hoạt động của các phường, xã mới thông suốt, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đối với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, quan tâm bố trí cán bộ là người dân tộc. Qua đó, tránh lãng phí nguồn nhân lực có trình độ sau khi giải thể cấp huyện, đồng thời tạo điều kiện cho các cán bộ ở hai tỉnh Bình Thuận (cũ), Đắk Nông (cũ) có thời gian, điều kiện công tác gần nhà.

Để triển khai mô hình “Tôi làm cán bộ xã”, đội ngũ cán bộ tăng cường sẽ được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ nhân dân để nhanh chóng bắt nhịp tiến độ công việc, gắn kết, chia sẻ khó khăn, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn lực lượng cán bộ cơ sở. Phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”, tinh thần hăng hái vào cuộc, đề xuất và triển khai các mô hình mới hiệu quả gắn với thực tiễn của địa phương, thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được đề cao.

Chủ trương biệt phái cán bộ từ tỉnh về hỗ trợ các xã, phường thể hiện tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, chủ động và sáng tạo, bảo đảm vận hành hiệu quả chính quyền địa phương hai cấp ngay từ những ngày đầu, góp phần xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm