
Tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2000-2016 (từ 150,9 triệu tấn lên 316,7 triệu tấn CO2 tương đương) và dự báo có thể tăng gấp 3,26 lần vào năm 2030 nếu không có giải pháp phù hợp. Trong bối cảnh đó, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 xác lập lộ trình rõ ràng, hướng tới phát thải ròng bằng “0”. TS, Nguyễn Sỹ Linh (Trưởng Ban Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và môi trường) đã có chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những định hướng chiến lược và giải pháp cụ thực hiện đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu quốc gia.
Việt Nam đối mặt nguy cơ phát thải tăng gấp ba vào năm 2030

Phóng viên:
Ông có thể cho biết bức tranh tổng thể về hiện trạng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam hiện nay và những dự báo trong thời gian tới?

TS, Nguyễn Sỹ Linh:
Ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và giảm phát thải khí nhà kính (KNK) nói riêng là những vấn đề còn tương đối mới ở Việt Nam. Giảm phát thải KNK không chỉ mang tính kỹ thuật, mà còn là vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã xây dựng và công bố báo cáo kiểm kê quốc gia KNK cho năm 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016. Các báo cáo cập nhật kết quả kiểm kê quốc gia phát thải KNK những năm gần đây dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới.Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp, trong đó hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp, trong đó hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Dựa vào số liệu từ năm 2000 đến 2016, tổng lượng phát thải KNK của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần. Trong đó, kết quả kiểm kê quốc gia KNK năm 2016 cho thấy lĩnh vực năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải.
Phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng chủ yếu từ hai nguồn chính: Một là sản xuất năng lượng-chủ yếu là sản xuất điện, trong đó, nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với các nguồn khác như năng lượng tái tạo. Hai là tiêu dùng năng lượng, bao gồm việc nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, khí hóa lỏng cho hoạt động giao thông-vận tải,...
Lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ lệ phát thải KNK lớn cho thấy, nếu muốn giảm được lượng phát thải KNK, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức lớn vì ngành năng lượng có vai trò thiết yếu trong việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Theo dự báo, nếu không có biện pháp kỹ thuật và quản lý phù hợp, lượng phát thải KNK của Việt Nam đến năm 2030 có thể tăng 3,26 lần so với mức năm 2014. Cụ thể, mức gia tăng từ 284,0 tấn CO2 tương đương lên 927,9 triệu tấn, trong đó lĩnh vực năng lượng phát thải 678,4 triệu tấn-chiếm 73,1%.
Theo dự báo, nếu không có biện pháp kỹ thuật và quản lý phù hợp, lượng phát thải KNK của Việt Nam đến năm 2030 có thể tăng 3,26 lần so với mức năm 2014. Cụ thể, mức gia tăng từ 284,0 tấn CO2 tương đương lên 927,9 triệu tấn, trong đó lĩnh vực năng lượng phát thải 678,4 triệu tấn-chiếm 73,1%. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có lộ trình giảm phát thải KNK cụ thể, khả thi và gắn liền với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như huy động được sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Trong cơ cấu các nguồn phát thải KNK ở Việt Nam, lĩnh vực năng lượng tiếp tục là nguồn phát thải lớn nhất. Dự báo đến năm 2030, nếu không có các biện pháp giảm phát thải phù hợp, tỷ trọng phát thải KNK từ lĩnh vực năng lượng sẽ chiếm 73,1% (so với tỷ trọng năm 2014 là 60,42%). Các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sử dụng đất-thay đổi sử dụng đất-lâm nghiệp (LULUCF), chất thải và các quá trình công nghiệp cũng được dự báo sẽ có mức tăng phát thải đáng kể, nhưng mức tăng của năng lượng vẫn là cao nhất.


Lộ trình giảm phát thải gắn với phát triển bền vững

Phóng viên:
Ông có thể cho biết nội dung chính của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, đặc biệt là các mục tiêu và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được Chính phủ đặt ra trong văn bản này?

TS, Nguyễn Sỹ Linh:
Hiện nay, có rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng tôi xin chia sẻ một số chính sách trọng tâm, trong đó đáng chú ý là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được Thủ tướng ban hành vào ngày 26/7/2022 tại Quyết định số 896/QĐ-TTg. Theo đó, lần đầu tiên, mục tiêu phát thải ròng bằng “0” được đề cập chính thức trong một văn bản chính sách của Chính phủ dù trước đó vào ngày 1/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố mục tiêu này tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) được tổ chức tại Vương quốc Anh. Với việc ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, cam kết phát thải ròng bằng “0” đã trở thành một định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam, thể hiện quyết tâm và lộ trình để triển khai các hành động cụ thể.Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đề cập đến cả mục tiêu thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải KNK, nhưng ở đây tôi xin nhấn mạnh những điểm liên quan đến mục tiêu giảm phát thải KNK:
Thứ nhất, đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải KNK quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU). Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ); lĩnh vực nông nghiệp giảm 43,0%, lượng phát thải không vượt quá 64 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ carbon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 60,7%, lượng phát thải không vượt quá 18 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 38,3%, lượng phát thải không vượt quá 86 triệu tấn CO2tđ.
Thứ hai, các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải KNK.
Thứ ba, đến năm 2050 bảo đảm tổng lượng phát thải KNK quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực nông nghiệp giảm 63,1%, lượng phát thải không vượt quá 56 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm 90% lượng phát thải, tăng 30% lượng hấp thụ carbon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực chất thải giảm 90,7%, lượng phát thải không vượt quá 8 triệu tấn CO2tđ; lĩnh vực các quá trình công nghiệp giảm 84,8%, lượng phát thải không vượt quá 20 triệu tấn CO2tđ. Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân”
Nông dân kiểm tra lúa ở mô hình thí điểm 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Trà Vinh.
Nông dân kiểm tra lúa ở mô hình thí điểm 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Trà Vinh.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 không đưa ra các quy định bắt buộc mang tính pháp lý, mà chủ yếu đề ra quan điểm, định hướng chính sách, lộ trình thực hiện các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, quan điểm thứ nhất nhấn mạnh “Thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát
thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân” và quan điểm thứ 3 nêu rõ “Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của mỗi người dân và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị-xã hội”.
Bên cạnh mục tiêu, Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp cụ thể nhằm giảm phát thải KNK trong 5 lĩnh vực trọng điểm: năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải và các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp.
Máy cấy lúa hoạt động tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Máy cấy lúa hoạt động tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Trong lĩnh vực năng lượng, về cung cấp năng lượng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không phát triển các dự án nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần quy mô công suất điện than sau năm 2035; từng bước áp dụng công nghệ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, không phát thải đối với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiến tới giảm tối đa lượng nhiên liệu hóa thạch cho phát điện vào năm 2050; xem xét phát triển điện hạt nhân với công nghệ hiện đại và bảo đảm an toàn vào thời điểm phù hợp. Phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng gồm pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt… và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với tỷ lệ cao. Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối năng lượng để tăng hiệu quả, giảm tổn thất và hỗ trợ tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu giữ, lưu trữ các bon (CCS) cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các cơ sở sản xuất công nghiệp
Một thí dụ điển hình liên quan đến hành động giảm phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng là Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) – một sáng kiến toàn cầu nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng mà vẫn bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải KNK.
Về sử dụng năng lượng, các giải pháp tập trung vào thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng, nhà thông minh. Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông có mức phát thải thấp, như xe điện, hoặc giao thông công cộng phát thải thấp.



Phóng viên:
Bên cạnh các mục tiêu vĩ mô, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu có những giải pháp cụ thể nào được triển khai trong đời sống và các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp? Đồng thời, ông có thể làm rõ hơn một số nỗ lực,giải pháp để giảm phát thải KNK nay mà Việt Nam đang triển khai?

TS, Nguyễn Sỹ Linh:
Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng một số nỗ lực để giảm phát thải KNK đã được lồng ghép vào đời sống hằng ngày, đặt biệt là hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức. