
“Với nghề báo, tôi chỉ là một hạt cát nhỏ, nhưng rất sung sướng và tự hào. Bởi để đi đến cái chung lớn lao thì đó là sự tích góp từ những tâm huyết, đam mê nhỏ của nhiều người. Và ở đó ít nhiều có những dấu ấn của mình!”, Thượng tá, họa sĩ, nhà báo Lê Đức Tuấn, nguyên là họa sĩ trình bày của Báo Quân đội nhân dân khiêm nhường chia sẻ, trong không khí của những người làm báo đón chào 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ký ức về một thời “đường ra trận mùa này đẹp lắm…”
Một ngày đầu tháng 6, hẹn tới thăm họa sĩ Lê Đức Tuấn, ban đầu ông từ chối: “Nếu hỏi về làm báo thì xin phép nhé! Có nhiều người nổi bật và nhiều thành tựu hơn tôi”. Thuyết phục một hồi, thì được ông đồng ý.
Ở tuổi xưa nay hiếm - năm nay ông 86 tuổi, nhà báo Lê Đức Tuấn cười hồn hậu mở cửa căn nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ nhà binh nằm trên phố Hào Nam (Hà Nội) để đón chúng tôi với lời hỏi ân cần: “Trời nắng quá, tìm nhà bác có vất vả không, nhanh vào nhà cho mát!”.
Trong phòng khách của gia đình, họa sĩ Lê Đức Tuấn dành nhiều góc không gian bày những tác phẩm hội họa, món quà của đồng nghiệp, bạn bè tặng, đặc biệt là những ấn phẩm báo chí - kỷ vật được ông gìn giữ, nâng niu như “kho báu” của đời mình. Đặc biệt trong đó là những cuốn ký họa chỉ chừng hơn 1 gang tay, chất liệu thì như ông nói “giấy chiến khu” đã ngả màu, những ký họa nét bút theo thời gian cũng dần nhòe. Ấy vậy mà như hồi sinh sống dậy qua lời kể của ông: "Hồi đó vào chiến trường đi đến đâu cũng nhìn thấy cái đẹp, cũng rung cảm xúc động. Chính vì thế, tôi muốn ghi lại, vẽ lại để tạo ra sản phẩm báo chí ngay trong chiến trường và cũng vừa làm tư liệu cho mình sau này".
Hồi đó vào chiến trường đi đến đâu cũng nhìn thấy cái đẹp, cũng rung cảm xúc động. Chính vì thế, tôi muốn ghi lại, vẽ lại để tạo ra sản phẩm báo chí ngay trong chiến trường và cũng vừa làm tư liệu cho mình sau này
Tòa soạn Báo Tây Nguyên trong rừng. (Tranh ký họa của họa sĩ Lê Đức Tuấn)
Tòa soạn Báo Tây Nguyên trong rừng. (Tranh ký họa của họa sĩ Lê Đức Tuấn)
Chàng họa sĩ Lê Đức Tuấn lớn lên ở phố Hàng Bút (Hà Nội), từng tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, sau đó làm ở Sở Ngoại thương Hà Nội với công việc vẽ tranh, vẽ đồ mỹ nghệ để xuất khẩu sang các nước Xã hội chủ nghĩa. Theo lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Lê Đức Tuấn là một trong hơn 30.000 thanh niên Hà Nội tình nguyện lên đường nhập ngũ, bổ sung cho nhiều đơn vị trên chiến trường miền nam.
Tôi nhập ngũ, vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 - là đơn vị từng có truyền thống bắt tướng De Castrie ở Điện Biên Phủ, thì vinh dự lắm! Đại đội của tôi có tới 3/4 là thanh niên đã tốt nghiệp phổ thông, vẫn nhớ có cậu tên Nguyễn Phạm mới 17 tuổi, nhà con một mà vẫn nhất quyết xin đi bộ đội. Cậu ấy có trong cuốn ký họa của tôi. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị chúng tôi từ miền bắc đi ô tô thẳng vào chiến trường Tây Nguyên. Đánh trận đầu vào tháng 3-1968 - trận Chư Tan Kra - cao điểm với cái tên nhẹ như một điệu hát của núi rừng, nhưng từng là một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất trong thời kỳ chống Mỹ.

Thuở làm báo… “từ A đến Z”
Bộ đội Lê Đức Tuấn còn tham gia chiến dịch Bu Prang - Đức Lập, năm 1969. Trong trận đó, ông bị thương. Khi đơn vị tiếp tục hành quân sâu hơn vào vùng đồng bằng Nam Bộ, thì ông ở lại điều trị. Ông kể: “Tôi được đưa về một bệnh viện ở Tây Nguyên, rồi sau đó chuyển về Binh trạm 4, làm trợ lý thống kê. Thời gian ở đó, có anh Bá Đàn, phóng viên của Báo Tây Nguyên xuống viết bài về các dũng sĩ từng tham chiến. Khi đến đơn vị, anh phát hiện tôi là họa sĩ. Sau đó anh Đàn xin ý kiến cấp trên cho tôi về làm họa sĩ Báo Tây Nguyên. Đây là cơ duyên rất đặc biệt đưa tôi đến nghề báo”.
Làm Báo Tây Nguyên, ông Tuấn vừa làm họa sĩ, vừa làm biên tập viên, đồng thời còn kiêm cả việc đi đưa báo. Có hôm đi đường rừng, đường mòn một mình, nguy hiểm, sợ phục kích, nhưng vẫn đi.
Làm báo thời đó cực kỳ vất vả. Ai chưa từng trải thì khó hình dung được. Cuộc sống cứ rập rình giữa sống và chết. Phóng viên ảnh hay phóng viên viết đều phải đối mặt với đạn bom để lấy thông tin. Còn với họa sĩ như tôi, công việc có thêm phần đặc thù: Vừa tổng hợp, vừa trình bày, vừa là người dàn trang báo in. Khi hoàn thành trình bày, tôi còn chịu trách nhiệm duyệt nội dung, lên khuôn in, kiểm tra bản in. Mọi thứ làm thủ công hoàn toàn, máy in chạy bằng tay và chân. Mỗi số báo là một lần “làm báo từ A đến Z".
“Ở chiến trường không bao giờ yên ổn. Địch nã pháo, thả bom suốt ngày. Dù không ra trận đối mặt trực tiếp, nhưng pháo kích và B52 thì cứ dội xuống liên tục. Mùa khô, chúng tôi cứ hay nói vui “tắm kiểu B52” - tức là trời nắng, nóng quá, anh em chạy xuống sông tắm, vừa nhúng nước xong đã phải chạy lên ngay, vì B52 đến là dội bom liền. Báo Tây Nguyên lúc ấy đặt trụ sở gần Bộ Tư lệnh, nhưng khoảng chưa đầy một năm là phải di chuyển một lần. Mỗi lần di chuyển là dựng lại nhà, dựng lại nơi làm việc. Nhưng “nhà” thì không như nhà bình thường. Phải đào hầm ở dưới đất, rồi lợp lá lên trên. Mỗi căn hầm như vậy chia cho 6-7 anh em phóng viên, chia làm hai, ba hầm. Mỗi người chỉ có một chiếc đèn nhỏ… chế từ lọ thuốc chống muỗi, rất gọn, ánh sáng yếu thôi, đủ để làm việc trong hầm tối”, ông Tuấn vừa kể vừa đứng dậy lấy cuốn ký họa những ngày làm Báo Tây Nguyên, rồi chỉ cho chúng tôi xem hình minh họa “Tòa soạn Báo Tây Nguyên”, máy in báo… cùng bộ sách 3 tập “Tây Nguyên thắng Mỹ”.
Đạp máy in trong xưởng in Báo Tây Nguyên.
Đạp máy in trong xưởng in Báo Tây Nguyên.
Ông Tuấn bảo, làm họa sĩ, chiến sĩ, rồi làm báo là cái “duyên nghề”. Vì nhờ vậy mà ông gắn bó với nghề báo, nghề họa, và những người đồng chí thời chiến, trong đó có họa sĩ Lương Xuân Đoàn (hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) - người mà trong thời gian làm Báo Tây Nguyên, cần có người hỗ trợ, ông Tuấn đã xin phép Bộ Tư lệnh đón họa sĩ Lương Xuân Đoàn về công tác.
Lật giở cuốn ký họa chiến trường, người họa sĩ say sưa kể tưởng chừng như không dứt với chúng tôi về những bức họa, nào “Đạp máy in trong xưởng in Báo Tây Nguyên” (tháng 11-1971), “Đây là tòa soạn Báo Tây Nguyên trong rừng” (tháng 2-1972)… được ông ký họa tại chỗ, trong điều kiện thực tế, ngay giữa chiến trường.
Có những bức ông vẽ trên loại giấy dày mang từ nhà đi. Tuy nhiên, phần lớn bản vẽ không được phổ biến rộng rãi, không đăng báo, vì điều kiện kỹ thuật không cho phép.
“Thời làm báo Tây Nguyên, đúng là thời gian mà mình làm báo, cũng là thời gian trưởng thành. Mỗi một tờ báo đến với chiến sĩ đều được trân trọng, được mọi người mong đợi, chờ đón, đó niềm vui là món ăn tinh thần đặc biệt đối với những người cầm bút chúng tôi. Những người chiến sĩ như thấy mình trong mỗi bức ảnh, mỗi bài viết và họ cất kỹ trong ba lô như một kỷ niệm quý giá”, người lính già trầm ngâm khi ngắm nghía lại tuyển tập 3 cuốn “Tây Nguyên thắng Mỹ” do đích thân ông tuyển chọn nội dung, trình bày, in ấn và phát hành từ hơn nửa thế kỷ trước.
Với ông, thời đó, ấn phẩm Báo Tây Nguyên được nhiều người biết đến, đó là tiếng nói của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng Tây Nguyên, mỗi số báo được phát hành, bạn đọc thấy được nghị lực của người làm báo chiến trường.
Chạy đua với gian để làm báo trong khí thế thắng trận
Một điều ít ai biết, là tấm bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện nay là do họa sĩ Nguyễn Đức Tuấn và họa sĩ Nguyễn Sơn vẽ năm 1975.
Dịp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở địa chỉ mới quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khánh thành, tôi có đến tham quan và thấy tấm Bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh được tôi và họa sĩ Nguyễn Sơn vẽ, cùng các đồng nghiệp của Báo Quân đội nhân dân trình bày trên trang nhất ngày 1-5-1975 gắn với tin thắng trận, Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước thì thấy vinh hạnh lắm. Bản đồ được Bảo tàng phóng to như bức tranh, treo trang trọng ở khu trưng bày chính của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhiều người nhận ra tôi là tác giả của bức tranh, đã ngỏ lời chụp ảnh kỷ niệm. Tôi hạnh phúc vô cùng!
Sau thời gian làm Báo Tây Nguyên, năm 1974 ông Tuấn trở ra bắc và công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Nhớ lại quãng thời gian đó, người họa sĩ già không khỏi xúc động: “Không khí làm báo những ngày trước và sau Chiến thắng 30-4-1975 thực sự sôi nổi, hào hứng và tràn ngập tinh thần chiến thắng. Cứ mỗi lần nhận được tin báo thắng trận, cả tòa soạn lại như bừng lên. Từ thư ký tòa soạn, phóng viên, người nhận tin, ai cũng tập trung cao độ, nhưng không phải trong căng thẳng, mà là trong niềm vui sướng và tự hào vô hạn”.
Mỗi một số báo ra, đi kèm một chiến thắng. Mỗi chiến dịch thành công là một trang báo mang theo khí thế cách mạng. Tinh thần ấy lan tỏa trong từng nét trình bày, từng bài viết, từng bản đồ.
Nhưng đến số báo mừng ngày 30-4-1975, đó là đỉnh cao cảm xúc, niềm vui vỡ òa, không ai tin được chiến thắng lại đến nhanh và trọn vẹn đến vậy.
Điều đặc biệt là, Báo Quân đội nhân dân lúc đó là nguồn tin gốc, nhận tin chiến sự đầu tiên, vẽ bản đồ chính xác nhất. Hầu hết các báo khác, và có cả Báo Nhân Dân, đều sử dụng bản đồ của báo Quân đội nhân dân, đăng trên số báo cùng ngày. Nói vui một chút, về sau, tôi cũng… rủng rỉnh tiền, vì nhiều báo đã trích nhuận bút, đặt hàng bài viết và tấm bản đồ, mang về cho tôi và các anh em những khoản tiền bất ngờ
Bản đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Quân đội nhân dân ngày 1/5/1975.
Bản đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Quân đội nhân dân ngày 1/5/1975.
Mỗi một số báo ra, đi kèm một chiến thắng. Mỗi chiến dịch thành công là một trang báo mang theo khí thế cách mạng. Tinh thần ấy lan tỏa trong từng nét trình bày, từng bài viết, từng bản đồ.
Số báo ngày 1-5-1975 được in đỏ nổi bật, khác hẳn những số báo hầu như chỉ được in đen-trắng của Báo Quân đội nhân dân thời bấy giờ. Nội dung trang 1 cô đọng, được trình bày nổi bật, ở trên cùng là bức ảnh “Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền nam” (chụp năm 1969). Bên trái bức ảnh là dòng chữ “Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đã toàn thắng đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975”. Phía dưới là dòng tiêu đề đỏ nổi bật chạy toàn trang bài viết “Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng”. Bên dưới là toàn văn Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền nam Việt Nam (tiếp sang trang 2) và bài xã luận mang tựa đề “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” cùng bản đồ các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn.
“Hôm đó, tin chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh đến vào khoảng 11 giờ 30 phút. Tin chính thức là: Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Nhưng thực ra, tôi và anh em ở Báo Quân đội nhân dân đã có tinh thần chuẩn bị trước vì nắm bắt được thông tin các các mũi tiến công đã dồn ép, tình hình gần như rõ ràng rồi. Bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu phác thảo, khi đã có thông tin chính xác, chỉ còn việc dựng bố cục và hoàn thiện. Tất cả phải chính xác tuyệt đối, vì chỉ một lỗi sai nhỏ cũng ảnh hưởng tới hàng loạt cơ quan báo chí, quân sự, và cả lịch sử ghi nhận sau này. Ngay trong đêm 30-4, mọi khâu biên tập, trình bày, vẽ bản đồ, in ấn phải hoàn tất. Cuối cùng, báo được in ngay trong đêm để sáng 1-5-1975 phát hành số đầu tiên sau giải phóng. Đó là một cuộc chạy đua với thời gian, đầy cảm xúc, áp lực và cũng tự hào nhất trong sự nghiệp của tôi và cả tòa soạn”, cầm tờ báo đã nhuốm màu thời gian, họa sĩ Lê Đức Tuấn không khỏi xúc động.

“Tự hào không phải vì mình sống sót, mà vì góp phần vào chiến thắng”
Nhà báo Lê Đức Tuấn công tác tại Báo Quân đội nhân dân tới năm 2005 thì nghỉ hưu. Với ông, cuộc đời làm báo, từ chiến trường vừa cầm súng chiến đấu, vừa ký họa giữa trận địa, vừa biên tập, trình bày, phát báo đến tay bạn đọc… “Niềm hạnh phúc, tự hào lớn nhất của tôi - một người lính, một người làm báo từ chiến trường bước ra, không phải vì mình sống sót, mà là vì mình góp phần vào chiến thắng”, ông trầm tư nói, cùng lúc giới thiệu cho chúng tôi tập sách “Nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn trở về từ phía bên kia”.
Đây là cuốn nhật ký có số phận lưu lạc trên đất Mỹ tới 42 năm. Ngày 27-3-1968, đơn vị ông Lê Đức Tuấn tập trung tại K’Leng (Kon Tum) chuẩn bị tấn công địch ở Chư Tan Kra. Chiến đấu xong, cùng đơn vị di chuyển nên ông Tuấn không kịp lấy toàn bộ tư trang phải để lại trước giờ ra trận, trong đó có cuốn ký họa gồm 112 bức.
