
Phó Đô đốc Trần Thanh Nghiêm,
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Hải quân
Ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn gian khổ, Quân chủng Hải quân vừa xây dựng vừa chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù trong lửa đạn chiến tranh, hay trong hòa bình độc lập, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ hải quân” vẫn luôn tỏa sáng và được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng nâng niu trân trọng, gìn giữ và phát huy, để mãi xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cách đây 70 năm, để bảo vệ chủ quyền vùng biển miền bắc mới được giải phóng, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Quân chủng Hải quân. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự thương yêu đùm bọc, đoàn kết hiệp đồng của quân và dân cả nước, Quân chủng Hải quân đã trưởng thành nhanh chóng. Từ 141 cán bộ, chiến sĩ ngày đầu thành lập với vũ khí trang bị rất thô sơ, lạc hậu, sau gần 9 năm xây dựng đã phát triển thành quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay trận đầu thử lửa, bộ đội Hải quân đã anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển của ta; cùng quân dân miền bắc đập tan cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống giặc lái, lập chiến công đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964, nối tiếp truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của Quân đội ta.
Phát huy chiến thắng trận đầu, các lực lượng của Quân chủng đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi, bắn chìm, bắn bị thương hàng trăm máy bay, tàu chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, cùng quân dân miền bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trong 2 lần chống phong tỏa sông biển miền bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, dù phải đối mặt với hy sinh, nhưng bộ đội Hải quân vẫn nêu cao ý chí quyết tâm “đánh địch mà đi mở đường mà tiến”, làm nòng cốt, đi đầu, cùng quân và dân ta đánh bại một trong những âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhất của địch.
Trên con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, những người lính “Đoàn tàu không số” đã vượt qua muôn vàn hiểm nguy từ sự vây ráp của kẻ thù, từ bão tố biển khơi, kiên cường, bền bỉ vận chuyển chi viện cho miền nam đánh Mỹ-ngụy giành thắng lợi.
Tư lệnh Hải quân thăm, động viên, tặng cờ ngư dân Trường Sa, tháng 4/2022. (Ảnh: Trọng Thiết)
Tư lệnh Hải quân thăm, động viên, tặng cờ ngư dân Trường Sa, tháng 4/2022. (Ảnh: Trọng Thiết)
Trên chiến trường sông nước Quảng Trị, các chiến sĩ Đặc công Hải quân như những “Yết Kiêu thời đại”, bằng cách đánh độc đáo, táo bạo, hiệu suất rất cao, khiến quân thù phải khiếp sợ. Trong đại thắng mùa xuân 1975, cùng với các đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, bộ đội Hải quân phối hợp tiến công, ngăn chặn địch trên hướng biển, đặc biệt đã nắm chắc thời cơ, kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa - vị trí có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi lịch sử của dân tộc.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, Quân chủng Hải quân luôn quán triệt, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Chủ động nghiên cứu, nắm chắc, dự báo đúng tình hình; kịp thời tham mưu, đề xuất và xử trí các tình huống đúng đối sách, nhất là các tình huống khó khăn phức tạp, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, hoạt động kinh tế biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.
Từ năm 2010 đến nay, cùng với một số lực lượng, Quân chủng Hải quân bước vào giai đoạn phát triển mới, tiến thẳng lên hiện đại, với đủ 5 thành phần lực lượng: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh-tên lửa bờ, hải quân đánh bộ và đặc công hải quân.
Đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào, Campuchia; mở rộng đối ngoại quốc phòng với quân đội và hải quân các nước, tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác, nâng cao uy tín, vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, cùng với một số lực lượng, Quân chủng Hải quân bước vào giai đoạn phát triển mới, tiến thẳng lên hiện đại, với đủ 5 thành phần lực lượng: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, pháo binh-tên lửa bờ, hải quân đánh bộ và đặc công hải quân. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu không ngừng nâng lên, thực sự làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Biên đội tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam huấn luyện trên biển.
Biên đội tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam huấn luyện trên biển.
Càng trong khó khăn thử thách thì phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” càng được kết tinh và tỏa sáng.

