Bấm máy giữa
lằn ranh thật giả

Tác phẩm ảnh "Sức mạnh của hổ mang chúa SU-30MK2", Huy chương Vàng FIAP của nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn.

Tác phẩm ảnh "Sức mạnh của hổ mang chúa SU-30MK2", Huy chương Vàng FIAP của nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn.

Trong thời đại mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành “người đưa tin”, nghề phóng viên ảnh đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có: từ làn sóng AI đến áp lực tốc độ, từ cám dỗ view đến nguy cơ đánh mất niềm tin công chúng. Nhưng chính trong dòng xoáy ấy, bản lĩnh, trách nhiệm xã hội và kỹ năng nghề của người cầm máy lại càng sáng rõ.

Khi một bức ảnh thật có thể làm thay đổi nhận thức và lay động cộng đồng, mỗi cú bấm máy là một hành động của trách nhiệm và niềm tin.

Chuyển dịch cùng thời đại

Những thế hệ nhiếp ảnh báo chí kỳ cựu như Nguyễn Bá Khoản, Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành… với ảnh đen trắng về chiến tranh Việt Nam, đã đặt nền móng cho ảnh báo chí hiện đại. Những bức ảnh như “Chiến sĩ quyết tử Thủ đô” hay “O du kích nhỏ”… không chỉ ghi lại khoảnh khắc, mà còn trở thành biểu tượng tâm thức dân tộc.

Bức ảnh “Chiến sĩ quyết tử Thủ đô”. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Bức ảnh “Chiến sĩ quyết tử Thủ đô”. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Ngày nay, lớp phóng viên ảnh trẻ đang tiếp nối bằng những loạt ảnh về đời sống đô thị, vấn đề xã hội, thiên tai, dịch bệnh… đã lay động công chúng, được nhiều báo quốc tế dẫn lại. Các bộ ảnh chuyên đề trên Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Zing, Thanh Niên, VnExpress… đang tạo ra diện mạo mới, ảnh kể chuyện, ảnh nhân văn, ảnh phản biện. Nhiều phóng viên ảnh như Lê Anh Dũng, Nguyễn Tiến Anh Tuấn, Nguyễn Khánh, Ngọc Thành, Việt Linh… đều đã và đang khẳng định dấu ấn riêng.

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. (Báo Quân đội nhân dân)

Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. (Báo Quân đội nhân dân)

Và giá phải trả sau mỗi khung hình

Nếu nhìn từ bên ngoài, nhiều người lầm tưởng công việc của phóng viên ảnh chỉ đơn thuần là "giơ máy bấm nút". Nhưng phía sau những khung hình ấn tượng là hàng giờ rong ruổi, hằng ngày bám sát nhân vật, hằng tuần, hằng tháng đối mặt với nguy hiểm, áp lực.

Với nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Trưởng khối nội dung media Báo Dân Trí), đó là những lần bị đe dọa, đuổi đánh khi phản ánh mặt trái xã hội, là khoảnh khắc mái tôn nhà xưởng dưới chân bị rách toạc khi đang chụp đám cháy, để chỉ còn kịp ném máy ảnh đi và dùng hai tay giữ lại cơ thể giữa khoảng không sinh tử.

Cũng có những rủi ro vật chất không nhỏ, anh từng mất nguyên bộ máy ảnh trị giá 150 triệu đồng khi tác nghiệp tại Paris (Pháp), hay cả bộ thiết bị trị giá hơn 100 triệu rơi xuống biển khi đang chụp ở Đà Nẵng. Nhưng với anh, đó là “cái giá phải trả” để đổi lấy một khoảnh khắc có thể nói thay muôn lời.

Cùng quan điểm, nhà báo Nguyễn Khánh (Báo Tuổi Trẻ) khẳng định: “Nếu xem báo chí là công việc kiếm sống tạm thời, bạn sẽ sớm bị đào thải. Làm nghề này, phải có một lý tưởng rõ ràng: sống trong dòng sự kiện, ghi lại lịch sử qua ánh sáng”.

Anh kể về những chuyến đi không kế hoạch, như lần đang tác nghiệp Đại hội Thể thao châu Á (Asiad) năm 2018 thì bất ngờ nhận lệnh bay sang đảo Lombok (Indonesia) đưa tin về động đất. Khánh nhớ lại, lúc đó quãng trưa, sau khi tác nghiệp ở một khu vực dân cư đổ nát sau động đất, tôi có nghỉ dưới một ngôi nhà. Ngay khi vừa rời đi, thì phần mái của ngôi nhà đó đổ ụp xuống chỗ tôi vừa ngồi. Có lẽ chỉ cần chậm hơn khoảng 30 giây, có lẽ tính mạng của tôi sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tác phẩm "O du kích nhỏ". Ảnh: Phan Thoan.

Tác phẩm "O du kích nhỏ". Ảnh: Phan Thoan.

Khi khoảnh khắc sự thật “bị hiệu ứng hóa”

Ảnh báo chí truyền thống, đặc biệt trong thế kỷ 20, từng là biểu tượng của tính xác thực. Ống kính analog, film tráng thủ công, quy trình chụp chọn in nghiêm ngặt là những hàng rào bảo chứng cho sự thật. Nhưng bước sang kỷ nguyên kỹ thuật số, quy trình này thay đổi hoàn toàn: chỉ một chiếc smartphone là đủ để bất cứ ai trở thành “phóng viên hiện trường”. Thêm vào đó, ảnh giờ đây được truyền tải tức thì qua mạng xã hội, không qua kiểm duyệt chuyên môn, không cần chú thích đầy đủ.

Sự thật trong ảnh báo chí đang bị làm mờ bởi hiệu ứng lan truyền. Nhiều tờ báo chính thống từng phải “đính chính” vì lỡ sử dụng ảnh mạng xã hội không kiểm chứng. Về vấn đề này, nhà báo Lê Anh Dũng (Báo Vietnam Net) cho rằng, chính tốc độ là thứ đang bào mòn sự cẩn trọng, thứ vốn là cốt lõi của nghề báo. Trong cuộc đua “ai nhanh hơn”, có nguy cơ lớn là sự thật bị đánh đổi bằng lượng view. Và khi thông tin chưa qua kiểm chứng bị lan truyền, uy tín không chỉ của cá nhân nhà báo, mà của cả cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Và gần đây, một làn sóng mới, ảnh được tạo bằng AI. Các phần mềm như Midjourney, DALL-E có thể tạo ra hình ảnh “có vẻ thật” chỉ từ vài dòng mô tả. Điều này mở ra nhiều tiềm năng sáng tạo nhưng cũng đặt ra bài toán nghiêm trọng về đạo đức, sự thật và lòng tin.

Theo nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn, ngày nay, các tòa soạn báo không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải chạy đua với hơn 70 triệu “phóng viên” trên Facebook, TikTok, Zalo... Và trong hoàn cảnh đó, vai trò của biên tập ảnh, kiểm chứng và tác nghiệp chuyên nghiệp lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Cậu bé Refa Arasia 9 tháng tuổi đang được điều trị chấn thương sau khi ngôi nhà của em bị sập xuống sau trận động đất ngày 9/8/2018 tại Lombok (Indonesia). Ảnh: Nguyễn Khánh.

Cậu bé Refa Arasia 9 tháng tuổi đang được điều trị chấn thương sau khi ngôi nhà của em bị sập xuống sau trận động đất ngày 9/8/2018 tại Lombok (Indonesia). Ảnh: Nguyễn Khánh.

"Một bức ảnh báo chí hay luôn mang hai tầng giá trị song hành: thông tin và thẩm mỹ. Thông tin là "ai, ở đâu, chuyện gì đang xảy ra"; còn thẩm mỹ là cách kể lại bằng ánh sáng, bố cục, cảm xúc, thời điểm. Và cao hơn cả, là thông điệp nhân văn ẩn sau từng khoảnh khắc", Nguyễn Khánh chia sẻ.

Ngày nay, các tòa soạn báo không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải chạy đua với hơn 70 triệu “phóng viên” trên Facebook, TikTok, Zalo... Ảnh minh họa.