Sau một trận càn của Mỹ, tình cờ, cuốn ký họa đã lọt vào tay Thiếu tá Robert B. Simpson (sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8 bộ binh, Sư đoàn 4 bộ binh của quân đội Mỹ ở vùng Pleiku), trong một trận đánh đã thu được một chiếc balô của người lính Bắc Việt. Rồi cuối cùng được vị tướng của lục quân Hoa Kỳ là Wiliam R Peers gìn giữ.
Sau khi tướng Wiliam R Peers qua đời năm 1984, con gái ông, bà Hicks đã sắp xếp lại kỷ vật của cha và tìm thấy cuốn ký họa vào năm 2002. Ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của 109 bức ký họa và trước tâm hồn trong sáng của người lính Việt Nam, bà Hicks đã tìm cách trả lại nó cho chủ nhân thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam năm 2009.

“Ban đầu cuốn ký họa có 112 bức, tại sao sau đó lại là 109 bức, thưa nhà báo?”- tôi hỏi.
“3 bức họa trong cuốn ký họa lại được Thiếu tá Robert B. Simpson giữ. Sau này, khi biết cuốn ký họa đã được trao cho chủ nhân, Robert B. Simpson đã gửi 3 lại bức tranh qua ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, để nhờ trao lại cho tôi”, ông Tuấn kể lại.
Ông lật giở trang sách, ngay ở đầu là bức thư của Thiếu tá Robert B. Simpson (ảnh bức thư kèm).
Bây giờ cuốn nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn đã trở thành kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Và gần hai mươi năm, từ ngày nhận cuốn nhật ký bằng tranh trở về từ nước Mỹ, bây giờ họa sĩ Lê Đức Tuấn vẫn làm việc mà ông cho là mang lại hạnh phúc không kém như khi nhận lại cuốn nhật ký của mình: Tìm lại những đồng đội mà mình đã vẽ trong cuốn nhật ký năm xưa để tặng lại những bức vẽ đó.
Bức tranh đầu tiên được họa sĩ Lê Đức Tuấn tặng lại là bức chân dung liệt sĩ Ngô Lê Phong ở phố Mã Mây (Hà Nội). “Tôi vẽ Phong lúc dừng chân nghỉ trên đường hành quân. Phong hi sinh sau đó ít lâu. Hôm tôi mang bức tranh tới nhà đặt lên bàn thờ Phong, người thân của anh đã khóc”, ông Tuấn xúc động kể lại.
May mắn hơn, ông Đào Duy Thành - người cùng đơn vị với họa sĩ Lê Đức Tuấn - vui mừng đến ứa nước mắt khi cầm trên tay bức tranh vẽ chính mình đóng khung cẩn thận từ người bạn cùng đơn vị, bức tranh được vẽ ngày 15/7/1967: “Tuấn vẽ lúc nào tôi cũng chẳng hay, bây giờ mới biết”- ông nói.
Có hai bức tranh khiến họa sĩ Lê Đức Tuấn vẫn không thôi trăn trở là tranh phác họa đại đội trưởng của mình: Ngô Xuân Lâm. Một bức được vẽ khi đại đội trưởng đang lên lớp huấn luyện và một bức trước khi đơn vị ông hành quân vào Tây Nguyên. “Vẽ xong, tôi đưa cho anh xem, anh cười bảo cậu vẽ được đó, hòa bình nhớ dành tặng tớ. Thế nhưng đại đội trưởng Xuân Lâm hy sinh không lâu sau đó”, ông rưng rưng kể.
Hỏi ông, làm họa sĩ có lẽ sẽ cho ông thỏa sức sáng tạo, đi đây đó; hoặc có thể thêm nhiều những tác phẩm hội họa để đời, dễ nổi tiếng… hơn nhà báo? Ông cười hiền, nói: “Nghề báo ngấm vào mình nên say sưa. Làm báo tôi đã học tập rất nhiều, rèn cho con người cẩn thận bao nhiêu cũng không thừa. Cho đến giờ, tôi vẫn luôn tự hào khi mình được làm, đam mê, tận hiến cho nghề báo!”.
E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: HÀ VƯƠNG
Trình bày: VÂN THANH