Kinh tế-Xã hội

Phép thử với các doanh nghiệp nhỏ

Không còn là khẩu hiệu hay chọn lựa, “làm đúng luật” đang trở thành điều kiện bắt buộc trong môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch. Nhưng trong cuộc chơi mới ấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay giữa áp lực tuân thủ và nỗi lo bị đào thải. Vậy họ còn cơ hội nào để thích nghi và tồn tại?

Các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp giúp mở rộng quy mô và tăng độ tin cậy với đối tác. Ảnh | ANH QUÂN
Các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp giúp mở rộng quy mô và tăng độ tin cậy với đối tác. Ảnh | ANH QUÂN

Theo báo cáo kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, trong nửa đầu năm nay, có hơn 152.700 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc hoạt động trở lại, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp rút lui vẫn ở mức đáng kể. Cụ thể, hơn 80.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 13,3%), hơn 34.000 đơn vị tạm ngừng hoạt động chờ giải thể (tăng 18,3%) và hơn 12.300 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 23,3%).

Nhiều rào cản và thách thức

Trong 6 tháng đầu năm 2025, bình quân mỗi tháng có khoảng 21.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động đạt trung bình khoảng 25.500 doanh nghiệp. Sự chênh lệch không lớn giữa hai nhóm này phản ánh trạng thái giằng co, lượng doanh nghiệp mới gia nhập nền kinh tế chỉ vừa đủ bù đắp cho số rút lui.

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp rút lui ở các hình thức khác nhau vẫn ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước, cho thấy khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Đây là một tín hiệu cảnh báo về “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp vốn đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội (HANOISME), lý giải rằng các doanh nghiệp đang “kiệt sức” do áp lực lớn từ sự gia tăng chi phí đầu vào, với giá thuê mặt bằng, nguyên vật liệu, vận chuyển, điện, nước tăng từ 10-20%. Các doanh nghiệp nhỏ, vốn có biên lợi nhuận thấp, không thể điều chỉnh giá bán tương ứng, dẫn đến tình trạng lỗ kéo dài và khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay là một rào cản lớn, khi hơn 60% DNNVV gặp khó khăn vì yêu cầu tài sản bảo đảm khắt khe và thủ tục phức tạp. Lãi suất cao và tỷ lệ giải ngân thấp của các chương trình tín dụng ưu đãi cũng khiến doanh nghiệp khó huy động vốn. Thêm vào đó, sức mua và đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Cuối cùng, việc chuyển đổi số cũng gặp trở ngại lớn, khi các DNNVV thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để ứng dụng công nghệ số, trong khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp FDI và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Luật sư Thu Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết thêm, một trong những rào cản lớn hiện nay là các DNNVV vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng phòng ngừa rủi ro pháp lý và chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc áp dụng các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Đặc biệt, các DNNVV thường chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh, phần lớn vẫn hoạt động theo thói quen và dựa vào sự quen biết.

Theo ông Lê Minh An, người sáng lập một startup F&B tại TP Hồ Chí Minh, sau khi buộc phải rút lui khỏi thị trường, ông không thấy cơ hội khởi động lại doanh nghiệp. Sức mua giảm rõ rệt và khách hàng ngày càng thận trọng hơn trong chi tiêu, cho thấy nhu cầu thị trường đang bị siết chặt. Bên cạnh đó, rào cản từ hệ thống pháp lý và yêu cầu tuân thủ ngày càng nghiêm ngặt.

Các startup thiếu nền tảng vận hành bài bản khó có thể trụ vững với các chuẩn mực mới. Các biện pháp linh hoạt từng giúp doanh nghiệp xoay xở nay không còn hiệu quả, khiến nhiều đơn vị phải dừng cuộc chơi. Ông đưa ra thí dụ, nhiều doanh nghiệp chỉ khai báo một phần lao động đóng bảo hiểm xã hội, hoặc sử dụng hóa đơn viết tay cho giao dịch. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp muốn hoạt động đều phải tuân thủ đầy đủ quy định và chịu sự giám sát từ các cơ quan quản lý.

Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch

Những chia sẻ của ông An phản ánh một thực trạng đáng chú ý là nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ, với yêu cầu cao về tính chính danh, tuân thủ và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng chuyển đổi để thích nghi. Một số ý kiến cho rằng, quá nhiều quy định chặt chẽ đang khiến doanh nghiệp nhỏ bị động và rút lui. Tuy vậy, nếu nhìn nhận kỹ, các quy định về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, và công bố thông tin… đã tồn tại từ lâu và thường xuyên được gia hạn.

z6802845656487-f0f7204a11f72875edc65f6d7dbadc63.jpg
Khu vực ủ chợp của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia (Thanh Hóa). Ảnh | KHIẾU MINH

Theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, từ đầu năm 2024, Quốc hội đã thúc đẩy cải cách pháp luật mạnh mẽ với hơn 30 luật và nghị quyết được ban hành hoặc lấy ý kiến trong ba kỳ họp gần đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thường thiếu kinh nghiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực mới hoặc yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không có cơ chế phù hợp để thử sức, doanh nghiệp trong nước sẽ mãi “đứng ngoài sân chơi”.

Thí dụ, một số dự án lớn ở Hải Phòng thường được giao cho doanh nghiệp nước ngoài hoặc có kinh nghiệm quốc tế. Vậy khi nào doanh nghiệp Việt mới có cơ hội trưởng thành? Do đó, các quy định mới là tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và bình đẳng hơn nhưng cũng kèm theo đó là áp lực cạnh tranh.

Ông Hiếu cho rằng, những doanh nghiệp trẻ, sáng tạo và am hiểu công nghệ dù tài chính còn yếu sẽ có cơ hội tham gia thị trường. Các doanh nghiệp hiện tại sẽ phải cải thiện quản trị, hiệu quả và khả năng phục vụ khách hàng để không bị tụt lại phía sau.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lại Đức Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm VISAFO chia sẻ, mặc dù áp lực từ các quy định mới là điều không thể phủ nhận, nhưng chính sự thay đổi thật sự là yếu tố quyết định để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Chỉ trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và công bằng, doanh nghiệp nhỏ mới có cơ hội nâng cao chất lượng và những đơn vị thật sự sáng tạo, đổi mới sẽ có thể vươn lên và duy trì vị thế của mình trên thị trường.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không thể diễn ra một cách nhanh chóng. Ông Dũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ hiện nay thường gặp phải những điểm yếu cố hữu về nhân lực, công nghệ, vốn và tư duy quản trị. Nếu thiếu sự hỗ trợ thiết thực, nhóm doanh nghiệp này dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn: “không đủ chuẩn - bị loại - thiếu cơ hội phát triển”. Điều này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh mà còn gây khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường và yêu cầu từ các quy định mới.

Tại một hội thảo về DNNVV, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Đồng Nai, chia sẻ rằng, doanh nghiệp không còn mong muốn nhận những hỗ trợ đơn giản như trước, mà thay vào đó là những hướng dẫn chi tiết và sâu sắc hơn. Các doanh nghiệp luôn tìm kiếm một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và muốn hoạt động một cách đúng đắn, hiệu quả.

Trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ, cần tập trung vào những vấn đề pháp lý quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp như luật đất đai, tín dụng, thuế, chuyển đổi xanh... Đồng thời, cần có đội ngũ tư vấn pháp lý tại các khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của các chương trình.

Tựu trung lại, cuộc chơi mới mang tên “làm đúng luật” không chỉ là phép thử về tư cách pháp nhân, mà là bước chuyển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình minh bạch hóa và hội nhập sâu rộng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần xác định chính sự tuân thủ mới mở ra cơ hội tiếp cận vốn, khách hàng, chuỗi cung ứng và các ưu đãi chính sách một cách chính danh. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần “dám” bước qua cánh cửa đang mở bằng một tư thế mới.

Có thể bạn quan tâm