Ngày nay, các tòa soạn báo không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải chạy đua với hơn 70 triệu “phóng viên” trên Facebook, TikTok, Zalo... Ảnh minh họa.

Ảnh báo chí và trách nhiệm xã hội

Trong thời đại thị giác lên ngôi, nơi mỗi cú lướt màn hình chỉ kéo dài vài giây, một bức ảnh chấn động có thể định hình cảm xúc, thậm chí xoay chuyển quan điểm công chúng. Chính bởi vậy, người làm báo ảnh không thể vô can với những hình ảnh mình chọn đăng. Không còn đơn thuần là câu chuyện “đẹp hay chưa đẹp”, đó là vấn đề định hướng dư luận, là trách nhiệm xã hội đi kèm với mỗi lần bấm máy, mỗi lần nhấn nút “đăng tải”.

Nhà báo Lê Anh Dũng cho rằng, ảnh báo chí trong kỷ nguyên số ngày càng giữ vai trò trung tâm trong dòng chảy thông tin đa nền tảng. Khả năng vượt qua rào cản ngôn ngữ, truyền tải cảm xúc tức thì khiến ảnh trở thành một thứ “ngôn ngữ toàn cầu” mà báo chí cần khai thác hiệu quả. Một tấm ảnh đúng lúc không chỉ ghi lại lịch sử, mà còn có thể khơi dậy hành động, thúc đẩy thay đổi xã hội. Khi sự thật ngày càng bị nhiễu loạn bởi các tầng lớp thông tin sai lệch, ảnh báo chí chính thống lại càng cần phải là cột mốc của sự thật và đạo lý.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn khẳng định đây là thời điểm để người làm ảnh chuyển hóa thách thức thành cơ hội. Không chạy theo ảnh “mì ăn liền”, không trôi theo trào lưu mạng, mà cần kiên định theo đuổi những câu chuyện mới từ đời sống, từ các hiện trường lặng lẽ, từ chính những con người vô danh. Theo anh, mạng xã hội không chỉ là nơi bị động tiếp nhận, mà có thể trở thành nguồn chọn lọc nếu người làm nghề biết giữ bản lĩnh và có mắt nghề nghiệp. Một bức ảnh thật, đẹp và đúng thời điểm luôn có khả năng chạm tới hàng triệu con người và chính điều đó tạo nên giá trị không thể thay thế của báo chí chuyên nghiệp.

Với nhà báo Nguyễn Khánh, mạng xã hội không phải là mối đe dọa, mà là áp lực tích cực để báo chí vận động, đổi mới hình thức và cách kể chuyện. Người phóng viên ảnh hôm nay không chỉ “chụp cho kịp” mà phải kể được câu chuyện đằng sau từng khung hình, phải hiểu được nhịp sống và truyền tải nó bằng thị giác. Kỹ năng dựng clip, tư duy hình ảnh, khả năng tiếp cận nhanh nhưng chọn lọc và trên hết là một nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp vững chắc sẽ là “hộ chiếu” để phóng viên ảnh bước vào kỷ nguyên đa nền tảng mà không đánh mất bản sắc nghề.

Thế giới đang trôi qua bằng tốc độ của những cú vuốt tay, nhưng ảnh báo chí sẽ không bị đánh bật nếu giữ được phẩm chất nguyên bản: chạm tới sự thật và trái tim con người. Một bức ảnh báo chí hôm nay dù ở hiện trường nóng, trong những ngõ nhỏ đời thường hay giữa những lát cắt cộng đồng đều có thể trở thành tư liệu lịch sử ngày mai. Và lịch sử, suy cho cùng, luôn cần những người kể lại bằng sự trung thực, dấn thân và tử tế.

Tác động của kỹ thuật số lên báo chí truyền thống là vô cùng lớn. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Tác động của kỹ thuật số lên báo chí truyền thống là vô cùng lớn. Ảnh: Báo Nhân Dân.

Ngày xuất bản: tháng 6 năm 2025
Trình bày: VŨ ANH TUẤN
Ảnh: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân