Trong những năm tháng đấu tranh ác liệt ở đô thị miền nam, khi súng đạn và cường quyền tưởng chừng có thể khuất phục mọi ý chí, ông Võ Quê, Trưởng khối Báo chí của Tổng hội Sinh viên Huế (1965–1975), đã chọn con đường cầm bút như cầm súng, viết như hành động. Từ những truyền đơn viết tay trong bóng tối đến các tập san in roneo phát tán giữa lòng Huế, ông biến báo chí thành vũ khí tư tưởng, thắp lửa phong trào sinh viên đô thị.

Là một nhà tổ chức kiên cường, một người viết đầy lòng yêu nước, ông không ngừng cất tiếng nói ngay cả khi bị giam ở Côn Đảo. Trong bóng tối ngục tù, ông tiếp tục viết bằng trí nhớ, bằng lời hát, bằng lá bàng… bằng tất cả những gì còn lại của một người làm báo không chịu khuất phục. Với ông, làm báo là giữ lấy nhân phẩm, gieo hy vọng trong những ngày không có mặt trời.

Báo chí - hơi thở của phong trào đô thị Huế

Mùa thu năm 1968, cậu học trò Võ Quê từ Quảng Trị vào học lớp Đệ Nhất tại Trường Quốc học Huế - ngôi trường từng ghi dấu chân nhiều nhân vật lịch sử, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau kỳ thi tú tài toàn phần, ông đỗ vào Đại học Văn khoa Huế. Cũng thời điểm ấy, phong trào sinh viên Huế bùng lên mạnh mẽ.

Không khí đấu tranh từ lâu đã len lỏi vào đời sống học đường. Chỉ vài năm trước đó, Huế từng là trung tâm của phong trào Phật giáo năm 1963, góp phần làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Những cuộc xuống đường liên tiếp diễn ra trong các năm 1964–1966 để phản đối các chính quyền quân sự như Nguyễn Khánh, Thiệu – Kỳ. Là một học sinh trung học, ông Quê cũng đã tham gia xuống đường từ năm 16 tuổi. “Tinh thần yêu nước lúc ấy thấm vào máu từ khi còn là học sinh,” ông kể.

Những cuộc xuống đường liên tiếp diễn ra trong các năm 1964–1966 để phản đối các chính quyền quân sự như Nguyễn Khánh, Thiệu – Kỳ.

Những cuộc xuống đường liên tiếp diễn ra trong các năm 1964–1966 để phản đối các chính quyền quân sự như Nguyễn Khánh, Thiệu – Kỳ.

Sau khi vào đại học, ông trở thành một trong những người tích cực nhất của Tổng hội Sinh viên Huế. Nhận thấy vai trò to lớn của thông tin và tuyên truyền, ông được bầu làm Trưởng khối Báo chí - một cương vị không chỉ cần năng lực viết lách, mà còn đòi hỏi bản lĩnh tổ chức, xử lý tình huống nhanh nhạy trong điều kiện đấu tranh ngấm ngầm.
“Lúc đầu tôi chỉ nghĩ viết báo là việc học đường. Nhưng rồi chính những trang giấy ấy, những dòng chữ ấy, trở thành vũ khí tư tưởng, thành con đường đưa tôi vào phong trào cách mạng đô thị,” ông nhớ lại.

Phong trào sinh viên Huế khi đó không có tòa soạn. Những tờ truyền đơn, tập san, báo tường được viết tay, in roneo, phát tán trong bóng tối. Thiết bị chỉ là giấy stencil, mực in, máy in quay tay. Nhưng những ấn phẩm thủ công ấy lại là mạch máu thông tin, khơi dậy tinh thần phản kháng và cổ vũ hành động trong giới trẻ.

“Báo chí lúc ấy không chỉ phản ánh đời sống sinh viên mà còn là tiếng nói đấu tranh của tuổi trẻ Huế. Mỗi tờ báo nhỏ được in ra đều mang theo khí phách của cả một thế hệ,” ông Quê chia sẻ. Dưới sự điều hành của ông, khối Báo chí tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành nhiều tập san, truyền đơn. Các nội dung chủ yếu là phản đối Mỹ - chính quyền Sài Gòn, kêu gọi hòa bình, lên án chiến tranh và ca ngợi tinh thần yêu nước. Ngoài sinh viên đại học, các em học sinh trung học - từ lớp sáu trở lên - cũng được tổ chức tham gia. Không khí đấu tranh lan rộng, tạo thành phong trào đô thị có quy mô lớn và chiều sâu tư tưởng.

Báo chí lúc ấy không chỉ phản ánh đời sống sinh viên mà còn là tiếng nói đấu tranh của tuổi trẻ Huế. Mỗi tờ báo nhỏ được in ra đều mang theo khí phách của cả một thế hệ

Ông Quê chia sẻ.



