
Từ những trang báo in thủ công đầu thế kỷ XX đến tòa soạn hội tụ, báo chí Việt Nam đã trải qua một hành trình trăm năm đầy biến động và đổi mới không ngừng.
Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đều in dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của nền báo chí – không chỉ trong tư duy làm báo, mà còn ở công cụ, công nghệ và cách thức tiếp cận độc giả. Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường 100 năm, để thấy báo chí Việt Nam đã thích nghi, sáng tạo và vươn lên như thế nào.








Công cụ làm báo trước năm 1925.
Công cụ làm báo trước năm 1925.
Giai đoạn 1925-1945
Báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu: Thô sơ nhưng kiên cường
Những tờ báo cách mạng đầu tiên mang hình thức giản dị nhưng là công cụ tuyên truyền quan trọng trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập có măng sét in ngôi sao năm cánh, bên trong ghi số báo. Tên báo được trình bày bằng cả chữ Hán và Quốc ngữ. Mỗi trang chia hai cột, dòng chữ to, dễ đọc. Kích thước trung bình 18x24cm, nhỏ gọn, thuận tiện lưu hành bí mật.
Tờ Báo Thanh Niên xuất bản ngày 3/10/1926.
Tờ Báo Thanh Niên xuất bản ngày 3/10/1926.
Giai đoạn 1930-1936, báo Tranh Đấu in khổ 31,5x22cm, viết tay bằng bút thép trên giấy sáp tại cơ sở bí mật ở Hà Nội, có cả bản chữ Quốc ngữ và chữ Nôm. Tạp chí Cộng sản cũng được in tay trên giấy sáp, khổ nhỏ 25x10cm tại Sài Gòn.
Từ 1939 đến 1945, báo chí cách mạng được cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức. Cơ sở in ấn mở rộng, có khu dự phòng, đảm bảo an toàn cho công tác biên tập và phát hành.
Báo Việt Nam Độc Lập ban đầu viết tay trên bàn đá, sau khắc gỗ để in nhanh và tiện hơn.
Báo Cứu Quốc từng in bằng bản đá, đến Xuân 1945 đã phát hành hơn 1.000 bản, có kho giấy, mực in dự trữ và tổ chức tòa soạn, phóng viên, nhà in khá hoàn chỉnh. Có cả điểm in dự phòng để ứng phó khi bị khủng bố.
Tạp chí Đỏ đánh máy trên giấy sáp, in rônêô, khổ 13x19cm. Ngôn ngữ dùng các ký tự như f, z, k thay cho ph, d, gi, c như hiện nay.
Máy ảnh giai đoạn 1945-1954.
Máy ảnh giai đoạn 1945-1954.
Giai đoạn 1945-1954
Nền móng báo chí cách mạng thời kỳ kháng chiến
Sau Cách mạng Tháng Tám, báo chí cách mạng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, gắn liền với công cuộc kháng chiến và xây dựng chính quyền non trẻ.
Ngày 15/9/1945, Thông tấn xã Việt Nam chính thức ra đời khi Đài phát sóng Bạch Mai phát đi bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách Chính phủ lâm thời bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp với các hô hiệu VNTTX, VNA, AVI. Đây được coi là sự kiện khai sinh nền thông tấn quốc gia.
Cùng năm, ngày 2/9/1945, lời Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập được phát sóng trong buổi phát thanh đầu tiên của nước Việt Nam mới. Tuy nhiên, do thiết bị phát sóng còn thô sơ, âm thanh không rõ ràng.
Ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự ra đời của ngành phát thanh cách mạng. Trong những năm đầu, phòng thu chỉ được cách âm bằng chăn chiên, không có máy ghi âm, chủ yếu phát trực tiếp. Âm thanh thường lẫn tạp âm như tiếng ho, tiếng động vật dụng, khiến không thể tổ chức phỏng vấn trực tiếp.
Tại Nam Bộ, Đài Phát thanh kháng chiến phải di chuyển liên tục để tránh truy quét. Năm 1947, thiết bị phát được đặt trên xe goòng, vừa phát xong là đẩy đi nơi khác theo đường ray. Từ máy phát MK2 công suất chỉ 15W, đến cuối năm đã có máy công suất 500W, cải thiện rõ rệt chất lượng truyền tin.
Về báo in, năm 1951, Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng chính thức ra đời. Ở miền nam, Báo Nhân Dân miền nam là một trong số ít tờ báo sử dụng kỹ thuật in ảnh kẽm, có trang bìa màu. Gần cuối cuộc kháng chiến, báo còn được trang bị máy in nhiều màu hiện đại Rotavive hiếm có thời bấy giờ.
Một ấn phẩm nổi bật khác là Tạp chí Tiền Phong, được in typô, chữ nhỏ, sắc nét. Trang bìa in ba màu, các trang trong in một màu. Giấy in đa dạng: trắng, đen, vàng hoặc giấy gió. Tạp chí được bán với giá khá cao, phản ánh vị thế đặc biệt của nó trong đời sống báo chí thời kháng chiến.
Buổi phát hình đầu tiên năm 1970.
Buổi phát hình đầu tiên năm 1970.
Giai đoạn 1954-1975
Từ làn sóng kháng chiến đến ánh sáng màn hình
Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt, báo chí Việt Nam phát triển theo hai hướng: miền bắc tập trung xây dựng nền báo chí cách mạng phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước; miền nam hình thành nền báo chí đô thị, đa dạng về hình thức nhưng bị chi phối bởi chế độ Sài Gòn và chiến tranh tâm lý của Mỹ.
Một dấu mốc quan trọng trong giai đoạn này là sự ra đời của truyền hình Việt Nam. Ngày 2/1/1970, Đài Tiếng nói Việt Nam triệu tập đội ngũ cán bộ mới học tập tại Cuba trở về, cùng các kỹ thuật viên trong nước bắt đầu thử nghiệm truyền hình. Trong điều kiện thiếu thốn, họ đã chuyển đổi máy phát sóng ngắn thành máy phát hình, tự lắp ráp trung tâm kỹ thuật và chế tạo camera điện tử, minh chứng cho tinh thần sáng tạo vượt khó.
Ngày 7/9/1970, buổi phát sóng thử nghiệm đầu tiên diễn ra, được nhà báo Trần Lâm mô tả như một “kỳ tích kỹ thuật”. Trong một căn phòng chung, khán giả được chứng kiến toàn bộ quy trình phát hình trực tiếp, từ phát thanh viên, diễn viên biểu diễn đến kỹ thuật viên điều khiển và hình ảnh hiển thị trên màn hình. Chương trình gồm 15 phút thời sự và 30 phút ca nhạc, thu âm trước, ghi hình sau theo phương pháp lay back. Hình ảnh sắc nét, âm thanh tốt, để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.
Những tháng cuối năm 1970, việc chuẩn bị cho chương trình chính thức được đẩy mạnh: mua máy phát hình, xe ghi hình, dựng studio và ăng-ten tại Hà Nội.
Mô hình mô phỏng máy quay Ngựa trời tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Mô hình mô phỏng máy quay Ngựa trời tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Tối 27/1/1971, chương trình truyền hình thử nghiệm đầu tiên chính thức phát sóng phục vụ khán giả Thủ đô, phát ba buổi mỗi tuần, mỗi buổi hai tiếng.
Sự kiện ngày 7/9/1970 được xem là ngày khai sinh Đài Truyền hình Việt Nam. Sau thống nhất đất nước, Trung tâm truyền hình tại Giảng Võ được xây dựng (1976), và đến cuối năm 1977, Chính phủ thành lập Ủy ban Phát thanh và Truyền hình quốc gia, hợp nhất Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương. Nhà báo Trần Lâm được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm.
Giai đoạn 1975-1986
Từ thử nghiệm đến nền móng kỹ thuật số quốc gia
Sau ngày đất nước thống nhất, truyền hình Việt Nam chính thức bước ra khỏi giai đoạn thử nghiệm để bước vào thời kỳ phát sóng đều đặn và mở rộng quy mô.
Giai đoạn 1976-1986 đánh dấu những bước đi đầu tiên để hình thành hệ thống truyền hình quốc gia, đồng thời mở đầu cho quá trình chuyển giao kỹ thuật từ truyền hình đen trắng sang truyền hình màu.
Máy quay, máy ảnh sử dụng trong giai đoạn 1975-1986.
Máy quay, máy ảnh sử dụng trong giai đoạn 1975-1986.
Từ năm 1975 đến 1978, các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật truyền hình đã từng bước hiệu chỉnh tần số, hình ảnh và âm thanh của các trạm phát sóng nhằm thu hẹp sự chênh lệch. Bước tiếp theo là chuyển đổi toàn bộ hệ SCC ở miền nam sang hệ OST để thống nhất kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những bước tiến mang tính chiến lược là ngày 28/10/1976, Đài phát sóng truyền hình Tam Đảo đặt ở độ cao hơn 2.000m được khởi công xây dựng. Với vị trí lý tưởng, đây là đài phát có vai trò then chốt trong việc phủ sóng truyền hình đến khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung du và một phần miền núi phía bắc, mở rộng khả năng tiếp cận truyền hình của nhân dân cả nước.
