Năm 2025 có thể nói là thời điểm “năng suất” của nhạc sĩ Nguyễn Xinh Xô, khi trước đó anh cũng vừa ra mắt EP Hanoi Waltz. Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng anh.
Tình yêu với nhạc điện tử
- Thường, một sản phẩm âm nhạc sẽ đi từ phòng thu đến sân khấu, nhưng Cánh đồng di sản lại có cách làm ngược lại. Vì sao lại thế và đâu là lý do phải đến nay, dự án này mới xuất hiện, thưa anh?
- Đây vốn là một dự án được “thiết kế” riêng với mục đích trình diễn trực tiếp, nơi âm nhạc, không gian, hình ảnh và cảm xúc của khán giả giao thoa tại chỗ. Vì vậy, ban đầu, tôi xem nó là một trải nghiệm “sống”, không nhất thiết phải tồn tại dưới dạng album. Sau khi trình diễn tại Monsoon 2023, tôi dành nửa đầu năm 2024 như một khoảng nghỉ để tập trung lên ý tưởng và sản xuất EP Hanoi Waltz - một dự án rất khác về câu chuyện, chất liệu cũng như màu sắc. Chỉ sau khi hoàn thành Hanoi Waltz tôi mới nghĩ lại về Cánh đồng di sản và nhen nhóm ý tưởng về một phiên bản studio album, để người nghe có thể tiếp cận ở bất kỳ đâu.
- Không chỉ Cánh đồng di sản mà Hanoi Waltz anh vừa nhắc đến đều là các sản phẩm âm nhạc điện tử. Vì sao anh chọn chất liệu này để khắc họa các vùng đất?
- Nhạc điện tử là thế mạnh cũng như dòng nhạc bản thân tôi yêu thích và gắn bó trong suốt nhiều năm. Nó không chỉ là một chất liệu âm thanh hiện đại, mà còn là một ngôn ngữ biểu đạt rất linh hoạt và giàu khả năng gợi mở, đặc biệt khi muốn kể những câu chuyện có chiều sâu về ký ức, không gian và bản sắc.
Với tôi, Hanoi Waltz và Cánh đồng di sản như những ký ức và trải nghiệm được cảm nhận qua thời gian và phần lớn mang tính cá nhân. Nhưng, tôi cũng tin, đó là suy tư chung của rất nhiều người. Chính vì vậy, nhạc điện tử như một không gian mở, nơi mỗi người nghe có thể tìm thấy một phần hay một góc riêng cho suy nghĩ và ký ức của chính họ. Ngoài ra, khả năng tạo kết cấu/texture và sự trừu tượng trong thiết kế âm thanh cũng giúp nhạc điện tử vượt qua khuôn khổ trần thuật thông thường để chạm đến những cảm xúc mà đôi khi, cả lời ca cũng không thể diễn đạt được.
- Anh nói nhạc điện tử có khả năng kể “câu chuyện có chiều sâu về ký ức, không gian và bản sắc”. Nhưng tôi được biết, anh chưa từng đặt chân đến vùng Tây Bắc. Vậy đâu là lý do khiến anh và nhạc sĩ Quốc Trung khai thác yếu tố âm nhạc bản địa của khu vực này?
- Khi bắt đầu thực hiện dự án, tôi thật sự cảm thấy mình có một sự đồng cảm rất sâu sắc với câu chuyện của Cánh đồng di sản. Theo đó, hành trình của những người trẻ rời làng bản lên thành phố để tìm kiếm một cuộc sống mới giữa những giằng xé về ký ức, bản sắc và tương lai có điều gì đó rất giống với câu chuyện riêng của tôi sau khi rời Hà Nội để du học ở nước ngoài. Dù bối cảnh khác nhau, nhưng cảm giác xa rời nơi mình thuộc về, đối mặt với một thế giới mới vừa lạ lẫm vừa lôi cuốn, lại là điều tôi có thể hiểu rõ.
Tôi luôn hình dung dự án như một bộ phim và tôi được viết nhạc cho tác phẩm đó. Khi làm nhạc, tôi không cố kể lại một câu chuyện cụ thể mà để âm thanh len lỏi vào những khoảng trống cảm xúc, lúc hoài nghi, lúc nhớ nhà, lúc phải tỏ ra mạnh mẽ giữa một thành thị mới, đông đúc nhưng cô đơn... Có thể nói, dự án này là dịp hiếm hoi để chuyển hóa trải nghiệm cá nhân thành một không gian âm thanh mang tính chia sẻ, nơi người nghe, dù là ai và đến từ đâu, cũng có thể tìm thấy điều gì đó quen thuộc của chính họ.

