Bài 2: Xây dựng hệ sinh thái nhân lực thích ứng công nghệ

Lực lượng lao động trước làn sóng công nghệ

Khi thị trường lao động chịu sức ép thay đổi từ trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và các mô hình vận hành mới, việc xây dựng một hệ sinh thái nhân lực linh hoạt và thích ứng không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết. 

Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, Khu công nghiệp Đại An, thành phố Hải Phòng. (Ảnh ĐĂNG ANH)
Công nhân làm việc trong nhà máy của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, Khu công nghiệp Đại An, thành phố Hải Phòng. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Do đó, cần sự đồng bộ giữa chính sách phát triển nhân lực với định hướng kinh tế và chiến lược phát triển khoa học, công nghệ.

Điểm nghẽn về nhân lực

Ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là yếu tố sống còn, tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những ngành thâm dụng lao động như sản xuất, bán lẻ, logistics hay nông nghiệp, việc chuyển đổi số thường gặp rào cản lớn là sự lo ngại xáo trộn nhân sự và ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không biết tìm công nghệ ở đâu, chọn hệ thống tư vấn nào phù hợp, và nhất là thiếu vốn để đầu tư. Khi có công nghệ, lại không có người đủ trình độ để vận hành. Khi có người, thì doanh nghiệp lại thiếu chiến lược phát triển dài hạn, thiếu văn hóa đổi mới và một điểm nghẽn lớn khác là năng lực quản trị trong doanh nghiệp còn yếu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua rào cản này, theo các chuyên gia, trước hết, cần triển khai cơ chế “chuyển đổi từng bước”, nghĩa là doanh nghiệp không cần thay đổi toàn bộ quy trình cùng lúc mà có thể bắt đầu từ những nghiệp vụ dễ áp dụng như hóa đơn điện tử, kế toán online, quản lý bán hàng... Điều này giúp đội ngũ nhân sự dần thích nghi với công nghệ mà không bị áp lực thay đổi đột ngột. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ về tài chính để mạnh dạn đầu tư vào công nghệ.

Một yếu tố quan trọng khác là cần khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển giải pháp công nghệ thân thiện với người dùng.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức giáo dục để tổ chức các chương trình đào tạo thực hành, học online, cấp chứng chỉ... là rất cần thiết.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tân, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhà nước nên tạo ra một số chương trình trọng điểm, có kinh phí và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đào tạo qua đấu thầu để doanh nghiệp tư nhân có khả năng thiết kế những khóa học, chương trình học bổ sung và phổ thông hóa các kỹ năng mới cho người yếu thế trong thị trường việc làm mới. Doanh nghiệp tư nhân có dịch vụ tốt cần được trao cơ hội thực hiện các chương trình đào tạo này để tăng hiệu quả, tránh lãng phí, dàn trải.

Một yếu tố quan trọng khác là cần khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển giải pháp công nghệ thân thiện với người dùng. Phần mềm phải dễ sử dụng, giao diện đơn giản, thậm chí tích hợp tính năng điều khiển bằng giọng nói để người lao động phổ thông cũng có thể làm quen nhanh chóng.

Theo dự báo, khoảng 70% công việc truyền thống tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự phát triển của AI trong thập kỷ tới. Các nhà cung cấp giải pháp công nghệ nhận định, AI sẽ là công nghệ chủ đạo định hình tương lai hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam trong 5-10 năm tới. Liên quan xu hướng này, đại diện Công ty cổ phần MISA cho biết, trợ lý MISA AVA đã và đang giúp các phòng nhân sự của doanh nghiệp giảm thiểu các thao tác thủ công, tăng 50% năng suất làm việc...

Năm 2025, Công ty tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phổ cập AI với hai nền tảng chủ lực: AI Agent cho phép doanh nghiệp tạo và vận hành một trợ lý AI theo nhu cầu riêng biệt; One AI giúp doanh nghiệp triển khai và sử dụng các ứng dụng AI một cách đơn giản, thống nhất và hiệu quả. Mục tiêu của các giải pháp là biến AI thành công cụ phổ thông, mọi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận, ứng dụng và khai thác hiệu quả.

Cần hình thành nguồn lực mới

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số có lồng ghép yếu tố phát triển con người; doanh nghiệp và người lao động cần đầu tư vào học tập và nâng cao kỹ năng số.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc Mai Thị Thanh Oanh, cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò định hướng và dẫn dắt, thông qua việc thiết lập khuôn khổ thử nghiệm công nghệ, hỗ trợ phổ cập kỹ năng số cơ bản, đặc biệt cho các ngành làm thủ công, phụ thuộc vào sức người. Doanh nghiệp công nghệ sẽ là lực lượng đồng hành, phát triển giải pháp tinh gọn, dễ tiếp cận, phù hợp với năng lực vận hành thực tế của doanh nghiệp.

Khi vai trò các bên được phát huy đúng mức, cơ chế “Nhà nước kiến tạo - doanh nghiệp đồng hành” sẽ trở thành trụ cột thúc đẩy ứng dụng công nghệ sâu rộng mà không gây gián đoạn lao động, từng bước đưa cộng đồng doanh nghiệp tiến xa hơn trong nền kinh tế số.

Xây dựng một hệ sinh thái nhân lực thích ứng công nghệ không chỉ dựa vào nỗ lực riêng của doanh nghiệp mà giáo dục đại học chính là mắt xích đầu tiên góp phần định hình tư duy, nền tảng tri thức và thái độ nghề nghiệp cho người lao động tương lai.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Thảo, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), cho biết: Chính sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ đang vừa mở ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức đối với nhà trường là phải liên tục cập nhật chương trình đào tạo và đồng thời định hướng để sinh viên sẵn sàng thích ứng với một thị trường lao động mới.

Tương tự, tại Trường đại học Phenikaa, việc đổi mới hoạt động đào tạo gắn với mở mới các ngành học và thay đổi cách tổ chức đào tạo. Sinh viên được tham gia các đề tài nghiên cứu ứng dụng tại Trung tâm R&D, học tập và thực hành trong không gian đổi mới sáng tạo. Đồng thời, nhà trường tăng cường kết nối với doanh nghiệp để đưa bài toán thực tiễn vào chương trình học.

Mô hình này giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và thị trường, bảo đảm sinh viên ra trường có thể làm việc ngay trong môi trường công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động đang thay đổi nhanh dưới tác động của chuyển đổi số.

Nhân lực không thể tách rời tổng thể các yếu tố như cấu trúc nền kinh tế, định hướng chính sách vĩ mô và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chịu tác động trực tiếp từ cách mà nền kinh tế được tổ chức, điều tiết và định hướng phát triển.

Ông Phạm Đức Nghiệm,
Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, thay đổi ở bậc đại học chỉ là phần ngọn, để kiến tạo lực lượng lao động thích ứng công nghệ, cần bắt đầu từ nền móng giáo dục phổ thông. Mục tiêu là hình thành tư duy nền tảng, khả năng sáng tạo, tinh thần học hỏi và giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ, đó là những yếu tố cốt lõi quyết định khả năng học tập và làm việc suốt đời trong một thế giới nhiều biến động.

Đồng thời, muốn “chữa tận gốc” bài toán nguồn nhân lực, cần chiến lược quốc gia về phát triển nhân lực khoa học, công nghệ. Chiến lược này phải là nền tảng để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng phối hợp triển khai các chương trình đào tạo và tạo việc làm mới một cách đồng bộ, bền vững.

Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, nhân lực không thể tách rời tổng thể các yếu tố như cấu trúc nền kinh tế, định hướng chính sách vĩ mô và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực chịu tác động trực tiếp từ cách mà nền kinh tế được tổ chức, điều tiết và định hướng phát triển.

Ông Phạm Đức Nghiệm dẫn chứng, khi các lĩnh vực như bất động sản, tài nguyên hay thương mại được ưu đãi quá mức và dễ sinh lợi, sẽ làm suy giảm động lực đầu tư vào công nghệ, kéo theo đó là sự thiếu hụt nhu cầu về lao động có trình độ cao.

Ngược lại, nếu điều chỉnh chính sách kinh tế theo hướng khuyến khích sản xuất, đổi mới công nghệ và tạo giá trị gia tăng, thị trường lao động sẽ dịch chuyển theo hướng nâng cao kỹ năng và tăng tính sáng tạo. Do đó, muốn hình thành một lực lượng lao động phù hợp với thời đại công nghệ, cần đồng bộ giữa chính sách phát triển nhân lực và các chính sách kinh tế-công nghệ.

>> Bài 1: Công nghệ tái định hình lực lượng lao động

Có thể bạn quan tâm