Một số thiết bị máy quay truyền hình thế hệ trước được lưu giữ.
Một số thiết bị máy quay truyền hình thế hệ trước được lưu giữ.
Song song đó, năm 1978, Việt Nam và Liên Xô ký kết một loạt văn kiện hợp tác, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng Trạm thông tin vũ trụ mặt đất Intelsputnik. Đây là cột mốc đánh dấu khả năng Việt Nam tiếp cận thông tin toàn cầu thông qua vệ tinh viễn thông quốc tế, mở ra kỷ nguyên mới trong hoạt động truyền thông và truyền hình – không còn bị giới hạn bởi địa lý hay thiết bị cũ kỹ.
Giai đoạn này, dù vẫn còn thiếu thốn về thiết bị và kỹ thuật, nhưng truyền hình Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình như một phương tiện thông tin đại chúng có sức lan tỏa sâu rộng, bắt đầu đặt những nền móng kỹ thuật đầu tiên cho một hệ thống truyền hình thống nhất, hiện đại hơn trong tương lai.
Giai đoạn 1986–2000
Đổi mới và hiện đại hóa báo chí – Bước chuyển sang thời đại số
Sau khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng năm 1986, báo chí Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô lẫn công nghệ. Giai đoạn này ghi dấu ấn rõ rệt của quá trình hiện đại hóa, hội nhập và chuyển mình sang nền báo chí đa phương tiện.
Tính đến cuối thập niên 1990, cả nước có trên 450 cơ quan báo chí, xuất bản hơn 563 ấn phẩm báo in, với tổng lượng phát hành đạt 565 triệu bản/năm. Trong đó, có khoảng 160 tờ báo ngày và tuần báo, gồm 63 báo trung ương, 97 báo địa phương, cùng với 1 báo và 20 tạp chí đối ngoại.
Đài Tiếng nói Việt Nam với trung tâm âm thanh mới xây dựng từ năm 1988 đã tận dụng vệ tinh, cáp quang và viba kỹ thuật số, rút ngắn đáng kể thời gian thu và phát tin. Các phóng sự, phỏng vấn từ địa phương có thể truyền nhanh về trụ sở trung ương để phát sóng kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị kiểm tra dữ liệu phát báo trong ngày khai trương Báo Nhân Dân điện tử, 21/6/1998.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị kiểm tra dữ liệu phát báo trong ngày khai trương Báo Nhân Dân điện tử, 21/6/1998.
Cùng lúc, báo chí Việt Nam bắt đầu tiếp cận làn sóng toàn cầu hóa thông tin, đặc biệt qua internet và truyền hình vệ tinh. Mặc dù internet chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 1997, nhưng ngay từ năm 2001 đã có hơn 46 tờ báo điện tử ra đời, nhanh chóng thu hút bạn đọc trong và ngoài nước.
Các cơ quan báo chí lớn như: Nhân Dân (tiếng Việt và tiếng Anh), VOV News (Đài Tiếng nói Việt Nam), Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vietnam News (TTXVN), Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng, Website Đảng Cộng sản Việt Nam… đã có hàng trăm triệu lượt truy cập, mở đầu cho thời kỳ báo chí điện tử Việt Nam hội nhập vào dòng chảy toàn cầu. Đặc biệt, ngày 21/6/1998, báo Nhân Dân điện tử bằng tiếng Việt chính thức lên mạng, đến 11/3/1999 ra mắt bản tiếng Anh – một cột mốc quan trọng khẳng định báo chí Việt Nam đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên thông tin số hóa và xuyên biên giới.
Nhìn tổng thể, giai đoạn 1986-2000 là thời kỳ nền báo chí nước nhà được "cởi trói" và vươn lên mạnh mẽ, từ củng cố hạ tầng kỹ thuật, đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, đến mở rộng không gian tiếp cận thông tin toàn cầu, từng bước tiến vào thời đại số hóa và toàn cầu hóa truyền thông.
BƯỚC CHUYỂN CỦA KỶ NGUYÊN BÁO CHÍ HIỆN ĐẠI
Giai đoạn 2001–2010
Truyền thông Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội tụ số
Báo in tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong việc truyền tải thông tin. Cả nước có gần 175 tờ báo in, sử dụng kỹ thuật in hiện đại, đổi mới hình thức trình bày mang lại diện mạo hấp dẫn và chuyên nghiệp.
Dấu mốc đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là sự ra đời và phát triển vượt bậc của báo điện tử, đánh dấu bước chuyển mình sang thời kỳ hội tụ truyền thông.
Việc kết nối internet đã tạo điều kiện tích hợp nhiều loại hình báo chí (văn bản, âm thanh, hình ảnh, video) trên một thiết bị, mở ra khả năng truyền tải và tiếp nhận thông tin linh hoạt, đa chiều, tương tác giữa báo chí và công chúng.
Đến cuối thập kỷ, cả nước có gần 100 báo điện tử, trong đó nổi bật là những cơ quan có tầm ảnh hưởng lớn như Báo Nhân Dân, báo điện tử Đảng Cộng sản, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, VietnamNet, VnExpress.... Hàng trăm trang thông tin điện tử, hàng nghìn website chuyên ngành cũng góp phần mở rộng không gian truyền thông.
Với khả năng cập nhật thông tin liên tục, đa dạng hình thức trình bày, tốc độ lan truyền nhanh, báo điện tử đã nhanh chóng thu hút một lượng lớn độc giả, đặc biệt là giới trẻ, trí thức, cán bộ công chức và người Việt ở nước ngoài.




Giai đoạn 2010–2015
Bước khởi đầu cho chuyển đổi số trong báo chí Việt Nam
Trong khoảng thời gian này, báo chí Việt Nam bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự phát triển của hạ tầng viễn thông, đặc biệt là việc phổ cập Internet băng rộng và mạng di động 3G, sau đó là 4G. Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông thời điểm đó), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt 52% dân số.
Các tòa soạn lớn như Báo Nhân Dân, Tuổi Trẻ, VnExpress, Thanh Niên... đồng loạt đầu tư phát triển báo điện tử và ứng dụng di động, mang đến trải nghiệm đọc tin tức mọi lúc, mọi nơi.
Đồng thời, báo chí đa phương tiện, bao gồm ảnh, video, đồ họa thông tin được ứng dụng ngày càng phổ biến, giúp nội dung truyền tải sinh động và trực quan hơn. Đây là giai đoạn đặt nền móng cho sự chuyển đổi số sau này.
Giai đoạn 2016–2025
Thời kỳ chuyển đổi số toàn diện của Báo chí Việt Nam
Từ năm 2016 trở đi, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí diễn ra toàn diện. Việc tắt sóng mạng 2G vào năm 2024 và phổ cập 4G, tiến tới triển khai 5G là bước ngoặt lớn, cho phép nội dung báo chí, đặc biệt là video độ phân giải cao, livestream, podcast, tiếp cận độc giả một cách nhanh chóng.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: "Chuyển đổi số cốt lõi là thay đổi tư duy lãnh đạo và mô hình tòa soạn từ “báo in là chính, digital là phụ” sang tư duy “digital‑first”, ưu tiên nội dung số triệt để".
Một khoá học ứng dụng AI trong báo chí.
Một khoá học ứng dụng AI trong báo chí.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông thời điểm cuối năm 2023, có hơn 80% các tòa soạn báo chí ở Việt Nam đã áp dụng một hoặc nhiều công nghệ số trong hoạt động của mình.
Đây cũng là giai đoạn mà trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng sâu rộng trong hoạt động báo chí: từ việc gợi ý tiêu đề, viết tin nhanh, dựng video tự động, cho tới phân tích hành vi độc giả nhằm cá nhân hóa nội dung. Các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và dữ liệu lớn (big data) cũng bắt đầu được các cơ quan truyền thông lớn như Báo Nhân Dân, VTV, VnExpress thử nghiệm và áp dụng.
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý báo chí và chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng được ban hành đồng bộ nhằm định hướng rõ ràng cho báo chí số trong giai đoạn mới.
Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng công nghệ tại Hội Báo toàn quốc 2025.
Các đại biểu trải nghiệm ứng dụng công nghệ tại Hội Báo toàn quốc 2025.
Các đại biểu bấm nút chính thức khai mạc Hội báo Toàn quốc năm 2025.
Các đại biểu bấm nút chính thức khai mạc Hội báo Toàn quốc năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tham quan gian trưng bày.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tham quan gian trưng bày.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tại lễ khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc 2025.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày tại lễ khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc 2025.
Ngày xuất bản: 21/6/2025
Tổ chức sản xuất: HỒNG VÂN
Nội dung: TRUNG HIẾU, LÊ ĐỨC, QUỲNH TRANG, Tài liệu tham khảo Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ảnh-Video: QUỲNH TRANG, LÊ ĐỨC, TRUNG HIẾU, NGUYỄN THÚY, SỸ HIẾU, THẾ ĐẠI
Trình bày: TRUNG HIẾU