Di sản: Từ vô thức đến bảo tồn
- Anh vừa nhắc đến những cảm xúc rất đặc biệt như hoài hương, hoài nghi... Tôi tự hỏi, liệu việc sống xa quê nhà có khiến anh cảm thấy mình ngày càng gần gũi hơn với cội nguồn không?
- Tôi nghĩ, khi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đặc biệt trong gia đình, có bố tôi là người nghiên cứu về âm nhạc dân gian, tôi dường như đã có sẵn một sự liên kết mặc định với chất liệu dân gian và nhịp sống của vùng nông thôn miền núi rồi, dù đây là những thứ tôi hoàn toàn không để ý tới. Chỉ sau khi sống ở nước ngoài một thời gian và trong một không gian hoàn toàn khác biệt, tôi mới bắt đầu cảm nhận rõ hơn về mối liên kết đó. Chính điều này khiến tôi muốn lắng nghe kỹ hơn và quan sát chi tiết hơn những giá trị mình từng bỏ qua.
Cánh đồng di sản, vì vậy, không chỉ là một dự án nghệ thuật mà còn như một hành trình kết nối “ngược” đối với tôi khi tôi nhận ra: Di sản không chỉ nằm trong các hiện vật hay những thứ mang tính bề nổi, mà còn nằm trong âm thanh, ký ức và cách một cộng đồng kể lại câu chuyện của chính họ, bằng những điều rất đời thường nhưng đầy sức nặng cảm nghiệm.
- Vì là nhạc điện tử nên hầu hết âm thanh đều ở dạng tái lập. Khi tiếng sáo Mông, đàn tính, đàn môi... không được tạo nên bởi các nhạc cụ thật mà từ các cỗ máy và tín hiệu điện, anh có e ngại rằng, điều này sẽ làm giảm đi tính tự nhiên của các yếu tố văn hóa bản địa?
- Phải nói, việc giữ nguyên tính tự nhiên của các yếu tố văn hóa bản địa không phải mục đích chính của Cánh đồng di sản. Dự án này không nhằm tái hiện nguyên bản văn hóa mà là một cách nhìn và cách kể lại thông qua lăng kính cá nhân và chất liệu âm thanh điện tử.
Thật ra ngay cả khi sử dụng nhạc cụ thật nhưng nếu đặt chúng trong một ngữ cảnh âm nhạc hoàn toàn khác biệt, thì bản thân nó đã không còn là nguyên bản tự nhiên nữa rồi! Việc “giữ nguyên” chỉ mang tính tương đối, vì mỗi tái hiện luôn đi kèm với các chắt lọc và diễn giải khác nhau. Chính vì vậy, tôi không thấy có lý do gì để phải sử dụng nhạc cụ thật chỉ để đạt được một cảm giác “authentic”/xác thực theo xu hướng hiện nay. Tôi nghĩ, trung thực trong cảm xúc và tư duy nghệ thuật quan trọng hơn trung thành về hình thức.
Tôi và anh Quốc Trung đều hứng thú với việc dùng công cụ điện tử để tưởng tượng lại những âm thanh vốn thuộc về thiên nhiên, con người và ký ức cộng đồng. Nhưng càng đi sâu vào quá trình làm việc, chúng tôi, có lẽ, càng cảm thấy rằng, việc tái hiện bằng ngôn ngữ mới cũng chính là một cách để nhìn lại di sản từ một khoảng cách khác, trung thực hơn với vị trí của chính mình hôm nay.
Âm thanh của những nhịp sống đặc trưng của các vùng miền không mất đi ngay lập tức mà đang phai dần, mờ đi trong tiến trình đô thị hóa và lối sống hiện đại. Nhiều âm thanh từng rất quen thuộc giờ đã trở thành xa lạ với thế hệ trẻ. Chính vì vậy việc đặt lại những âm thanh ấy trong một không gian âm nhạc mới để nhìn lại và lắng nghe bằng tâm thế của hiện tại cũng là một cách để bảo tồn khác, nhưng là bảo tồn trong cảm thức chứ không phải sao lưu nguyên trạng.
- Quả là một dự án thú vị và nhiều ý nghĩa. Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện và rất chờ đợi được nghe các tác phẩm khác của anh!