
PHAN LA GIANG
(thực hiện)
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức - người đặt nền móng cho ngành báo chí học đường Việt Nam - là một trong những học giả uyên bác và nhà giáo mẫu mực suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông là người tham gia đào tạo nên nhiều thế hệ nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi. Với gần 70 năm liên tục giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác, ông đã góp phần bồi đắp nền văn hóa-văn học-báo chí nước nhà bằng cả tri thức lẫn nhân cách. Ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài viết và vừa ra mắt cuốn sách thứ 107 trong sự nghiệp. Nhân 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân về quá trình khai sinh Khoa Báo chí tại Đại học Tổng hợp (nay là Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Thưa Giáo sư, là người khai sinh Khoa Báo chí tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông bắt đầu từ những suy nghĩ và trăn trở gì để hình thành khoa đào tạo báo chí chính quy đầu tiên ở nước ta trong môi trường học đường?
Trước đây, nước ta chưa có trường đào tạo báo chí ở bậc đại học theo hướng chính quy, bài bản. Chủ yếu là các lớp nghiệp vụ ngắn hạn do các cơ quan tổ chức.
Khi tôi đi công tác nước ngoài, sang Mỹ, Pháp, tôi nhận thấy rõ: nhiều trường đại học lớn đều có khoa hoặc viện đào tạo chuyên sâu về báo chí. Từ đó, tôi nảy ra suy nghĩ: Một đất nước có truyền thống báo chí cách mạng như Việt Nam thì nhất định cũng phải có một cơ sở đào tạo bài bản.
Về nước, tôi mạnh dạn đề xuất với một số đồng chí có trách nhiệm lúc bấy giờ như ông Hà Xuân Trường, ông Hồng Chương, ông Tố Hữu. Tất cả đều ủng hộ. Sau đó, tôi báo cáo với Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà trường đồng ý thành lập Khoa Báo chí vào năm 1990 và giao cho tôi làm Chủ nhiệm khoa. Tôi giữ nhiệm vụ này trong 10 năm, tiếp đó là PGS, TS Đinh Văn Hường, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, rồi đến TS Phan Văn Kiền. Đến nay đã tròn 35 năm - đây là khoa báo chí chính quy đầu tiên trên cả nước.
Trong quá trình đặt nền móng cho Khoa Báo chí, điều gì là khó khăn nhất? Giáo sư và các đồng sự đã vượt qua như thế nào?
Khó khăn thì đủ thứ. Cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Khi mới thành lập khoa, chỉ được mấy phòng nhỏ trên tầng bốn của tòa nhà giảng đường, không có thang máy. Ngày đầu tiên thành lập, ông Hồ Tiến Nghị mang tặng cho khoa một cái máy chữ, cũng phải trèo bộ bốn tầng mới đưa được lên.
Chúng tôi phải mượn thiết bị, nhờ người hỗ trợ từ các khoa khác. Nhiều giảng viên của khoa Văn, khoa Triết, khoa Sử... đều đến hỗ trợ giảng dạy cho báo chí như GS, TS Đỗ Quang Hưng, PGS, TS Đỗ Xuân Hà... Ngoài ra, chúng tôi cũng mời thêm nhiều nhà báo giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn từ các tòa soạn lớn đến trực tiếp giảng dạy cho sinh viên.
Khai giảng khóa sinh viên đầu tiên của Khoa Báo chí tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. (Ảnh tư liệu: SJC)
Khai giảng khóa sinh viên đầu tiên của Khoa Báo chí tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. (Ảnh tư liệu: SJC)
Một khó khăn lớn khác là việc thiếu giáo trình. Thời điểm đó, hầu như chưa có tài liệu giảng dạy chính quy cho ngành báo chí. Chúng tôi phải tự biên soạn, tự viết lấy giáo trình từ kinh nghiệm, từ sách báo quốc tế và từ chính thực tiễn làm nghề. Chúng tôi cũng mời nhiều nhà báo trực tiếp tham gia giảng dạy. Ở Báo Nhân Dân có nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Đinh Thế Huynh, nhà báo Đỗ Quảng... là những người đồng hành cùng chúng tôi.
Điều khiến tôi vui là tinh thần học tập của sinh viên. Các em náo nức tham gia học và nghiên cứu. Lễ khai giảng khóa đầu tiên ở cơ sở Lê Thánh Tông, nhà báo Hoàng Tùng tới dự. Ông nói: “Tôi mong rằng trong 100 sinh viên hôm nay, chỉ cần 10 em trở thành nhà báo giỏi là quý lắm rồi”. Rồi ông dặn dò: “Báo chí là một hoạt động có ảnh hưởng lớn nên nhà báo tuyệt đối không được phạm sai lầm, bởi nhà báo mà sai lầm thì gây hậu quả nặng nề hơn những hoạt động khác”.
Báo chí là một hoạt động có ảnh hưởng lớn nên nhà báo tuyệt đối không được phạm sai lầm, bởi nhà báo mà sai lầm thì gây hậu quả nặng nề hơn những hoạt động khác.
Sau này, nhiều sinh viên của khoa trở thành nhà báo có tiếng, giữ trọng trách tại các tòa soạn. Gặp lại nhà báo Hoàng Tùng, tôi nói: “Mười cái em mà bác nói, bây giờ có rồi đấy!”. Ông Hoàng Tùng rất vui, gật gù: “Thế thì rất tốt!”.
10 năm đó chúng tôi gặp không ít khó khăn nhưng cũng là thời kỳ sôi động, vượt khó. Chúng tôi ra tờ báo Sinh viên, được 20 số, rất thu hút giới trẻ. Xuất bản một số sách như cuốn Lịch sử Báo chí Việt Nam do anh Đỗ Quang Hưng cùng mấy tác giả viết. Một số giáo trình được biên soạn. Đặc biệt là cuốn Thời gian và Nhân chứng do tôi thực hiện trong 10 năm, tổng 2.000 trang, gồm hồi ức, tư liệu của 43 nhà báo thế kỷ 20.
Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ tại buổi giới thiệu sách Thời gian và Nhân chứng. (Ảnh: TTXVN)
Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ tại buổi giới thiệu sách Thời gian và Nhân chứng. (Ảnh: TTXVN)
Giáo sư có thể chia sẻ triết lý giáo dục của mình khi đào tạo những thế hệ người làm báo trong giai đoạn giữ trọng trách của Khoa Báo chí?
Tôi luôn nghĩ: Làm báo là làm người. Và muốn làm người thì phải có văn hóa. Văn hóa là căn cốt, là nền tảng của tất cả. Làm báo mà không có văn hóa thì rất nguy hiểm, vì một bài báo có thể ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức, thậm chí danh dự và số phận của người khác.
Giáo dục đào tạo báo chí, theo tôi, không thể tách rời quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Người nói rằng: Nhà báo là chiến sĩ, cây bút là vũ khí. Bác nhấn mạnh báo chí phải có văn hóa và ý chí chiến đấu. Tính chiến đấu ấy thể hiện trực tiếp trong cuộc đấu tranh với thời cuộc, chống lại cái xấu, cái sai và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Đến nay khi nhìn lại đội ngũ những người làm báo cả về chất lượng chuyên môn và nền tảng văn hóa, ông có đánh giá như thế nào? Theo ông, đâu là điều đang thiếu hụt rõ rệt nhất trong báo chí hiện đại?
Báo chí cách mạng ngay từ đầu đã là một công cụ đấu tranh tư tưởng. Tờ Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập rất bài bản, đầy đủ nội dung xã hội. Sau này, Báo Nhân Dân trở thành tờ báo trung tâm, định hướng toàn bộ hệ thống báo chí, có sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ.
Tuy nhiên, khi xã hội thay đổi, số lượng báo tăng nhanh, thì chất lượng từng bài báo, từng cây bút lại phụ thuộc vào người làm báo. Có tờ gây ấn tượng sâu sắc, có tờ thì nhạt nhòa. Một phần nguyên nhân là do công tác đào tạo báo chí chưa thật sự căn bản. Nhiều người học vội, vào nghề sớm, nhưng thiếu tích lũy lâu dài - kiến thức về đời sống, xã hội, chính trị, văn hóa đều còn hời hợt. Các cơ sở đào tạo nhà báo hiện nay chưa thật sự tạo điều kiện để người làm báo có được những phẩm chất cần thiết.
Vậy làm thế nào để người làm báo có đủ phẩm chất và đặc biệt giữ được tính văn hóa giữa áp lực và tốc độ công nghệ hiện nay?
Tôi vẫn giữ quan điểm: Văn hóa là điều cốt lõi của người làm báo. Nó không phải là sự khéo léo trong ngôn từ hay lối viết màu mè, mà là nền tảng tư duy, là đạo đức nghề nghiệp, là chiều sâu và trải nghiệm sống. Ông Tố Hữu đã từng nói rất đúng: Người làm báo cần có ba thứ vốn - vốn chính trị, vốn văn hóa và vốn sống. Nếu thiếu vốn sống, bài báo sẽ hời hợt. Nếu thiếu văn hóa, lời văn sẽ vô hồn, thiếu cảm xúc. Nếu thiếu chính trị, bài viết sẽ không định hướng được.
Hiện nay, tôi thấy nhiều sinh viên học báo không còn thói quen đọc. Có lần tôi tặng sách cho PGS, TS Trần Khánh Thành, anh ấy bảo: “Thầy tặng sách cho em thì em quý, chứ còn thầy tặng cho người khác có khi họ không nhiệt tình nhận đâu, vì bây giờ không ai thích đọc sách cả”. Giờ có cái điện thoại di động trong tay, người ta không trọng đọc sách. Nhưng đọc sách vẫn là điều quan trọng nhất. Có những cuốn sách rất khó đọc, nhưng khi đọc xong thì mở ra một tầm nhìn mới.
Văn học có những tác phẩm hỗ trợ nghề báo rất tốt. Thí dụ thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên... Các em sinh viên báo chí thi thoảng hỏi tôi những câu mà tôi cũng giật mình vì các em không đọc. Tôi luôn mong rằng, các nhà báo trẻ - nhất là những em đang học báo chí - phải giữ lấy phần căn cốt của nghề: Đó là văn hóa. Không có văn hóa thì bài báo không có sức sống. Có khi viết rất nhanh, rất đúng quy trình, rất cập nhật, nhưng lại không để lại gì cả.
Văn hóa không chỉ là kiến thức, mà còn là cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử. Mỗi người làm báo cần phải bồi đắp văn hóa cho mình: Đọc sách, tiếp xúc với văn học, lịch sử, triết học, xã hội, chính trị... để có nền tảng tư duy. Điều quan trọng nữa là vốn sống. Nhiều khi vốn sống của các em ít, nên khi liên hệ trong bài báo không thật đậm, không thật đời. Muốn có vốn sống thì phải nhập cuộc với cuộc sống, để ý cuộc sống. Như nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Tôi quý nhất trong đời là chi tiết”. Nhà văn không thể tự tạo ra chi tiết của cuộc sống. Muốn có chi tiết, phải lăn vào cuộc sống mới có được.
Nhân dịp Báo chí cách mạng Việt Nam ở dấu mốc 100 năm, Giáo sư có điều gì muốn nhắn gửi tới thế hệ nhà báo trẻ hôm nay?
Tôi không nhắn nhủ gì lớn lao, những định hướng chiến lược đã có Đảng, Nhà nước lo. Nhưng với tư cách cá nhân, tôi mong các bạn trẻ làm báo ngày nay sống xứng đáng với tầm vóc của đất nước, biết trau dồi tri thức, tích lũy vốn sống và giữ cho mình cốt cách và văn hóa của người cầm bút. Mỗi thời kỳ, người làm báo lại phải nâng cao hơn về trình độ - từ ngoại ngữ đến tư duy độc lập, từ bài báo đến những cuốn sách có chiều sâu.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!