
Câu hỏi thường xuyên đặt ra cho Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trước những biến động nhanh, liên tục của xã hội, không phải là nên hay không nên tiếp tục đào tạo trong bối cảnh đầu ra việc làm khó khăn, mà là đào tạo cho sinh viên cái gì trong bối cảnh mới.

Tạo ra những người làm báo có năng lực “4 trong 1”
Những biến đổi liên tục, gần như mỗi ngày và không có giới hạn trong công nghệ truyền thông đã đặt ra cho những người làm báo cả cơ hội để học hỏi, thử nghiệm, phát triển những năng lực mới mẻ lẫn những thách thức để tìm ra một phong cách tác nghiệp, một lối tường thuật tin tức mới chinh phục những công chúng mới.
Và chương trình đào tạo báo chí của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cũng liên tục được rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo định kỳ 2 năm/lần từ hơn mười năm qua để người học có thể thích ứng nhanh chóng với môi trường nghề nghiệp vốn dĩ nhiều sáng tạo và thay đổi liên tục của báo chí-truyền thông.
Quá trình rà soát, điều chỉnh đó luôn dựa trên nguyên tắc là duy trì, bảo đảm các nguyên tắc, giá trị cốt lõi cũng như khối kiến thức và kỹ năng nền tảng của nghề báo bên cạnh việc cập nhật các kiến thức, kỹ năng của những xu hướng, trào lưu mới theo hai hướng: cập nhật, bổ sung kiến thức trong nội dung các môn học căn bản, nền tảng bắt buộc của khối kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành; hoặc tổ chức thành các môn học, chuyên đề mới hoàn toàn trong khối kiến thức, kỹ năng tự chọn mang tính bổ trợ, định hướng cho người học.
Chỉ cần đối sánh chương trình đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông trong hơn 10 năm trở lại đây là có thể thấy rõ sự khác biệt của quá trình cập nhật, thích ứng đó. Nếu chương trình đào tạo từ năm 2013 trở về trước hướng đến tạo ra nguồn nhân lực cho môi trường báo chí đơn lập với tính phân hóa và chuyên môn hóa sâu sắc, người làm báo tư duy, tác nghiệp chuyên biệt phù hợp với từng loại hình báo chí cụ thể như báo in hay phát thanh, truyền hình với các tòa soạn riêng biệt thì từ năm 2013 đến nay, chương trình đào tạo đã khác.
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông.
Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông.
Sinh viên chuyên ngành báo chí được đào tạo năng lực truyền thông đa phương tiện để có thể làm việc trong các tòa soạn, cơ quan báo chí tích hợp, hội tụ, thích ứng với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Nói nôm na, một sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí hiện tại không chỉ có năng lực hiểu sâu, viết và biên tập tốt về đối tượng mà còn có năng lực đa phương tiện, biết xử lý âm thanh, đồ họa, hình ảnh, viết kịch bản, đạo diễn và tự trình bày thể hiện sản phẩm của mình. Hay nói cách khác, chương trình đào tạo báo chí hiện tại đang nhằm tạo ra những người làm báo có năng lực 4 trong 1: sản xuất tin bài cho cả báo in, báo trực tuyến hay phát thanh, truyền hình.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21 tác động rất nhanh và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, trong đó có nghề báo thì công tác đào tạo của đơn vị đã cập nhật, cung cấp các kiến thức về ứng dụng AI, đạo đức và trách nhiệm khi sáng tạo nội dung với AI, kiểm chứng thông tin với các phương pháp hiện đại…
Hiện tại, Khoa cũng đang hướng tới thiết kế hoàn thiện một phiên bản chương trình đào tạo mới theo hướng tích hợp AI với các yêu cầu giảng dạy hiện đại nhằm phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa thành thạo công nghệ, vừa có năng lực làm nghề và có trách nhiệm xã hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Tập thể giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông khi mới thành lập.
Tập thể giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông khi mới thành lập.
Khoa Báo chí và Truyền thông nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2022.
Khoa Báo chí và Truyền thông nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2022.
Thầy cô dẫn dắt Khoa Báo chí và Truyền thông nhận hoa tri ân trong Lễ kỷ niệm 30 năm đào tạo ngành báo chí và 15 năm thành lập khoa Báo chí và Truyền thông.
Thầy cô dẫn dắt Khoa Báo chí và Truyền thông nhận hoa tri ân trong Lễ kỷ niệm 30 năm đào tạo ngành báo chí và 15 năm thành lập khoa Báo chí và Truyền thông.
Phương pháp giảng dạy cá nhân hóa, tăng cường thực hành
Bên cạnh việc điều chỉnh chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của Khoa Báo chí và Truyền thông cũng được cập nhật theo hướng linh hoạt, cá nhân hóa, lấy người học làm trung tâm và chú trọng kỹ năng tư duy phản biện, xử lý tình huống trong thực tế, làm việc nhóm và sáng tạo nội dung…
Hiện nay, các công tác đào tạo báo chí có xu hướng tập trung vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực với khả năng sáng tạo các sản phẩm báo chí, truyền thông cho nhiều phương tiện và nền tảng khác nhau, có kiến thức nền và phương pháp luận tốt để có khả năng tự học và tự thích nghi trong các môi trường làm việc đa dạng thì sẽ đòi hỏi đi kèm các phương pháp giảng dạy phù hợp. Và với các ứng dụng công nghệ số và AI hiện nay cho phép Khoa Báo chí và Truyền thông có thể triển khai ứng dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy và đánh giá hiện đại theo hướng “project-based learning” (học qua việc thực hiện sản phẩm, dự án, đồ án), “flipped classroom” (lớp học đảo ngược), “blended learning” (phối hợp giữa hình thức online và offline).
Các phương pháp giảng dạy mới này đã khuyến khích sự chủ động, tích cực của người học trong việc tự đọc, tự tìm hiểu; mạnh dạn thảo luận, trình bày các ý kiến, quan điểm; nâng cao khả năng hợp tác nhóm để thuyết trình hoặc sản xuất sản phẩm; thành thạo việc sử dụng các công nghệ truyền thông trực tuyến để học tập, làm việc. Các dự án sinh viên có thể tham gia không chỉ tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông mà có thể là các dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong truyền thông.
Sinh viên ngành Báo chí thi thực hành kỹ năng dẫn chương trình tại Lab Truyền hình của Khoa.
Sinh viên ngành Báo chí thi thực hành kỹ năng dẫn chương trình tại Lab Truyền hình của Khoa.
Ví dụ, gần đây, một nhóm sinh viên của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia dự án phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết tin tức thật, giả trên mạng cùng giảng viên, sinh viên ngành công nghệ thông tin (sinh viên báo chí tham gia là xây dựng bộ dữ liệu tin tức để làm cơ sở cho máy tính học và nhận diện).
Hay với các ứng dụng công nghệ số phổ biến, các giảng viên của Khoa có thể thông qua nền tảng mạng xã hội để tạo ra các kênh phát hành sản phẩm thực hành phát thanh, truyền hình… của sinh viên như một tờ báo đa phương tiện trong đời sống truyền thông thực, giúp người học trải nghiệm và trau dồi được kiến thức, tư duy và kỹ năng đa nền tảng… ngay từ trên giảng đường.
Thống kê từ dữ liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp của Phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông được khảo sát cho biết họ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao, gần như trên 90%. Sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông sau khi tốt nghiệp phần lớn làm việc đúng chuyên môn đào tạo, tập trung ở các cơ quan báo chí-truyền thông, nếu thuộc các công ty kinh doanh dịch vụ thì vẫn đảm nhận các vị trí liên quan đến chuyên môn này. Tỷ lệ sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và có việc làm trong vòng 3 tháng sau khi tốt nghiệp là rất cao, gần như từ 75% trở lên ở các năm và có xu hướng tăng từ 2015 đến nay. Tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay và dưới 3 tháng sau khi tốt nghiệp trung bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay là 67,75%.
Những thông số trên là minh chứng cho chất lượng đầu ra của sinh viên cũng như khẳng định chất lượng chương trình đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông hiện nay. Dù vậy, con số trên cũng cho thấy một sự thật là một số sinh viên ra trường chưa thể hòa nhập ngay vào thực tiễn môi trường nghề nghiệp.
Hiện nay, mô hình chung trong đào tạo báo chí-truyền thông là gắn chặt giữa các lý luận nền tảng với thực hành nghề nghiệp và công nghệ đa phương tiện. Yêu cầu đặt ra cho người học là phải học tốt cả lý thuyết và thực hành. Dù vậy, nhằm hướng tới năng lực hòa nhập và thích ứng với môi trường nghề nghiệp sau tốt nghiệp, chương trình đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông những năm qua đã đặt trọng tâm thiết kế và tổ chức theo hướng tăng cường báo chí thực hành và xây dựng năng lực nghề nghiệp thực tế cho sinh viên.
Sinh viên học tập tại Lab Phát thanh Khoa Báo chí và Truyền thông.
Sinh viên học tập tại Lab Phát thanh Khoa Báo chí và Truyền thông.
Sáng kiến “đồng giảng viên” mà khoa Báo chí và Truyền thông đang áp dụng (kết hợp khả năng giảng lý thuyết của giảng viên cơ hữu với kinh nghiệm thực hành của các nhà báo, chuyên gia truyền thông trong cùng một môn học) là một giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp với các nhà báo tên tuổi, đa dạng hình thức và cấp độ thực hành trong chương trình đào tạo, sáng kiến “giờ học tòa soạn” hay khuyến khích giảng viên cơ hữu thực hành viết báo… cũng đã cải thiện tích cực năng lực thực hành và thích ứng môi trường nghề nghiệp của sinh viên.
Để triển khai hiệu quả chương trình đào tạo với định hướng thực hành, việc thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác với các tòa soạn, tổ chức báo chí, truyền thông là rất quan trọng để kết nối đào tạo với yêu cầu thực tiễn, giúp người học tiếp cận hiệu quả với môi trường nghề nghiệp. Và đây là mối quan hệ tương hỗ mà Khoa Báo chí và Truyền thông đã và đang thực hiện, duy trì khá tốt suốt thời gian qua, thể hiện ở 2 phương diện:
Thứ nhất, giảng viên và sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông phối hợp cùng các tòa soạn, cơ quan báo chí cùng thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức, triển khai các hoạt động, các dự án nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo, các sinh hoạt học thuật và nghề nghiệp liên quan của lĩnh vực báo chí truyền thông.
Thứ hai, các tòa soạn, tổ chức báo chí truyền thông tạo điều kiện hỗ trợ cung cấp chuyên gia tham gia giảng dạy, nói chuyện chuyên đề trong chương trình đào tạo và tiếp nhận giảng viên, sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông cùng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, thực tập tốt nghiệp như một phóng viên, biên tập viên tập sự tại đơn vị.
Nắm bắt xu hướng mới trong kỷ nguyên số
Khoa Báo chí và Truyền thông xác định ngoại ngữ là một trong những năng lực cốt lõi trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí hiện đại. Với nền tảng ngoại ngữ vững vàng, sinh viên báo chí không chỉ làm chủ thông tin trong nước mà còn có thể trở thành những cầu nối truyền thông giữa Việt Nam và thế giới. Do đó, ngoài các học phần ngoại ngữ cơ bản mà sinh viên tự trang bị như quy định chung của chương trình cử nhân, Khoa đã và đang từng bước lồng ghép ngoại ngữ chuyên ngành báo chí - từ biên dịch tin bài, phân tích văn bản quốc tế, đến viết tin, tường thuật tin tức bằng tiếng Anh… - đưa vào giảng dạy trong chương trình.
Bên cạnh đó, Khoa Báo chí và Truyền thông cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mời giảng viên, phóng viên nước ngoài tham gia tọa đàm, giao lưu, và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận môi trường báo chí đa ngôn ngữ. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên nâng cao trình độ ngoại ngữ mà còn rèn luyện tư duy hội nhập, khả năng thích ứng trong môi trường truyền thông toàn cầu hóa.
Khoa Báo chí và Truyền thông thảo luận về hợp tác đào tạo và nghiên cứu cùng đại diện Đại học Deakin (Australia) năm 2019.
Khoa Báo chí và Truyền thông thảo luận về hợp tác đào tạo và nghiên cứu cùng đại diện Đại học Deakin (Australia) năm 2019.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Nó đã tác động vào nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội, trong đó có nghề báo. Cuộc cách mạng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin. Trí tuệ nhân tạo đã mang lại cho ngành báo chí những lợi ích to lớn như tăng hiệu suất, tiết kiệm chi phí, phong phú hóa nội dung... Nhưng trí tuệ nhân tạo cũng gây ra những thách thức và rủi ro cho ngành này, như nguy cơ mất việc làm, nguy cơ mất chất lượng, mất uy tín...
Trước bối cảnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí và truyền thông cũng đang diễn ra nhiều thay đổi, thể hiện ở các khuynh hướng sau:
Thứ nhất, khuynh hướng đào tạo các kỹ năng tích hợp để sản xuất các nội dung đa dạng cho tất cả các kênh/ nền tảng khác nhau. Sự tích hợp bao gồm tích hợp kỹ năng của các phương tiện khác nhau (như viết, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, kiểm chứng thông tin, biên tập, xử lý dữ liệu, thực hiện các đồ họa thông tin) và cả tích hợp các kỹ năng của một quy trình làm báo (từ việc săn tin, tư duy đề tài, sáng tạo sản phẩm báo chí, công bố trên các nền tảng truyền thông khác nhau và tương tác với bạn đọc, hiểu kết cấu và ảnh hưởng của kết cấu mạng lưới xã hội đến bạn đọc). Mục đích cuối cùng của chương trình đào tạo là giúp cho người học có thể hoàn toàn chủ động với tất cả khâu trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp.
Thứ hai, khuynh hướng đào tạo kiến thức liên ngành: đây cũng là xu hướng chung của đào tạo đại học. Riêng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, các kiến thức của những lĩnh vực khác đóng vai trò quan trọng giúp người học có kiến thức rộng và sâu, phục vụ cho việc sáng tạo những nội dung đáng tin cậy, có chiều sâu trong mối quan hệ liên ngành với báo chí (ví dụ: các vấn đề bình đẳng xã hội, bình đẳng giới, về văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, khoa học, môi trường...). Hay gần đây, trước những yêu cầu hiểu về công nghệ và dữ liệu, một số chương trình đưa vào các môn học về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, tư duy máy tính để giúp người học am hiểu về cơ chế hoạt động của máy tính và cách phân tích, sử dụng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu lớn) trong báo chí, truyền thông. Hoặc những kiến thức của ngành quản trị và kinh doanh cũng đang được chú trọng trong đào tạo nhà báo, nhà truyền thông theo định hướng mở các doanh nghiệp kinh doanh tin tức hoặc các công ty truyền thông khi tốt nghiệp...
Sinh viên lớp Báo chí K15 Chất lượng cao đến thăm Khoa Truyền thông, Trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).
Sinh viên lớp Báo chí K15 Chất lượng cao đến thăm Khoa Truyền thông, Trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).
Khuyến khích khả năng tự học, tự thích nghi
Có thể thấy, các xu hướng đào tạo trên đều hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí truyền thông có khả năng sáng tạo các phẩm báo chí, truyền thông cho nhiều phương tiện và nền tảng khác nhau, có kiến thức nền và phương pháp luận tốt để có khả năng tự học và tự thích nghi trong các môi trường làm việc đa dạng và biến đổi liên tục. Và đó cũng chính là những khuynh hướng mà chương trình đào tạo báo chí của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang hướng đến.
Bên cạnh các kiến thức lý thuyết nền tảng về báo chí, truyền thông, đạo đức nghề nghiệp, chương trình đào tạo hiện nay đang có tập trung vào những nội dung và cách thức thiết kế xoay quanh các trọng tâm: nâng cao năng lực số và năng lực AI cho giảng viên và sinh viên; tăng cường năng lực ngoại ngữ và phát triển mô hình thực hành, thực tập quốc tế để người học hội nhập quốc tế; định hướng sinh viên học tập liên ngành để có kiến thức, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực khác; phát triển tinh thần khởi nghiệp cho người học - tinh thần khởi nghiệp bao gồm việc hình thành tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và hành động trong môi trường không chắc chắn (chứ không thuần túy chỉ là vấn đề kinh doanh).
Ngoài ra, chương trình đào tạo báo chí của Khoa cũng đang tiến hành nhiều thay đổi khác như: đặt ra mục tiêu phát triển cho người học cả năng lực nghiên cứu, tìm kiếm tri thức mới bên cạnh năng lực thực hành nghề nghiệp; mở rộng các yêu cầu tuyển chọn người học có năng lực toàn diện hơn thông qua các phương án tuyển sinh đa dạng chứ không dựa trên năng lực về khoa học xã hội…
Tuy vậy, trong hơn 30 năm qua, dù rất nhiều cập nhật, thay đổi chương trình đào tạo đã diễn ra, quá trình rà soát, điều chỉnh của Khoa vẫn luôn dựa trên nguyên tắc là duy trì, bảo đảm các nguyên tắc, giá trị cốt lõi của nghề báo, đó là đào tạo người làm báo Việt Nam tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, có năng lực làm nghề, có đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Bắt đầu đào tạo chuyên ngành Báo chí bậc đại học từ năm học 1992-1993, qua hơn 30 năm, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã cung cấp cho thị trường nhân lực báo chí truyền thông hơn 5.000 cử nhân chất lượng, được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Hiện nay, Khoa Báo chí và Truyền thông không chỉ là một đơn vị đào tạo, nghiên cứu mạnh của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mà còn là một trung tâm đào tạo báo chí và truyền thông đa phương tiện tiên tiến, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực này ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam
Đứng trước bối cảnh mới của báo chí kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo, từ nhiều năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông đã định hướng lại chiến lược và triết lý giáo dục theo hướng dẫn dắt người học đến năng lực học tập suốt đời. Theo đó, nhiều tư duy và công nghệ mới về giáo dục đại học chuyên ngành báo chí và truyền thông như module hóa chương trình trình đào tạo, áp dụng chuẩn CDIO để thiết kế chuẩn đầu ra, tái thiết kế khung chương trình và nội dung dạy - học theo hướng tăng cường báo chí thực hành và xây dựng năng lực nghề nghiệp thực tế cho sinh viên. Đầu năm 2016, Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức được công nhận đạt chuẩn AUN-QA (bộ tiêu chí bảo đảm chất lượng đại học khu vực Đông Nam Á). Tháng 12/2023, chương trình đào tạo Báo chí của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức được công nhận đạt chuẩn MOET của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày xuất bản: 21/6/2025
Tổ chức thực hiện: LÊ HỒNG VÂN
Nội dung: Ban Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Trình bày: PHAN THẠCH