Trọng trách với mục tiêu tăng trưởng

Bức tranh tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sáu tháng đầu năm của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu thật sự rất tích cực. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm. Một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5 - 15% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận mức tăng lợi nhuận bằng 138% kế hoạch và bằng 453% so cùng kỳ năm 2024...
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận mức tăng lợi nhuận bằng 138% kế hoạch và bằng 453% so cùng kỳ năm 2024...

Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty đã ghi nhận mức tăng lợi nhuận đột phá, như lợi nhuận trước thuế công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) bằng 64% kế hoạch năm và bằng 150% so cùng kỳ; của công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bằng 77% kế hoạch và bằng 477% so cùng kỳ; của công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bằng 138% kế hoạch và bằng 453% so cùng kỳ năm 2024...

Tuy vậy, những kết quả mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã rất nỗ lực để đạt được vẫn chưa thể khiến các tháng cuối năm bớt vất vả.

Một mặt, những diễn biến phức tạp, khó lường vẫn đang chi phối thị trường thế giới, khiến giá nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào, nhất là sắt, thép, xăng dầu, chi phí logistics tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp sử dụng các mặt hàng, dịch vụ này làm đầu vào. Mặt khác, suy thoái kinh tế, lạm phát cao ở một số nước là đối tác quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao làm nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các đơn hàng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh hoặc có xu hướng chững lại...

Nhưng, điểm mấu chốt là chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 của phần lớn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, trong số 20 doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đang làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, bảy doanh nghiệp đang được Bộ đề xuất mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng trên 10%, gồm SCIC (tăng 20%), Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (14%), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (11%), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam -TKV (10%), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT (10%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG (10%), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (10%). 13 doanh nghiệp còn lại đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng từ 8% đến 10%.

So chỉ tiêu được phân giao cho các doanh nghiệp theo Quyết định số 1073/QĐ-BTC ngày 25/3/2025 của Bộ Tài chính, mức tăng tùy theo doanh nghiệp, nhưng cũng khá đáng kể... Điều này có nghĩa các doanh nghiệp sẽ phải cân đối lại các kế hoạch, giải pháp đã có, cũng như tìm kiếm động lực mới để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn.

Chính phủ đã xác định cụ thể mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay là phấn đấu đạt từ 8,3 - 8,5%, thay vì 8% trở lên như trước đây. Kịch bản tăng trưởng của cả nước cũng đang được điều chỉnh, với mức “khoán tăng trưởng” mới cho 34 địa phương. Dự kiến, nhóm các địa phương tăng trưởng GRDP hai chữ số có Hải Phòng (12,2%); Ninh Bình (10,6%); Bắc Ninh (11,5%); Quảng Ninh (12,5%); Phú Thọ, Huế, Quảng Ngãi, Cần Thơ đều 10%... Trong khi đó, các “đầu tàu” kinh tế như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải tăng trưởng 8,5%; Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng đều 9%; Tây Ninh 9,3%; Khánh Hòa 8,5%... Nhiều địa phương cũng sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ nặng nề hơn…

Ngay khi kịch bản này được tính toán, Chính phủ đã thành lập tám tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải chủ động phối hợp, rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ mọi vướng mắc…

Trọng trách với tăng trưởng của nền kinh tế đang đặt lên vai các động lực tăng trưởng, bởi đây là việc không thể không làm để chuẩn bị nền tảng vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn tăng trưởng hai con số tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm