Tiến sĩ Vũ Minh Ngọc:

“Tái khởi động điện hạt nhân là quyết định hợp lý cho nhu cầu cấp bách”

Là người Việt Nam duy nhất được trao giải thưởng tiến sĩ xuất sắc nhất châu Âu ngành địa vật liệu (năm 2013), giải thưởng Itasca (năm 2020), tham gia 5 dự án quốc tế lớn (DECOVALEX, EURAD), Tiến sĩ Vũ Minh Ngọc (sinh năm 1983, tại Nam Ðịnh) hiện phụ trách toàn bộ các dự án nghiên cứu về địa cơ học tại Viện Nghiên cứu chất thải hạt nhân của Pháp. Trong chuyến trở về Việt Nam gần đây, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu rõ hơn về công việc hết sức thú vị này.
0:00 / 0:00
0:00
TS Vũ Minh Ngọc (ngoài cùng, bên trái) và các nhà khoa học Việt Nam bên lề một hội thảo quốc tế. Ảnh | NVCC
TS Vũ Minh Ngọc (ngoài cùng, bên trái) và các nhà khoa học Việt Nam bên lề một hội thảo quốc tế. Ảnh | NVCC

Cơ duyên nào đưa anh đến với nước Pháp và ngành công nghệ hạt nhân?

Tốt nghiệp Khoa kỹ sư Chất lượng cao chuyên ngành Cơ sở hạ tầng giao thông Trường đại học Xây dựng năm 2006, tôi về giảng dạy tại bộ môn Cầu đường Sân bay, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tôi sang Pháp từ năm 2008 để bắt đầu khóa Cao học ngành Cơ học đất tại Đại học Cầu Đường Paris. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa học và được Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) trao giải thưởng sinh viên Việt Nam xuất sắc cấp cao học năm 2009, tôi đã gắn bó với nước Pháp và ngành công nghệ hạt nhân đến giờ.

Hiện tại tôi đã hướng dẫn thành công 10 tiến sĩ và 14 nghiên cứu sinh đang làm luận án, trong đó có 3 bạn Việt Nam. Tôi là tác giả và đồng tác giả của hơn 145 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong lĩnh vực địa cơ học ứng dụng trong lưu trữ chất thải hạt nhân dưới các tầng địa chất sâu.

Công việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đặc thù hẳn rất thú vị, thưa anh?

Công việc của tôi vừa liên quan đến phát triển lý thuyết và mô hình hóa, cũng như thực hiện các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và hiện trường. Hơn nữa trong nghiên cứu về quản lý chất thải hạt nhân, tất cả các tình huống rủi ro đều phải được xác định và giải quyết một cách triệt để để chứng minh những rủi ro đó sẽ không tồn tại trong điều kiện thiết kế. Điều đó giúp mình có rất nhiều ý tưởng khoa học mới. Hơn nữa, tôi có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với hầu hết các giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực của mình ở Pháp và một số nước trên thế giới như Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., cùng nhau chia sẻ và cụ thể hóa các ý tưởng.

Các giáo sư nổi tiếng thường nhận được những sinh viên có năng lực để làm nghiên cứu sinh. Chính vì thế, các đề tài của tôi thường rất thành công và có nhiều kết quả được đăng thành tác phẩm khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Ngoài đam mê làm khoa học là yếu tố tiên quyết, chia sẻ ý tưởng với mọi người trong nhóm để thực hiện cùng nhau cũng rất quan trọng để có nhiều công trình nghiên cứu chất lượng. Khi các đồng nghiệp lắng nghe nhau, nguyên tắc một cộng một lớn hơn hai sẽ phát huy tác dụng và công việc sẽ rất hiệu quả. Với người làm việc độc lập tuy chỉ có thể thực hiện được số ít dự án, nhưng có kiến thức rất sâu trong một lĩnh vực hẹp, công trình nghiên cứu là tác phẩm khoa học của riêng mình.

Với gần 20 nghiên cứu khoa học ở Pháp, anh nhận xét gì về sự khác biệt giữa việc nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và Pháp?

Nghiên cứu khoa học ở Pháp và Việt Nam phản ánh sự riêng biệt về lịch sử, văn hóa và bối cảnh kinh tế của hai đất nước. Pháp tự hào có truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán, vật lý, hóa học, y học và kỹ thuật. Nghiên cứu ở Pháp được hưởng lợi từ nguồn tài trợ đáng kể của chính phủ, cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức tư nhân. Pháp sở hữu cơ sở hạ tầng nghiên cứu tiên tiến hơn, bao gồm các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu hiện đại. Pháp tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu quốc tế, thu hút các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.

Những năm gần đây ở nước ta các ngành nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng trong bối cảnh nghiên cứu đổi mới, với sự đầu tư và chú trọng ngày càng tăng cao vào khoa học, công nghệ của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên là nước đang phát triển, chúng ta ưu tiên nghiên cứu giải quyết các thách thức quốc gia, chẳng hạn như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt bằng việc đi tắt đón đầu.

Tôi hy vọng trong tương lai các trường đại học tại Việt Nam sẽ được trang bị nhiều phòng thí nghiệm hơn, thu nhập của các giảng viên và các nhà nghiên cứu sẽ được cải thiện hơn để mọi người tập trung làm việc theo đam mê và phát triển nền khoa học của đất nước. Hơn nữa, Nhà nước sẽ có chính sách cụ thể hơn để một bộ phận không nhỏ các nhà khoa học ở nước ngoài luôn muốn mang nhiệt huyết để chung tay xây dựng nền giáo dục và nghiên cứu khoa học của nước nhà. Tôi cũng tràn đầy hy vọng vào Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị sẽ thổi luồng gió mới cho nền khoa học nước nhà.

Anh nghĩ thế nào về triển vọng phát triển ngành hạt nhân hiện nay?

Nga là nước đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động từ năm 1954 tại thành phố Obninsk. Đến nay trên thế giới có tổng cộng khoảng 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động phục vụ sản xuất điện ở 32 quốc gia, trong đó Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc là các quốc gia có số lượng lò phản ứng hạt nhân lớn nhất. Năng lượng hạt nhân góp phần sản xuất khoảng 10-15% tổng sản lượng điện hiện nay trên thế giới. Trong số các nước phát triển điện hạt nhân thì Pháp là nước có tỷ trọng điện hạt nhân lớn nhất, với khoảng 65% sản lượng điện sản xuất từ các lò phản ứng hạt nhân.

Điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng. Ngành công nghiệp điện hạt nhân đang trải qua giai đoạn phát triển và đổi mới. Ưu điểm của điện hạt nhân là nguồn năng lượng ổn định (điện hạt nhân có thể hoạt động liên tục 24/7, không phụ thuộc vào thời tiết); ít phát thải carbon (điện hạt nhân không tạo ra khí thải nhà kính trong quá trình vận hành); hiệu suất rất cao (các nhà máy điện hạt nhân có thể sản xuất lượng điện lớn trên một diện tích nhỏ). Tuy nhiên, điện hạt nhân cũng đối mặt với không ít thách thức về an toàn, chi phí đầu tư cao để bảo đảm an toàn, xử lý chất thải phóng xạ.

Vấn đề nhiều người Việt Nam lo ngại nhất là việc xử lý và quản lý chất thải phóng xạ. Anh có tham mưu, đề xuất gì về vấn đề này khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được xây dựng tại Việt Nam thời gian tới?

Dưới góc độ hoàn toàn kỹ thuật, tôi không nghĩ quản lý chất thải phóng xạ hoạt tính cao là vấn đề không thể giải quyết được. Hiện nay hầu hết các nước đều nghiên cứu giải pháp lưu trữ chất thải hoạt tính cao trong các tầng địa chất sâu phù hợp. Chẳng hạn, Pháp lựa chọn tầng đất sét đã dày khoảng 150m ở độ sâu khoảng 500m để nghiên cứu hầm lưu trữ chất thải hạt nhân. Lớp đất sét này được hình thành từ hơn 300 triệu năm, có độ thấm rất nhỏ và chiều dày lớn giúp giam giữ chất phóng xạ ở dưới lòng đất.

Sau hơn 30 năm nghiên cứu, Pháp đã làm rất nhiều thí nghiệm dưới lòng đất, trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu lý thuyết và phát triển mô hình hóa để tính đến tất cả mọi yếu tố góp phần chứng minh được khả năng lưu trữ của lớp địa chất này. Ngoài ra, rất nhiều nước phát triển điện hạt nhân đều coi đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay, trong đó Phần Lan và Thụy Điển đã phê duyệt xây dựng dự án.

Do có rất nhiều ưu điểm đi cùng những thử thách, nên việc phát triển điện hạt nhân vẫn là tranh luận và phụ thuộc vào tình hình chính trị của từng nước. Nhiều quốc gia tiếp tục phát triển điện hạt nhân như Pháp, Trung Quốc, Nga,... ngược lại một số quốc gia chọn con đường từ bỏ điện hạt nhân như Đức, Ý, Thụy Sĩ. Các công ty công nghệ lớn trên thế giới như OpenAI, Meta, Google, Microsoft đều đang thể hiện sự quan tâm và đầu tư vào các dự án nhà máy điện hạt nhân nhằm có một nguồn cung cấp điện ổn định cho các Data Center - là yếu tố chủ đạo của việc phát triển AI.

Là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực hạt nhân xa xứ, anh có gửi gắm niềm tin gì về việc Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?

Trên góc độ cá nhân, tôi nghĩ việc Việt Nam tái khởi động dự án điện Ninh Thuận là quyết định rất hợp lý, xuất phát từ nhu cầu cấp bách của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Cụ thể là đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng; giảm phát thải carbon bảo đảm mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ trong chương trình quốc tế NetZero và bảo đảm an ninh năng lượng. Việt Nam hiện đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá và thủy điện. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này có hạn và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Điện hạt nhân có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Việc phát triển ngành công nghiệp hạt nhân sẽ thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vật liệu, cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin. Điều này có thể mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế và xã hội của Việt Nam trong dài hạn.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng điện hạt nhân một cách an toàn và hiệu quả. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này để phát triển ngành công nghiệp hạt nhân của mình một cách bền vững. Hơn nữa rất nhiều người Việt Nam đã và đang công tác tại hầu hết các khâu từ việc lập dự án đến vận hành các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới (đặc biệt ở Pháp là một thí dụ rất điển hình), mọi người luôn sẵn sàng chung tay cùng đất nước cho sự thành công của dự án.

Chất thải hạt nhân luôn là thách thức lớn đối với các nước lựa chọn phát triển điện hạt nhân. Đây cũng là lĩnh vực tôi trực tiếp làm việc tại Pháp, vì vậy tôi mong muốn có thể góp phần nhỏ vào thành công của dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Xin trân trọng cảm ơn anh!