Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện thể thao. Ảnh: KHIẾU MINH

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện thể thao. Ảnh: KHIẾU MINH

Đã từng trải qua thời hoàng kim, nghề báo thể thao hôm nay đang chịu sức ép lớn trước làn sóng công nghệ, xu thế “view, like” lấn át. Nhà báo Đỗ Tuấn và bình luận viên Vũ Quang Huy - hai gương mặt kỳ cựu - chia sẻ với Báo Nhân Dân về những trăn trở chân thực và tâm huyết về nghề, về con đường họ lựa chọn và niềm tin giữ họ theo đuổi đến cùng mục tiêu.

Phóng viên: Là người gắn bó lâu năm, trải qua nhiều thăng trầm cùng nghề, các anh có thể chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc gì về hành trình phát triển của báo chí thể thao Việt Nam?

Nhà báo Đỗ Tuấn. Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng.

Nhà báo Đỗ Tuấn. Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng.

Nhà báo Đỗ Tuấn: Tôi đã có 27 năm làm phóng viên thể thao, đủ trải qua mọi cung bậc của nghề. Giai đoạn từ khi bắt đầu đến khoảng năm 2010 - đặc biệt là năm 2008 - là thời cực thịnh của báo chí thể thao Việt Nam. Lúc đó có hơn 11 đầu báo chuyên biệt, phóng viên thể thao có thể sống ổn với nghề, thỏa sức sáng tạo. Bài viết khi ấy đòi hỏi sự hiểu biết chuyên môn sâu và thật sự hữu ích với độc giả.

Nhưng giờ thì khác. Cuộc sống phóng viên, nhất là mảng thể thao, ngày càng khó khăn. Có khi thu nhập còn thua cả người giúp việc hay nhân viên phục vụ. Anh em phải làm thêm nhiều nghề để bám trụ, chất lượng bài viết vì thế cũng giảm. Điều ấy khiến tôi chạnh lòng. Nghề này đòi hỏi trình độ, chuyên môn mà lương còn dưới mức cơ bản thì người làm nghề sống sao nổi?

BLV Vũ Quang Huy.

BLV Vũ Quang Huy.

BLV Vũ Quang Huy: Thời trước, nhiều tờ báo thể thao hoạt động hiệu quả, độc giả yêu thích vì có tin tức chất lượng, độc quyền. Nhưng rồi, báo chí phát triển ồ ạt, cạnh tranh gay gắt dẫn đến khủng hoảng thừa. Các tờ báo thể thao co lại, phần lớn chuyển sang nền tảng số. Báo giấy chao đảo, báo mạng cũng đầy thử thách. Bạn đọc ngày càng chuộng thông tin trên mạng xã hội, nhanh và ngắn, thay vì đọc bài phân tích chuyên sâu như trước. Báo chí truyền thống buộc phải thích nghi, chuyển sang truyền thông đa phương tiện nếu không muốn bị bỏ lại.

Điều khó là nhiều phóng viên vẫn viết theo lối chính thống, chuẩn mực, không dễ thích nghi với môi trường mạng xã hội mà mọi thứ xoay quanh view và like. Tôi cho rằng cần có cơ chế riêng để giữ đất cho người viết sâu, viết kỹ - dành cho nhóm độc giả vẫn trân trọng chiều sâu và sự tử tế. Nhưng thực tế, nhiều người rẽ hướng sang làm nội dung mạng xã hội - nơi dễ kiếm tiền hơn, nhanh hơn - thay vì bám trụ với báo chí truyền thống. Một nền báo chí phát triển bền vững không thể thiếu những người làm nghề nghiêm túc, có đạo đức và chiều sâu nghề nghiệp.

Gần 50 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tham gia tác nghiệp tại SEA Games 31. Ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam

Gần 50 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tham gia tác nghiệp tại SEA Games 31. Ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam

Nhà báo Đỗ Tuấn.

Nhà báo Đỗ Tuấn.

Phóng viên: Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, anh nhìn nhận thế nào về sự thay đổi trong cách tác nghiệp, sản xuất nội dung thể thao hiện nay? Và nó đã tác động ra sao đến công việc, tư duy của người làm nghề?

Nhà báo Đỗ Tuấn: Công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển là điều tốt, giúp ích nhiều ngành. Nhưng viết báo - đặc biệt là thể thao - vẫn cần tư duy thực tiễn, cảm xúc thật. Không có công nghệ nào thay thế được điều đó. Thực tế, văn hóa đọc đang bị thu hẹp, nhất là giới trẻ. Họ chỉ đọc những bài giật tít câu view, bỏ qua những nội dung dài, sâu, tử tế.

Nhiều tòa soạn đánh giá chất lượng bài viết qua số view, khiến phóng viên chạy theo xu hướng chóng vánh. Điều đó kéo theo văn hóa đọc của xã hội đi xuống. Mảng thể thao hiện nay, phần lớn độc giả chỉ quan tâm đến bóng đá, đặc biệt là các giải quốc tế. Những môn như điền kinh, bơi, võ thuật... rất ít người đọc. Nên phóng viên thể thao muốn sống được với nghề phải nỗ lực rất nhiều.

BLV Vũ Quang Huy: Tôi có dùng Facebook, làm YouTube về bóng đá, nhưng vẫn theo lối truyền thống - chậm mà chắc. Nội dung ít nhưng chắt lọc. Có cộng sự hỗ trợ nhưng tôi vẫn tự kiểm duyệt. Tôi quan niệm: Mình được xã hội thừa nhận, không phải mạng xã hội thừa nhận. Không chạy theo view, không sản xuất dây chuyền mà ưu tiên chiều sâu, chất lượng, sự thoải mái. Công nghệ chỉ là công cụ, không phải là cái đích.

Tôi coi mình là người rong chơi trong nghề. Đến tuổi này, tôi không còn nhiều áp lực nữa - đó là may mắn. Nhưng không phải ai cũng có điều đó. Nhiều người trẻ bị cuốn vào guồng quay thông tin, đánh mất bản sắc. Lướt mạng xã hội nhiều quá dễ khiến mất đi tư duy độc lập, bị chi phối bởi quan điểm số đông. Dù mạng xã hội là kho tư liệu lớn, ta vẫn cần giữ “phễu lọc” riêng, tiếp cận thông tin bằng góc nhìn riêng, không để mình trôi theo đám đông.

BLV Vũ Quang Huy. Ảnh: Facebook

BLV Vũ Quang Huy. Ảnh: Facebook

Phóng viên: Giữa những khó khăn hiện tại, theo anh, làm sao để giữ được ngọn lửa đam mê với nghề? Và với các bạn trẻ đang chọn con đường này, anh muốn gửi gắm điều gì từ chính trải nghiệm và tâm huyết của mình?

Nhà báo Đỗ Tuấn: Giữ được đam mê với nghề bây giờ thật sự khó. Áp lực cơm áo đè nặng khiến nhiều người bỏ cuộc. Nhiều bạn trẻ hỏi tôi: Có nên theo nghề báo thể thao không? Tôi đã nói thẳng là... không. Vì điểm đầu vào đại học báo chí rất cao, nhưng tốt nghiệp rồi, nhiều em phải đi chạy xe công nghệ để mưu sinh. Thật xót xa.

Nếu bây giờ vẫn tiếp tục theo nghề - nhất là báo chí thể thao - đòi hỏi niềm đam mê rất lớn. Tôi từng ứa nước mắt khi nói với các em: Hãy suy nghĩ thật kỹ. Làm phóng viên thể thao được gặp vận động viên nổi tiếng, theo dõi giải đấu hấp dẫn - nhưng phải tự bỏ tiền túi đi công tác, viết bài dài ngày trong điều kiện thu nhập thấp. Ngày xưa, báo giấy còn bán được, giờ đọc online miễn phí, nhiều báo còn chật vật tìm nguồn thu. Dẫu vậy, nếu ai thật sự đam mê và kiên trì, biết đâu lại mở được lối đi riêng.

BLV Vũ Quang Huy: Nghề báo thể thao cực nhọc, phải hy sinh rất nhiều, đòi hỏi phải chấp nhận mâu thuẫn và đánh đổi. Đêm không ngủ để làm tin, lễ Tết vẫn bám sân, bám trận. Có người rất giỏi, đầy đam mê, nhưng đến lúc lập gia đình, có con… lại đành tạm rời cuộc chơi vì không thể cân bằng. Tình yêu nghề rất đáng quý, nhưng khi nghề không đủ đáp ứng nhu cầu sống, dừng lại đúng lúc có thể là lựa chọn khôn ngoan. Phải dũng cảm nhìn nhận: nếu không còn phù hợp, hãy chuyển hướng, nhường chỗ cho thế hệ trẻ tiếp nối.

Với người trẻ, nếu có đam mê hãy cứ mạnh dạn dấn thân. Bối cảnh báo chí hôm nay khó khăn thật, nhưng nếu chưa bắt đầu đã sợ thất bại, thì sẽ không bao giờ đến đích được.

Phóng viên thể thao tác nghiệp. Ảnh: https://tdtt.gov.vn

Phóng viên thể thao tác nghiệp. Ảnh: https://tdtt.gov.vn

Phóng viên: Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện!

------------------

Ngày xuất bản: Tháng 6/2025
Trình bày: Vũ Anh Tuấn
Ảnh: Báo Nhân Dân, Báo Sài Gòn giải phóng, https://tdtt.gov.vn và facebook