Sinh năm 1966, nguyên là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình (cũ), thường xuyên tham gia các trại sáng tác khắp cả nước, ông vẫn còn sung sức và tràn đầy năng lượng sáng tạo.
Lâu nay du khách hay những người có dịp tới Đồng Hới thường ghé thăm tượng đài Mẹ Suốt ngay bên dòng sông Nhật Lệ để tưởng nhớ về một người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Thế nhưng lại không mấy người biết được, tác giả của tượng đài nổi tiếng đó là ông - nhà điêu khắc Phan Đình Tiến?
Điều đấy cũng là bình thường. Một tượng đài lúc đã hoàn thành, đặt trong không gian của nó, bối cảnh của nó, thì đã có đời sống riêng mà đôi khi còn nằm ngoài ý chí của tác giả. Thực ra Mẹ Suốt là một bài thi tốt nghiệp của tôi. Năm 1995 tôi đang học Trường đại học Mỹ thuật Huế thì tỉnh Quảng Bình hồi đó muốn xây dựng một khu tưởng niệm Mẹ Suốt, để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Tôi đã phác thảo tác phẩm Mẹ Suốt bằng xi-măng thếp đồng với hình ảnh người mẹ cưỡi ngọn sóng, tay cầm mái chèo, hướng về nam. Bài thi này đã được Trường Mỹ thuật Huế chấm điểm xuất sắc. Sau đó, phác thảo Mẹ Suốt của tôi được chọn để thi công tượng đài, địa điểm đặt tại bến đò cũ, ngay bên bờ sông Nhật Lệ. Năm 2003, công trình hoàn thành và từ đó, tượng đài Mẹ Suốt trở thành một địa chỉ quen thuộc để tìm đến cho cả người dân địa phương và du khách khi tới với vùng đất “chang chang cồn cát” này. Đây cũng là tình cảm, sự tri ân của tôi với quê hương mình.
Ông là người con của dải đất miền trung, một vùng đất đã phải gánh chịu rất nhiều đau thương mất mát, nhiều hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Phải chăng đấy cũng là một nguồn cảm hứng nghệ thuật lớn mà ông theo đuổi?
Không chỉ vì sinh ra và lớn lên ở miền trung, được chứng kiến, nghe kể nhiều về sự tàn phá của chiến tranh với quê hương mình, mà theo tôi biết, cũng nhiều nhà điêu khắc, họa sĩ đã chọn đề tài chiến tranh để theo đuổi. Sống ở nơi đây, thấm đẫm tình người tình đất, thấu hiểu những tang thương mà người dân phải gánh chịu, để có được hòa bình, tôi càng canh cánh với quá khứ… Có một câu chuyện đã thành một kỷ niệm tôi không thể quên. Trong khu di tích Thành cổ Quảng Trị có một bức tượng của tôi cùng với 21 tác phẩm của các tác giả khác. Khi làm phác thảo cho tượng Khát vọng, tôi đã luôn nghĩ tới những người lính đã vĩnh viễn nằm lại ở tuổi 20 để chúng ta có được hòa bình. Phác thảo Khát vọng đặc tả hai xương ống tay của người lính trồi lên từ mặt đất và chung quanh bao bọc lấy những cánh tay người lính, là mầm cây, ngọn cỏ tượng trưng cho nhựa sống đang sinh sôi nảy nở. Một điều kỳ lạ là khi thi công tượng, những người thợ đào móng thì đụng trúng ngay hai khúc xương cánh tay, có thể là của một người lính đã hy sinh trong chiến dịch Thành cổ. Lạ nỗi là ở những vị trí đặt 21 bức tượng khác, đều không phát hiện hài cốt liệt sĩ. Đúng là có sự trùng hợp không thể lý giải nổi mà cả anh chị em cả ở khu di tích Thành cổ và các nghệ sĩ đều ngạc nhiên. Lần đó, mọi người đã làm lễ di dời an táng các liệt sĩ bằng những nghi lễ trang trọng nhất. Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị lúc đó có nói, sẽ đưa câu chuyện kỳ lạ này thành nội dung thuyết minh cho du khách khi tới địa chỉ đỏ này.

Ngoài Mẹ Suốt, ông còn nhiều tượng đài ngoài trời vẫn với chủ đề chiến tranh cách mạng như tượng đài Chiến thắng tại bờ bắc bến phà Xuân Sơn - vốn cũng là một “túi bom”, hứng chịu sự đánh phá của máy bay Mỹ trong những năm tháng đất nước còn chia cắt hai miền. Vậy theo ông, điều gì làm nên giá trị nghệ thuật của một tượng đài, để làm đẹp cho không gian chung, bối cảnh chung chứ không chỉ thuần túy phục vụ cho mục đích tuyên truyền?
Theo tôi, phẩm chất nghệ thuật của tác giả quyết định giá trị thẩm mỹ của chính tác phẩm đó và nó phụ thuộc vào tài năng của cá nhân. Còn chung quanh cái chữ tài năng thì người ta sẽ chẻ ra thành nhiều dấu hiệu nhận biết, mà điều này do các nhà lý luận phê bình đúc kết, tổng hợp. Tóm lại là trong nghệ thuật sáng tạo bao giờ cũng đi trước, đi trước cả chuyện đào tạo, học hành... Tức là người nghệ sĩ phải có tài năng, có cái trời cho đã, rồi sau mới học hành, tu dưỡng, bồi đắp cho tài năng của mình. Tượng đài đẹp cũng vậy, trước hết do tài năng của tác giả. Nhưng để thành một công trình tượng đài ngoài trời thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan, chủ quan mà nhiều khi chỉ tài năng của chính tác giả không đủ để quyết định. Cho nên mỗi tác phẩm thành công đều có cái sự hiện hữu riêng, có đời sống riêng. Tượng đài phải hòa hợp tự nhiên với cảnh quan chung, không gian ngược lại cũng phải tôn trọng tác phẩm, không bên nào được lấn lướt bên nào, không được phủ nhận lẫn nhau.
Vậy theo ông điều gì quyết định sự thành công của một công trình tượng đài ngoài trời?
Tượng đài ở một số quốc gia, dù là đề tài người lính, người mẹ hay lãnh tụ, đều rất đẹp. Đừng bảo họ tả thực nhé, họ có tả thực đi nữa thì vẫn cực kỳ cảm xúc. Tôi vẫn muốn chúng ta sáng tạo hơn, có đủ không gian sáng tạo hơn cho tượng đài. Theo góc nhìn của cá nhân tôi, có những tác phẩm rất đẹp, giá trị nghệ thuật rất cao, cảm xúc thẩm mỹ rất lan tỏa nhưng lại chưa đến được với công chúng rộng rãi. Rất tiếc là nhiều tác phẩm điêu khắc ấn tượng, khác biệt vẫn nằm im lìm trong không gian riêng của nghệ sĩ, mà chưa thể lộ sáng, chưa có được đời sống nghệ thuật xứng đáng với giá trị của tác phẩm đó.

Tức là theo quan điểm của ông, với một người sáng tạo nghệ thuật, tài năng, năng khiếu trời cho quan trọng hơn chuyện học hành, trau dồi kiến thức?
Thì thực tế đã có, những họa sĩ rất tài năng, xây dựng được sự nghiệp lớn mà không học hành bài bản. Hay có những nhà thơ, nhà văn tác phẩm rất nổi tiếng, công chúng thuộc nhiều, biết đến nhiều mà cũng đâu phải tốt nghiệp trường nọ lớp kia. Nghệ sĩ có tài năng, có lao động nghệ thuật, thêm học hành bài bản, hàn lâm nữa là lý tưởng nhất. Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để học hành và hơn nữa, học hành bây giờ cũng có nhiều phương tiện, nhiều công cụ hỗ trợ chứ không nhất thiết phải trường lớp hàn lâm. Nghệ sĩ có tài, có nỗ lực cá nhân, là sẽ có thành quả. Nhiều họa sĩ trẻ dù không có điều kiện du học, nhưng đã tự học, tự nỗ lực, nên bây giờ luôn được mời tham dự các Hội chợ nghệ thuật hàng đầu trên thế giới, hay được mời tham gia các triển lãm, các dịp trưng bày tác phẩm trong các sự kiện uy tín quốc tế. May là chúng ta đang có ngày một nhiều hơn các nghệ sĩ trẻ tự thân vận động, tự thể hiện được mình ở sân chơi quốc tế. Điều đó càng tác động tích cực, giúp đời sống nghệ thuật sôi động, năng động hơn rất nhiều.
Trân trọng cảm ơn ông!