
Câu chuyện “doanh nghiệp xanh” thường được nhắc đến nhiều hiện nay, nhưng tại ThaiBinh Seed, tinh thần “xanh” không dừng lại ở thông điệp mà đã được triển khai rất cụ thể, xuyên suốt từ khâu nghiên cứu giống lúa, cải tiến quy trình canh tác, liên kết sản xuất với nông dân, đến phát triển thị trường tiêu thụ bền vững.
Cùng phóng viên Báo Nhân Dân gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ một người đã dành cả đời gắn bó với hạt giống, với đồng ruộng và với người nông dân Việt Nam, doanh nhân Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed.
Hành trình khởi nguồn


Thưa ông Trần Mạnh Báo, khi bắt đầu hành trình với ThaiBinh Seed, điều gì đã thôi thúc ông lựa chọn con đường phát triển một doanh nghiệp “nông nghiệp xanh”, thay vì lối đi nhanh, lợi nhuận trước mắt như nhiều doanh nghiệp khác?
Mỗi doanh nghiệp có một chiến lược phát triển riêng, con đường một doanh nhân lựa chọn để dẫn dắt doanh nghiệp của mình do nhận thức và mục đích của người đưa ra chiến lược đó. ThaiBinh Seed là một doanh nghiệp được sinh ra với một lịch sử lâu dài hơn nửa thế kỷ kiên định một mục tiêu là giúp cho người nông dân có thu nhập cao hơn thông qua sản phẩm và dịch vụ của mình theo lời dạy của Bác Hồ vào ngày 01/01/1967.
Sau khi trở về từ chiến trường, tôi mang theo ước nguyện tuổi thơ: “Làm điều gì đó để người nông dân bớt khổ”. Tôi đã từ chối chế độ đãi ngộ dành cho thương binh, xin về ngành nông nghiệp, và sau này khi trở thành người lãnh đạo ThaiBinh Seed vào năm 2000, tôi xác định rõ: Phát triển một doanh nghiệp nông nghiệp bền vững, vì người nông dân. Chúng tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà kiên định đi con đường lâu dài, dựa trên khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm và lợi ích của người nông dân.
Trong hành trình đó, đâu là thách thức lớn nhất mà ThaiBinh Seed từng đối mặt? và động lực nào giúp ông và đội ngũ kiên định với triết lý “làm nông nghiệp sạch từ gốc rễ?”
Giai đoạn khó khăn nhất là sau năm 1986. Một cơn bão lớn đã quét sạch cơ sở vật chất của công ty. Tôi xuống hiện trường với 41 người lao động, không nhà cửa, không vốn. Nhưng tôi vẫn tin: cần đổi mới, phải thay đổi tư duy quản lý trong nông nghiệp. Và tôi quyết định lên báo cáo với đồng chí Bí thư tỉnh ủy là không có đường nào khác, chúng ta phải đổi mới.
Tôi đề xuất đề án cải tổ, lấy người lao động làm trung tâm, để họ được hưởng thành quả mình tạo ra. Tôi đã viết một đề án đổi mới nông nghiệp quốc doanh Việt Nam trên cơ sở nguyên lý là người lao động phải được hưởng thụ giá trị mà họ mang lại, chỉ khi người lao động được hưởng thụ giá trị sáng tạo mà họ tạo ra đảm bảo được đời sống của họ thì họ sẽ cống hiến được và đó chính là bước ngoặt khởi đầu cho hành trình đổi mới của ThaiBinh Seed.
Tâm huyết với hạt giống Việt


Là người dành cả đời gắn bó với hạt giống và đồng ruộng, ông có thể chia sẻ điều gì khiến ông luôn tin tưởng rằng hạt giống Việt có thể chinh phục thế giới, bắt đầu từ những cánh đồng quê hương?
Bây giờ thì chúng ta đã có Nghị quyết 57, nhưng từ những năm 2000, ThaiBinh Seed đã chọn khoa học công nghệ làm trụ cột rồi. Hơn 20 năm trước, chúng tôi đã nhận thức rằng nông nghiệp Việt Nam có những lợi thế cực kỳ lớn, khí hậu đa dạng, đất đai phì nhiêu, bờ biển dài, hệ sinh thái phong phú. Ví dụ như trong khu vực Đông Nam Á thì không có nước nào trồng được khoai tây trừ Việt Nam. Một kg khoai tây ở Việt Nam chỉ có 4000 đồng nhưng đưa sang Indonesia là 1 usd, tức khoảng 26.000 đồng, chúng ta trồng được cà phê, trồng được ca cao, cây công nghiệp…
Chúng ta chỉ cần 90 ngày là có thể trồng và thu hoạch lúa, một năng suất đáng mơ ước. Mặc dù diện tích đất lúa chỉ bằng một phần ba Thái Lan, nhưng chúng ta vẫn xuất khẩu lượng gạo tương đương.
Tôi lấy ví dụ, Thái Lan có 10 triệu ha đất trồng lúa và mỗi năm xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo. Việt Nam chúng ta diện tích đất lúa chỉ bằng một phần ba Thái Lan, khoảng 3,2 triệu ha nhưng chúng ta vẫn xuất khẩu lượng gạo tương đương là 7-8 triệu tấn. Điều đó chứng minh năng lực nông nghiệp Việt Nam.
Vì vậy mà niềm tin của tôi không chỉ với hạt gạo Việt Nam mà hạt giống, trái cây, thủy sản nếu phát triển đúng hướng sẽ là thế mạnh chiến lược quốc gia. Đó là một nguồn tài nguyên vô giá mà chúng ta cần phải gìn giữ bảo vệ và chúng ta cần phải giữ gìn cho đất đai mầu mỡ, nước phải trong lành thì đó chính là nông nghiệp sạch.
Ông từng là một người lính trở về từ chiến trường và hôm nay là một Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, người đã dành cả đời gắn bó với hạt giống, với đồng ruộng và với người nông dân Việt Nam. Nhìn lại hành trình ấy, ông có thấy điểm chung nào giữa người lính năm xưa và người doanh nhân của hôm nay đặc biệt là trong tư duy xanh hóa” nông nghiệp từ gốc, từ giống, từ quy trình, đến thị trường?
Trường học lớn nhất đời tôi là chiến trường. Tôi đã học ở nhiều đại học trong và ngoài nước, nhưng chính trải nghiệm quân ngũ rèn cho tôi tinh thần kỷ luật, lòng trung thành, sự kiên cường. Tôi cho rằng phẩm chất người lính được rèn luyện và trải qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, trở về làm doanh nghiệp, chúng tôi không dễ dàng đầu hàng trước khó khăn.
Hơn 50 năm làm việc trong ngành nông nghiệp, tôi tin rằng nếu còn sống, còn làm việc được thì phải cống hiến hết mình mang lại giá trị cho xã hội. Ngày 30/5 vừa rồi, tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi có phát biểu và tặng Thủ tướng một bông lúa có 1247 hạt. Đây là bông lúa có nhiều hạt nhất tôi thấy ở Việt Nam.
Đây là kết quả của việc coi trọng ứng dụng khoa học vào làm nông nghiệp từ sớm. Vì trước đây, cha ông chúng ta trồng lúa mỗi bông chỉ có từ 50 đến 100 hạt là nhiều và bây giờ chúng tôi đã làm ra những bông lúa hơn 1000 hạt, gấp tới 10 lần.

Nhiều người nói đến “doanh nghiệp xanh” như một khái niệm thời thượng. Nhưng với ThaiBinh Seed, “xanh” không chỉ là cây lúa. Vậy với ông, tinh thần “doanh nghiệp xanh” thật sự bắt đầu từ đâu và được nuôi dưỡng như thế nào?”
Với tôi, xanh không chỉ là cây lúa mà là cách chúng ta ứng xử với thiên nhiên. Môi trường làm việc của chúng tôi, hoạt động nghiên cứu, sản xuất của chúng tôi trong tự nhiên là 90% vì vậy tôi cảm nhận được một điều: cái quan trọng nhất là ý thức của chúng ta trong việc bảo vệ môi trường để nó được trong lành mà vẫn tạo ra được giá trị.
Chúng tôi ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống cây ít dùng hóa chất, ít nước, thích nghi với biến đổi khí hậu. Ví dụ, trong khi miền Nam thường dùng 150-250 kg giống/ha, chúng tôi chỉ cần 30 kg, tiết kiệm tài nguyên và giảm ô nhiễm. Đó là hiệu quả thật sự. Vì vậy cái khái niệm của tôi về nông nghiệp xanh chính là sử dụng tài nguyên ít nhất mà đem lại giá trị kinh tế, chất lượng cao nhất, đơn giản vậy thôi.
Hành trình truyền cảm hứng
cho thế hệ trẻ

Nếu được nhắn nhủ một điều tới những người trẻ đang muốn theo đuổi nông nghiệp bền vững hoặc xây dựng doanh nghiệp vì cộng đồng, ông sẽ nói gì với họ từ chính trải nghiệm của mình?
Năm 2024 vừa qua, Trung ương Đoàn tổ chức trao giải thưởng Lương Đình Của cho 50 nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Thái Bình. Tôi may mắn được gặp gỡ trao đổi với các bạn trẻ, tôi mong các bạn trẻ hiểu rằng trách nhiệm của một con người không chỉ là với gia đình, mà còn là với xã hội bằng sự lao động chân chính.
Việt Nam có tiềm năng nông nghiệp rất lớn, hãy khai thác lợi thế ấy bằng sự sáng tạo và bằng tư duy bảo vệ môi trường. Phát triển không có nghĩa là khai thác bằng mọi giá, mà phải có hiệu quả bền vững. Đó là cách để chúng ta xây dựng vị thế Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Tầm nhìn và
giấc mơ phía trước

ThaiBinh Seed có những liên kết cụ thể ra sao để hạt giống xanh không chỉ dừng lại ở đồng ruộng, mà còn đến được với thị trường trong nước và quốc tế một cách bền vững?
Chúng tôi luôn trung thành với chiến lược “nông nghiệp là gốc”. ThaiBinh Seed-tên của nó đã là giống cây trồng rồi và tất nhiên là chúng tôi sẽ phát triển thêm ngành hàng khác nhưng chúng tôi luôn trung thành với một chiến lược đó là phát triển ngành nông nghiệp bền vững, không chỉ sản xuất giống mà còn phát triển liên kết vùng từ nông dân, hợp tác xã đến thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi đang kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái, khai thác lợi thế Việt Nam một cách bền vững, lâu dài.
Nhìn lại hành trình hơn nửa thế kỷ của ThaiBinh Seed và nhìn về phía trước, ông có giấc mơ nào còn đang ấp ủ cho nông nghiệp Việt, cho cánh đồng Việt và cho những người nông dân Việt?
Cách đây 10 năm, có một chuyên gia của World bank đã hỏi tôi: Tôi được biết Việt Nam nhập khẩu 90% giống lúa. Và thông tin này ông ấy được biết từ World Seed. Tôi đã trả lời rằng: Việt Nam hiện nay nhập khẩu giống lúa chưa đến 3%; chúng tôi đã chủ động 97% giống lúa.
Tôi lấy dẫn chứng, diện tích lúa thời điểm đó của Việt Nam là 75 triệu ha và diện tích lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc có 300 nghìn ha thôi. Như vậy là chiếm chưa đến 3%. 97% diện tích lúa Việt Nam đã sử dụng giống trong nước, đây là một con số đáng tự hào. Tôi mong muốn không chỉ giống lúa, mà cả giống cây công nghiệp và các ngành thủy sản, Việt Nam hoàn toàn chủ động không phụ thuộc nước ngoài.
Nếu có hợp tác với nước ngoài thì sẽ là hợp tác nghiên cứu để tạo ra các giống cây trồng có thể phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam trên nền tảng khoa học công nghệ, đó cũng chính là hướng đi của ThaiBinh Seed suốt bao năm qua. Giống là khâu đầu tiên, dược liệu, thủy sản… tất cả đều dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đó là con đường lâu dài, nhưng cần thiết để bảo vệ tương lai nông nghiệp nước nhà.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xuất bản: 7/2025
Tổ chức sản xuất: KHÁNH SƠN
Nội dung: THU HÀ - HẢI LINH
Trình bày: NHƯ TRANG