Tôi nhìn thấy ở nhà văn Tô Hoài một người Hà Nội xưa: Ông ngồi bình nhiên bên bộ bàn trà giản dị, trước mặt là chén thuốc bắc tỏa làn hơi mỏng, thơm dìu dịu. Mấy năm nay ông ốm nhiều. Ở nhà cho con gái chăm sóc, nhưng ông vẫn ăn vận bộ đũi mầu trắng bạc là phẳng phiu, đội mũ phớt trắng và cây ba-ton để bên cạnh. Ông nói ý nhị và dí dỏm, trong câu chuyện thường thêm chữ “ạ”, bất kể người ngồi trước mặt ông thuộc lứa con cháu rất xa với thế hệ mình: Phải không ạ? Không ạ. Phải ạ. Ngay trước cửa nhà ông ở Nghĩa Đô, nhìn qua khung kính mờ, một gánh hàng hoa thưa vắng người qua lại.

Thưa nhà văn Tô Hoài, chỗ này ngày xưa là một cái làng phải không ạ?

Phải ạ. Nơi nhà tôi ở đây, xưa là làng Nghĩa Đô, nằm ven sông Tô Lịch. Bây giờ ở đây toàn cán bộ viên chức, đông quá cho nên người ta chia đôi, bên này thành Nghĩa Đô, bên kia là Nghĩa Tân. Ngày xưa, làng này gần làng Yên Thái chỗ Bưởi ấy, là một làng làm giấy. Trước, ông cụ tôi ở Thanh Oai, còn làng Nghĩa Đô nơi tôi sinh ra thì thuộc phủ Hoài Đức. Bút danh Tô Hoài của tôi là tên ghép từ Tô Lịch và Hoài Đức.

Thời nhỏ tôi ở đây chứng kiến cái làng này toàn là đường đất. Lúc trẻ con, tôi học ở Trường Yên Thái, sau chuyển lên học ở Phó Đức Chính, trên đê Yên Phụ. Thế mà tôi đi bộ đi học lên tận đấy. Khi đó cảnh còn thơ mộng lắm, tôi đi bộ đường đất, chứ làm gì có đường nhựa như bây giờ. Khi nào không đi học thì ra bờ sông Tô Lịch chơi, ở đó bạt ngàn cây cỏ. Tô Lịch còn thoáng đạt và bờ sông cỏ mọc đầy. Chúng tôi chơi dế cả ngày không biết chán. Hồi tôi còn nhỏ ấy, sông Tô Lịch là nơi chơi bời thích hợp lắm.

Vâng, ông từng nói rằng ông là người đúc dế rất giỏi và chính vì thế mà ông viết truyện Dế mèn phiêu lưu ký?

Tôi rất giỏi về các con vật. Còn về dế thì khỏi nói rồi, tôi có thực tế đúc dế, chơi dế suốt thời nhỏ. Tôi biết con dế mèn, dế trũi lắm. Năm tôi 17 tuổi, các ông mở cái tủ sách Truyền bá, bảo tôi viết cái truyện gì đăng cho chỗ ấy. Thế là tôi viết Con Dế mèn, khoảng 30 trang. Cụ Vũ Đình Long cho in trên Tân Dân. Mấy ngày sau, cụ ấy gọi tôi về Hà Nội, bảo bán chạy lắm, trả tôi năm đồng nhuận bút (hồi đó ba đồng mua được một tạ gạo) và bảo tôi viết tiếp. Tôi về viết tiếp, nối vào truyện Con Dế mèn thành Dế mèn phiêu lưu ký. Cô lấy cuốn Dế mèn ra mà xem, tôi toàn viết đúng thực tế chứ chả thêm gì mấy.

Ông viết Dế mèn có lâu không?

Không ạ. Chả lâu tí nào! Truyện Con Dế mèn tôi viết ban đêm, viết bằng bút mực tím, một hai tối thì xong. Còn khi viết thêm thành Dế mèn phiêu lưu ký, độ ba bốn hôm nữa. Viết nhanh thế, là vì tôi thuộc thực tế về con Dế mèn quá rồi mà (cười).

Vậy cái tinh thần phiêu lưu trong truyện Dế mèn, có phải cũng chính là vì ông cũng ưa phiêu lưu?

Chuyện tôi viết đều bắt nguồn từ những công việc của tôi. Nhưng tôi là người thích đi chơi. Hồi nhỏ thì tôi chơi quanh quẩn ở làng tôi thôi.

Nhưng có một chuyến đi chơi nhớ đời, đó là sau khi Dế mèn phiêu lưu ký in xong tôi nhận được 25 đồng nhuận bút, thế là tôi quyết định ngao du một chuyến Bắc - Trung - Nam - Miên - Lào. Chuyến đi ấy vui đáo để.

Hồi ấy mà đi Bắc - Trung - Nam - Miên - Lào thì chắc là chuyến đi kéo dài và cũng vất vả lắm. Ông có nhớ những chuyện xảy ra trong chuyến đi ấy nữa không?

Cũng nhiều chuyện tôi quên. Nhưng nhiều chuyện vẫn nhớ. Như chuyện tôi là người làng dệt, đi khắp nơi đều gặp đồng hương. Vì thợ dệt họ đi khắp nơi mà. Nên tôi đi đến đâu cũng được người làng nhận ra, họ tiếp đón, nấu cho chúng tôi ăn. Tôi còn nhớ, chuyến đi ấy tôi cũng có một mối tình. Đi rong ruổi khắp nơi sướng lắm, rồi tôi gặp và yêu một cô gái. Sau chuyến đi tôi có gặp lại cô ấy nhiều lần. Tôi viết trong truyện Hoa miền biển, kể chuyện ông già gặp lại người yêu cũ ở Sài Gòn, chính là câu chuyện tình thời đi chơi ấy. Cô ấy bây giờ chắc cũng mất rồi.

Có phải chính nhờ con Dế mèn mà ông được đi nhiều nơi trên thế giới?

Phải ạ. Vì cái con dế mèn mà tôi được biết đến và được đi rất nhiều nước, đến mức có thời kỳ tôi được đi làm đối ngoại, là Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á-Phi-Mỹ la-tinh. Tôi đi nhiều lắm, chả nhớ là đi đến bao nhiêu nước nữa. Nhưng con Dế mèn ấy, nó còn đi nhiều hơn tôi ấy. Cho đến nay theo như tôi biết, thì nó đã có mặt ở 37 nước trên thế giới, mà nó đi đến đâu còn được trả tiền đến đó, phải không ạ? (cười).

Ông có viết bài thơ nào không?

Tôi không nhớ, vì tôi làm thơ không được hay và tôi chủ trương không làm thơ. Giờ tôi cũng chả nhớ có bài thơ nào cả. Tôi đi học thi Diplom bị trượt. Thi hai lần đều bị trượt. Tôi giỏi thực tế chứ học hành thi cử có giỏi đâu.

Ngoài giỏi về con dế mèn, ông còn giỏi thực tế gì nữa không ạ?

Đời tôi sôi nổi lắm. Năm 17 tuổi, tôi đã bắt đầu hoạt động trong Mặt trận Bình dân của Hà Nội. Trước đó, năm 1938, vì tôi là người làng dệt, cho nên tham gia Hội Ái hữu công nhân và phong trào Thanh niên phản đế. Tôi làm Chủ tịch Hội Ái hữu thợ dệt Hà Đông. Ý niệm về thế giới đại đồng trong Dế mèn là từ những công việc thực tế ấy.

Thời Cách mạng Tháng Tám tôi làm báo Cứu quốc, bây giờ là Đại đoàn kết. Tôi ở Bắc Cạn 10 năm, cho nên thực tế về người dân tộc cũng có. Hồi ấy cũng vất vả mà thích thú. Tôi làm báo với Nam Cao, anh ấy ở Hà Nam. Tôi sống ở đó và làm người Tày - Nùng, hồi đó tôi có tên là Nông Văn Tư.

Nhà văn Tô Hoài ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Nhà văn Tô Hoài ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Có phải từ thực tế đó mà ông viết Vợ chồng A Phủ?

Không, tôi viết truyện ngắn Núi cứu quốc. Sau đó tôi đi Hà Giang nhiều, tiếp xúc với người Mông, thì mới viết Vợ chồng A Phủ, sau dựng thành phim. Phim đó có nhạc của Nguyễn Văn Thương còn lời của Tô Hoài. Có mấy câu tình tứ lắm, tôi viết xong được trả nhiều tiền nhưng tôi không nhớ bao nhiêu. Rồi tôi viết Miền Tây cũng về Hà Giang, sau đó viết truyện phim Kim Đồng. Tóm lại đến thời kỳ ấy, mình có thực tế thì mới viết được.

Bây giờ ông có nhớ gì nhiều về những bạn văn cùng thời làm việc với ông - như nhà văn Nam Cao chẳng hạn?

Anh ở Hà Nam lên, hiền lành. Tôi kết nạp Đảng cùng ngày với anh ấy đấy. Thời ấy chúng tôi nhiều việc. Tôi cũng mải mê bận việc cho nên sau này muốn nhớ lại thì đã quên mất. Đời tôi trải qua những chức vụ rất buồn cười: Năm 20 tuổi, tôi làm Trưởng ban Thất nghiệp trong cuộc mít-tinh ở Đấu xảo.

Nhà văn Tô Hoài thời trẻ (ngoài cùng bên trải) cùng các nhà văn, nhà báo: Xuân Thủy, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng (từ trái qua). Ảnh: Trần Văn Lưu

Nhà văn Tô Hoài thời trẻ (ngoài cùng bên trải) cùng các nhà văn, nhà báo: Xuân Thủy, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng (từ trái qua). Ảnh: Trần Văn Lưu

Rồi sau này còn bị đề nghị làm Chủ tịch danh dự Hội đồng tính… Rồi tôi còn làm tổ trưởng của hai khu phố ở Đoàn Nhữ Hài đến hàng chục năm liền. Vào năm 1972 ấy, suốt ngày vác câu liêm đến Khâm Thiên.

Rồi ba năm làm cải cách ruộng đất ở Nông Cống (Thanh Hoá)...

Tất cả những việc dở dang, những việc lớn nhỏ, những cái ghê gớm và những cái vớ vẩn ấy, tôi đều trải qua rất tình cờ, gặp nhiều người cũng tình cờ, tôi viết thành sách hết.

Những câu chuyện xa xưa cho đến bây giờ ông đã viết, có chuyện nào của cá nhân ông không?

Tôi viết Chuyện cũ Hà Nội là những chuyện mà tôi ghi lại bắt đầu từ năm lên mười tuổi cho đến bây giờ, từ tiếng rao đêm, tiếng tàu điện.

Rồi những cuốn sau là những chuyện sau Cách mạng Tháng Tám, chuyện đi kháng chiến, chuyện tham gia cải cách ruộng đất.

Chuyện tình tôi cũng viết nhiều. Trong tự truyện của tôi, cũng kể chuyện tình đấy. Tôi tả chuyện tình của mình là tôi yêu một cô (bây giờ cô ấy chết rồi). Chuyện tình thời tuổi trẻ ấy hay lắm. Chúng tôi, tôi cùng Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… đi chơi đến 12 giờ đêm, tìm gặp cô ấy. Đó là mối tình đầu của tôi, khi đó tôi đã viết Dế mèn rồi. Tôi yêu chẳng lâu, nhưng cũng tình tứ và mãnh liệt. Bởi cô ấy hơn tôi hai tuổi, có người mách bố cô ấy chuyện chúng tôi dan díu với nhau, gia đình cô ấy không đồng ý. Cô ấy bị đánh đòn, tôi thương quá nên bỏ. Cô ấy người làng tôi mà. Sau đó cô ấy về Hà Nội với mẹ. Rồi lấy chồng.

Ông có định viết tiếp hồi ký nữa không ạ?

Không ạ. Tôi viết nhiều lắm rồi. Chiều chiều, Cát bụi chân ai. Rồi nhiều chuyện khác. Buồn cười là nghe nói sách bị cấm, nhưng tôi chả được kiểm điểm gì cả. Chỉ có một lần bị phê bình trong cuộc họp là truyện Mười năm. Tôi kể một cô gái làm cách mạng trong thời kỳ Tháng Tám -1945 ở Hà Đông, đẹp và lẳng lơ vô cùng. Thế là ông tỉnh ủy Hà Đông ra gặp tôi ở Trần Hưng Đạo, bảo là cả tỉnh không có người phụ nữ nào như thế.

Cuốn Cát bụi chân ai in xong một thời gian, có một anh sinh viên người Hoa Kỳ, là Chủ tịch Hội đồng tính Mỹ liên lạc với tôi và đề nghị tôi làm Chủ tịch danh dự hội đồng tính ấy (cười). Là bởi vì trong cuốn sách tôi có viết chuyện Tình trai giữa Tô Hoài và Xuân Diệu ấy mà. Tôi vẫn còn một mảng hiện thực muốn viết, đó là Cách mạng Tháng Tám, không biết còn thời gian để viết không. Bây giờ, tôi đương làm cố vấn cho bộ phim Mường Dơn do cô Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản. Phim nói về dân tộc Thái trắng, lấy ý tưởng nội dung từ truyện Mường Dơn mà tôi đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Tôi vẫn viết đấy, nhưng không viết hồi ký nữa. Cũng còn nhiều chuyện xưa chưa kể, nhưng giờ thì tôi đương ốm, việc thuốc thang khó khăn...

Vâng, cảm ơn nhà văn. Chúc ông sức khỏe để tiếp tục viết những thực tế của mình.

Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, tên thật là Nguyễn Sen. Bắt đầu in những tác phẩm đầu tiên trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ 20.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ nhiệm tờ Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Năm 1957, làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1958 đến năm 1980, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1966 - 1996: Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.
Tác phẩm chính: Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện dài - 1942, tái bản nhiều lần), Quê người (1943, tái bản nhiều lần), Truyện Tây Bắc (1954, tái bản nhiều lần), Mười năm (tiểu thuyết - 1958), Miền Tây (tiểu thuyết - 1960), Tự truyện (hồi ký - 1965, tái bản nhiều lần), Quê nhà (tiểu thuyết - 1970), Cát bụi chân ai (hồi ký - 1991, tái bản nhiều lần), Chiều chiều (hồi ký - 1999)... Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I - 1996.

Nguồn: Bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 29/2/2012
Nội dung: Hồng Minh
Trình bày: Hạnh Vũ