Không dừng lại ở báo in, Tổng hội Sinh viên còn tổ chức những hoạt động văn hóa - nghệ thuật mang tính tuyên truyền mạnh mẽ. Kịch thơ, hát tập thể, diễn đàn đường phố được dàn dựng và biểu diễn công khai. Một trong những điểm nhấn là vở “Dòng máu ta – một biển hòa bình” do chính ông Võ Quê sáng tác, dàn dựng và trình diễn ngay tại Huế, sau đó còn được diễn tại Sài Gòn.

“Kịch thơ ấy là một bản tuyên ngôn. Mỗi câu chữ là một khẩu hiệu. Sân khấu là vỉa hè, ánh sáng là đèn đường, nhưng chúng tôi diễn bằng cả trái tim. Người xem là dân Huế và họ hiểu, họ ủng hộ, họ lan truyền,” ông kể, ánh mắt vẫn sáng lên khi nhớ lại.

Bị bắt nhưng ngòi bút không gãy

Năm 1972, chiến sự Quảng Trị nổ ra ác liệt. Chính quyền Sài Gòn phát động chiến dịch “Bình Minh”, một cuộc truy quét lớn nhằm triệt phá lực lượng yêu nước tại các đô thị miền nam. Hàng nghìn người bị bắt, trong đó có sinh viên, trí thức, giáo sĩ, cả thân nhân cán bộ tập kết.

Ông Quê cũng bị bắt trong chiến dịch này. Sau những đợt tra khảo, ông bị đưa ra giam tại Côn Đảo - nơi được gọi là địa ngục trần gian, nơi từng giam giữ nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung.

“Trong tù, chúng tôi vẫn tiếp tục viết, sáng tác, làm báo, truyền tin. Tinh thần đấu tranh không vì thế mà nguội đi. Ngòi bút là vũ khí và ở đâu còn ngòi bút, ở đó còn kháng chiến,” ông kể.

Điều kiện trong trại giam khắc nghiệt, mọi tài liệu đều bị kiểm soát. Để sáng tác và lan truyền thơ, ông phải ghi nhớ, truyền miệng. Khi phong trào văn nghệ trong tù bị đàn áp, ông nghĩ cách phổ nhạc cho các bài thơ, chọn những làn điệu dân ca quen thuộc như trống cơm để ai cũng có thể hát, ai cũng thuộc, và khó bị ngăn chặn.

Một trong những bài hát ông sáng tác trong tù, được truyền từ trại này sang trại khác, là lời mới theo điệu Trống cơm – lấy cảm hứng từ chính hình ảnh các nữ tù mỗi sáng nhặt lá bàng:

“Ngục tù kìa gió, gió lên
Cây rung lá đổ ố mấy bay mà tung bay
Ố mấy bay mà tung bay
Người tù tang tình thiếu nữ ố mấy nhặt nhanh lá bàng
Em hát em ca như chim sáo ố mấy tung
 tăng...
Lá bàng tang tình rơi rụng
Ố mấy Côn Sơn vang vang tiếng hát Anh
 hùng
Nhóm lửa quê hương đốt sạch gông cùm
Đốt sạch hết lao tù”.

Ông Võ Quê hát bài hát do ông sáng tác phổ theo điệu Trống cơm lấy cảm hứng từ chính hình ảnh các nữ tù mỗi sáng nhặt lá bàng.

Ông Võ Quê hát bài hát do ông sáng tác phổ theo điệu Trống cơm lấy cảm hứng từ chính hình ảnh các nữ tù mỗi sáng nhặt lá bàng.

Trong tù, chúng tôi vẫn tiếp tục viết, sáng tác, làm báo, truyền tin. Tinh thần đấu tranh không vì thế mà nguội đi. Ngòi bút là vũ khí và ở đâu còn ngòi bút, ở đó còn kháng chiến.

Nhà báo cách mạng Võ Quê

“Trong tù khó khăn mọi thứ, những chiếc lá bàng rơi trong sân cũng được các tù nhân tận dụng cho nhiều mục đích sử dụng: Từ làm rau ăn, giấy vệ sinh, đến viết thư... Đặc biệt lá bàng còn dùng để đun nước sôi tạt vào bọn đàn áp, thành vũ khí chống quân thù. Nhưng với tôi, lá bàng còn là hình ảnh, là biểu tượng là chất liệu để sáng tác. Khi nhìn thấy các chị nhặt lá bàng trong đầu tôi lại nảy ra những lời nhạc để ca ngợi những người chiến sĩ trung kiên, đồng thời tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược..,” ông xúc động nhớ lại.

