Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo đà xây dựng thị trường carbon nội địa, Nghị định 119/2025/NĐ-CP đã được ban hành vào ngày 9/6/2025, thay thế Nghị định 06/2022/NĐ-CP và đánh dấu bước chuyển từ “có quy định” sang “có công cụ” đo lường và quản lý phát thải.

Cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 đòi hỏi khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, đồng bộ, khả thi. Nghị định 06 chính là nền móng đầu tiên khi lần đầu buộc hàng nghìn cơ sở phát thải lớn phải kiểm kê khí nhà kính (KNK).

Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn ban hành ngày 7/1/2022 là văn bản đầu tiên bắt buộc các cơ sở phát thải lớn kiểm kê khí nhà kính (KNK) và quy định giảm nhẹ phát thải, bảo vệ tầng ô-dôn.

Theo Quyết định 13/2024/QĐ-TTg, từ 1/10/2024 cả nước ta có 2.166 cơ sở phải nộp báo cáo kiểm kê KNK, trong đó ngành công thương chiếm 1.805 cơ sở, giao thông 75, xây dựng 229 và tài nguyên-môi trường 57.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2025, VCCI và nhiều hiệp hội cho biết tiến độ kiểm kê còn chậm. Trong khi các ngành như điện, thép, xi-măng, hóa chất đã có quy định hướng dẫn cụ thể từ Bộ Công Thương qua Thông tư 38/2023/TT-BCT, thì các ngành khác như xây dựng, giao thông vẫn chờ văn bản hướng dẫn chi tiết. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn “ngơ ngác” vì chưa rõ quy trình, thiếu nhân lực kỹ thuật, khó tiếp cận phần mềm phù hợp.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Thông tin truyền thông (Viện Kinh tế & Pháp luật Quốc tế), cảnh báo: “Nếu chậm trễ, doanh nghiệp không chỉ bị phạt từ 5 đến 50 triệu đồng, thậm chí có thể lên tới 300 triệu đồng nếu vi phạm nặng, theo các quy định trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP, mà còn có nguy cơ bị đối tác EU từ chối đơn hàng vì thiếu minh bạch carbon”.

Nếu chế tài trong nước là áp lực pháp lý ban đầu, thì rào cản thương mại quốc tế còn khốc liệt hơn. Phát biểu tại tọa đàm “Từ CBAM đến thị trường carbon-Lộ trình tuân thủ mới cho doanh nghiệp Việt”, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, cho biết: Thực tế, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu có giai đoạn bắt buộc:

Giai đoạn “tính thử” (từ ngày 1/10/2023 đến 31/12/2025): Trong thời gian này, doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thép, xi-măng, nhôm, phân bón, điện và hydro chỉ phải khai báo định kỳ lượng khí nhà kính phát thải gắn với mỗi lô hàng. Khoản “thuế carbon” chưa được áp dụng, nhưng nếu chậm nộp hoặc kê khai sai, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 50 euro cho mỗi tấn CO₂ chưa khai đúng.

Giai đoạn “thu thật” (từ ngày 1/1/2026): Kể từ thời điểm này, doanh nghiệp phải mua và nộp “chứng chỉ CBAM” cho chính lượng CO₂ đã khai báo. Giá chứng chỉ sẽ căn cứ vào giá carbon đang giao dịch trong Hệ thống mua bán phát thải của EU (hiện dao động 60-100 euro một tấn). Phần thuế carbon đã nộp tại nước xuất xứ, nếu được EU công nhận sẽ được khấu trừ tương ứng.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh cảnh báo: “CBAM không phải là trào lưu ngắn hạn mà sẽ trở thành chuẩn mực toàn cầu. Doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị ngay, nếu không muốn bị gạt khỏi chuỗi cung ứng vào EU kể từ năm 2026”.

Dù được đánh giá là có ý nghĩa nền tảng, Nghị định 06/2022/NĐ-CP vẫn đang gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai. Những nút thắt này trải dài từ khâu hướng dẫn kỹ thuật, năng lực tổ chức thực hiện đến thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Khoảng trống về dữ liệu và hạ tầng công nghệ

Để kiểm kê KNK chính xác, cơ sở sản xuất cần thu thập lượng lớn dữ liệu đầu vào từ nguyên liệu sử dụng, năng lượng tiêu thụ, lượng sản phẩm đầu ra đến chất thải phát sinh. Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có hệ thống đo lường-giám sát tự động; dữ liệu vẫn ghi chép rời rạc nên khó nhập vào báo cáo.

