Tình người trong lũ dữ

Trưa 22/7, trận lũ quét xảy ra ở xã biên giới Nhôn Mai, miền tây Nghệ An đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, ruộng nương, đường sá, cầu giao thông trên địa bàn và nhấn chìm nhiều khu vực các xã: Mường Xén, Tương Dương, Nhôn Mai, Yên Hòa, Con Cuông…

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương hành quân tiếp cận bản Chà Nga, bản xa và khó khăn bậc nhất của xã Mỹ Lý.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương hành quân tiếp cận bản Chà Nga, bản xa và khó khăn bậc nhất của xã Mỹ Lý.

Trong bão lũ, nhiều câu chuyện cảm động là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, truyền thống đoàn kết, đùm bọc yêu thương đồng bào.

Vào sáng 23/7, chị Kha Thị May (sinh năm 1990, trú tại bản Xốp Thặp, xã Hữu Kiệm) chuyển dạ sinh con, được người nhà chở bằng xe máy đến Trung tâm Y tế Kỳ Sơn (nằm trên địa bàn xã) cách đó 20 km. Tuy nhiên, khi đến địa phận bản Na Lượng, do nước từ thượng nguồn đổ về, đường bị ngập sâu, Công an xã Hữu Kiệm phải dùng thuyền mới đưa được sản phụ vào cơ sở y tế để sinh con. Đến trưa cùng ngày, sản phụ May đã hạ sinh thành công bé trai, bảo đảm an toàn cho mẹ và bé. Đêm 24/7, Công an xã Tiên Đồng phát hiện anh Và Bá Câu (trú tại bản Piêng Coọc, xã biên giới Nhôn Mai) đi xe máy chở vợ mang bầu và con nhỏ đang bị lạc đường nên đã đưa về trụ sở chăm sóc, bố trí chỗ ăn, nghỉ; sáng hôm sau đưa chị Dua đi khám, kiểm tra thai nhi và sau đó thu xếp cho gia đình anh Câu ở nhờ chờ đến khi đường về nhà có thể lưu thông được.

Trong đêm 22/7, anh Vi Văn Hiếu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Mường Xén nhận được cuộc gọi, báo ở khối 5 có người đang mắc kẹt trong dòng lũ. Sau khi băng qua những con đường ngập, trước mắt họ là năm người đang co cụm trên gác căn nhà nằm lọt thỏm giữa dòng lũ, không phương tiện nào tiếp cận được. Sau khi hội ý nhanh với đồng đội, anh Hiếu mang áo phao, đầu đội đèn pin, quấn sợi dây lớn quanh người rồi lao ra giữa dòng lũ. Anh Hiếu nhớ lại, khi tiếp cận được ngôi nhà, mọi người đang hoảng loạn, phải mất gần 30 phút vật lộn với dòng nước lũ mới giải cứu được cả năm người. “Lúc đó, nước lũ ào ào, càng lúc càng mạnh, địa hình dốc nên chảy rất dữ dội. Thấy bà con nhân dân kêu cứu, tôi cũng không kịp nghĩ nhiều, trong đầu chỉ nghĩ là cứu được ai thì cứu”, anh Hiếu chia sẻ.

Trước tình huống bản Ta Đo của xã Mường Típ bị cô lập nhiều ngày do tuyến đường độc đạo vào bản bị chia cắt, hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nặng, các công trình dân sinh chìm trong bùn đất, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Ải quyết định thành lập tổ công tác gồm 18 cán bộ, chiến sĩ gấp rút hành quân, mang theo một số nhu yếu phẩm, dụng cụ cần thiết, thực hiện nhiệm vụ giúp dân. Sau nhiều giờ đồng hồ, vượt qua quãng đường hơn 15 km với hàng chục điểm sạt lở, đất đá từ vách núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào; băng qua nhiều đoạn sông, suối chảy xiết, tổ công tác đã tiếp cận được bản Ta Đo vào trưa ngày 22/7. Sau khi tiếp tế một số thực phẩm thiết yếu cho bà con, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tổ chức giúp đỡ nhân dân. Sự xuất hiện của những người lính mang quân hàm xanh đã nhanh chóng trấn an tinh thần bà con dân bản lúc này, giúp nhân dân vượt qua hiểm nghèo.

Chỉ trong bốn ngày (từ 22- 25/7), mưa lũ đã làm 1.170 nhà trên địa bàn các xã miền tây Nghệ An bị hư hỏng nặng; 15 điểm trường bị thiệt hại lớn; 15 cầu giao thông, cầu dân sinh bị cuốn trôi; hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị hư hại; khoảng 15.000 gia súc, gia cầm bị chết… Đặc biệt, mưa lũ khiến bốn người tử vong, một người bị lũ cuốn chưa tìm thấy… Đến tối 25/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 15 xã bị cô lập, chia cắt; trong đó các xã Hữu Kiệm, Nhôn Mai, Mường Típ bị cô lập hoàn toàn. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, các cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng… kịp thời có mặt tại địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vượt qua lũ dữ, bảo toàn tính mạng, từng bước ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm