
Một trong những nội dung quan trọng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là phần trưng bày giới thiệu về Thanh Niên- tờ báo do Bác Hồ sáng lập ở Quảng Châu. Thế nhưng, hành trình “đi tìm hiện vật” về tờ báo cách mạng đầu tiên đó lại ẩn chứa câu chuyện ít người biết đến…
Hành trình của người đi tìm hiện vật
Nhà báo Trần Kim Hoa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Báo chí kể lại, vào đầu năm 2022, để chuẩn bị cho phần trưng bày về lịch sử 100 của báo chí cách mạng, các cán bộ bảo tàng nghĩ ngay đến việc phải tìm về những dấu ấn của Bác Hồ trong thời kỳ đầu làm báo và hoạt động cách mạng bí mật. Đó cũng là thời điểm rất ý nghĩa: tròn 100 năm (1922-2022) tờ báo Le Paria xuất bản ở Paris là ấn phẩm báo chí đầu tiên gắn liền tên tuổi nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, việc đầu tiên là liên lạc sang Pháp, và sau đó là đi tìm từ các nguồn tư liệu trong nước. Qua rất nhiều lần trao đổi, phía bạn Pháp đã hiểu mục đích của mình và chủ động cho mình liên lạc để khai thác. Và từ sự kết nối đó, họ có được khá đầy đủ một bản scan từ nguồn tư liệu gốc gồm bản chụp ảnh bìa và trang trong số báo Thanh niên số ra ngày 7/11/1925, với hình vẽ Lê-nin trên trang bìa.
Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn tư liệu gốc ấy là vô cùng khó.
Lần theo dấu vết từ những tư liệu có được, cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã phải liên hệ nhiều nơi, từ Trung Quốc, Nhật Bản... là những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng lưu trú và hoạt động. Họ đã đến tận Quảng Châu, nơi Bác Hồ từng chọn làm căn cứ để in ấn các số báo Thanh Niên và từ đó phát hành về nước cũng như tới các căn cứ cách mạng. Nhưng bước đầu, họ cũng không tìm ra manh mối một bản gốc hay thậm chí là một phiên bản vật lý số nào của tờ báo Thanh Niên trong 200 số báo từng xuất bản.
Cán bộ Bảo tàng đã từng qua Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Hội Nhà báo Trung Quốc, trực tiếp nhờ Hội Nhà báo Quảng Đông liên lạc, làm việc với Ban quản ly di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đường Văn Minh ở Quảng Châu thuộc Bảo tàng Lịch sử cách mạng Quảng Châu nhưng tại đây cũng không giữ một tờ bản in gốc nào
Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là di tích văn hóa và lịch sử quan trọng được Thành phố Quảng Châu xác định là Di tích bảo tồn văn vật cấp Thành phố từ năm 1999. Đến năm 2008, Trụ sở cũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được nâng cấp lên thành Di tích bảo tồn văn vật của tỉnh Quảng Đông.
Đầu năm 2022, địa điểm này được trùng tu, phục dựng trong vòng 2 năm, dựa trên ký ức của các nhân chứng và tài liệu lịch sử, các địa điểm như lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam, phòng in báo, phòng ngủ cũng là phòng làm việc của Bác, phòng họp… đã được phục dựng nguyên trạng của thời kỳ đó.
"Chúng tôi đã phải tìm hỏi ở rất nhiều thư viện, cơ quan lưu trữ ở Pháp, hỏi cả Thư viện Quốc gia Pháp nhưng không có. May mắn, cuối cùng các bạn bên Thư viện Quốc gia Pháp mới chỉ cho rằng, hình như có một bản được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp, nhưng các bạn ấy không rõ là bản sao hay bản gốc" - Anh Thân Quang Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người đã cất công liên lạc, tìm kiếm những bản in của tờ báo ở nhiều nơi cho biết..
Cuối cùng, sau nhiều lần tìm kiếm, liên hệ, phía Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp thông báo còn giữ một bản in của báo ra ngày 7/11/1926, cũng là bản gốc duy nhất tại đây.
Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Báo chí có được một tư liệu gốc số báo có đầy đủ cả trang bìa và trang trong của tờ Thanh Niên, để hiểu thêm về chặng đường làm báo của Bác.
Nhà báo Trần Kim Hoa cho biết, đây là lần đầu tiên Bảo tàng Báo chí có được một tư liệu gốc số báo có đầy đủ cả trang bìa và trang trong của tờ Thanh Niên, để hiểu thêm về chặng đường làm báo của Bác.
Cùng với bản in này, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp hiện nay có khoảng 800 trang tài liệu nghiên cứu của mật thám Pháp về Báo Thanh Niên. Trong đó, không thể không kể đến những trang hồ sơ chi tiết về nội dung, hình thức, ảnh hưởng, tác động xã hội của Báo Thanh Niên hồi đó, từ số 1 ra ngày 21/6/1925 đến các số báo sau này.
Nhưng do điều kiện, hiện nay chưa ai nghiên cứu hay dịch những tài liệu này sang tiếng Việt. Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay dù rất mong muốn nhưng cũng chưa đủ nhân lực và kinh phí để sang Pháp sao chụp, chuyển ngữ những trang tài liệu này.

Hiện tại, trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp, khu lưu trữ về Việt Nam có khối lượng tài liệu khổng lồ, với các dãy lưu trữ dài khoảng 4 km, gồm toàn bộ hồ sơ thời thuộc địa, những thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến Việt Nam. Với một khối lượng tài liệu lớn như vậy, cần phải có thời gian và nhân lực tìm hiểu, nghiên cứu và dịch thuật.
Sau một hành trình bền bỉ, có thể nói là rất may mắn, tư liệu gốc quý giá của Báo Thanh Niên, gồm bìa báo và các trang báo nói trên đã được chuyển về Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tham gia nhiều trưng bày chuyên đề của Bảo tàng tại Lễ kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam cũng như các triển lãm lưu động tại nhiều địa phương trong cả nước suốt nhiều tháng qua.. Hai trang báo này đều được vẽ và viết tay hoàn toàn từ măng-sét, tranh minh họa cho đến bài viết, trình bày bằng cả tiếng Hán và tiếng Việt.
Và như vậy, những câu chuyện, hình ảnh, tư liệu quý giá và hiếm hoi về tờ báo Thanh Niên với một sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà chúng ta có được, vẫn từng ngày nhắc nhớ những thế hệ nhà báo hôm nay về câu chuyện khởi đầu đầy tự hào của báo chí cách mạng tròn một thế kỷ trước, về vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc - một nhà báo cách mạng xuất sắc, người thầy, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam!

Làm báo trong… bí mật
Chính vì câu chuyện gian nan đi tìm bản gốc tờ báo cách mạng đầu tiên đó, các cán bộ ở Bảo tàng Báo chí nhận ra những điều hết sức xúc động về việc làm báo thời kỳ đầu của Bác Hồ - một nhà báo cách vĩ đại.
Những tư liệu lịch sử của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho thấy, Báo Thanh Niên được in ấn, phát hành trong điều kiện vô cùng cam go, nguy hiểm. Tai mắt của mật thám Pháp giăng khắp nơi, nhất cử nhất động của Bác Hồ khi đó đều được chụp lại, ghi lại. Chính vì thế, mỗi một tờ báo được chuyển đi đều phải hết sức bí mật, đến tay người đọc xong đều phải tiêu hủy ngay lập tức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nghiên cứu Báo Thanh Niên với các đồng chí tại Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nghiên cứu Báo Thanh Niên với các đồng chí tại Tổng bộ Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội.
Hành trình đi tìm tờ báo này vô cùng vất vả. Do thời điểm ra đời tờ báo cách đây rất lâu, lại trong tình trạng thiếu thốn, hoạt động bí mật, và nhà cầm quyền coi đó là một tài liệu chống chính quyền cho nên truy tìm rất gắt gao cả người xuất bản lẫn người lưu hành. Các bản báo đến tay người đọc không được lưu giữ mà phải hủy sau khi đọc xong, cho nên các bản in vô cùng hiếm, nếu như không nói là gần như không còn. Thậm chí có những tờ báo còn ghi chú dòng chữ ‘đọc xong đốt ngay’, cho nên khó có thể giữ được cho đến ngày nay.
Bản thân căn nhà trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu, nơi xuất bản tờ báo cũng phải có lối thoát hiểm sang các nhà bên cạnh và ở phía sau trong trường hợp bị mật thám theo dõi, bao vây…
Lúc này, Bác được mật thám Pháp “chăm sóc” rất kỹ, gần như có một đội mật thám riêng chỉ chuyên theo dõi Người. Chính quyền Pháp theo dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh chặt chẽ, từ khi “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm gửi Hội nghị Versaille (ngày 18-6-1919). Anh Thân Quang Minh kể lại: “Trong hồ sơ mật thám về Bác, nhật ký được ghi vô cùng chi tiết, cùng với rất nhiều ảnh chụp trộm Bác”.
Báo Thanh Niên được viết tay bằng bút thép trên trang giấy sáp, in mỗi kỳ trên 100 bản tại cơ sở bí mật ở Quảng Châu, Trung Quốc. Thời gian đầu, báo ra một tuần một kỳ, về sau do điều kiện khó khăn nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, khi 5 tuần. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo dưới cái tên Lý Thụy.
Măng sét báo viết hai chữ Thanh niên bằng tiếng Hán và tiếng Việt. Góc trái mỗi tờ báo là ngôi sao 5 cánh, trong đó ghi số báo. Phần lớn là 2 trang, một số ít ra 4 trang, khổ giấy trung bình 13cm x 19cm.
Trong thời gian gần 5 năm, Báo Thanh niên đã xuất bản 202 số, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, số 202 ra ngày 14/2/1930.
Ngày 5/2/1985 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52/QĐ-TW, lấy ngày 21/6 hằng năm làm ngày Báo chí Việt Nam.
Nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ, việc tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu về chặng đường làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc từ đầu thế kỷ đã cho thấy Bác là một nhà báo giỏi về nhiều mặt. “Bác làm tất cả mọi việc từ làm báo cách mạng, kinh tế báo chí, cho đến các vấn đề về xuất bản, in ấn, Bác đều là bậc thầy” – chị Kim Hoa nhận xét.
Tiếp tục tìm kiếm bản gốc các số báo Thanh niên
Những tư liệu quý mà Bảo tàng Báo chí có được cho đến nay về hành trình làm báo hồi đầu thế kỷ của nhà báo Nguyễn Ái Quốc, một phần là từ bộ sưu tập tư liệu của nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, một cây bút lão thành của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Hồng Hà từ ngay sau năm 1975 đã sang Pháp nghiên cứu, tìm hiểu về Nguyễn Ái Quốc giai đoạn hoạt động ở Pháp, tìm gặp cả các nhân chứng. Những tư liệu, nghiên cứu của nhà báo Hồng Hà về Bác giai đoạn này là vô cùng quý giá và rất sớm tính đến nay. Tập bản thảo về thời thanh niên của Bác là do gia đình ông tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Năm 1925, tờ báo được xuất bản tại căn nhà là Trụ sở Quốc tế cộng sản đặt tại 13 đường Văn Minh, nay là số 250, Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh đã tham gia sáng lập và đồng hành cùng tờ báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn tầng 3 của căn nhà Trụ sở Quốc tế cộng sản làm lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cho 75 cán bộ cách mạng Việt Nam. Đây là nơi học tập, đồng thời cũng là nơi ăn ở cho các học viên. Chính những bài giảng của Bác được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”- một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiện tại, việc tìm kiếm những tư liệu, tài liệu, bản gốc của Báo Thanh Niên cũng như những tờ báo mà nhà báo Nguyễn Ái Quốc thực hiện hồi đầu thế kỷ 20 vẫn đang tiếp tục. Bảo tàng Báo chí hiện nay đã có được các tư liệu liên quan đến ba tờ báo Bác làm ở nước ngoài là Le Paria, Thanh Niên và Việt Nam hồn. Nhưng mong mỏi lớn nhất của các cán bộ Bảo tàng vẫn làm làm sao tìm được một bản in gốc của tờ Thanh Niên, tờ báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn cá nhân hay tổ chức nào, biết có thông tin hoặc đang nắm giữ một trong số những bản in của tờ báo Thanh Niên sẽ liên hệ với Bảo tàng. Có được bản in đó đưa về Việt Nam, nhất định đó sẽ là Bảo vật quốc gia” – nhà báo Trần Kim Hoa bày tỏ.
Báo Thanh niên và các hiện vật ghi dấu sự ra đời của Báo Thanh Niên tại Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Mạc Luyện - PV TTXVN tại Trung Quốc
Báo Thanh niên và các hiện vật ghi dấu sự ra đời của Báo Thanh Niên tại Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Mạc Luyện - PV TTXVN tại Trung Quốc
Báo Thanh niên bản phục chế được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Đường Cách mạng – Đồng chí Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Nhà tưởng niệm Khởi nghĩa Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Mạc Luyện - PV TTXVN tại Trung Quốc
Báo Thanh niên bản phục chế được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Đường Cách mạng – Đồng chí Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Nhà tưởng niệm Khởi nghĩa Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Mạc Luyện - PV TTXVN tại Trung Quốc
E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung HỒNG MINH, TUYẾT LOAN
Tư liệu: Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ảnh: TUYẾT LOAN, HƯƠNG SEN, Tư liệu
Trình bày: VÂN THANH