Sức lan tỏa mạnh mẽ từ mô hình mới

Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các phường, xã ở tỉnh Hà Tĩnh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động, thích nghi nhanh với nhiệm vụ mới, từng bước nâng cao năng lực đáp ứng kỳ vọng của người dân về mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Nhân dân xã miền núi Phúc Trạch (tỉnh Hà Tĩnh) thực hiện các giao dịch hành chính tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã.
Nhân dân xã miền núi Phúc Trạch (tỉnh Hà Tĩnh) thực hiện các giao dịch hành chính tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã.

Nhiều tiện ích cho người dân

Cầm trên tay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ), ông Lê Đình Hựu ở thôn Tân Hương, xã Phúc Trạch hài lòng kể: “Trước đây, muốn làm thủ tục cấp, đổi sổ đỏ, tôi phải đi gần 20 km lên trung tâm giao dịch của huyện ở thị trấn cũ để kê khai giấy tờ liên quan. Nay, tôi chỉ cần ra Trung tâm Phục vụ hành chính công đặt ngay trụ sở Ủy ban nhân dân xã để giao dịch. Mặc dù không gian trung tâm còn nhỏ so với lượng người đến giao dịch những ngày qua, tuy nhiên bù lại, chúng tôi được cán bộ, nhân viên tại đây tiếp đón thân thiện, hướng dẫn tận tình, chu đáo”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Trạch Dương Ngọc Hoàng, không riêng gì ông Hựu, từ khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, việc tiếp cận các giao dịch hành chính công của người dân đã được rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục rườm rà, nhờ đó đã đem lại tiện ích và sự hài lòng của người dân.

Từ khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, việc tiếp cận các giao dịch hành chính công của người dân đã được rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục rườm rà, nhờ đó đã đem lại tiện ích và sự hài lòng của người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Trạch Dương Ngọc Hoàng

Xã Phúc Trạch được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba xã: Hương Liên, Hương Trạch và Phúc Trạch. Đây là những địa phương nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hương Khê trước đây. Nhờ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cấp xã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp cấp xã chủ động xử lý công việc, rút ngắn quy trình, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu lực điều hành của chính quyền cơ sở. Vì vậy, người dân không cần phải di chuyển hàng chục, thậm chí là hàng trăm cây số để thực hiện các giao dịch hành chính công.

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hà Huy Tập đúng 8 giờ sáng ngày thứ hai. Được xem là giờ cao điểm thực hiện các thủ tục hành chính công, tuy vậy, thay vì phải chen lấn, xô đẩy, người dân được hướng dẫn xếp hàng, bốc số, ngồi chờ đến lượt theo quy định.

Đồng chí Tô Thái Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường cho biết, trước khi đi vào vận hành chính quyền địa phương hai cấp, theo chỉ đạo của tỉnh, phường đã bố trí trụ sở hành chính xã Thạch Đài cũ làm nơi làm việc của khối Đảng, đoàn thể; trụ sở hành chính xã Tân Lâm Hương cũ là nơi làm việc của khối chính quyền. Tại nơi làm việc mới của khối chính quyền, địa phương đã lựa chọn dãy nhà hai tầng có vị trí thuận lợi để bố trí nơi làm việc của Trung tâm Phục vụ hành chính công. Nhờ vị trí thuận lợi và ưu tiên nhân lực, máy móc, phương tiện phục vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã đã vận hành trơn tru, hiệu quả ngay từ những ngày đầu.

Ông Nguyễn Hữu Lịch, thôn Bàu Láng, phường Hà Huy Tập chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến giao dịch tại trụ sở của chính quyền mới. Ngoài khuôn viên, phòng ốc được bố trí khoa học, dễ nhận diện, các cán bộ, nhân viên ở đây rất thân thiện, các cháu thanh niên tình nguyện viên hỗ trợ rất nhiệt tình, chỉ một vài thao tác, các dữ liệu cần thiết của tôi đã được cập nhật vào hệ thống quốc gia”.

Theo đồng chí Đậu Thị Thu Trang, chuyên viên Văn phòng Ủy ban nhân dân phường Hà Huy Tập, để có sự hài lòng này, lãnh đạo chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch, phân công các tổ công tác về tận các thôn, tổ dân phố để chủ động thông báo, cung cấp và hướng dẫn cho người dân những thủ tục có thể thực hiện tại nhà trên máy tính cá nhân hoặc điện thoại thông minh. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền cũng như bố trí đúng người, đúng việc, cho nên những cán bộ được giao nhiệm vụ làm việc tại trung tâm luôn nỗ lực hết mình vì công việc, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

Từ ngày 1/7 đến nay, việc giải quyết thủ tục hành chính liên thông được các địa phương thực hiện thông suốt.

