Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) và Omega Việt Nam. Ông đồng thời là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC), đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG – ABG Young Leaders Program.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cảnh Bình cũng là một dịch giả, diễn giả nổi tiếng về lĩnh vực sách doanh nhân thế giới gắn với thương trường. Luôn quan tâm và muốn đóng góp cho thế hệ tương lai, ông đã xây dựng, phát triển nhiều chương trình đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng như Hành Trình Tri Thức, Cùng Đọc Sách, Đại sứ Văn Hóa Đọc... và sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG, tạo cơ hội phát triển cho các bạn trẻ có nhiều hoài bão, cống hiến.

"Tôi không biết tình yêu sách của mình bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã thấy xung quanh toàn sách vở... Và tôi đã trưởng thành nhờ sách."

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình

Hương Trang: Thưa ông Bình, được biết ông đã từng làm trong lĩnh vực dầu khí. Vậy điều gì ở sách đã thu hút ông đến như vậy để chuyển qua ngành này, nếu như không đề cập đến những con số về mặt doanh thu hay lợi nhuận?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Xin cảm ơn Hương Trang và xin chào các khán giả của Cà Phê Nhân Dân.

Hành trình của tôi với sách là một hành trình dài, nó bắt đầu từ khi tôi còn rất bé, mới bắt đầu biết đọc, biết viết. Xã hội bao cấp ngày ấy nghèo túng và chật chội, rất ít sách vở. Nhưng có một may mắn là chính bố mẹ đã mang cho tôi những cuốn sách vô cùng hiếm hoi trong giai đoạn đó. Mẹ tôi khi đó làm công tác cán bộ của trường Đại học Dược Hà Nội, bà cũng là một người thích đọc sách. Tôi không biết tình yêu và thói quen đọc sách của mình bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã thấy xung quanh toàn sách vở bố mẹ mang về. Và tôi đã trưởng thành nhờ sách. Lớn lên, tôi học giỏi các môn Tự nhiên, đó cũng là lý do vì sao tôi học Đại học Bách Khoa Hà Nội và sau đó làm việc 5 năm ở tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex.

Càng học, càng làm, tôi càng nhận thấy bể trí thức thật sự mênh mông, bát ngát. Tôi cũng thấy sách vở, trí thức hấp dẫn mình hơn rất nhiều so với những câu chuyện về xăng dầu, về kinh doanh. Đến khoảng năm 1998 - 2000 tôi bắt đầu tập viết, tôi viết báo, viết những bài nghiên cứu, dịch sách và được những giải thưởng cuộc thi (như giải Nhất cuộc thi viết về Ấn Độ, giải Nhì viết về lịch sử văn hóa của Hàn Quốc,...). Tôi bắt đầu dịch những cuốn sách nhỏ, viết những bài báo nhỏ cho tờ báo Tia Sáng và tờ báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao,... Cứ thế đến năm 2000, tôi được trao giải thưởng lớn. Từ đó tôi tự hỏi rằng liệu mình có thể rời khỏi công việc kỹ thuật mà dường như không phải sở trường để theo đuổi một công việc liên quan tới sách vở và nghiên cứu.

Năm 2001 - 2002, tôi rời khỏi cơ quan nhà nước, đến năm 2004 thì thành lập Alphabook như hiện nay. Tôi thấy hành trình mình đi khác biệt với mọi người. Nhiều người thường học ngành báo chí hay văn học chuyển sang xuất bản. Tôi là dân kỹ thuật, nhưng giàu tình yêu với sách và xa hơn tôi thấy giá trị của tri thức đối với sự phát triển của con người, của cộng đồng. Vì thế tôi quyết định rời bỏ và chọn một con đường mới.

Hương Trang: Rõ ràng việc được tiếp xúc và thắp lửa đam mê với sách ngay từ thời điểm còn ở những bước đầu tiên của cuộc đời đã khiến ông Nguyễn Cảnh Bình có niềm ham thích đặc biệt với việc đọc sách và sau này là viết sách. Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với ngành xuất bản, để lựa chọn 3 dấu mốc đáng nhớ nhất trên hành trình này, ông sẽ chọn gì?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Dấu mốc đáng nhớ đầu tiên của tôi chính là viết sách, theo đuổi giá trị trí thức. Ban đầu không hề nghĩ rằng mình sẽ phải thành lập một doanh nghiệp làm sách đâu mà chỉ thấy những giá trị trong sách, vì thế tôi dành tâm sức, tâm huyết để viết sách. Tác phẩm tôi viết lúc bấy giờ là "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?". Tôi bắt tay vào viết năm 2000 - khi tôi 28 tuổi và khi bản thân không phải là dân học luật, cũng chưa từng đi Mỹ trước đó. Vậy mà đã viết một tác phẩm 800 trang, và cho đến giờ vẫn là một trong 10 cuốn sách tham khảo tuyệt vời nhất cho những người nghiên cứu về luật hiến pháp và tổ chức nhà nước. Chính tình yêu với sách vở và những bước đi đầu tiên ấy đã khơi dậy cho tôi mong muốn lớn lao hơn. Tôi nghĩ rằng nếu mình chỉ viết sách thì có lẽ một năm sẽ viết được một, hai cuốn. Nhưng nếu lập một công ty xuất bản, mình sẽ lan tỏa tri thức tốt hơn nhiều.

Tôi quyết tâm đến với dấu mốc thứ 2, vào năm 2004. Tôi thành lập một đơn vị xuất bản, là tiền thân của Alphabooks. Năm 2004 - 2005 khi mở công ty, chúng tôi mới xác định cho mình một chiến lược, đó là làm sách về quản trị kinh doanh và cũng là đơn vị tiên phong trong mảng này. Tôi tin rằng đất nước mình khi mở cửa sẽ phải hội nhập nhiều hơn nữa, kinh tế của các công ty phải được phát triển, muốn vậy các doanh nghiệp phải hình thành nuôi dưỡng trí thức về mặt quản trị. Chúng ta có tiền, có sức mạnh, có ý chí có tinh thần khởi nghiệp, nhưng nếu thiếu tri thức thì doanh nghiệp đó cũng không phát triển được. Vì thế tôi quyết tâm rằng, chiến lược trong suốt 10 năm đầu tiên của chúng tôi là đầu tư thúc đẩy mảng kinh doanh về sách về quản trị khởi nghiệp. Và may mắn chúng tôi được cộng đồng doanh nhân đón nhận rất nhiều trong giai đoạn đó.

Dấu ấn cuối - cũng là một thành công với tôi, là vào năm 2016 tôi thành lập công ty Omega. Tôi nhận thấy rằng mọi thứ giống như Tháp Maslow. Con người ta đủ ăn mặc rồi thì sẽ đòi hỏi và mong đợi những thứ khác hơn. Họ cần tri thức, văn hóa, âm nhạc, hội họa,... Vì vậy tôi thành lập Omega và đến giờ vẫn tự hào rằng đây là một trong những công ty đạt được giải thưởng sách quốc gia nhiều nhất hiện nay. Chúng tôi nổi trội ở mảng sách về tri thức, về tinh hoa, những cuốn sách về âm nhạc, hội họa, học thuật, nghiên cứu kinh điển,... Bởi tôi nghĩ rằng cuộc sống cần đa dạng, kiếm tiền làm giàu là đúng, nhưng chúng ta còn cần nhiều thứ hơn thế.

Đó là 3 dấu mốc mà tôi cho là vô cùng đáng nhớ của mình trên hành trình này.

Hương Trang: Vậy đối với ông thì rào cản lớn nhất cho ngành xuất bản ở thời điểm AlphaBooks mới ra đời và bây giờ khác nhau như thế nào?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Thật khó để nói được thế nào là rào cản lớn nhất. Tùy vào từng con người, từng giai đoạn, từng công việc cụ thể mà có những rào cản khác nhau. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng có vài rào cản lớn cần kể tới.

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Thứ nhất là về thị trường. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu là một quốc gia hiện đại, buộc lòng tri thức văn hóa cũng phải hiện đại tương xứng. Chúng ta không thể có một cuộc sống gọi là đầy đủ nếu chỉ thuần túy có vật chất mà thiếu đi văn hóa và tinh thần. Rất tiếc, so với những quốc gia văn minh thì tỷ lệ số người đọc sách hoặc số sách xuất bản tại Việt Nam chưa cao. Cho nên rào cản lớn nhất với chúng tôi vẫn là thị trường. Làm thế nào nuôi dưỡng và phát triển được tình yêu sách của người dân Việt Nam nói chung là điều cần trăn trở.

Khó khăn trở ngại thứ hai đối với chúng tôi là sách lậu rất nhiều, cả sách giấy và sách số. Gần đây tôi cũng rất vui mừng khi chính phủ thúc đẩy chống hàng nhái, hàng giả. Các bạn hình dung nó kinh khủng đến mức nào khi chúng ta nhìn thấy những kho có hàng vạn, hàng triệu cuốn sách lậu, có cả sách giáo khoa,... Nó cũng tương tự như thuốc giả, sữa giả, tàn phá đi nền sản xuất thật của chúng ta.

Cuối cùng là một số rào cản về thủ tục hành chính, điều mà lại một lần nữa làm tôi cảm thấy vui mừng khi Nghị quyết 68 được ban hành. Tôi mong muốn rằng mình cũng bình đẳng với các nhà xuất bản nhà nước để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của trí thức Việt.

"Tôi ước mơ một ngày nào đó chúng tôi cũng có thể tham gia vào làm Sách giáo khoa. Chúng tôi muốn mang lại những cuốn sách giáo khoa chất lượng hơn, giá rẻ hơn, hiện đại hơn cho trẻ em Việt Nam."

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình

Hương Trang: "Chúng tôi không bán sách, chúng tôi bán kiến thức quản trị vượt trội của các tập đoàn hàng đầu". Đó là câu slogan của Alphabook, đúng không ạ? Và cụ thể theo ông Bình thì đâu là những kỹ năng và tố chất quan trọng mà thế hệ lãnh đạo trẻ cần phải trang bị, để có thể thành công trong lĩnh vực kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất bản nói riêng?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Chính xác thì có rất nhiều kỹ năng cần thiết. Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại một điều nữa, đó là đạo đức và ý chí là thứ quan trọng nhất! Nếu anh có đạo đức tốt, nhìn về những điều tốt lành, cộng với ý chí hướng đến những mục tiêu lớn lao, thì anh sẽ có thể bù đắp bằng việc nỗ lực để hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày.

Tuy nhiên nếu nói về kỹ năng cụ thể thì tôi cho rằng những bạn trẻ nên có kỹ năng làm việc một cách hiệu quả. Tư duy, sáng tạo, đổi mới và nâng cao năng suất làm việc, đối với tôi là quan trọng nhất. Tôi nhận thấy các bạn trẻ ngay trong công ty tôi, chỉ khoảng 25 tuổi, nhưng khiến tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người hơi mắc "bệnh hành chính", máy móc.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, đặc biệt AI phát triển nhanh chóng, những văn bản giấy tờ bình thường AI có thể làm được hết rồi. Những hoạt động trong ngành xuất bản trí tuệ nhân tạo đã, đang và sẽ thay thế trong tương lai gần. Nhưng có một thứ mà AI chưa thể làm được, đấy là sự sáng tạo đổi mới và nỗ lực quyết tâm để có thể hình dung ra những dòng sản phẩm. Điều mà các bạn trẻ đang làm hiện nay dường như mới chỉ là chăm chỉ, mà thiếu đi sự sáng tạo, đổi mới trong lao động.
 

Hương Trang: Thực sự thì sự đổi mới sáng tạo có thể cũng đến từ tố chất bên trong. Chẳng hạn như ông Nguyễn Cảnh Bình, ngay từ nhỏ đã có những sự khác biệt ở trong tính cách..?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đúng vậy. Nhớ lại những buổi trò chuyện của mình với các bạn sinh viên, các bạn trẻ, các doanh nghiệp. Tôi mới thấy, mình bắt đầu đã khác biệt với mọi người từ những năm tháng học cấp 2, cấp 3 chứ không chỉ bây giờ.

Ví dụ như việc làm bài kiểm tra môn toán, bình thường chúng ta đều làm từ 1-5 theo độ khó tăng dần, câu 5 thường là câu khó nhất. Tất nhiên là 99% mọi người sẽ làm từ dễ đến khó. Tôi hay đặt cho mình những thách thức và những thứ khác biệt, đôi khi tôi sẽ làm bài từ 5 đến 1.

Rồi khi đi học cùng bạn thân, từ cấp 1 tôi đã rủ cậu ấy, mỗi khi có nhiều thời gian chúng ta hãy tìm một con đường khác để về nhà. Có thể đi vòng cũng được, đi xa cũng được, nhưng hãy để cho tầm nhìn tràn đầy sự thú vị, mới mẻ. Nên sau này tôi hướng dẫn các bạn nhân viên rằng không phải nhất thiết các em phải đi trực diện một lối mòn nào đó. Đôi khi, tất nhiên tôi dùng từ đôi khi thôi, các bạn có thể đi những con đường khác để tìm ra kết quả.

Cho nên tôi nghĩ rằng sự sáng tạo đổi mới phải bắt nguồn từ con người từ khi còn trẻ, vượt ra khỏi khuôn mẫu thông thường mới có thể thúc đẩy được tư duy và hoạt động này.

Hương Trang: Rõ ràng ông Nguyễn Cảnh Bình là một người có cá tính khá mạnh. Thậm chí ông còn từng nhận mình là "một học sinh cá biệt" trong những năm tháng phổ thông. Ông khác những bạn bè cùng trang lứa bởi nghĩ rằng việc kiếm tiền quan trọng hơn. Vậy điều này liệu có hơi trái ngược với thời điểm hiện tại, khi mà ông khuyên giới trẻ nên tiếp cận tri thức qua việc đọc sách hay không?

Ông Nguyễn Cảnh Bình:  Thực ra tôi nói "học sinh cá biệt" của tôi là không học theo một lối truyền thống. Thông thường lứa chúng tôi khi đó xem thi đại học là con đường duy nhất để có thể thành công, các bạn tôi luyện thi Đại học rất nhiều. Còn riêng tôi, từ năm lớp 11, tôi đã bắt đầu không học bộ đề, tôi đã phản đối và thử nghiệm bằng cách không học thêm. Tôi dành rất nhiều thời gian trong việc đọc sách, những cuốn sách dạy về quản trị kinh doanh, về lịch sử, về văn hóa thế giới,... giúp tôi khi đó chỉ cấp 3 thôi nhưng lượng kiến thức tôi có được đã khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Song song với đó, tôi ra chợ giời mua bóng điện tử về định mày mò học nghề vô tuyến điện tử.

Thời xưa xã hội bao cấp ngày xưa nghèo khó quá. Tôi nhìn thấy cha mẹ của tôi nhiều tuổi hơn bố mẹ của các bạn. Khi tôi cấp 3 và chuẩn bị làm sinh viên thì bố mẹ tôi đã về hưu hết rồi, gia đình cũng vất vả, nên khao khát, mong muốn kiếm tiền để vượt khó khăn luôn luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi. Và tôi luôn nghĩ rằng kiếm tiền một cách chân chính là điều đúng đắn. Đó là lý do vì sao từ năm lớp 11 tôi đã viết bài trên báo Tiền Phong rằng thanh niên không chỉ biết học, biết thi mà còn phải biết kiếm tiền. Nhưng khi đó cái khao khát trong tôi chỉ là làm xà phòng, lắp bóng bán dẫn, sửa TV điện tử,... để kiếm tiền cho gia đình mình. Tôi nghĩ rằng học rồi cuối cùng các bạn vẫn phải học kỹ năng, học kiến thức để quay lại làm việc.

Muốn kiếm tiền thì then chốt đầu tiên vẫn là có tri thức. Tôi vẫn nói lại là thời tôi còn trẻ, tôi vẫn có trí thức, chẳng qua đó không phải học thuần túy trên ghế nhà trường. Sau này trong cuốn sách Tự truyện 1972 tôi có nói "cho đến năm tôi 30 tuổi, tôi chưa gặp ai đọc nhiều như tôi".

Hương Trang: Giới trẻ ngày nay thích tiếp xúc với những nội dung nhanh, thậm chí là chỉ thích xem những video thu hút họ ngay từ những giây đầu tiên thôi. Điều này cũng hạn chế mục tiêu đọc hết một cuốn sách. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Chúng ta cũng phải nhìn một cách công bằng hơn. Không phải chỉ xã hội Việt Nam, xã hội Mỹ hay xã hội nào cũng vậy, cũng sẽ có những con người khác nhau. Ngay cả thời xưa thời bao cấp, có người thích đọc sách, cũng có người không thích. Và bây giờ cũng vậy thôi.

Tôi chỉ giải thích thêm về sự khác biệt của những ai đọc sách. Khi các bạn đọc sách, nó như một bài tập luyện não chứ không chỉ là đọc kiến thức. Chúng ta rất dễ nhầm lẫn rằng đọc sách chỉ để có kiến thức. Bây giờ chúng ta xem video, đọc mạng xã hội,... cũng là có kiến thức; nhưng khác biệt là khi các bạn đọc một cuốn sách dày, đòi hỏi sự tập trung, kiên nhẫn và đào sâu suy nghĩ. Vì thế tôi nói lại một lần nữa, trong xã hội hiện đại sẽ có những bạn thích đọc thông tin ngắn. Tuy nhiên vẫn sẽ có những người vượt trội lên bằng việc tập luyện trí tuệ của mình với những cuốn sách 500 trang, 700 trang. Chính những thứ như vậy mới tác động vào não bộ, khiến họ trưởng thành, vượt trội và khác biệt rất nhiều.

Hương Trang: Trong thời buổi hiện tại, khi mà công nghệ đang chiếm hữu phần lớn, sách điện tử cũng vậy; Alphabooks đã làm gì để có thể níu chân được đối tượng độc giả thích sách giấy?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đây là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là một cơ hội rất lớn. Nếu chúng ta nhìn xa trên thế giới, một trong những cú hích đối với sách điện tử chính là sự kiện Jeff Bezos lập ra Amazon năm 1994. Tôi so sánh điều này với việc Việt Nam có hệ thống đường cao tốc, sự luân chuyển hàng hóa sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, với chi phí thấp. Chỉ có điều hiện Việt Nam vẫn chưa có một "hệ thống đường cao tốc cho sách điện tử".

Chúng tôi đang nỗ lực làm hai việc. Một là nỗ lực sử dụng công nghệ để đưa ra những sản phẩm sách nói, audio, e-book,... và chuyển hóa chúng thành sản phẩm dễ đọc hơn. Ví dụ như tóm tắt sách thành 15 phút hoặc những sản phẩm khác. Xa hơn chúng tôi sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để có thể hỗ trợ cho sản phẩm có hình thức tốt hơn. Việc thứ hai, chúng tôi cũng mong muốn đóng góp vào quá trình hình thành một hệ thống đường cao tốc cho sách. Tôi cũng rất vui khi vừa rồi hàng loạt những Nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết về kinh tế tư nhân, đặc biệt về khoa học công nghệ được ban hành. Đất nước Việt Nam muốn phát triển, nhất định phải có kinh tế tư nhân, nhất định phải có khoa học công nghệ. Muốn có khoa công nghệ thì phải có tri thức để sản sinh, để phát triển công nghệ. Vậy nên, tôi cũng mong muốn với bước chuyển này chúng ta sẽ sớm có một trục cho hệ thống tri thức số.

Tôi dùng từ "tri thức số" bởi vì nó không chỉ là sách điện tử. Tôi luôn muốn làm sao để sinh viên Việt Nam không chỉ đọc giáo trình, mà được đọc những luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Harvard, trường MIT, trường Stanford. Làm thế nào trường Bách Khoa cập nhật với thế giới muốn đi nhanh với thế giới, sinh viên trường Bách Khoa phải bắt nhịp Xem những đề án, những luận văn của sinh viên trường MIT, của Stanford,... Muốn vươn tới những công nghệ hiện đại, ngay từ khi còn là học sinh phổ thông và sinh viên, các bạn phải tiếp cận với những tri thức hiện đại nhất, để rồi sau này áp dụng được những kiến thức đó để làm ra những máy móc, sản phẩm, dịch vụ hiện đại nhất.

"Tôi luôn mong sinh viên Việt Nam được tiếp cận với tri thức hàng đầu thế giới..."

Doanh nhân Nguyễn Cảnh Bình

Hương Trang: Quả thực là phải là một người đứng đầu rất văn minh, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm thì mới nhìn thấy được cơ hội trong chính những thách thức. Và đó phải chăng là "khát vọng sống của kẻ đi ngược chiều" - tên một cuốn sách cũng rất nổi tiếng của ông Nguyễn Cảnh Bình?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi cũng hy vọng như vậy. Khi chúng ta đọc những cuốn sách hay tuyệt vời, nghĩa là chúng ta được "trò chuyện" với những bộ não vĩ đại. Tôi may mắn được "trò chuyện" những người như vậy. Từ Aristotle, từ Platon,... và sau này là những người hiện đại như là Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk,... Nếu các bạn đã được nhìn ngắm tri thức, tư tưởng, tinh thần của họ, thì rồi bạn cũng sẽ có động lực khao khát vươn lên.

Và trí thức sẽ khơi nguồn sáng tạo, khơi nguồn cho những giấc mơ lớn, mà tôi tin rằng chỉ bằng cách như vậy, người Việt Nam mới có thể vươn lên sánh vai với thế giới. Tôi mong muốn một thế hệ trẻ có trí thức, có kỹ năng, có trình độ và có ý chí gắn bó với tinh thần, văn hóa dân tộc. Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh lại, họ phải có tri thức hiện đại nhất, phải được tiếp cận với những nền văn minh hiện đại nhất. Rồi thông qua những sự trưởng thành, xây dựng doanh nghiệp, họ biến những ý tưởng ấy thành hiện thực. Tôi luôn luôn tin như Steve Jobs hay Elon Musk nói: "Mọi sản phẩm và dịch vụ phải hiện hữu trong đầu của những nhà lãnh đạo, của những doanh nhân trước khi nó biến thành hiện thực".

Hương Trang: Một câu hỏi nhỏ cuối cùng dành cho ông, đó là có rất nhiều quan điểm về sách: Có người nói sách như là người thầy, có người nói sách như là người bạn. Vậy đối với riêng ông Nguyễn Cảnh Bình thì sách đối với ông như điều gì?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi nghĩ là cả hai. Sách như một người thầy, sách như một người bạn, nhưng sách cũng như một đứa con tinh thần. Tôi có những quyển sách như thế. Nó truyền bá, ghi lại những dấu ấn, suy nghĩ, mong muốn của mình với thế hệ trẻ. Với tôi, sách có thể là tất cả.

Hương Trang: Xin cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của ông Nguyễn Cảnh Bình trong chương trình hôm nay!

  • Ngày xuất bản: 17/6/2025
  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Khánh Sơn
  • Thực hiện: Mai Huyên - Đức Hạnh - Hương Trang
  • Trình bày: Hương Trang
  • Video: Xuân Thắng
  • Quay phim: Ngọc Tú - Tiến Anh - Quang Nghĩa