“Quá trình chuyển đổi xanh
sẽ chỉ thành công nếu bảo đảm công bằng”

Việt Nam đang từng bước triển khai các hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong tiến trình này, kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu - đặc biệt là Đức, quốc gia đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nước phát thải âm vào năm 2050 - mang lại nhiều bài học đáng tham khảo.

Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa hoạch định chính sách và thực thi? Vì sao một quá trình chuyển đổi công bằng lại được xem là điều kiện tiên quyết cho thành công? Và những trụ cột trong chiến lược khí hậu của châu Âu là gì?
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với ông Daniel Herrmann, Trưởng khối chính sách khí hậu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), để cùng tìm lời giải đáp cho những băn khoăn đó.
Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) GmbH đã hoạt động tại Việt Nam từ hơn 30 năm qua. Văn phòng đại diện GIZ tại Việt Nam được thành lập từ năm 1998. Được uỷ quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hoà liên bang Đức (BMZ), Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu Cộng hòa Liên Bang Đức, GIZ hợp tác cùng Việt Nam hướng tới đạt được các mục tiêu về môi trường, trung hoà khí hậu và phát triển bao trùm (chuyển đổi công bằng), thông qua giải quyết những vấn đề có quy mô toàn cầu như môi trường và khí hậu.
Ba trụ cột chính
trong quá trình chuyển đổi xanh


Phóng viên
Phóng viên
GIZ đánh giá như thế nào về những chuyển động chính sách hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đang diễn ra ở châu Âu, đặc biệt là tại Đức? Với hơn 30 năm có mặt tại Việt Nam, theo ông, những bài học nào phù hợp với đất nước trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược Net-zero của mình?
Có lẽ trước tiên, chúng ta nên nói sơ lược về các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Liên minh châu Âu và của Đức.

Ông Daniel Herrmann
Ông Daniel Herrmann
EU đã đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - trùng khớp với cam kết của Việt Nam, điều này thể hiện mức độ cam kết cao. Đức thậm chí còn đặt mục tiêu sớm hơn, vào năm 2045, và kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia phát thải âm vào năm 2050, tức là lượng khí nhà kính được hấp thụ sẽ lớn hơn lượng phát thải. Đây là một mục tiêu rất tham vọng.
Tôi cho rằng, trong hành trình hướng tới các mục tiêu khí hậu đó, có thể rút ra 3 trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi xanh mà Đức và EU đang theo đuổi, và cũng có nhiều điểm tương đồng với định hướng của Việt Nam.
Ông Daniel Herrmann, Trưởng khối chính sách khí hậu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ).
Ông Daniel Herrmann, Trưởng khối chính sách khí hậu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ).
Thứ nhất là mở rộng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng. Ngành năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất, do đó việc chuyển đổi năng lượng sang điện mặt trời, điện gió, thủy điện… là điều tất yếu. May mắn là chi phí cho năng lượng tái tạo ngày nay đã giảm mạnh, thậm chí rẻ hơn cả điện từ nhiên liệu hóa thạch. Điều này khiến cho việc triển khai năng lượng sạch không còn chỉ là mục tiêu môi trường, mà còn là lựa chọn kinh tế khôn ngoan. Cả Đức và Việt Nam đều là những nước nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch và phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu này để sản xuất điện. Do đó, đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo không chỉ mang lại lợi ích khí hậu mà còn củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai là áp dụng cơ chế định giá carbon. Đây là một công cụ rất hiệu quả nhằm đưa yếu tố môi trường vào quyết định đầu tư. Thay vì đặt ra hàng loạt quy định riêng cho từng ngành, cơ chế định giá carbon - thông qua thuế hoặc hệ thống mua bán phát thải - tạo ra một tín hiệu thị trường rõ ràng: Phát thải gây tốn kém, giảm phát thải mang lại lợi ích.
Và thứ ba là tăng cường khả năng hấp thụ carbon từ thiên nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái như rừng, đất than bùn, đất ngập nước, thảm cỏ tự nhiên… Đây không chỉ là "lá phổi" hấp thụ CO₂, mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học - một ưu tiên toàn cầu khác. Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, với tỷ lệ che phủ rừng hơn 40%. Nhưng tiềm năng hấp thụ carbon còn lớn hơn nữa nếu mở rộng sang các hệ sinh thái khác.
Nhìn từ góc độ toàn cầu, tôi cho rằng 3 trụ cột này là nền tảng xuyên suốt trong chiến lược Net-zero, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi tất nhiên phải bao trùm tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Và Việt Nam đang đi đúng hướng khi đồng thời thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, chuẩn bị cho hệ thống định giá carbon và duy trì vai trò quan trọng của rừng trong chiến lược khí hậu.
Định giá carbon: Công cụ quan trọng trong chính sách khí hậu châu Âu
Liên minh châu Âu đã triển khai Hệ thống mua bán phát thải khí nhà kính (EU ETS) từ năm 2005, một trong những cơ chế định giá carbon đầu tiên và lớn nhất thế giới. Hệ thống này hướng đến mục tiêu gắn chi phí tài chính với phát thải khí nhà kính, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch.
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn xây dựng hệ thống giao dịch phát thải quốc gia. Theo ông Daniel, nếu tận dụng tốt bài học từ châu Âu, Việt Nam có thể tránh được nhiều sai lầm ban đầu và đẩy nhanh quá trình thực thi.
Cơ chế định giá carbon không chỉ giúp giảm phát thải, mà còn tạo ra tín hiệu thị trường rõ ràng để hướng đầu tư vào các lĩnh vực bền vững hơn
Bài học về chính sách:
Từ khoảng cách thực thi đến công bằng xã hội


