
10 năm trước, khi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện khu vực Vĩnh Linh, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Mạnh Hùng nhận được bức thư tay của nguyên Giám đốc bệnh viện Lưu Trọng Huỳnh ghi lại danh sách 90 Anh hùng liệt sĩ là cán bộ y tế hy sinh trong chống Mỹ cứu nước. Với tâm niệm phải hoàn tất những việc mà các thế hệ trước còn đang mong mỏi, cuốn sách Lịch sử 60 năm Bệnh viện đa khoa Vĩnh Linh đã được bệnh viện nhanh chóng cho ra đời và một khu tưởng niệm 91 liệt sĩ cũng được hình thành trang trọng ở khuôn viên bệnh viện.
Bệnh viện Vĩnh Linh là một bệnh viện đặc biệt bên bờ sông Bến Hải, cứu chữa hàng nghìn thương binh trong chiến tranh - niềm tự hào ấy nhắc nhớ lớp trẻ về trách nhiệm tiếp nối truyền thống lịch sử anh hùng của nhiều thế hệ nhân viên y tế đã ngã xuống, để tiếp tục cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân Vĩnh Linh.
Nhiều thế hệ y, bác sĩ
đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ
“Em nằm đây mảnh đất anh hùng
Dòng nước Hiền Lương ru hời thương nhớ
Chi bộ họp mấy lần vẫn nhắc tên em đó
Người đảng viên chưa sinh hoạt bao giờ
Người đảng viên chưa tuyên thệ dưới cờ
Đã tuyên thệ bằng cuộc đời chói lọi…”
Những y, bác sĩ thế hệ sau này của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh, ai cũng thuộc nằm lòng những câu thơ do bác sĩ Văn Học Tấn viết về nữ y tá Nguyễn Thị Hoan (huyện Anh Sơn, Nghệ An).
Năm 1968, trong lúc kíp mổ đang triển ca cấp cứu cho thương binh, một quả bom phát nổ ngay hầm điều trị. Bác sĩ mổ chính Nguyễn Đăng Quảng ngất xỉu, y tá phụ mổ Nguyễn Thị Hoan bị thương nhưng vẫn dũng cảm bám trụ cứu chữa bệnh nhân. Khi được cáng về đơn vị khác cứu chữa, nữ y tá đã hy sinh tại xã Vĩnh Tú. Ngay lúc ấy, Chi bộ đã làm thủ tục kết nạp Đảng tại trận cho y tá Nguyễn Thị Hoan.
Câu chuyện về nữ y tá này sau vẫn được nhắc lại, trong bài ca truyền thống của bệnh viện, được nhạc sĩ Hoàng Anh phổ nhạc thành bài ca truyền thống của bệnh viện.

Nhà bia liệt sĩ đặt tại khuôn viên bệnh viện
Nhà bia liệt sĩ đặt tại khuôn viên bệnh viện
Cầm cuốn Lịch sử ngành y tế Vĩnh Linh (1955-2015) trên tay, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh lật giở cho chúng tôi xem từng trang lịch sử hào hùng của bệnh viện.
Cuốn lịch sử này, được nhiều thế hệ giám đốc bệnh viện ấp ủ hoàn thiện, nhưng phải tới khi bác sĩ Hùng nhận vị trí giám đốc năm 2015, cuốn sách mới được hoàn thành, đúng thời điểm kỷ niệm 60 năm thành lập bệnh viện.
Điều thôi thúc ông làm nhất, chính là nhận được bức thư tay của nguyên giám đốc bệnh viện thời bấy giờ, ghi tên 90 liệt sĩ đã hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Giám đốc bệnh viện đã cử cán bộ rà soát tất cả các phòng thương binh-xã hội trong tỉnh, đối chiếu, thì tiếp nhận thêm được 1 người nữa, nâng tổng số lên 91 người.

Những phần thưởng vẻ vang của Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh.
Những phần thưởng vẻ vang của Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh.
Cũng thời điểm này, nhà bia liệt sĩ đặt tại khuôn viên bệnh viện được gấp rút hoàn thiện và khánh thành trước ngày kỷ niệm 60 năm.
“Chúng tôi sinh sau đẻ muộn nhưng khi lắng nghe lời kể tự sự của anh chị đi trước, nguyện vọng của anh chị mong muốn thế nào, chúng tôi đều cố gắng hoàn thành. Hai việc ấy đã hoàn thành nguyện vọng ngành y tế tỉnh 60 năm. Đây cũng là dấu mốc để tạo nên địa chỉ lịch sử văn hóa cho thế hệ trước cũng như thế hệ sau này”, bác sĩ Hùng tâm sự.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh giới thiệu về truyền thống bệnh viện.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh giới thiệu về truyền thống bệnh viện.
Điều thôi thúc tôi làm cuốn Lịch sử ngành y tế Vĩnh Linh nhất, chính là do nhận được bức thư tay của nguyên giám đốc bệnh viện thời bấy giờ, ghi tên 90 liệt sĩ đã hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Vĩnh Linh có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là tiền tuyến lớn của miền bắc, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền nam. Từ năm 1965, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu đánh phá rất ác liệt của Mỹ.

Chăm sóc thương binh. Ảnh tư liệu
Chăm sóc thương binh. Ảnh tư liệu
Những năm đất nước chia cắt 2 miền, những anh hùng của Bệnh viện Vĩnh Linh tay súng, tay thuốc, bất chấp bom đạn của giặc Mỹ, có mặt khắp các chiến hào, trận địa làm nhiệm vụ cấp cứu, tải thương, cứu sống hàng ngàn người dân và bộ đội. Đã có 91 y, bác sĩ, cán bộ y tế của Bệnh viện Vĩnh Linh ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh ở vùng địch đánh phá ác liệt như y tá Nguyễn Thị Hoan, Nguyễn Thị Vẻ và bác sĩ Phan Bá Khảm…

Bệnh viện Vĩnh Linh bị đánh phá. Ảnh tư liệu
Bệnh viện Vĩnh Linh bị đánh phá. Ảnh tư liệu
Trước tình hình cấp bách, Ty Y tế Vĩnh Linh chủ động huấn luyện cấp cứu chấn thương, thành lập đội cấp cứu cơ động, kiến thiết cơ sở sơ tán.
Tháng 5/1956, Bệnh viện Vĩnh Linh bị đánh sập, toàn bộ hoạt động y tế chỉ tập trung ở 2 cụm sơ tán là cụm Tứ chính và cụm xóm B.
Nhiệm vụ ngành y tế Vĩnh Linh lúc này vừa phục vụ chiến đấu, vừa phục vụ tiền tuyến; làm tốt công tác phòng chữa bệnh, phòng dịch; phát triể mạng lưới y tế hợp tác xã để bảo đảm cấp cứu kịp thời.
Đã có 91 y, bác sĩ, cán bộ y tế của Bệnh viện Vĩnh Linh ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cấp cứu thương binh ở vùng địch đánh phá ác liệt như y tá Nguyễn Thị Hoan, Nguyễn Thị Vẻ và bác sĩ Phan Bá Khảm…
Đến năm 66, ngành y tế Vĩnh Linh đã xây dựng một cơ sở điều trị 30 giường bệnh tại Xóm Biền (xã Vĩnh Thủy) để đón các thương binh từ mặt trận phía nam chuyển ra.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của quân và dân y nên trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hàng nghìn thương binh được cấp cứu, xử lý kịp thời sau các đợt ném bom, phi pháo của địch. Đồng thời, bệnh viện cũng đã xử lý, phẫu thuật cho hàng nghìn thương binh từ các chiến trường miền nam chuyển ra.
Trong 65 ngày đêm phục vụ chiến dịch giải phóng Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ngành y tế Vĩnh Linh đã cứu chữa và vận chuyển 2.000 trường hợp cả quân và dân ở chiến trường ra, trong đó hơn 83% là thương bệnh binh, 4,72% là cán bộ, du kích, dân công và 12,1% là nhân dân vùng mới giải phóng. Ngành y tế phát động phong trào y tế hóa toàn dân, mỗi người đều có túi thuốc cấp cứu cá nhân bên người trong mọi lúc, mọi nơi để sơ cứu người bị thương.

Các ca mổ đều thực hiện dưới lòng đất, ánh sáng chủ yếu nhờ đèn măng sông, đèn dầu.
Các ca mổ đều thực hiện dưới lòng đất, ánh sáng chủ yếu nhờ đèn măng sông, đèn dầu.

Các ca mổ đều thực hiện dưới lòng đất, ánh sáng chủ yếu nhờ đèn măng sông, đèn dầu.
Các ca mổ đều thực hiện dưới lòng đất, ánh sáng chủ yếu nhờ đèn măng sông, đèn dầu.
Những ngày Vĩnh Linh ngập trong bom đạn, việc phân tán chia nhỏ y tế về xã, hợp tác xã là chủ trương phù hợp, đáp ứng yêu cầu thời chiến. Dưới các hầm hào kiên cố, bệnh nhân đang điều trị được bảo đảm an toàn. Các ca mổ đều thực hiện dưới lòng đất, ánh sáng chủ yếu nhờ đèn măng sông, đèn dầu.
Trải qua những năm tháng ác liệt, cái sống chết luôn cận kề, nhưng mọi người đều có chung quyết tâm “bệnh nhân là trên hết”. Họ kiên cường bám trụ, phẫu thuật cấp cứu thương binh, tải thương, chăm sóc bệnh nhân không kể ngày, đêm, mưa bom, bão đạn.

Lương y như từ mẫu.
Lương y như từ mẫu.
“1.400 ngày đêm sống dưới hầm sâu địa đạo, hàng trăm nghìn lượt người được khám chữa bệnh, hàng nghìn thương binh nặng được cứu sống, dịch bệnh không xảy ra, bảo đảm cuộc sống bình thường tưởng chừng không vượt qua nổi ở một địa bàn dày đặc đạn bom. Tình sâu, nghĩa nặng, ngọt bùi chia sẻ với đồng bào Quảng Trị ruột thịt, ngành y tế Vĩnh Linh còn cưu mang, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho 8 vạn lượt đồng bào K15 từ phía nam chuyển ra trong nhiều năm liên tục”, Lịch sử ngành y tế Vĩnh Linh (1955-2015) ghi lại.
Từ 1964-1972, trải qua 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ngành y tế khu vực Vĩnh Linh đã cấp cứu được 9.350 người; mổ trung, tiểu, đại phẫu cho 3.337 ca; khám chữa bệnh cho 275.317 lượt người; điều trị ngoại trú cho 39.984 người; điều trị nội trú cho 50.607 người.
Là địa bàn bị hủy diệt, tàn phá nặng nề trong chiến tranh chống Mỹ, người dân nơi đây phải chịu đựng một khối lượng bom đạn 7 tấn/đầu người, vì vậy các mặt bệnh rất đa dạng, phức tạp, phổ biến là các bệnh về cơ xương khớp, thần kinh, thiếu máu, phụ khoa, sốt rét, bướu cổ, mắt lột, lao… đặc biệt là các di chứng về vết thương chiến tranh, tai nạn bom mìn.

Bệnh viện Vĩnh Linh hôm nay
Bệnh viện Vĩnh Linh hôm nay
Bước vào công cuộc đổi mới, được sự giúp đỡ của Chính phủ Thụy Điển, Bệnh viện Vĩnh Linh được xây dựng lại khá khang trang, xứng đáng là vị thế trung tâm khám chữa bệnh của toàn huyện. Phong trào “5 dứt điểm” lúc bấy giờ gồm xây dựng 3 công trình vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch, trồng và sử dụng thuốc nam, quản lý sức khỏe nhân dân, kiện toàn tổ chức y tế cấp xã và huyện - là cuộc cách mạng lớn trong ngành y tế, huy động sức mạnh của toàn lực lượng, lấy hợp tác xã làm nòng cốt để chăm lo sức khỏe người dân.
Nhờ vậy, bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giải quyết được các vấn đề về cộng đồng như bao phủ tiêm chủng, khống chế dịch bệnh sốt rét, thanh toán bệnh phong, phòng chống bướu cổ, phòng chống HIV/AIDS, kế hoạch hóa gia đình bảo vệ bà mẹ-trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng… Các kỹ thuật ngoại khoa phức tạp cũng được triển khai thành công như mổ cắt lách, mổ nối đoạn ruột, khâu gan bị vỡ… Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ người bệnh được nghiên cứu và đưa vào thực tiễn.
Giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, ngành y tế Vĩnh Linh đã được Nhà nước và Bác Hồ tặng tưởng 2 Huân chương Chiến công hạng B, một Huân chương Lao động hạng Nhì. Đơn vị bệnh viện Vĩnh Linh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Viết tiếp lịch sử anh hùng
Với truyền thống là bệnh viện ngoại khoa tuyến đầu của miền bắc, có nhiệm vụ cứu thương cho người dân miền nam và bộ đội để bảo vệ miền bắc, bệnh viện tiếp tục phát huy thế mạnh này trong lĩnh vực ngoại khoa và sản khoa.
Về lĩnh vực ngoại khoa, với đội ngũ phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn tốt, bệnh viện đã thường xuyên cập nhật, mở rộng, nâng cấp, triển khai ứng dụng các kỹ thuật và phương tiện hiện đại và trở thành kỷ thuật thường quy tai bệnh viện với chất lượng kỷ thuật ngày càng cao như phẫu thuật kết hợp xương nẹp vis điều trị gãy xương, đặc biệt là gãy phức tạp xương đùi, xương cánh tay, cẳng chân, cẳng tay…
Những trường hợp chấn thương bụng vỡ gan, vỡ lách, vỡ ruột non cũng đã được cấp cứu và phẫu thuật thành công, giữ được mạng sống cho người bệnh và mang đến niềm vui cho gia đình người bệnh.
Nhắc lại những trường hợp phẫu thuật đặc biệt, bác sĩ chuyên khoa II Trần Cảnh Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, một đêm đầu tháng 8 năm 2010, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam 38 tuổi (người dân tộc thiểu số) bị chấn thương bụng, choáng nặng, đe dọa tử vong, được chẩn đoán vỡ lách độ 4, vỡ tạng rỗng, chấn thương tụ máu quanh thận, máu ngập ổ bụng, chắc chắn sẽ tử vong nếu chuyển đi. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, bác sĩ Nguyễn Hữu Lương (nguyên là Giám đốc bệnh viện lúc bấy giờ) quyết định phải phẫu thuật, phải quyết tâm cố gắng cứu bằng đươc bệnh nhân này.
Bác sĩ Toàn cùng ê-kíp phẫu thuật đã nhanh chóng khẩn trương tiến hành ca mổ ngay trong đêm. Các nhân viên y tế trong “ngân hàng máu sống” của đơn vị cũng đã được huy động hiến tặng 8 đơn vị máu tươi cùng nhóm. Sau gần 6 tiếng đồng hồ căng thẳng, dưới sự nỗ lực phối hợp của bộ phận gây mê hồi sức, ca phẫu thuật cũng may mắn thành công, bệnh nhân dần ổn định, rồi hồi phục và ra viện an toàn sau hơn 3 tuần điều trị.
Không dừng lại ở đó, với chủ trương đưa dịch vụ đến gần dân, để người dân tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật cao, bệnh viện đã triển khai ứng dụng phẫu thuật nội soi vào điều trị các bệnh như ruột thừa viêm, sỏi túi mật, thủng dạ dày. Mỗi năm đã phẫu thuật thành công cho hàng trăm trường hợp, giúp người dân không phải đi lên tuyến trên điều trị.
Sản khoa cũng là thế mạnh của bệnh viện. Bác sĩ Lê Mạnh Hùng nhớ lại những năm 1994, khi bệnh viện còn rất thô sơ, anh tiếp nhận trường hợp sản phụ mang 3 thai, nhập viện trong tình trạng bị tiền sản giật nặng, phù toàn thân, thiếu máu và lên cơn phù cấp. Bệnh nhân lên bàn, bọt đã trào ra ở miệng, tính mạng mong manh. Vốn trường hợp này ở bệnh viện tuyến trên, phải có ê-kíp cấp cứu mạnh mới cứu sống được bệnh nhân. Nhưng lúc này, bác sĩ Hùng chỉ có một mình chuyên môn sản cứng nhất, không có máy siêu âm, không có máy thở, không có những loại thuốc tốt nhất.
Ông trấn tĩnh lại, đề nghị kíp hỗ trợ phải xử lý toàn thân cho sản phụ an toàn, không còn phù cấp nếu không sản phụ sẽ chết ngay sau sinh.
Lần lượt, bác sĩ Hùng chỉ huy đẻ lấy từng thai. “Bệnh nhân mà rặn đẻ là ngừng tim, nên phải nằm yên, chúng tôi phải tìm mọi cách để lấy được thai nhi ra an toàn. May mắn cả 3 thai đều sống. Chúng tôi sau đó xử lý tình trạng phù cấp, tiền sản giật cho sản phụ. Đây là một ca cấp cứu thần kỳ".
Song song với những thành tựu đạt được của Ngoại khoa và Sản khoa, các chuyên khoa như Răng Hàm Mặt; Tai Mũi Họng; Mắt luôn được sự quan tâm đầu tư từ con người đến thiết bị.
Với hệ thống Nội soi Tai Mũi Họng, các bác sĩ đã phát hiện sớm nhiều trường hợp các khối u ác tính.
Phẫu thuật điều trị đục thể thủy tinh ở người già cũng đã được bệnh viện triển khai hơn 15 năm qua, mang đến niềm vui cho các cụ khi độ tuổi đã “xế bóng” vẫn có thể nhìn rõ được mặt người thân. Mỗi năm, hơn 300 đôi mắt được lấy lại ánh sáng nhờ vào đôi bàn tay của các bác sĩ nơi đây.
Về lĩnh vực hệ Nội khoa, chất lượng chẩn đoán, xử trí ban đầu nhanh chóng, đúng quy trình, đúng phác đồ, đã cứu sống được nhiều bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp, bệnh nhân hen phế quản nặng, COPD, suy tim nhồi máu cơ tim cấp…
Đặc biệt, các trường hợp đột quỵ cấp được nhân viên y tế tại đây xử lý giai đoạn đầu rất tốt, mang lại cơ hồi hồi phục nhanh hơn, được các bệnh viện tuyến trên đánh giá cao về cấp cứu ban đầu. Các phương thức điều trị bằng y học cổ truyền và phục hồi chức năng như điện châm, thủy châm, sóng laser, sóng siêu âm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi, cứu ngãi, sóng ngắn, từ trường, điện xung, hồng ngoại, sóng xung kích… đã được áp dụng và chỉ định triệt để cho người bệnh.
Lĩnh vực nhi khoa trong nhiều năm trở lại đây triển khai tương đối tốt và đã thành công nuôi trẻ nhẹ cân chừng 1kg.
Với định hướng và Chiến lược điều trị xuyên suốt chặng đường phát triển thời gian vừa qua là phát triển đồng đều các chuyên ngành, lĩnh vực; chú trọng và đầu tư những lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh; kết hợp Tây y và y học cổ truyền, phục hồi chức năng; áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật một cách chắc chắn, phù hợp trong khám chữa bệnh đã thay đổi hoàn toàn diện mạo và chất lượng của đơn vị, đưa đơn vị ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Có khoảng gần 1.600 ca điều trị ngoại trú và khoảng trên 7.500 ca điều trị nội trú nội khoa, y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh luôn nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh luôn nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Để chủ động cho công tác phục vụ, sẵn sàng cấp cứu người bệnh, bên cạnh mở rộng, nâng cấp chất lượng dịch vụ, đầu tư thiết bị công nghệ, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, bệnh viện đã xây dựng được ngân hàng máu sống ngay tại đơn vị từ năm 1995. Ngân hàng này luôn có khoảng từ 30-50 thành viên chủ yếu là đoàn viên thanh niên và công đoàn viên trẻ.
