Thứ 6, ngày 8/11/1973, báo chí Sài Gòn đồng loạt đưa tin: “Người đánh cắp phi cơ là một cựu sĩ quan không quân từng bị đuổi vì có hành vi thân cộng”.
Người thực hiện phi vụ “xuất quỷ nhập thần” này chính là Chín Chinh (Hồ Duy Hùng) – một chiến sĩ quân báo đã liều lĩnh cướp trực thăng đưa về Bến Cát, Bình Dương trong sự bất lực và tìm kiếm ráo riết của Không quân Việt Nam Cộng hòa.
Phi vụ này gây chấn động nước Mỹ. Nhưng với cựu phi công này, ông bảo mình mới chỉ làm được nửa điệp vụ “xuất quỷ” mà không thể “nhập thần”.



"Chiếc trực thăng lồng lộn điên đảo trong mây. Các chiếc mũ bay va đập loạn xạ rồi hút mất qua cửa sổ buồng lái. Tôi tuyệt vọng trong cảnh hỗn mang, tay chân điều khiển quá mạnh và giật cục làm máy bay rung lắc, khung phòng máy bay kêu răng rắc như muốn gẫy ra… Tử thần đùa giỡn quá lâu làm tôi kiệt sức"...
“Có lẽ số tôi là may mắn. Máy bay cuối cùng đã chui hẳn ra khỏi đám mây. Tôi biết khi đó mình sống. Vần vũ 20 phút trong mây, thế mà lại may về đúng hướng".
Rồi ông chậm rãi kể tiếp, khi đó máy bay gần hết nhiên liệu, ông tìm mọi cách liên lạc với đồng đội ở nhà qua kênh FM nhưng bặt vô âm tín. Sợ địch phát hiện, ông cho máy bay là là, vì thế, cũng mất tầm nhìn được bàu Cà Tông – nơi đơn vị ông đóng quân. Loay hoay một hồi, ông đáp xuống rừng cao su rộng. Chỗ này còn xa so với vị trí đỗ ban đầu như dự định. May mắn ông đáp đúng vùng bộ binh đang đóng quân nên không lâu sau đó, ông được đưa về đơn vị Quân báo Sài Gòn-Gia Định.
Vụ chấn động đó khiến quân cảnh, cảnh sát lùng sục khắp thành phố. Địch đi tìm máy bay suốt từ Đà Lạt tới Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn. Từ đó, chúng cấm trực thăng hạ cánh bên ngoài các sân bay có lính gác và để bảo đảm an toàn, mỗi trực thăng đều lắp thêm ổ khóa ở cần điều khiển cất cánh.
Ông chùn vai, co người lại kể: “Sau này tôi mới biết là Không quân Việt Nam Cộng hòa đã biết âm mưu đánh cắp trực thăng của một phi công bị sa thải. Cũng may chúng chưa đề phòng. Nếu chuyến đó khởi động máy bay rồi mà không cất cánh được thì có lẽ mình đã không còn ngồi đây”.
Niềm tự hào lớn nhất với Chín Chinh sau phi vụ này, chính là ông được kết nạp Đảng như lời hứa của thủ trưởng trước khi thực hiện điệp vụ. Tối 12/11/1973 - chỉ sau 3 ngày cướp máy bay, lễ kết nạp Đảng được tổ chức ngay trong hầm của ông Năm Hà, phó Ban quân báo Quân khu Sài Gòn-Gia Định.
Báo chí Sài Gòn đưa tin về vụ việc.
Báo chí Sài Gòn đưa tin về vụ việc.
Niềm tự hào lớn nhất với Chín Chinh sau phi vụ này, chính là ông được kết nạp Đảng như lời hứa của thủ trưởng trước khi thực hiện điệp vụ. Tối 12/11/1973 - chỉ sau 3 ngày cướp máy bay, lễ kết nạp Đảng được tổ chức ngay trong hầm của ông Năm Hà, phó Ban quân báo Quân khu Sài Gòn-Gia Định.

2. Sau phi vụ “xuất thần”, Chín Chinh cùng đồng đội chờ thực hiện nhiệm vụ chất thuốc nổ lên máy bay, sẽ bay vào Sài Gòn oanh kích Dinh Tổng thống vào thời điểm ngày mùng 1 Tết Dương lịch năm 1974.
