Chuyện đời-Chuyện nghề

Nguyễn Trọng Tạo - Anh là ai?

Tôi thật sự không biết gọi Nguyễn Trọng Tạo thế nào cho chính xác bởi anh như một “liên hiệp văn học nghệ thuật” với rất nhiều “nhà”. Nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận hay họa sĩ, nhạc sĩ, nhà báo?

Chân dung nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh trong bài | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Chân dung nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh trong bài | NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Thật ra, ở ta cũng không hiếm những người “một mình bác đóng cả dăm vai chèo”, do nhiều “nhà” quá nên anh em hay trêu đùa là... phố. Lĩnh vực nào bác cũng tham gia nhưng hỏi về gia tài, tức là tác phẩm thì thường hoặc chả có gì, hoặc lơ mơ, mờ nhạt.

Nguyễn Trọng Tạo thì không vậy. Lĩnh vực nào tham gia, anh cũng để lại dấu ấn. Với thơ, anh có “Đồng dao cho người lớn” (Giải thưởng Nhà nước). Với văn, anh có truyện vừa “Miếu hoang” gây chú ý. Lý luận phê bình, anh có “Văn chương cảm và luận”. Với âm nhạc, anh có “Làng Quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”... Là nhà báo, anh là linh hồn của hai Tạp chí Sông Hương, Cửa Việt, là Thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc và đặc biệt, anh là “tổng đạo diễn” Báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam vang bóng một thời. Đó là chưa kể tạp chí Sao Việt ra đời vẻn vẹn được 4 số. Với hội họa, anh là tác giả nhiều bìa sách, từng được trao giải bìa sách đẹp trong năm và có lẽ ít người biết rằng tác phẩm “Cờ Thơ” thường treo trong Ngày thơ Việt Nam cũng là của anh...

Tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo lần đầu khoảng năm 1990. Ngày đó, sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, Nhà văn Đức Hậu mời lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ra chơi. Nghe tin trong đoàn có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, anh em chúng tôi rất háo hức. Song, không biết vì lý do gì, Nguyễn Trọng Tạo lại ra sau 2 ngày và vì thế, buổi đón đoàn cũng phải lùi lại chờ anh Tạo.

Thời ấy nghèo khổ, việc mua hoa tặng nhau nhiều khi bị coi như là phù phiếm, lãng phí. Thế nhưng hôm đó, rất nhiều bó hoa được tặng Nguyễn Trọng Tạo. Sau buổi tiếp đón anh ở Hội Văn nghệ, tôi mời anh ghé nhà chơi. Trước khi đi, anh chọn một bó hoa đẹp nhất trong đống hoa chất trên bàn. Khi đi đến gần cửa nhà, anh hỏi tên bà xã tôi và khi tôi định gọi cửa, anh gạt đi nói: Để anh. Rồi bước tới vừa đập cửa vừa gọi: Hoa ơi, anh Nguyễn Trọng Tạo đến thăm em này!

Bà xã tôi, người cả đời chả được ai tặng hoa bao giờ nay thấy ông nhà văn, nhà thơ gì đó được đám văn nghệ sĩ bàn tán xôn xao suốt mấy hôm nay mang hoa đến tặng thì không khỏi sững sờ, cảm động đến mức “tim đập, chân run”. Sau này, sống gần anh nhiều năm, không ít lần chứng kiến những việc làm tương tự và tôi hiểu, ngoài sự lịch lãm, ga lăng còn là sự thấu hiểu, sẻ chia với phụ nữ.

b856d98bbca00afe53b1.jpg
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và ca sĩ Trần Hiếu.

Như một cơ duyên, cuối năm 1997, tôi từ Thái Bình ra Hà Nội với giấc mộng “đổi đời” cũng là lúc Nguyễn Trọng Tạo từ Huế ra làm thư ký tòa soạn Tạp chí Âm nhạc, thay cho người bạn chí cốt của anh là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Hôm đó, anh rủ tôi ra ga Hà Nội nhận gần đầy một xe tải nhỏ toàn sách vở từ Huế chuyển ra. Tôi hỏi: Anh đọc hết số sách này chưa? Gần hết. Anh trả lời. Hôm liên hoan ra nhà mới, anh mời nhà thơ Trần Ninh Hồ và gọi tôi đến nhậu. Anh mời ăn bữa trưa, bữa tối và rồi đến tận bữa sáng hôm sau. Lúc ăn sáng, Trần Ninh Hồ bảo: Bữa đầu là ăn mời, bữa sau là ăn đãi và bữa này là… ăn vạ. Sau này gần anh, tôi mới biết rằng chuyện ngồi nhậu 20-24 giờ không phải là chuyện hiếm. Nhiều hôm, tôi phải từ chối bởi mỗi lần như thế, tôi phải mất 2-3 ngày sau mới hồi phục.

Được cái, nhậu với Nguyễn Trọng Tạo rất vui. Anh kể chuyện trên trời, dưới bể và chuyện nào cũng mới mẻ, hấp dẫn. Đặc biệt khi nào say, Nguyễn Trọng Tạo mới hát những bài hát của mình và anh hát đầy mê đắm, đặc biệt là hai bài “Đôi mắt đò ngang” và “Lên Cao Bằng” mà cho đến bây giờ, tôi không thấy ca sĩ nào hát.

Dạo ấy cứ mỗi buổi chiều, thường là mấy anh em Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương, Trần Quang Quý và thằng em út là tôi lại tụ tập ở Quán Xanh uống bia hơi Hà Nội. Họa hoằn có thêm nhà thơ Tuyết Nga và doanh nhân Phạm Ngọc Ngoạn tham gia đội hình. Nhậu say, anh Kha chơi đàn, anh Cương đọc thơ còn anh Tạo thì hát. Giờ thì 4 ông anh mất rồi, chỉ còn mỗi mình tôi. Mỗi lần đi qua Quán Xanh, lòng không khỏi bùi ngùi.

Năm nay đã gần tuổi thất thập, nhớ lại ngày ấy được gần các anh, tôi thấy mình thật may mắn bởi các họ đều là những cá nhân xuất sắc, có không ít những thành tựu đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Mọi người rất yêu quý nhau dù mỗi người một tính cách. Nguyễn Thụy Kha thì ngang tàng của người đất Cảng quê anh. Trần Quang Quý thì thâm trầm như dòng sông Thao trước cửa nhà anh. Hoàng Trần Cương thì ồn ào, dữ dội của Đò Lường, Sông Lam… Riêng Nguyễn Trọng Tạo thì hơi đa dạng. Anh có cái lãng mạn của xứ Huế, lịch lãm của đất Thăng Long và cực đoan của xứ Nghệ. Có lần tranh luận với nhau, mấy anh em chúng tôi đều nói ở đâu chẳng có người nọ, người kia, anh phán một câu xanh rờn: Dân Nghệ chúng tao chỉ có người tốt. Mấy anh em dẫn chứng người nọ, người kia, anh buông một câu rất… Nghệ: Nó quê chúng mày chứ không phải quê tao. Lại có lần anh bảo: Bạn tao là tao bênh mà lý do theo anh thì toàn người tốt: Những người không tốt là… bạn chúng mày.

2a23afc558eeeeb0b7ff.jpg
Khánh thành Khu lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ngày 12/6/2024.

Nguyễn Trọng Tạo rất tự hào về xứ Nghệ quê anh và người Nghệ nhìn chung rất yêu mến và quý trọng anh. Sự có mặt của anh trong những buổi tiệc tùng là niềm vui và tự hào của không ít người Nghệ và trong rất nhiều lần đó, anh thường đem theo “hàng xách tay” là tôi. Cũng nhờ thế, tôi được tiếp xúc và quen biết khá nhiều người Nghệ. Cách đây một năm, khi cháu Nguyễn Thu Hương và gia đình tổ chức khánh thành Khu tưởng niệm anh, bạn bè, quan khách và bà con họ mạc cùng người dân quê anh đến rất đông.