Chặng đường xây dựng và chiến đấu trong 70 năm qua đã chứng minh, càng trong gian khổ hy sinh thì bộ đội Hải quân càng được tôi luyện và trưởng thành, càng trong khó khăn thử thách thì phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” càng được kết tinh và tỏa sáng. Những chiến công nối tiếp chiến công, thành tích nối tiếp thành tích của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân chủng anh hùng: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ngày càng nặng nề, khó khăn, gian khổ hơn.
Để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, Quân chủng Hải quân cần phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân”. Quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình; chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài về biển đảo và xử trí các tình huống đúng đối sách, không để bị động bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để đất nước phát triển giàu mạnh.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, trước hết là vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.
Các chiến sĩ Trường Sa quân quần đọc báo cùng đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: YOU HOÀNG)
Các chiến sĩ Trường Sa quân quần đọc báo cùng đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: YOU HOÀNG)
Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành, ý chí quyết tâm cao, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Xây dựng Đảng bộ Quân chủng thực sự trong sạch vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ động phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Trước mắt tập trung chuẩn bị, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2025-2030, qua đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam sau 15 năm tiến lên hiện đại (2010-2025) và 70 năm vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng (1955-2025).

Quân chủng tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh, có chiều sâu, liên hoàn bờ-biển-đảo, chuyển hóa linh hoạt, trong đó lực lượng Hải quân làm nòng cốt, thực sự “tinh, gọn, mạnh”, “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao.

Quân chủng tiếp tục tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh, có chiều sâu, liên hoàn bờ-biển-đảo, chuyển hóa linh hoạt, trong đó lực lượng Hải quân làm nòng cốt, thực sự “tinh, gọn, mạnh”, “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao. Xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ biển rộng khắp, sẵn sàng huy động khi có tình huống. Tập trung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nghệ thuật toàn dân đánh giặc, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng “mưu, kế, thế, thời” trong điều kiện mới.
Trên cơ sở tổng kết các chiến dịch, trận chiến đấu, hoạt động tác chiến trên sông biển trong lịch sử, kết hợp khảo cứu các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới để phát triển nghệ thuật quân sự hải quân và cách đánh phù hợp cho từng lực lượng. Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền biển đảo, chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, giúp đỡ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.
Tư lệnh hải quân chỉ đạo diễn tập trên biển.
Tư lệnh hải quân chỉ đạo diễn tập trên biển.
Các cơ quan, đơn vị quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 1659 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo. Tổ chức huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đột phá huấn luyện “cơ bản, làm chủ chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí trang bị; nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát phương án, chiến trường, đối tượng tác chiến, tổ chức biên chế, vũ khí trang bị. Tăng cường diễn tập chỉ huy-tham mưu, diễn tập đối kháng để kiểm nghiệm các phương án tác chiến, đồng thời nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng.
Các học viện, nhà trường xây dựng chuẩn đầu ra sát thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ, đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi chiến thuật, hiểu biết sâu kỹ thuật, có trình độ chỉ huy, quản lý, kỹ năng làm việc nhóm, sức khỏe dẻo dai, trình độ ngoại ngữ tốt, làm việc được trong môi trường quốc tế. Đào tạo quân nhân chuyên nghiệp giỏi một vị trí, biết nhiều vị trí, chuyên sâu, chuyên nghiệp trong khai thác, sử dụng vũ khí trang bị, giữ vai trò là “xương sống” về chuyên môn kỹ thuật ở đơn vị cơ sở. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với đào tạo, huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, xây dựng nền nếp chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn, tạo chuyển biến tiến bộ trên các mặt công tác.
Ngành hậu cần-kỹ thuật Hải quân tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 1658 và Nghị quyết 1656 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác hậu cần, kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Quân chủng. Trọng tâm là bảo đảm quân nhu, doanh trại, vận tải, xăng dầu, quân y và đồng bộ số lượng, chất lượng tàu, xe, máy bay, vũ khí trang bị cho sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, cứu hộ cứu nạn, đối ngoại quốc phòng.
Các cơ quan, đơn vị tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, hiện đại hóa, sản xuất trang bị, vật tư kỹ thuật; đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực chỉ huy, quản lý, điều hành, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các cấp, các ngành.
Quân chủng tiếp tục thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền; huy động nguồn lực triển khai quyết liệt các công trình, dự án trọng điểm, chiến lược, lưỡng dụng. Thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp trong Quân chủng, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời quán triệt, thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy đối ngoại quốc phòng với quân đội và hải quân các nước đi vào chiều sâu, thực chất, cả trên bình diện đa phương và song phương, nhất là quan hệ với hải quân các nước ASEAN, nước lớn, bạn bè, đối tác truyền thống. Qua đó, cùng hải quân các nước tăng cường hiểu biết, tin cậy, xây dựng các vùng biển hòa bình, ổn định; nâng cao vị thế, uy tín của Hải quân nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Ngày xuất bản: 5/5/2025
Trình bày: Ngọc Bích
Ảnh: Báo Hải quân