Mọi kế hoạch được lên chi tiết. Khí thế sục sôi hiển hiện trên gương mặt chàng trai trẻ Hồ Duy Hùng: “Quân báo Sài Gòn đã đánh nhiều trận nổi tiếng, lần này phải đánh cho một trận thật chấn động, đòi lại món nợ cho lực lượng quân báo, biệt động đã hy sinh trong Tết Mậu Thân. Mình đã mấy lần tiếp cận được Tổng Thiệu nhưng vì chưa có gan đổi mạng với y. Lần này, nhất định làm được mà không phải đổi mạng”.
Thế nhưng sự việc không thành, cấp trên không cho thực hiện nhiệm vụ. Trực thăng được điều để làm nhiệm vụ khác.
Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Ông Chín Chinh và Nguyễn Văn Ba (quê Bến Tre) nhận lệnh đưa trực thăng vừa đánh cắp lên vùng Suối Ngô, thượng nguồn sông Sài Gòn (nay là chỗ hồ Dầu Tiếng) để chờ lệnh của Bộ Tổng tham mưu. Chín Chinh cùng đồng đội xác định tọa độ trên bản đồ, thống nhất ngày giờ bay đến điểm hạ cánh an toàn là nơi đốt khói.
Đồng chí Bùi Cát Vũ, Tư lệnh Đoàn Pháo binh 75 ra lệnh khẩu đội súng, pháo từ 12 ly 7 trở lên không bắn trực thăng UH-1 bay một mình từ Dầu Tiếng đến vùng này.
Bốn chuyến cất hạ cánh đều suýt chết, toàn “quân ta bắn quân mình” không dễ ăn như khi làm kế hoạch. Phi vụ này gọi là “Quỷ khốc thần sầu” mới đúng.
- Cựu phi công Hồ Duy Hùng -
Gần chiều, sau khi máy bay trinh sát của địch đi mất, Chín Chinh mới vội cất cánh, bay thấp như kế hoạch và đi theo hướng bàn tay của đồng đội định hướng. Bay là là trong bóng chiều chập choạng, nhìn thấy nhiều đám khói, định hạ cánh thì đạn lửa bay lên và tiếng súng tiểu liên nổ liên thanh.
“Thấy nhiều người cầm súng chạy ra, tôi vội tăng tốc bay lên. Tôi nghe tiếng mấy viên đạn trúng vào máy bay kêu lốp cốp. Ba lần bị bắn, tôi biết mình đã bay vào nơi đóng quân của đơn vị bộ binh”. Sau nhiều giờ bị mất phương hướng, máy bay cũng về được đúng điểm đỗ.
Trong cả hành trình bay về vùng giải phóng và sau này di chuyển máy bay đến nơi cất giấu an toàn, chiến lợi phẩm phi cơ trực thăng ông đánh cắp được cũng ăn không ít đạn của quân ta. “Lúc tôi kiểm tra, máy bay thủng 5 lỗ”, ông kể.
Nhấp ngụm nước chè, ông cười hỉ hả: “Bốn chuyến cất hạ cánh đều suýt chết, toàn “quân ta bắn quân mình” không dễ ăn như khi làm kế hoạch. Phi vụ này gọi là “quỷ khóc thần sầu” mới đúng”.
Máy bay này sau đó được tháo rời, cẩn thận được chở qua rừng Trường Sơn ra Sơn Tây để lắp ghép lại. Duy Hùng ở bắc gần một năm chứng kiến máy bay mình đánh cắp hoạt động trơn tru trở lại.
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Sau nhiều năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc, trong một buổi chiều, Hồ Duy Hùng nhận lệnh về Cục Tham mưu Quân chủng ở Hà Nội để viết tài liệu. Hai tháng sau, ông được cho đi học lớp đào tạo cán bộ chính trị cấp Trung đoàn tại Học viện Chính trị-Quân sự của Bộ Quốc phòng ở Hà Sơn Bình ba năm.
Năm 1982, khi trải qua chiến đấu ở nhiều chiến trường, ông làm đơn xin ra quân, làm cán bộ Quận ủy Quận 11, TP Hồ Chí Minh. Đây thật sự với người phi công Hồ Duy Hùng là “gẫy cánh lần 2”. Chuyện này, ông không muốn nhắc tới nhiều, chỉ cười mỉm: “Bằng sự nhạy cảm của một quân báo, tôi biết mình không được tin tưởng hoàn toàn. Tôi cũng không buồn, nhiều người lớn hơn mình, cũng bị nghi ngờ như vậy mà. Tôi bị thương, chuyển sang công tác mặt đất rồi chuyển ngành”.
Ông Hồ Duy Hùng luôn tự hào mình là lính bộ đội Cụ Hồ.
Ông Hồ Duy Hùng luôn tự hào mình là lính bộ đội Cụ Hồ.
3. Sinh ra ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình cách mạng, Hồ Duy Hùng luôn tự hào mình là lính bộ đội Cụ Hồ. Cha ông là Hồ Duy Từ (Ba Từ), là một trong những đảng viên đầu tiên ở Duy Xuyên (Quảng Nam) còn mẹ là Lê Thị Điệp cùng 5 anh chị em đều là những điệp báo viên của ta hoạt động trong các cơ sở của địch.
Hành trình trở thành một tình báo với Hồ Duy Hùng khá thuận lợi. Tháng 8/1968, theo sự chỉ đạo của mạng lưới điệp báo, Hồ Duy Hùng được cài cắm vào học khóa sĩ quan trù bị với bí danh Trần Tú. Cuối năm 1969, ông được đưa qua Mỹ học với 40 học viên khác. Để có tấm bằng phi công, ông chua chát nói: “Tôi phải nỗ lực vượt qua chính mình, cả nỗi đau bị người thân ghẻ lạnh, mỉa mai… Có lần em họ tôi viết thư sang Mỹ mỉa mai 'Nước Mỹ có đẹp như những hố bom ở quê mình không anh', tôi chua xót lắm”.
Năm 1970 về nước, ông được thăng quân hàm từ Chuẩn úy lên Thiếu úy và giữa tháng 9, ông được trường Hàng không Lục quân US cấp bằng phi công trực thăng UH-1. Giai đoạn này, nhiều tài liệu quan trọng được ông bí mật đưa cho tình báo mang ra cho cách mạng. Chỉ tiếc, do lý lịch của ông bị phát hiện thân Việt cộng, nên ông bị chúng cho giải ngũ.
Ngoài phi vụ “xuất quỷ nhập thần” cướp trực thăng tại Đà Lạt, ông còn tham gia diệt Fulro, giải phóng các vùng biển đảo ở phía nam và sau này, ông là một doanh nhân thành đạt.
Ông Hồ Duy Hùng là người chịu trách nhiệm chính trong thực hiện đề án cải tạo một khu ruộng hoang - đầm lầy rộng thành Công viên Đầm Sen và nâng lên thành Công ty du lịch Phú Thọ.
Ông Hồ Duy Hùng là người chịu trách nhiệm chính trong thực hiện đề án cải tạo một khu ruộng hoang - đầm lầy rộng thành Công viên Đầm Sen và nâng lên thành Công ty du lịch Phú Thọ.
Năm 1989, ông Hồ Duy Hùng về làm Phó Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Chi nhánh dịch vụ du lịch quận 11. Giai đoạn này, với ông cũng rất nhiều kỷ niệm đặc biệt. Ông là người chịu trách nhiệm chính trong thực hiện đề án cải tạo một khu ruộng hoang - đầm lầy rộng thành Công viên Đầm Sen và nâng lên thành Công ty du lịch Phú Thọ, trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận 11.
Khi ấy, phong trào đền ơn đáp nghĩa sôi nổi trên toàn thành phố. Công ty cũng nhận nuôi 10 Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, công ty cũng xây dựng nhiều nhà tình nghĩa ở Củ Chi, làm nhà cho thân nhân liệt sĩ ở Bến Tre, làm cầu tình nghĩa, trường mẫu giáo… Nhiều đồng đội trước từng làm cách mạng được ông tạo điều kiện công việc làm tại công ty.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông vẫn nhắc đi nhắc lại, mọi người chỉ nói tới Hồ Duy Hùng việc đánh cắp máy bay, nhưng còn nhiều việc khác ông làm mà không được nhắc tới. Bay qua bao nhiêu “cõi chết”, ông tự nhận mình là điệp viên gẫy cánh, nhưng kể từ thời điểm ông cho rằng mình “gẫy cánh” đó, ông lại giúp được bao nhiêu phận người, cưu mang được các đồng đội của mình.
