Nâng cấp mục tiêu tăng trưởng

Chính phủ đã nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 cao hơn mức Quốc hội thông qua. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cấp, ngành và địa phương buộc phải đồng loạt tăng tốc từ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng, cải cách thể chế đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ giúp kết nối các vùng kinh tế. Ảnh: NAM NGUYỄN
Nhiều dự án hạ tầng giao thông được đẩy nhanh tiến độ giúp kết nối các vùng kinh tế. Ảnh: NAM NGUYỄN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, mức tăng trưởng 8,3-8,5% sẽ không chỉ là kết quả quan trọng trong ngắn hạn, mà còn đóng vai trò là bệ phóng, tạo động lực, khí thế và nền tảng vững chắc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Nhiều dư địa trong nước có thể khai thác

Các địa phương được yêu cầu điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 25. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều nâng mục tiêu lên 8,5%, Quảng Ninh lên 12,5%, Thái Nguyên 8%... Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng phải điều chỉnh kế hoạch, phấn đấu tăng trưởng cao hơn ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với chỉ tiêu được giao.

Đánh giá về bối cảnh và khả năng thực hiện các mục tiêu này, TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia chính sách công thuộc Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong nửa đầu năm 2025, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt từ quý II khi các bất ổn địa chính trị leo thang. Điển hình như xung đột tại Trung Đông hay các chính sách thuế quan mới từ Mỹ đã khiến môi trường kinh doanh thế giới trở nên kém thuận lợi. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực, thậm chí “ngược dòng” so với xu hướng suy giảm chung. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong gần 20 năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,8%, FDI đăng ký lên tới 21,5 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 2009, xuất nhập khẩu tăng mạnh và số doanh nghiệp gia nhập thị trường vượt số rút lui. Ngân sách nhà nước cũng ghi nhận mức thu tích cực, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Kết quả này có được là nhờ nhiều yếu tố, trong đó là việc kích hoạt mạnh mẽ các dòng đầu tư, đặc biệt từ khu vực đầu tư công thông qua các biện pháp điều hành quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa tiền tệ như giữ mặt bằng lãi suất ổn định, miễn giảm thuế phí cho cả phía cung và cầu cũng góp phần hỗ trợ đà phục hồi của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Trong nửa cuối năm, ông Việt cho rằng, Việt Nam còn nhiều dư địa để giữ vững đà tăng trưởng. Trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ưu tiên hạ tầng giao thông, năng lượng, logistic và chuẩn bị cho các dự án đường sắt lớn. Đồng thời, cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn.

Thích ứng với các yếu tố quốc tế

Mặc dù kết quả nửa đầu năm rất đáng khích lệ, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài. Tăng trưởng toàn cầu suy giảm, rủi ro lạm phát quay trở lại do chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước, trong khi xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro gián tiếp đến nền kinh tế. Chỉ số PMI của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác liên tục dưới 50 điểm, cho thấy áp lực đang hiện hữu đối với ngành sản xuất.

Do đó, để thích ứng với các yếu tố quốc tế và đạt mục tiêu đề ra, ông Việt cho rằng, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong đàm phán, thúc đẩy thương mại hài hòa với các đối tác lớn, đồng thời đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính. Những dư địa từng được khai thác tốt cần được tiếp tục phát huy. Trong đó, cần thúc đẩy giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư công như một cú huých lan tỏa sang các khu vực khác của nền kinh tế.

Từ góc nhìn của tổ chức tài chính quốc tế, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, để duy trì đà phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp then chốt.

Trước hết là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng chiến lược như giao thông, năng lượng, logistics… nhằm nâng cao năng suất và thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ hai, cần tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do (FTA), song hành với chính sách ưu đãi đầu tư, để mở rộng sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng nội địa và thu hút đầu tư chất lượng cao trong các ngành giá trị gia tăng.

Một chìa khóa quan trọng để bảo đảm tăng trưởng bền vững là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và các mối quan hệ thương mại, từ đó giảm phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào và tránh bị tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị thương mại. Bên cạnh đó, thị trường nội địa cần được kích hoạt trở lại mạnh mẽ, thông qua các biện pháp tăng thu nhập khả dụng cho người dân như tăng lương, giảm thuế và các gói kích cầu tiêu dùng. Song song đó, thị trường bất động sản - lĩnh vực liên thông với nhiều ngành, cũng cần được hỗ trợ hồi phục nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa tới các ngành nghề liên quan.

Về chính sách tiền tệ, bà Hạnh khuyến nghị duy trì sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và bảo đảm khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, nhằm ổn định tỷ giá và giữ vững sức mua nội địa. Nếu các trụ cột này được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua các thách thức ngắn hạn, củng cố nội lực và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững không chỉ trong năm 2025 mà cả giai đoạn sau.

Còn theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, một cải cách thể chế quan trọng đang mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế, đó là việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây không chỉ là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị công mà còn giúp tiết giảm chi phí thường xuyên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng ở cấp cơ sở trực tiếp triển khai các chính sách kinh tế - xã hội.

Theo ước tính, quá trình này có thể giúp giảm khoảng 150.000 biên chế trong giai đoạn 2026-2030, tiết kiệm ngân sách khoảng 190,5 nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, cải cách này mở ra không gian thể chế mới, tạo nền tảng để thực hiện mạnh mẽ hơn chủ trương phân cấp, phân quyền, từ đó nâng cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và khả năng hành động linh hoạt của các địa phương, bộ, ngành.

Tuy vậy, để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, vẫn cần thêm thời gian để các địa phương thích nghi, nhất là trong công tác quy hoạch. Bởi lẽ, quy hoạch mới không còn đơn thuần là phép cộng cơ học của các địa phương cũ, mà đòi hỏi một tư duy tích hợp, tầm nhìn liên kết vùng và xác định rõ lợi thế cạnh tranh mới. Trong bối cảnh đó, vai trò của người đứng đầu càng trở nên then chốt, không chỉ ở tầm nhìn chiến lược mà còn ở năng lực tổ chức thực thi và sự dũng cảm trong chịu trách nhiệm.

“Không chỉ dừng lại ở việc tinh gọn bộ máy hành chính, mô hình chính quyền hai cấp còn đóng vai trò như một động lực thể chế quan trọng, góp phần thúc đẩy việc vận hành chính quyền sát thực tiễn hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong các lĩnh vực như đầu tư công, xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số… Những yếu tố được xem là then chốt trong việc khơi thông điểm nghẽn và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhìn chung, mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% là tham vọng nhưng không phải bất khả thi nếu các trụ cột chính sách được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt. Từ cải cách thể chế, giải ngân đầu tư công đến hỗ trợ tiêu dùng và khai thác thị trường mới, mỗi động lực đều cần được kích hoạt đúng lúc, đúng cách để tạo lực bật cho nền kinh tế bứt phá trong nửa cuối năm.

Theo kịch bản cập nhật của Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025, GDP quý III cần tăng 8,9–9,2% và quý IV là 9,1–9,5%, cao hơn từ 0,6 đến 1,1 điểm phần trăm so với kịch bản ban đầu. Nếu thực hiện thành công, quy mô GDP có thể vượt 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt hơn 5.020 USD.

Có thể bạn quan tâm