Nhậu với Nguyễn Trọng Tạo đã là một “cực hình” thì ngồi nhậu với người Nghệ bạn anh còn khủng khiếp hơn. Ban đầu chỉ 4-5 người, nhậu một lát, một ông nhấc máy: Alo. Mi đang mô? Tau ngồi với Nguyễn Trọng Tạo, đến nhé. Thế là dù đang ăn cơm với vợ ở nhà hay đang li bì đâu đó cũng chạy đến, đơn giản chỉ để được ngồi với anh, nghe anh nói chuyện. Và vì thế, sau mỗi lần gọi điện là số người lại tăng lên, còn bữa nhậu thì kéo dài liên miên không biết đến bao giờ mới dứt.

Nhậu ở quán còn đỡ, nhậu ở nhà rất cực cho cháu Hương, vừa đi học, vừa phải lo đống bát đĩa ngổn ngang và thường nhầy nhụa mỡ. Cháu rất ngoan, dù phải chăm lo cho bố, cho bạn bố, cháu luôn vui vẻ, lễ độ. Nhắc chuyện này, tôi không thể quên được ngày bà cụ thân sinh anh Tạo ra Hà Nội. Hình ảnh anh Tạo khi đó chắc gần 60 tuổi, mồ hôi nhễ nhại cõng mẹ già từ tầng 1 lên tầng 6 làm tôi xúc động. Có lần nhắc lại chuyện này, anh bảo: Đó là việc nên làm nhất ở đời này em ạ.

Tuy tràn từ cuộc vui này sang cuộc vui khác “Vẽ tôi mực rượu, giấy trời - Chân dung tự họa”, nhưng không hiểu vì sao ngoài việc hoàn thành công việc của mình, thỉnh thoảng anh lại cho ra đời một tác phẩm. Cho đến giờ, khó có thể thống kê anh có bao nhiêu trang viết, bìa sách, bao nhiêu ca khúc, bài phê bình tiểu luận… Anh có một năng lực chơi phi thường và cũng có một sức lao động phi thường.

Một điều không thể không nhắc tới, đó là anh rất trân trọng cái mới và yêu quý các tác giả trẻ khiến một số người bảo anh là “mị trẻ”. Với anh, văn chương phải trẻ trung và mới mẻ. Nhớ có lần một tác giả trẻ được anh giới thiệu một chùm trên báo Thơ trân trọng mời anh đi nhậu. Tan cuộc, anh kiên quyết không để bạn đó trả tiền bởi anh rất ghét ban ơn kiểu “tao in cho chú bài thơ” rồi rủ ra quán nhậu. Khi về, anh nói với tôi: Làm báo, được người ta gửi bài hay cho mình thì nên biết ơn họ và lời nói của anh theo tôi mấy chục năm sau này khi tôi làm thư ký tòa soạn cho tờ Gia đình & Xã hội và Khuyến học & Dân trí.

Nhiều khi tôi tự hỏi: Nguyễn Trọng Tạo - Anh là ai? Không giàu có, chẳng quyền cao, chức trọng, người yêu rất nhiều nhưng người không thích cũng không ít bởi cái tôi ngang tàng xứ Nghệ. Anh đến với cuộc đời này như một cuộc ngao du. Thế nhưng tôi tin rằng 50 thậm chí 70 năm hoặc hơn nữa, anh vẫn hiện diện trên cõi đời này qua những câu thơ, ca khúc. Và đó chính là niềm vinh quang của những nghệ sĩ đích thực, không vàng bạc nào mua nổi.

Tôi mơ hồ nghe văng vẳng giai điệu ngọt ngào của Khúc hát sông quê “Quá nửa đời phiêu dạt…” và giọng anh trầm, ấm: Em có ở Hà Nội không, sang anh!

Có thể bạn quan tâm