Bay qua bao nhiêu “cõi chết”, ông tự nhận mình là điệp viên gẫy cánh, nhưng kể từ thời điểm ông cho rằng mình “gẫy cánh” đó, ông lại giúp được bao nhiêu phận người, cưu mang được các đồng đội của mình.
Chúng tôi muốn hỏi nhiều hơn về ông, nhưng ông giản dị, khiêm nhường bảo: “Cô cứ về đọc hết sách là hiểu về tôi”. Giọng Quảng Nam của ông khó nghe, có nhiều chi tiết kể lược, nhưng đọc cuốn “Gãy cánh điệp viên”, chúng tôi mới thấm được những lần bay qua cõi chết của ông. Để thấy, ông ít khi kể với người khác, nhưng ông cũng nặng lòng tâm tư về việc mình bị nghi ngờ mà xin giải ngũ; những ân tình với các chị, các mẹ làm giao liên, các đồng đội một thời.
Ông cũng vô cùng tiếc nuối vì bị thương nên không cùng các phi công thành lập Phi đội UH-1 vũ trang để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. “Tôi tiếc không được vào trận cuối, góp phần tô điểm thêm truyền thống cho Không quân và nhất là cho Quân báo Sài Gòn-Gia Định”, ông Hùng chớp chớp mắt, hồi tưởng lại sự kiện chấn động đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất 50 năm trước.
Ở tuổi 78, cựu phi công Hồ Duy Hùng vẫn còn rất tinh tường và vẫn còn dư năng lượng để làm nhiều việc tri ân đồng đội. Giờ đây, khi là Phó trưởng ban liên lạc Quân báo, Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn (Ban An ninh T4), ông vẫn miệt mài làm công việc đi xác minh giúp đỡ các đồng chí, đồng đội đã từng hoạt động cách mạng nhưng do thất lạc giấy tờ mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước; nhiều đồng đội khi đó hoạt động tình báo đơn tuyến chưa được minh oan. Sau khi ra mắt cuốn sách “Gãy cánh điệp viên”, tới đây, có nơi dự định muốn tái hiện lại câu chuyện cướp máy bay của ông lên phim, ảnh. Ông cười khề khà, nửa thế kỷ đi qua rồi, còn sức, thì làm được gì cứ làm…

CHÍN CHINH – HỒ DUY HÙNG
Cán bộ Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định 1967. Ông được gài vào Quân đội Sài Gòn, điệp báo "dưới hai màu áo", thiếu úy phi công trực thăng được đào tạo tại Mỹ 1968-1971. Cán bộ quân báo 1969-1974, Đại úy Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam 1975.
Ông từng tham gia các chiến dịch và chiến trận:
- Cướp phi cơ trực thăng UH-1H số hiệu 60-139 tại Đà Lạt ngày 7/11/1973, bay về chiến khu Tà Thiết (Lộc Ninh).
- Giáo viên huấn luyện phi công trực thăng tại miền bắc 1974.
- Trở về miền nam, công tác quân báo và chuẩn bị bãi đáp tại sân bay Lộc Ninh đón phi cơ đánh bom Dinh Độc Lập của phi công Nguyễn Thành Trung năm 1975.
- Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 (Sài Gòn).
- Lái phi cơ trực thăng xuất kích giải phóng Hòn Ông, Hòn Bà ngày 5/6/1975, đánh chìm tàu địch, nơi tàn quân ngụy còn cố thủ.
- Xuất kích, chuyển quân, tải thương bằng phi cơ trực thăng, tham gia chiến dịch truy quét Fulro tại Tây Nguyên năm 1976.
- Tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam 1977-1978, nhiều lần lái phi cơ trực thăng xuất kích đánh quân Khmer Đỏ. Cuối năm 1978, bị thương.
- Tham gia phòng thủ tuyến 1 chiến tranh biên giới chống quân bành trướng (Lạng Sơn) năm 1979-1980.

Ngày xuất bản: 12/4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: DIỆU THU
Ảnh: THÀNH ĐẠT