Đồng chí Bùi Quang Dương,
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết

Đánh giá về tình hình hoạt động tại các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã trên địa bàn, đồng chí Bùi Quang Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 1/7 đến nay, việc giải quyết thủ tục hành chính liên thông được các địa phương thực hiện thông suốt, cơ bản tập trung vào các lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai và người có công. Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, công bố thủ tục hành chính thực hiện phi địa giới hành chính; chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã và các cơ quan chức năng khác để thực hiện các thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.

“Hiện nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh chịu tác động bởi sắp xếp tổ chức bộ máy, các nội dung còn bất cập, thiếu hiệu quả, không còn phù hợp để tham mưu sửa đổi, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý”, ông Dương cho biết thêm.

Chủ động vượt khó

Mới chân ướt, chân ráo về cơ sở, lại không phải là người địa phương, vì vậy khi được điều động về công tác tại xã Phúc Trạch đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, đồng chí Lê Nguyễn Kiên Cường khó tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu.

Theo chia sẻ, bản thân đồng chí được đào tạo chuyên ngành kỹ sư công trình nông nghiệp và từng gắn bó lâu năm với Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Hà Tĩnh, vì vậy, khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Cường đã chủ động tìm hiểu tình hình, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội địa phương; nỗ lực tìm hiểu và thích ứng phong tục, tập quán văn hóa của người dân. Đồng thời, dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu, cập nhật những kiến thức mới về lĩnh vực phụ trách, nhất là học hỏi, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý của các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy xã và anh em cán bộ chuyên môn để áp dụng vào thực tiễn công tác.

Theo đánh giá của đồng chí Hoàng Quốc Nhã, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch, cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng chí Cường đã tích cực thâm nhập thực tiễn, nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh cũng như những lực cản trong phát triển của địa phương, từ đó, cùng với các đồng chí trong tập thể lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện đường hướng phát triển cho đơn vị. Bởi vậy, khi đưa ra các giải pháp như: Nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; kết nối phát triển du lịch, khai thác tiềm năng văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; phát triển du lịch dịch vụ, đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; phát triển làng nghề chế tác trầm, cây đặc sản chất lượng cao... nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối nhiệm kỳ, dự thảo Báo cáo chính trị Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025-2030 đã nhận được sự đồng tình, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân.

Cũng là cán bộ thuộc diện được luân chuyển, bố trí về đơn vị mới công tác, đồng chí Tô Thái Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hà Huy Tập cho biết, để tạo dựng được niềm tin với cán bộ, nhân dân, bản thân người đứng đầu luôn phải xác định vai trò “đứng mũi, chịu sào” để xây dựng mối đoàn kết, truyền cảm hứng cho cán bộ, công chức nhanh chóng bắt kịp nhiệm vụ, nắm chắc địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lấy thí dụ về việc bảo đảm sự hài hòa trong phân công, bố trí cán bộ ở đơn vị hành chính mới, đồng chí Hòa chia sẻ: Các đồng chí cán bộ từng công tác ở cấp tỉnh, huyện thường nắm chắc các vấn đề chủ trương, đường lối, pháp luật; cán bộ, công chức ở cấp xã trước đây luôn chịu khó, không nề hà công việc, nắm địa bàn tốt và có sự kết nối thường xuyên với người dân. Vì vậy, trong phân công nhiệm vụ nên có sự gắn kết nhằm bổ trợ lẫn nhau, phát huy cao nhất ưu điểm của cán bộ.

Theo chia sẻ của hầu hết cán bộ, công chức ở Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hà Huy Tập, nếu không có sự kết hợp này, đội ngũ cán bộ cấp xã khó lòng thực hiện “trôi chảy” nhiệm vụ được giao, bởi rất nhiều bộ thủ tục hành chính vốn của cấp tỉnh và 70% số thủ tục hành chính của cấp huyện (trước đây), thì nay đã được phân về xã tiếp nhận, xử lý.

Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, trong một thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các phường, xã trên địa bàn đã nỗ lực vượt khó, gấp rút hoàn thiện một khối lượng công việc đồ sộ như: Thích nghi, vận hành thông suốt bộ máy hành chính mới; gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp; rốt ráo triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; xúc tiến xây dựng quy hoạch chung, kiến tạo không gian phát triển mới...

Thời gian tới, cùng với việc đề nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên các ngành, lĩnh vực tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức rà soát tổng thể tình hình bố trí cán bộ, công chức nhằm bảo đảm sự hài hòa, phát huy cao nhất tâm huyết, năng lực chuyên môn của từng vị trí tại bộ máy hành chính mới.

Có thể bạn quan tâm