Trong tù, ông Quê cùng các bạn tù không chỉ sáng tác mà còn tổ chức phong trào văn nghệ bí mật như một phương thức giữ lửa tinh thần. Theo ông, khi thơ ca bị cấm đoán gắt gao, việc phổ thơ thành nhạc để hát theo dân ca giúp vượt qua kiểm soát.

“Thơ thì một người đọc được, nhưng nhạc thì cả phòng giam hát được, hát nhỏ, hát thầm, hát bằng tâm trí”, ông Quê nói.

Không dừng lại ở việc sáng tác, ông còn vận động các quân phạm chính trị, những người lính của chế độ Sài Gòn từng có cảm tình với cách mạng làm cầu nối thông tin. Họ không bị giam chung với tù chính trị, được làm nhiệm vụ giữ trật tự, được đi lại trong trại. Ông tiếp cận, thuyết phục họ giúp chuyển bài hát, thơ, tin tức giữa các khu giam.

“Họ là mắt xích quan trọng. Có người mang thông tin ra ngoài. Có người lén mang thuốc men, giấy bút. Chính họ giúp nối liền chúng tôi với nhau và với phong trào bên ngoài”, ông Quê nói.

Ông ví hoạt động trong tù như một chiến tuyến thứ hai, nơi giữ vững khí phách và tư tưởng trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Mỗi bài hát vang lên trong buồng giam là một bản tuyên ngôn sống động. “Tôi từng nghĩ: chỉ cần một người còn hát, là cả phong trào chưa gãy. Và chúng tôi đã giữ được điều đó”, ông nói.

Trong tù, ông Quê cùng các bạn tù không chỉ sáng tác mà còn tổ chức phong trào văn nghệ bí mật như một phương thức giữ lửa tinh thần.

Trong tù, ông Quê cùng các bạn tù không chỉ sáng tác mà còn tổ chức phong trào văn nghệ bí mật như một phương thức giữ lửa tinh thần.

Sau giải phóng, tiếp tục dấn thân bằng ngòi bút

Rời nhà tù Côn Đảo vào tháng 3 năm 1973, ông Võ Quê không chọn rút lui mà tiếp tục con đường phục vụ cộng đồng bằng tư tưởng và nghệ thuật. Sau giải phóng, ông công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế, rồi chuyển về Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế - nơi ông gắn bó từ năm 1976 trong suốt ba nhiệm kỳ, đảm nhiệm nhiều cương vị từ cán bộ thường trực đến Chủ tịch Hội.

Không chỉ là một nhà báo, nhà văn, ông còn là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiều nhiệm kỳ, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Trưởng ban Liên chi Hội Nhà văn Việt Nam khu vực bắc miền trung, và là chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế trong suốt nhiều năm liền.

“Viết trong thời bình cũng cần khí phách – viết để xây dựng, để gìn giữ bản sắc, để nuôi dưỡng cái đẹp trong lòng người”, ông nói. Và chính từ tinh thần ấy, ông trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ trẻ miền trung, đặc biệt là ở Huế, nơi ông suốt đời gắn bó.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Võ Quê vẫn giữ cho mình phong thái điềm đạm của một người từng sống, từng viết trong những năm tháng dữ dội.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Võ Quê vẫn giữ cho mình phong thái điềm đạm của một người từng sống, từng viết trong những năm tháng dữ dội.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Võ Quê vẫn giữ cho mình phong thái điềm đạm của một người từng sống, từng viết trong những năm tháng dữ dội. Từ chốn lao tù Côn Đảo đến những buổi biểu diễn ca Huế thính phòng giữa lòng phố cổ, từ từng trang báo viết vội trong bóng tối đến những tập thơ lục bát ngân lên khúc ca quê hương, ông chưa một ngày rời xa ngòi bút và niềm tin vào cái đẹp, cái thiện. Với bạn bè, ông là nhà thơ chân thành và tận tụy. Với lớp trẻ, ông là người thầy không giảng đạo, mà kể chuyện bằng ký ức. Và với Huế, mảnh đất ông trọn đời yêu thương, ông là người góp phần níu giữ những giá trị bản sắc từ trong tâm hồn.

Giờ đây, khi được hỏi lại điều gì khiến ông đi trọn hành trình từ học sinh xuống đường đến người tù Côn Đảo, rồi thành cán bộ văn hóa, ông chỉ mỉm cười:

“Tôi chỉ làm điều phải làm. Cầm bút là trách nhiệm. Mỗi dòng viết khi ấy là một mồi lửa. Gặp gió thì cháy. Mà nếu không cháy, thì cũng đủ sưởi ấm được người bên cạnh”, ông Quê tâm sự.

Ngày xuất bản: 19/6/2025
Chỉ đạo sản xuất: KIM PHƯƠNG BÌNH
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Nội dung: THANH TRÀ
Ảnh: PHÚC LÂM
Trình bày: PHÚC HUY