Sứ mệnh mới, cần thiết kế mô hình tổ chức mới

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính lãnh thổ, thiết lập chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh - cấp xã) đã định hình sứ mệnh mới cho hệ thống chính trị cấp xã, hướng đến nền quản trị địa phương hiện đại. Điều này sẽ cần sự tính toán chi tiết khi thiết kế tổ chức bộ máy của chính quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng.

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - Giảng viên Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần về vấn đề này.

- Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh-xã) chính thức được triển khai trên toàn quốc, yêu cầu đặt ra cho việc xây dựng bộ máy chính quyền thích ứng với quy mô mới, chức năng, nhiệm vụ mới là gì, thưa ông?

- Ngay từ cuối tháng 11/2024, với những quan điểm chỉ đạo quyết liệt, thực hiện dứt khoát và thần tốc, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực với các cơ quan bộ/ban/ngành, từ Trung ương tới các địa phương. Mới đây nhất, từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã chính thức được triển khai trên toàn quốc, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cải cách quản trị hành chính.

Những thay đổi mạnh mẽ được đánh giá là có tính cách mạng nêu trên đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên cùng nhân dân trong cả nước, cũng như kỳ vọng tích cực về tương lai phát triển của đất nước. Việc này không chỉ để tinh giản bộ máy, mà sâu xa hơn là nhằm thiết lập một mô hình quản trị hiệu quả, linh hoạt và phù hợp với không gian phát triển mới, và trở thành yêu cầu cấp bách, xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của quốc gia về tăng cường liên kết vùng, tối ưu nguồn lực và giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ thể chế.

Đặc biệt, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính lãnh thổ, thiết lập chính quyền địa phương hai cấp đã định hình sứ mệnh mới cho hệ thống chính trị cấp xã, hướng đến nền quản trị địa phương hiện đại. Với quy mô mới thì cấp xã sẽ được đảm nhiệm nhiều chức năng, nhiệm vụ hơn, cùng với đó là thẩm quyền cũng gia tăng. Điều này sẽ cần sự tính toán chi tiết khi thiết kế tổ chức bộ máy của chính quyền.

- Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, như bỏ cấp huyện và nâng quy mô cấp xã, chắc chắn sẽ kéo theo việc thiết kế lại chức năng, nhiệm vụ và cả bộ máy nhân sự. Ông đánh giá thế nào về yêu cầu tái cấu trúc hệ thống chính quyền cơ sở trong bối cảnh này?

- Thực tế, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính lãnh thổ sẽ tái định hình mô hình cấu trúc quản trị địa phương cũng như quản trị quốc gia, tạo động lực mới, không gian phát triển mới ở nước ta trong tương lai.

Cụ thể, việc bỏ cấp huyện (cấp trung gian), nâng quy mô cấp xã sẽ đặt ra nhu cầu định hình sứ mệnh mới cho hệ thống chính quyền cấp xã. Đây là nhiệm vụ khó khăn, chúng ta cần thực hiện để hướng tới nền quản trị địa phương hiện đại, bám sát nhu cầu của đời sống xã hội, gia tăng khả năng linh hoạt đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, doanh nghiệp.

Việc bỏ cấp huyện đã và đang đặt ra khối lượng công việc khổng lồ cho các cơ quan chức năng của Nhà nước trong việc rà soát quy trình thực hiện, thiết kế lại chức năng và nhiệm vụ của hệ thống chính quyền hai cấp, tái bố trí nhân sự... Đây là một yêu cầu rất khó cho nên cần sự tính toán, cân nhắc thấu đáo để việc phân bố địa phương có thể thật sự thuận lợi cho phát triển.

Chúng ta không cầu toàn đến mức kỳ vọng về một sự phân bố địa phương hoàn hảo nhưng phải hướng đến giảm thiểu những bất cập, có thể gây tranh cãi, thậm chí lại có thể trở thành rào cản cho sự phát triển trong tương lai.

dsc05924.jpg
Đại hội Đảng các cấp là đợt sinh hoạt chính trị, ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân tộc. (Ảnh THÙY DƯƠNG)

- Vậy theo ông, tiêu chí lựa chọn, thiết kế bộ máy chính quyền sẽ cần hướng đến mục tiêu nào?

- Trong việc thiết kế chức năng, nhiệm vụ cho hệ thống chính quyền hai cấp, nếu giữ lối tư duy đây chỉ là việc chọn lựa rồi chuyển thẩm quyền, chức năng nào của cấp huyện về cho cấp xã hay cấp tỉnh thì dễ phải đối diện nguy cơ vá víu, thiếu tính dài hạn và tổng thể.

Ở đây, công tác sắp xếp vị trí, nhân sự, chức năng và thẩm quyền cần được đặt trong tầm nhìn dài hạn về mô hình chính quyền địa phương đáp ứng các yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, đặc biệt về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Rõ ràng, với những chức năng và nhiệm vụ mới thì đội ngũ nhân sự cấp xã hiện tại sẽ có thể gặp nhiều khó khăn. Vì thế, việc tái bố trí cán bộ, công chức cho cấp xã cần phải đặc biệt chú trọng năng lực của mỗi cá nhân, nhất là tại thời điểm thực hiện Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở - thời điểm định hình khung cán bộ chính quyền cấp cơ sở cho thời gian sắp tới. Nhìn chung, uy tín, phẩm chất và năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tương xứng với tầm vóc mới, vị thế mới của chính quyền cấp xã. Đội ngũ công chức, viên chức phải thành thạo chuyên môn, cùng ý thức đạo đức công vụ và tác phong làm việc chuyên nghiệp.

- Sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hàng nghìn trụ sở công dôi dư đang trở thành vấn đề đặt ra cho nhiều địa phương. Theo ông, đâu là điểm mấu chốt để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công này?

- Có một thực trạng đang diễn ra, sau quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị, là hàng nghìn trụ sở công dôi dư trên khắp cả nước. Đây là khối tài sản công khổng lồ, cần được quản lý chặt chẽ, tính toán các phương án sử dụng để tối ưu hiệu quả, phục vụ lợi ích công, lợi ích chung.

Dù vấn đề xử lý trụ sở công dôi dư đã được đặt ra từ lâu và có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng thực tế tại nhiều địa phương, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại do có những nút thắt, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí tài sản công. Để tháo gỡ những nút thắt và tạo chuyển biến rõ rệt cần sự đồng bộ trong hành động của tất cả các bên liên quan, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng là phải tập trung vào vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý những khối tài sản công này. Họ phải là những người chủ động trong việc rà soát, kiểm kê, lập phương án sắp xếp và đặc biệt là bàn giao tài sản theo đúng tiến độ, đúng quy định. Và để có được điều này cần có sự tính toán chi tiết ngay khi thiết kế tổ chức bộ máy của chính quyền ở thời điểm này.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm từng chỉ đạo rõ trong phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội gần đây. Theo đó, vai trò then chốt của cấp xã - nay được xem là đơn vị hành chính thực thi nhiều nhiệm vụ nhất, cần được trao quyền thật sự cả về tài chính, nhân lực và quản lý địa bàn. Để bảo đảm thành công, cần phải rà soát, củng cố nguồn cán bộ cấp cơ sở, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành mô hình mới.

Khi các yếu tố về pháp lý, cơ chế vận hành được thiết lập đầy đủ và đồng bộ với yếu tố con người, cùng sự đốc thúc thường xuyên của các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm ở cấp Trung ương thì mọi việc đều có thể chuyển động theo kế hoạch, góp phần khai thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm