Mọi người đến không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc mà còn góp phần lan tỏa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đến thế hệ trẻ.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đồng Tiến, tỉnh Đồng Nai có khoảng 5.000 phần mộ liệt sĩ, trong đó có đến 2/3 chưa xác định được danh tính. Dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, đoàn cán bộ, giáo viên, người lao động Trường mầm non Hoa Hồng, phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai đã đến thành kính dâng hương, dâng hoa trước các anh linh liệt sĩ và thắp hương tại các phần mộ. Cô hiệu trưởng Trần Thị Yến Anh cho biết: “Hoạt động tri ân các Anh hùng, liệt sĩ luôn được nhà trường duy trì. Đây là truyền thống ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc...”.
Những nén nhang ngát hương, những bó hoa tươi thắm là tấm lòng thành kính mà các cô giáo, người lao động Trường mầm non Hoa Hồng gửi đến các Anh hùng, liệt sĩ. Hoạt động tri ân này góp phần giáo dục giá trị sống, giúp các giáo viên, học sinh thêm tự hào về lịch sử dân tộc; từ đó, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến thế hệ nhỏ tuổi, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, ý thức và trách nhiệm cộng đồng.
Còn vợ chồng anh Tạ Xuân Thụ (xã Phú Giáo, Thành phố Hồ Chí Minh), cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về hay dịp tháng Bảy lại cùng nhau lên Nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Tiến (tỉnh Đồng Nai) để thắp hương cho bác ruột mình là liệt sĩ Tạ Xuân Biên. Anh Tạ Xuân Thụ bộc bạch: “Gia đình bác ở ngoài bắc nhưng mọi người tuổi đã cao. Tôi là cháu ruột ở cách đây khoảng 50 km cho nên thường xuyên qua lại, thăm nom phần mộ của bác để thắp hương tỏ lòng thành kính và tri ân”.
Giữa nghĩa trang lặng yên, những hàng cây rì rào, những tiếng chim líu lo trên cành như lời ru canh giấc ngủ ngàn thu của các Anh hùng liệt sĩ. Ở đó còn có bước chân của những người quản trang lặng lẽ ngày đêm chăm sóc các phần mộ. Tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đồng Tiến, cựu chiến binh Trương Quốc Tư (xã Đồng Tiến, tỉnh Đồng Nai) năm nay sắp sang tuổi 70 nhưng vẫn thoăn thoắt quét, dọn những lá vàng rơi chen vào giữa các phần mộ của những đồng đội đã ngã xuống khi tuổi còn xanh.
Hơn 20 năm qua, ông Tư gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ, gắn bó với hơn 5.000 đồng đội tại đây. Cựu chiến binh Trương Quốc Tư cho biết: “ Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Tĩnh. Tôi tham gia nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia năm 1978. Sau ngày xuất ngũ, tôi về sinh sống tại xã Đồng Tiến, tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2005, tôi đảm nhiệm “canh gác giấc ngủ ngàn thu cho đồng đội”. “Để có hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên công ơn của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Tôi chỉ mong đóng góp một phần công sức nhỏ để nơi an nghỉ của các anh luôn sạch đẹp...”, ông Tư cho biết thêm. Đưa chúng tôi đi thăm các phần mộ liệt sĩ, ông Tư chia sẻ, niềm trăn trở lớn nhất đối với ông lúc này là nhiều phần mộ tại đây chưa xác định được danh tính! Nói xong, mắt ông Tư rơm rớm, rồi hai dòng lệ chảy dài trên gò má đã sạm đi vì thời gian. Nhưng ông luôn lạc quan vì Đảng và Nhà nước ta đang có nhiều chính sách chạy đua với thời gian để tìm kiếm, cất bốc và xác định danh tính các liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng trên quả đồi nằm cạnh Quốc lộ 14-đường Hồ Chí Minh. Trước đây, vào mùa khô, khu vực này thiếu nước tưới cho hệ thống cây xanh và thảm hoa. Vừa qua, Tập đoàn Trường Tươi Bình Phước đã đầu tư kinh phí khoan giếng, sơn sửa lại nhà bia, khuôn viên nghĩa trang và nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi cho các thành viên đội quản trang. Nhờ đó, nghĩa trang liệt sĩ càng khang trang, xanh tươi hơn. Nơi đây là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong mỗi con người Việt Nam.