Thúc đẩy hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Tanzania

Nhận lời mời của Tiến sĩ Batilda Salha Burian, Tỉnh trưởng tỉnh Tanga (Tanzania), Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Vũ Thanh Huyền đã có chuyến công tác tại tỉnh Tanga từ ngày 23 đến 25/7.

Đoàn làm việc với Tỉnh trưởng Tanga.
Đoàn làm việc với Tỉnh trưởng Tanga.

Đoàn làm việc tại Văn phòng Tỉnh trưởng Tanga trong không khí hữu nghị, xây dựng và tích cực, hai bên đã cùng trao đổi, làm rõ những cơ hội hợp tác song phương nhằm nỗ lực đóng góp thiết thực vào năm bản lề hai nước kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1965-2025).

Tại buổi tiếp, Tỉnh trưởng Batilda Burian đánh giá cao tình bạn truyền thống của hai đất nước từ trong quá khứ đấu tranh giải phóng dân tộc đến nay, khẳng định Tanga mong muốn và sẵn sàng đón nhận các sáng kiến hợp tác từ phía Việt Nam.

Tỉnh trưởng cho biết, Tanga là tỉnh một trong năm tỉnh lớn của Tanzania với diện tích hơn 26 nghìn km2, gồm 8 quận với các thế mạnh, đặc trưng đa dạng, tài nguyên thiên nhiên trù phú, khí hậu mát mẻ, có nền sản xuất nông-ngư nghiệp đặc sắc và đang vươn lên mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghiệp, khởi nghiệp và công nghệ số. Tanga được xem là điểm kết nối kinh tế của khu vực Đông Phi với cảng biển lớn và tuyến đường sắt lâu đời nhất của Tanzania.

lam-viec-voi-quan-truong-lushoto-3-5738.jpg
Đoàn làm việc với Quận trưởng Lushoto.

Về kinh tế, nông nghiệp vẫn là trụ cột chính, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động. Tổng thống Tanzania đặc biệt quan tâm phát triển ngành thủy sản, hỗ trợ cấp tàu đánh cá, phát triển rong biển và nuôi cua biển – những lĩnh vực mà tỉnh mong muốn tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ Việt Nam. Ngoài ra, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nội địa cũng đang được đẩy mạnh.

Tanga cũng là tỉnh duy nhất của Tanzania có ba nhà máy xi-măng lớn, trong đó nguyên liệu clinker chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam – minh chứng rõ nét cho mối liên hệ kinh tế hai bên. Tỉnh còn sở hữu nhiều loại tài nguyên quý như vàng, graphite, bauxite, cát khoáng nặng, ruby, ngọc lục bảo. Bên cạnh đó, Tỉnh trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ những thách thức còn tồn tại, như việc một số nhà máy sản xuất dệt may truyền thống chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Thế mạnh trong ngành dệt may của Việt Nam có thể mở ra các cơ hội phát triển ngành công nghiệp dệt may vốn rất được phụ nữ Tanga ưa chuộng.

tham-va-lam-tu-thien-tai-trai-tre-mo-coi-tanga.jpg
Thăm và làm từ thiện tại Trại trẻ mồ côi Tanga.

Về công nghệ, Tanga là một trong số ít tỉnh có kết nối cáp quang xuyên biên giới với Kenya, đang vận hành trung tâm khởi nghiệp ICT cho giới trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, địa phương hiện chưa có đài truyền hình khu vực, và rất mong được học hỏi mô hình của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông địa phương và chuyển đổi số.

Tỉnh trưởng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong hợp tác Nam-Nam và khẳng định hai bên đang duy trì quan hệ song phương ổn định trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, truyền thông, du lịch và chuyển đổi số. Bà bày tỏ mong muốn kết nối địa phương giữa hai nước để hợp tác ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

tham-rung-ngap-man-lam-viec-voi-nu-doanh-nhan-kinh-te-xanh.jpg
Thăm rừng ngập mặn, làm việc với nữ doanh nhân kinh tế xanh.

Về phần mình, Đại sứ Vũ Thanh Huyền cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của tỉnh Tanga, khẳng định năm 2025 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước và ghi nhận nhiều bước tiến mới trong quan hệ hai nước, đặc biệt là việc trao đổi đoàn cấp cao với cơ chế tham vấn chính trị đã được thiết lập giữa hai Bộ ngoại giao, đồng thời các cơ chế hợp tác được thúc đẩy nhằm mở rộng hợp tác song phương trong thời gian tới, trong đó có cuộc họp lần thứ 2 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Tanzania về hợp tác nông nghiệp sẽ sớm được thực hiện dự kiến vào Quý IV năm nay tại Tanzania. Đây là cơ chế hợp tác được ký kết giữa hai chính phủ từ năm 2004.

Đại sứ đánh giá tích cực về tiềm năng và cơ hội hợp tác của tỉnh Tanga, đồng thời cho rằng Tanga và nhiều địa phương của Việt Nam, nổi bật là tỉnh Lâm Đồng, có nhiều nét tương đồng về khí hậu, điều kiện sinh thái và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Với những thế mạnh về rừng, biển, du lịch và khoáng sản, Lâm Đồng còn được coi là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Đây là cơ sở thuận lợi để bắt đầu các chương trình hợp tác cụ thể. Đại sứ tin tưởng rằng với sự tham gia tích cực và trực tiếp từ địa phương, hợp tác Việt Nam-Tanzania sẽ đi vào chiều sâu, thiết thực và bền vững.

tham-va-lam-viec-tai-co-so-san-xuat-sisal-2.jpg
Thăm và làm việc tại cơ sở sản xuất Sisal.

Đại sứ cũng chia sẻ công cuộc cải cách mạnh mẽ tại Việt Nam, đồng thời, nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số và chính phủ điện tử, cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Doanh nghiệp Halotel – chi nhánh của Viettel tại Tanzania – là minh chứng cụ thể cho mô hình hợp tác công nghệ hiệu quả giữa hai nước. Halotel đã khẳng định vị thế và đồng hành cùng người dân Tanzania sau hành trình 10 năm kinh doanh tại Tanzania với mạng lưới phủ sóng 88% dân số, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa và hiện đang chuẩn bị triển khai tần số 5G tại Tanzania.

Cũng trong chuyến công tác, Đại sứ Vũ Thanh Huyền đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các quận Tanga và Lushoto, ông Dadi Kolimba; thăm nhà máy sản xuất thạch cao, cơ sở sản xuất chế biến thành phẩm từ cây Sisal; khu rừng ngập mặn Isit tại Tanga và trao quà từ thiện tại Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi “Goodwill and Humanity House of Orphanage”.

Có thể bạn quan tâm