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cổng khai báo kiểm kê khí nhà kính đang được từng bước hoàn thiện và thử nghiệm tại một số địa phương, với mục tiêu mở rộng toàn quốc trong năm 2025. Trong thời gian chuyển tiếp, doanh nghiệp vẫn nộp báo cáo dạng Excel, tiềm ẩn sai lệch và gia tăng khối lượng rà soát.

Thiếu nhân lực kỹ thuật và chi phí thực hiện cao

Nhiều khảo sát trong nước và quốc tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vẫn thiếu nhân lực và tài chính để thực hiện kiểm kê đầy đủ. Chi phí thuê tư vấn kiểm kê có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi báo cáo, tùy quy mô và độ phức tạp, vượt sức chi trả của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Thẩm định báo cáo còn thủ công và chậm

Việc thẩm định báo cáo kiểm kê hiện được phân công cho các Bộ quản lý ngành (ví dụ Bộ Công Thương với ngành điện, thép...) và UBND tỉnh. Theo điểm c khoản 2 Điều 20a (bổ sung bởi Khoản 18 Điều 1 Nghị định 119/2025/NĐ-CP), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải tổ chức đánh giá hồ sơ trong “thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ”, tuy nhiên trên thực tế, nhiều địa phương và đơn vị vẫn gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn chuyên môn và công cụ hỗ trợ, dẫn đến nguy cơ chậm chu trình báo cáo.

Hiện tại, Việt Nam chưa có một danh sách đơn vị kiểm toán KNK được chứng nhận dẫn đến khoảng trống trong việc đảm bảo tính khách quan và minh bạch cho kết quả kiểm kê.

Thiếu động lực kinh tế rõ ràng

Dù Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã quy định phạt từ 200-500 triệu đồng đối với tổ chức nộp chậm hoặc kê khai sai báo cáo kiểm kê khí nhà kính, chế tài này mới chỉ được áp dụng thí điểm nên chưa đủ sức răn đe. Các cơ chế khuyến khích như giao dịch tín chỉ carbon, khấu trừ thuế bảo vệ môi trường, hay ưu tiên trong đấu thầu công trình “xanh” cũng mới ở giai đoạn khởi động và chưa lan tỏa rộng rãi. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn coi việc kiểm kê khí nhà kính là nghĩa vụ mang tính hành chính hơn là cơ hội tạo giá trị; do đó còn tâm lý “nghe ngóng” thay vì chủ động đầu tư vào hệ thống đo đạc-báo cáo-thẩm định (Measurement-Reporting-Verification, viết tắt MRV)

Mặc dù được đánh giá là bước đi tiên phong trong việc thiết lập nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính, Nghị định 06/2022/NĐ-CP vẫn bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Nghị định này, dù mang tính nền tảng, nhưng vẫn mới chỉ ở cấp độ “thiết kế”, thiếu công cụ vận hành và hướng dẫn cụ thể, nhất là ở cấp địa phương.

Đặc biệt, việc thiếu cơ chế vận hành cổng khai báo điện tử, phân cấp thẩm quyền thẩm định và ràng buộc về chế tài đã khiến việc thực thi gặp nhiều lúng túng. Chính vì vậy, để khắc phục các lỗ hổng và tạo nền tảng thực thi hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2025/NĐ-CP; đánh dấu bước chuyển từ tư duy quy định sang năng lực thực thi, điều kiện tiên quyết để thị trường carbon nội địa vận hành đúng lộ trình và bền vững.

Đó cũng chính là bối cảnh dẫn tới những thay đổi quan trọng trong Nghị định 119/2025/NĐ-CP từ phân cấp thẩm quyền, rút ngắn quy trình đến nền tảng số hóa.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất được đưa ra trong Nghị định 119/2025/NĐ-CP là việc phân cấp thẩm định: cấp tỉnh được phép thẩm định đối với các cơ sở địa phương, trong khi Bộ quản lý ngành tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu. Điều này giúp giảm tải cho bộ ngành trung ương, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý và tăng tính chủ động cho địa phương.

Nghị định cũng đưa ra lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải theo ba giai đoạn từ 2025 đến 2030, bắt đầu với khoảng 100 cơ sở phát thải lớn nhất ước tính chiếm 40% tổng lượng KNK quốc gia. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước theo đúng định hướng tại Quyết định 232/QĐ-TTg ngày 24/01/2025 với lộ trình thí điểm giai đoạn 2025-2027 và vận hành chính thức từ năm 2028.

Đặc biệt, lần đầu tiên, một hệ thống đăng ký và khai báo trực tuyến về kiểm kê và phân bổ hạn ngạch được công bố, hứa hẹn tạo ra nền tảng số hóa toàn diện trong tương lai.

Lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thảiKhoản 1 & 2 Điều 12 Nghị định 119/2025/NĐ-CP

2025-2026: thí điểm phân bổ hạn ngạch cho nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất sắt thép, xi-măng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì đề xuất lượng hạn ngạch từng cơ sở, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

2027-2028: mở rộng phạm vi; các bộ quản lý lĩnh vực gửi danh mục cơ sở và phương án phân bổ trước 30/6/2027. Hạn ngạch được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân bổ và cập nhật trên Hệ thống đăng ký quốc gia trước 31/10/2027.

2029-2030: hoàn tất phân bổ; danh mục cơ sở nộp trước 30/6/2029 và cấp hạn ngạch trước 31/10/2029 theo cùng quy trình.

Những điểm sửa đổi trọng yếu của Nghị định 119 so với Nghị định 06 cho thấy sự dịch chuyển từ quy định định hướng sang cơ chế thực thi cụ thể.

Theo thuyết minh Quyết định 13/2024/QĐ-TTg (Bộ Tài nguyên-Môi trường, 8/2024), đến ngày 31/3/2025 có 2.166 cơ sở thuộc sáu lĩnh vực trọng tâm điện, xi-măng, sắt thép, hóa chất, dệt may và logistics phải hoàn thành báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK), chiếm gần 70 % tổng phát thải quốc gia. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát 240 doanh nghiệp mà Viện Kinh tế và Pháp luật vừa công bố: ngành F&B đứng đầu nhưng cũng chỉ đạt khoảng 45%, sản xuất lúa gạo mới 10%, quản lý chất thải 40%, trong khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu nhân lực chuyên môn và nguồn lực tài chính để thực hiện kiểm kê.

Trước bức tranh đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc chuyển nhanh từ “có luật” sang “có công cụ” là cấp thiết.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: “Hạn chế về nguồn tài chính và khoảng trống kiến thức là những rào cản lớn” đối với SME khi kiểm kê KNK” . Để khắc phục tình trạng này, ông đề xuất sáu giải pháp đồng bộ sau đây:

“Hạn chế về nguồn tài chính và khoảng trống kiến thức là những rào cản lớn” đối với SME khi kiểm kê khí nhà kính”

Luật sư Nguyễn Phú Thắng

Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

1. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật theo ngành: Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần phối hợp với từng bộ ngành như Công Thương, Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn dựa trên Thông tư số 38/2023/TT-BCT (ngành Công Thương) và thông tư tương tự khác, nhằm giúp doanh nghiệp không phải tự mày mò quy trình và hệ số phát thải.

2. Triển khai phần mềm khai báo quốc gia miễn phí: Cần phát triển nền tảng tích hợp Open-API kết nối với hệ thống ERP nội bộ doanh nghiệp, thay thế cách thức nộp Excel qua email đang tiềm ẩn rủi ro sai sót.

3. Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thành lập quỹ hỗ trợ kiểm kê KNK từ nguồn trái phiếu xanh, dành các gói vay lãi suất 0% và tài trợ 50% phí tư vấn; minh chứng được doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện phải chi tới 100-150 triệu đồng/năm cho kiểm kê tại một trang trại trung bình.

4. Đào tạo 5.000 cán bộ hệ thống đo đạc-báo cáo-thẩm định (MRV) trong ba năm tới: Phối hợp giữa Tổng cục Môi trường và hiệp hội ngành nghề để cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14064, MRV, IPCC 2006; qua đó mỗi vùng, mỗi địa phương có chuyên gia hiểu biết sâu quy trình kiểm kê và thẩm định.

5. Thí điểm số hóa quy trình MRV bằng IoT và blockchain tại 20 cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, bước đi đã được nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đề xuất tại hội thảo ngày 20/6. Việc này sẽ tạo các mô hình mẫu để nhân rộng trên toàn quốc từ giai đoạn 2026-2028.

6. Tăng truyền thông và chế tài rõ ràng: Bộ Tài nguyên và Môi trường cần công khai bảng xếp hạng phát thải theo ngành hàng quý, gắn minh bạch phát thải với tiêu chí tín chỉ, đồng thời áp dụng phạt hành chính hoặc tạm đình chỉ cấp tín chỉ đối với các tổ chức nộp hồ sơ chậm hoặc kê khai sai lệch.

Khi sáu giải pháp trên được triển khai đồng bộ, kiểm kê KNK sẽ trở nên thuận lợi, minh bạch hơn. Từ nghĩa vụ hành chính, hoạt động này sẽ trở thành “hộ chiếu xanh” giúp doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam, dự kiến thí điểm vào cuối năm 2025 và vận hành chính thức từ 2028 theo Quyết định 232/QĐ-TTg; đồng thời tự tin đáp ứng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU và góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero 2050.

Tuy nhiên, để thị trường carbon nội địa vận hành hiệu quả và bền vững, các giải pháp tháo gỡ kỹ thuật và thể chế thôi là chưa đủ. Cần thêm các chiến lược dài hạn có khả năng lan tỏa rộng trong toàn hệ sinh thái.

Ngoài việc tháo gỡ các “nút thắt” kỹ thuật và thể chế, cần bước tiếp theo là biến khung pháp lý thành vận hành thực tiễn của thị trường carbon. Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế đề xuất định hướng chính sách dài hạn nhằm bảo đảm năng lực thực thi thị trường carbon:

1. Thí điểm mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng MRV

Thị trường carbon muốn vận hành hiệu quả cần có hệ thống MRV (đo đạc-báo cáo-thẩm định) hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch và quy mô. Do đó, cần xem xét thí điểm mô hình PPP trong việc xây dựng và vận hành nền tảng số MRV tại các địa phương có tiềm năng phát thải và hấp thụ lớn, chẳng hạn như các khu công nghiệp tập trung (Bình Dương, Quảng Ninh) hoặc khu vực có diện tích rừng, đất ngập nước rộng (Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long). Việc kết hợp nguồn lực Nhà nước với công nghệ, chuyên môn và vốn của khu vực tư nhân sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm chứng dữ liệu.

2. Gắn hệ thống MRV với tiêu chí tín dụng xanh trong ngân hàng thương mại

Bên cạnh tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp cần động lực tài chính rõ ràng để đầu tư vào công nghệ giảm phát thải. Có thể xem xét giải pháp liên kết kết quả kiểm kê KNK và MRV với hệ thống chấm điểm tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp có hệ thống kiểm kê minh bạch, dữ liệu chuẩn hóa, giảm phát thải hiệu quả sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn vay xanh, quỹ hỗ trợ môi trường, hoặc có thể hưởng lãi suất thấp hơn. Điều này không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp chủ động kiểm kê mà còn tạo chu trình tích cực giữa minh bạch phát thải và tiếp cận tài chính xanh, đúng với định hướng phát triển bền vững và ESG.

Nghị định 06/2022/NĐ-CP là khung pháp lý nền tảng đầu tiên đưa Việt Nam tiến một bước dài trên hành trình giảm phát thải và hiện thực hóa cam kết Net Zero 2050. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nếu không tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” về hướng dẫn kỹ thuật, năng lực tổ chức và động lực thị trường, những quy định mang tầm chiến lược sẽ trở nên kém hiệu lực trong thực tiễn.

Theo Báo cáo đề dẫn Hội thảo “Chính sách phát triển thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị” ngày 17/6/2025, thị trường tín chỉ carbon không chỉ là một công cụ môi trường mà còn được xác định là “cơ hội vàng” giúp Việt Nam vươn ra chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững và có trách nhiệm. Trong bối cảnh này, việc nâng cấp cơ chế kiểm kê khí nhà kính không đơn thuần là để tuân thủ các quy định pháp lý nội địa, mà còn mang ý nghĩa chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch carbon do các thị trường xuất khẩu lớn đặt ra, đặc biệt là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, từ đó giữ vững và mở rộng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Báo cáo Hội thảo cũng chỉ rõ rằng, trong khi EU, Trung Quốc, Hàn Quốc đã triển khai hệ thống giao dịch phát thải (ETS) với quy mô lớn và đang mở rộng nhanh chóng phạm vi điều tiết, thì Việt Nam cần chuyển đổi nhanh từ tư duy “quản lý hành chính” sang công cụ “thị trường hiệu quả”. Đây là xu thế không thể đảo ngược nếu Việt Nam muốn hội nhập sâu rộng, thu hút dòng vốn xanh quốc tế, và xây dựng một nền kinh tế carbon thấp mang tính cạnh tranh toàn cầu.

Có thể nói, Nghị định 119/2025/NĐ-CP là một dấu mốc cần thiết, nhưng chưa phải đích đến. Để biến luật thành lực, cần sự đồng hành đồng bộ từ cả hệ thống.

Việc ban hành Nghị định 119/2025/NĐ-CP là tín hiệu tích cực, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Cần sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia để cùng biến “nghĩa vụ” thành “cơ hội”, từ đó tạo lập nền kinh tế carbon thấp có sức cạnh tranh trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh toàn cầu.

Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Nguyễn Hà Cường-Vũ Thuỳ Linh
Trình bày: Vũ Thuỳ Linh
Ảnh: Báo Nhân Dân, Báo Chính phủ, Tạp chí Kinh tế Môi trường, vneconomy.vn