Bất kỳ khi nào bệnh nhân cấp cứu cần máu, bất kể ngày đêm, cán bộ y tế sẵn sàng hiến máu. Việc chủ động được nguồn máu sạch, máu sống ngay tai đơn vị đã kịp thời cứu chữa hàng trăm bệnh nhân mỗi năm không phải chuyển tuyến.

Bệnh viện không ngừng nâng cấp, bổ sung, chuẩn hóa phòng xét nghiệm đạt chuẩn.
Bệnh viện không ngừng nâng cấp, bổ sung, chuẩn hóa phòng xét nghiệm đạt chuẩn.
Ngân hàng máu sống đã kịp thời cứu chữa cho nhiều sản phụ bị mất máu trong qua trình sinh nở, băng huyết, các trường hợp tai nạn vỡ lách…
“Một cán bộ bệnh viện của tôi cũng bị rau tiền đạo trung tâm ở thai tháng thứ 7, mất máu nặng sau mổ cắt tử cung toàn phần. Đã có 12 cán bộ bệnh viện trong ngân hàng máu sống ngay lập tức hiến tặng 12 đơn vị máu. Nhờ đó, kịp thời cấp cứu đưa sản phụ từ Vĩnh Linh vượt 100km vào Huế an toàn, cấp cứu kịp thời. Kỳ tích đó là động lực lớn để cán bộ chúng tôi đồng tâm hiệp lực sẵn sàng hiến máu cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Hùng tâm sự.
Bên cạnh đó, bệnh viện không ngừng nâng cấp, bổ sung, chuẩn hóa phòng xét nghiệm đạt chuẩn, có phương án nội kiểm, ngoại kiểm để kết quả xét nghiệm ngày càng chính xác nhất. Cho đến nay, có thể nói đơn vị đã xây dựng được một labo xét nghiệm tương đối hiện đại, đáp ứng được cơ bản yêu cầu của lâm sàng.
Trong suốt hơn 60 năm qua, Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh qua các thời kỳ, đã kề thừa truyền thống hào hùng, nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, lãnh đạo và tổ chức thực hiện cơ bản đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết các kỳ Đại hội đã đề ra. Công tác dự phòng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Trang thiết bị máy móc ngày càng được tăng cường. Công tác xây dựng đảng và chính quyền vững mạnh, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới. Tình hình chính trị nội bộ được giữ vững. Khối đại đoàn kết trong đơn vị ngày càng được củng cố vững chắc. Nhiều năm liền đạt được những phần thưởng và danh hiệu cao quý mà Đảng và nhà nước trao tặng.
Nâng cao thế mạnh y tế địa phương
Với dân số hơn 9 vạn, phía nam giáp huyện Gio Linh và phía bắc giáp huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, có hệ thống giao thông thuận lợi, là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển một bệnh viện quy mô hiện đại. Trung bình một ngày, bệnh viện đón tiếp trên dưới 300 bệnh nhân đến khám bệnh, có 220 giường kế hoạch, với công suất sử dụng 105-110%
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tới, Đảng ủy, Ban giám đốc cùng các đoàn thể tập trung phấn đấu, xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, liêm chính, trách nhiệm và hiệu quả. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, hoạt động của Đảng ủy và Chi bộ trực thuộc. Đột phá trong khâu chất lượng khám chữa bệnh, tập trung phát triển mạnh kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mũi nhọn, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động khám chữa bệnh, hướng tới triển khai bệnh án điện tử, từng bước kết nối thông minh trong toàn đơn vị. Phát huy mọi nguồn lực, xây dựng quy hoạch, tầm nhìn đến sau năm 2030 đưa Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh ngày càng phát triển theo hướng thông minh, hiện đại và thân thiện.

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tới, Đảng ủy, Ban giám đốc cùng các đoàn thể bệnh viện tập trung phấn đấu, xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, liêm chính, trách nhiệm và hiệu quả.
Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, trong những năm tới, Đảng ủy, Ban giám đốc cùng các đoàn thể bệnh viện tập trung phấn đấu, xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, liêm chính, trách nhiệm và hiệu quả.
Với thế mạnh là chuyên ngành hệ Ngoại, Sản, đơn vị tập đã và đang tập trung đầu tư mở rộng dịch vụ như nội soi đại trực tràng có gây mê; phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn; nội soi ngược dòng tán sỏi hệ niệu bằng laser; cắt đốt tuyến tiền liệt nội soi; ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý phụ khoa; tiếp tục duy trì và nâng cấp, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật về Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Nội khoa, Nhi khoa, Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng.
Thực hiện Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc tổ chức lại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh; Quyết định số 2043/QĐ-UBND ngày 6/9/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh.
Lộ trình đến năm 2025, Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh là đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến tỉnh theo Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030.
Xác định nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi và quyết định cho sự phát triển, Đảng ủy Xây dựng đề án và có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, biết nắm bắt công nghệ và đáp ứng yêu cầu của đơn vị y tế hạng II; có chế độ khích lệ xứng đáng, công bằng với những cán bộ tạo ra nhiều dịch vụ và sản phẩm an toàn cho người bệnh.
Bệnh viện vừa được tỉnh cấp cho 60 tỷ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị, nhờ đó, các bác sĩ sẽ có thêm cánh tay nối dài để thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, giúp cho việc chẩn đoán, xử trí và điều trị tốt hơn.

Bệnh viện được tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị.
Bệnh viện được tỉnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị.
Mặc dù vậy, bệnh viện vẫn còn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn trước mắt, như việc mua sắm vật tư trang thiết bị do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Luật, Nghị định và Thông tư nên đơn vị chưa kịp thời mua sắm một số mặt hàng để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nhiều loại thuốc, hóa chất không trúng thầu nên ảnh hưởng đến công tác cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh. Việc thanh quyết toán bảo hiểm y tế hằng năm diễn ra chậm, kéo dài khiến cơ sở thiếu hụt nguồn kinh phí để hoạt động.
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Hằng năm, bệnh viện cũng cử bác sĩ đi đào tạo sau đại học nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Xác định nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi và quyết định cho sự phát triển, Đảng ủy Xây dựng đề án và có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.
Xác định nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi và quyết định cho sự phát triển, Đảng ủy Xây dựng đề án và có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.
“Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực cho hệ thống y tế của bệnh viện; hỗ trợ các trang thiết bị kỹ thuật như máy siêu âm doppler 5D, máy tán sỏi hệ tiết niệu bằng phương pháp laser, bộ phẫu thuật nội soi hệ tiết niệu, máy CT scanner… Đồng thời, bệnh viện cũng mong được tăng cường công tác chỉ đạo về chuyên môn, giám sát, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bệnh viện phát triển toàn diện”, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Vĩnh Linh bày tỏ.
Phần lớn bệnh nhân nội khoa vào viện khám và điều trị đều là những người con của quê hương Vĩnh Linh đã từng tham gia một trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trên cơ thể họ là những vết sẹo chằng chịt, là những mảnh bom, mảnh đạn hay đã mất đi một phần cơ thể trong chiến tranh. Bệnh viện đa khoa khu vực Vĩnh Linh như là ngôi nhà thứ hai của những con người anh hùng ấy. Chính vì thế, ngoài trách nhiệm của người thầy thuốc, nhân viên bệnh viện còn thể hiện sự biết ơn, trân trọng, yêu thương những con người ấy qua từng viên thuốc, từng giấc ngủ, tiếp tục sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây.
Ngày xuất bản: 29/7/2024
Tổ chức thức hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: DIỆU THU
Ảnh: ĐĂNG KHOA