Phóng viên
Phóng viên
Dựa trên kinh nghiệm từ châu Âu và nhất là ở Đức, ông đánh giá như thế nào về những bài học chính sách trong quá trình chuyển đổi xanh? Đâu là những thách thức mà Việt Nam có thể tham khảo để có được sự chuẩn bị tốt nhất trên hành trình này?
Tôi cho rằng có một bài học rất rõ ràng, không chỉ với Việt Nam mà cũng đúng với EU và Đức, đó là khoảng cách giữa mục tiêu chính sách và việc thực thi trong thực tế.

Ông Daniel Herrmann
Ông Daniel Herrmann
Chúng tôi có những mục tiêu rất tham vọng, được đưa vào luật với tính ràng buộc pháp lý. Nhưng vấn đề lớn nhất luôn là làm sao chuyển hóa các mục tiêu đó thành hành động cụ thể, hiệu quả ở từng lĩnh vực, từng địa phương. Điều này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, không chỉ từ phía chính phủ mà còn từ khu vực tư nhân và toàn xã hội.
Một bài học khác cũng đáng lưu tâm là tác động của chính sách khí hậu đối với phát triển kinh tế. Về tổng thể, chúng tôi tin rằng các chính sách Net-zero sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm mới, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ xanh hay xây dựng hạ tầng bền vững. Tuy nhiên, một số ngành sử dụng nhiều năng lượng sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Đây là một vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng và có giải pháp đi kèm.
Phóng viên: Trong quá trình chuyển đổi như vậy, vai trò của công bằng xã hội được đặt ở đâu?
Ông Daniel Herrmann: Vai trò trung tâm. Chúng tôi thường nói về “chuyển đổi công bằng” - just transition. Và kết luận chung ở cấp độ quốc tế hiện nay là: Quá trình hướng tới Net Zero sẽ chỉ thành công nếu nó là một quá trình công bằng.
Nếu người dân cảm thấy bị đặt gánh nặng quá lớn, đặc biệt là về tài chính, thì sự ủng hộ sẽ suy giảm nhanh chóng, kéo theo những khó khăn chính trị trong việc duy trì tham vọng chính sách. Chúng tôi từng trải nghiệm điều này ở Đức: khi chính sách khí hậu được đưa ra mà thiếu sự ủng hộ của xã hội và công chúng thì có thể sụt giảm đột ngột, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình chuyển đổi.
Ông Daniel tại buổi công bố thí điểm mô hình xe đạp chia sẻ công cộng tại trung tâm thành phố Huế.
Ông Daniel tại buổi công bố thí điểm mô hình xe đạp chia sẻ công cộng tại trung tâm thành phố Huế.
Phóng viên: Vậy theo ông, yếu tố nào quyết định tính công bằng của quá trình chuyển đổi?
Ông Daniel Herrmann: Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có 2 yếu tố then chốt:
Thứ nhất là sự minh bạch. Người dân cần được biết đất nước đang đi theo hướng nào, chính sách sắp triển khai ra sao, và quan trọng hơn là họ được tham gia vào quá trình hoạch định đó, ít nhất là ở mức tham vấn.
Thứ hai là nguyên tắc “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính sách chuyển đổi cần tính đến các nhóm dễ bị tổn thương, như người có thu nhập thấp, lao động trong các ngành truyền thống, hoặc khu vực chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Những đối tượng này cần có cơ chế hỗ trợ, đào tạo lại kỹ năng, hoặc hỗ trợ sinh kế để họ không bị gạt ra bên lề của quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Daniel tại buổi công bố thí điểm mô hình xe đạp chia sẻ công cộng tại trung tâm thành phố Huế.
Ông Daniel tại buổi công bố thí điểm mô hình xe đạp chia sẻ công cộng tại trung tâm thành phố Huế.
Tôi tin rằng, nếu Việt Nam xây dựng được một chiến lược phát thải ròng bằng 0 có lộ trình rõ ràng, thực thi đồng bộ, đồng thời đặt yếu tố công bằng xã hội làm trọng tâm, thì quá trình chuyển đổi sẽ không chỉ hiệu quả về mặt môi trường mà còn tạo dựng được sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.
Quá trình chuyển đổi xanh không thể là gánh nặng của một nhóm người, mà phải là nỗ lực đồng hành của toàn xã hội.
Ông Daniel Herrmann, Trưởng khối chính sách khí hậu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức GIZ.
Quan hệ hợp tác
hướng tới tương lai xanh


Phóng viên
Phóng viên
GIZ đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những sáng kiến nổi bật trong quan hệ hợp tác song phương hiện nay?
Tất nhiên rồi. Trước hết, cần nhấn mạnh rằng GIZ là một cơ quan triển khai, có nhiệm vụ hỗ trợ Chính phủ Đức thực hiện chính sách hợp tác phát triển với các nước đối tác. Vì vậy, các hoạt động của chúng tôi được định hướng theo các thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức, nhằm xác định ưu tiên trong hợp tác song phương. Hai chính phủ gặp nhau định kỳ hai năm một lần để thảo luận và thống nhất các dự án hợp tác. Việt Nam và Đức đã duy trì cơ chế này suốt 50 năm qua. Năm 2025 sẽ đánh dấu 50 năm quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Ông Daniel Herrmann
Ông Daniel Herrmann
Hiện tại, trong khuôn khổ hợp tác song phương tại Việt Nam, ba lĩnh vực được ưu tiên gồm:
1. Năng lượng và hiệu quả năng lượng - do vai trò trung tâm của lĩnh vực này đối với cam kết phát thải ròng bằng “0”.
2. Lâm nghiệp - vì đây là lĩnh vực quan trọng trong lưu trữ carbon và là tiền đề cho việc đạt mục tiêu Net-zero.
3. Đào tạo nghề và giáo dục kỹ thuật - tập trung vào kỹ năng cần thiết cho chuyển dịch xanh, đặc biệt trong hai lĩnh vực kể trên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Bên cạnh hợp tác song phương, Đức còn có một kênh tài chính khí hậu khác gọi là Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI), do Bộ Kinh tế và Hành động vì Khí hậu Liên bang Đức điều phối. Hiện nay, Việt Nam đang có 35 dự án được IKI tài trợ, chia thành bốn nhóm nội dung:
- Giảm nhẹ biến đổi khí hậu
- Thích ứng với biến đổi khí hậu
- Tăng cường khả năng hấp thụ carbon
- Bảo tồn đa dạng sinh học
Dự án mà tôi đang làm việc là hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris, cũng được tài trợ bởi IKI. Trong dự án này, chúng tôi chủ yếu hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng một số đơn vị khác, để hỗ trợ xây dựng chính sách khí hậu quốc gia và tạo lập khung điều kiện thực hiện, chẳng hạn như cơ chế định giá carbon.
Tôi cũng muốn nhắc tới một công cụ rất đáng chú ý trong khuôn khổ IKI, đó là chương trình tài trợ nhỏ (small grants facility). Mỗi năm, chương trình này mở một vòng gọi đề xuất, cho phép các tổ chức địa phương tại Việt Nam nộp ý tưởng dự án nhằm thúc đẩy tham vọng khí hậu. Đây là một quy trình cạnh tranh, và nếu được chọn, tổ chức có thể nhận tài trợ để triển khai ý tưởng của mình.

Phóng viên
Phóng viên
Trong bối cảnh 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, liệu có thêm sáng kiến nào nhằm thúc đẩy hợp tác khí hậu không, thưa ông?
Tôi cho rằng điều đáng chú ý nhất là sự thay đổi trong bản chất quan hệ hợp tác. Trước đây, hợp tác thường mang tính phát triển, tức là hỗ trợ từ một phía. Nhưng hiện nay, Đức xem Việt Nam là một đối tác toàn cầu - một quốc gia có vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Ông Daniel Herrmann
Ông Daniel Herrmann
Trên thực tế, 80% các dự án của GIZ tại Việt Nam hiện nay có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến biến đổi khí hậu. Con số này phản ánh rõ ràng mức độ ưu tiên ngày càng tăng cho lĩnh vực này trong hợp tác song phương.

Phóng viên
Phóng viên
Một con số rất ấn tượng. Vậy theo ông, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khí hậu trong thời gian tới sẽ tập trung vào đâu?
Tôi cho rằng có 3 hướng rất rõ ràng:

Ông Daniel Herrmann
Ông Daniel Herrmann
Thứ nhất là củng cố hệ thống chính sách khí hậu, thông qua việc hỗ trợ xây dựng cơ chế định giá carbon, tiêu chuẩn kỹ thuật, khung thể chế cho thị trường phát thải.
Thứ hai là triển khai các giải pháp cụ thể như phát triển năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, phục hồi hệ sinh thái carbon cao như đất than bùn và rừng ngập mặn.
Và thứ ba, rất quan trọng, là đào tạo lực lượng lao động phù hợp với kinh tế xanh. Nếu không có nguồn nhân lực được chuẩn bị tốt, quá trình chuyển đổi sẽ không thể bền vững.
Tôi tin rằng, với 50 năm hợp tác vững chắc và cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, Việt Nam và Đức hoàn toàn có thể cùng nhau kiến tạo một tương lai xanh, không chỉ cho hai quốc gia, mà còn góp phần vào mục tiêu toàn cầu.
