
TRẦN ĐỨC ANH
(sưu tầm, tổng hợp, nghiên cứu)
Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng tiền khởi nghĩa (trước năm 1945) đã hình thành và phát triển như một lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Đây cũng là thời kỳ báo chí Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Đa dạng các tờ báo
Báo chí cách mạng trước năm 1945 hoạt động với nhiều phương thức linh hoạt, sáng tạo, tùy vào từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Khi điều kiện cho phép, các tờ báo được xuất bản công khai; khi bị kìm kẹp, kiểm soát gắt gao, báo chí lại chuyển sang hình thức bí mật, hoặc bán công khai. Chính sự linh hoạt ấy đã giúp báo chí cách mạng tồn tại, phát triển và lan rộng khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi.
Trung ương Đảng đã trực tiếp chỉ đạo xuất bản nhiều tờ báo, tạp chí tiêu biểu như: báo Dân chúng (1938), Tạp chí Cộng sản (1941), báo Cờ Giải phóng (ra số đầu ngày 10/10/1942)... Đây đều là những ấn phẩm có giá trị to lớn trong việc lan tỏa tư tưởng cách mạng, củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, góp phần tạo nên khí thế tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Đặc biệt, báo Dân chúng - tờ báo cách mạng xuất bản công khai tại Sài Gòn có số lượng độc giả lớn nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ. Trên Báo Dân chúng số 1 ra ngày 22/7/1938, đã đăng tuyên bố về việc “Dân chúng ra đời”: “Đứng trước tình thế nghiêm trọng ngày nay, chúng ta có biết bao công việc phải làm để binh vực lấy ta trong sự tiến hóa. Chúng ta phải giữ gìn lãnh thổ chúng ta trước sự xâm lấn của Nhựt bản. Chúng ta phải mở mang nền Kỹ nghệ xứ ta cho được phồn thịnh. Chúng ta phải dìu dắt các bạn dốt nát lên đường văn minh tiến bộ. Chúng ta làm sao cho mỗi người dân xứ nầy đều biết đặng cái gì gọi là giá trị đời người. Vì những phận sự lớn lao ấy, Dân chúng nguyện làm cơ quan chung cho những ai muốn xứ Đông Dương khỏi phải chìm đắm trong vòng tối tăm cùng khổ”.
Dù thường xuyên bị thực dân Pháp đàn áp, các tổ chức Đảng cấp xứ ủy vẫn nỗ lực phát hành báo chí phục vụ công tác tuyên truyền. Xứ ủy Bắc Kỳ có báo Giải phóng (cuối 1939), báo Đời nay (12/1938 đến 9/1943), báo Tiếng súng khởi nghĩa (6/1945). Xứ ủy Trung Kỳ có tờ Bẻ xiềng sắt (cuối 1940), Cứu Quốc (cuối 1941). Xứ ủy Nam Kỳ có báo Tiến lên (giữa 1940), báo Giải phóng (1941),…
Đoàn bán báo tham gia mít-tinh ngày 1/5/1938.
Đoàn bán báo tham gia mít-tinh ngày 1/5/1938.
Cùng thời điểm, một số tổ chức Đảng cấp liên tỉnh ủy cũng được thành lập và ra báo nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng tại các địa phương. Đầu năm 1941, Liên tỉnh ủy Hậu Giang (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc) xuất bản tờ Chiến đấu làm cơ quan tuyên truyền và lãnh đạo phong trào. Đến đầu năm 1942, Liên tỉnh ủy miền Đông Nam Bộ (gồm Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Sài Gòn) cũng cho ra đời tờ Giải phóng, cổ vũ cho phong trào Việt Minh ở Nam Kỳ. Tháng 10/1943, Ban cán sự miền Đông tiếp tục ra báo Giải phóng, và đến tháng 5/1945, Ban cán sự Đảng Nam Kỳ phát hành các tờ Độc lập và Giải phóng, giữ vai trò là cơ quan ngôn luận chủ lực của Đảng và Việt Minh tại khu vực này.
Ngoài các tờ báo của Trung ương, Xứ ủy, Liên tỉnh ủy, hầu hết các tỉnh, thành ủy đều xuất bản báo bí mật: Hà Nội có Báo Hồn nước (cuối 1944 đến 8/1945), Hà Nam có Báo Quyết chiến (5/1945), Nam Định phát hành báo Tiến lên (từ 10/1939), Tỉnh ủy Thái Bình ra tờ Chuông Việt Nam, Ban cán sự tỉnh Ninh Bình xuất bản tờ Hoa Lư (1943), Đảng bộ Bắc Giang ra báo Phục quốc (1/1941), Ban cán sự Đảng Bắc Ninh ra báo Hiệp lực (3/1944)… Thanh Hóa có các báo Tự do (khoảng năm 1941), Bạn đường (1942), Gái ra trận (9/1942), Nghệ An có tờ Tân tiến (12/1939) sau đổi tên thành tờ Cởi ách, Tỉnh ủy Thừa - Thiên - Huế ra báo Vì nước (1942),…
Nhiều tờ báo ra đời hướng tới đẩy mạnh phong trào cách mạng trên cả nước.
Nhiều tờ báo ra đời hướng tới đẩy mạnh phong trào cách mạng trên cả nước.
Bên cạnh hệ thống báo của tổ chức Đảng, Mặt trận Việt Minh cùng các đoàn thể quần chúng cũng thiết lập mạng lưới cơ quan ngôn luận riêng, nhằm thu hút đông đảo quần chúng tham gia phong trào kháng chiến, cổ vũ tinh thần đoàn kết và tuyên truyền đường lối của cách mạng. Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu tiên.
Báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt lập) ra số 1, ngày 1/8/1941, ban đầu là cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau trở thành cơ quan của Liên tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn (từ số 229 đến số 286). Bắt đầu từ số 287 đến số 325 là cơ quan của 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Bấy giờ, lực lượng vũ trang có Báo Bắc Sơn, Báo Tiếng súng reo, Báo Quân giải phóng…
Khi nhà cách mạng cũng là nhà báo
Chính trong môi trường báo chí cách mạng ấy, nhiều nhà hoạt động yêu nước, nhà lãnh đạo cách mạng đã cầm bút, sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu để truyền bá tư tưởng, định hướng dư luận và tổ chức phong trào. Những tên tuổi như Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy… không chỉ là những người hoạch định chiến lược cách mạng mà còn là những cây bút xuất sắc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”. Để làm được điều đó không gì tốt hơn là nhà cách mạng chính là nhà báo.
Trong quá trình hoạt động cách mạng trước 1945, do bị thực dân Pháp kiểm soát gắt gao, nhiều lúc phải làm báo trong bí mật, việc xây dựng các tờ báo và đội ngũ cán bộ làm báo gặp nhiều khó khăn, chính vì thế những cán bộ chủ chốt của Đảng thời kỳ này đồng thời là những người phụ trách các tờ báo lớn của Đảng và Mặt trận từ Trung ương đến địa phương.
Tại Sài Gòn, Báo Dân chúng do đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo tòa soạn, Tạp chí Cộng sản do đồng chí Trường Chinh phụ trách; đồng chí Trường Chinh cũng vừa phụ trách, vừa là cây viết chính của Báo Cờ giải phóng. Trên vùng rừng núi Cao Bằng, báo Việt Nam Độc lập do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, từ tháng 8/1942-8/1945, báo do các đồng chí Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp đảm trách.
Ngay cả trong lao tù, báo chí cách mạng cũng hoạt động không ngừng. Trong nhà tù Côn Đảo, Báo Độc lập do đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp chỉ đạo. Tại nhà ngục Sơn La, Báo Suối Reo ban đầu do Trần Huy Liệu làm chủ bút sau giao cho Xuân Thủy phụ trách. Báo Quân giải phóng (số 1 xuất bản ngày 5/8/1945) tại Chiến khu Việt Bắc do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách, có một Ban chỉ đạo mở rộng gồm các đồng chí Ủy viên quân sự cách mạng Bắc Kỳ,…
Ngay từ thuở ban đầu, mạng lưới báo chí cách mạng đã được xây dựng vô cùng đa dạng, từ Trung ương đến các cấp Xứ ủy, cấp Liên tỉnh, các địa phương, rồi những tờ báo phục vụ cho từng nhóm độc giả: công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, thậm chí là cán bộ tù chính trị. Chính sự bao phủ rộng khắp ấy là bài học quý giá cho báo chí hiện đại: phải chủ động đa dạng hóa kênh và hình thức thông tin để chạm tới mọi độc giả, ở mọi vùng miền, mọi tầng lớp.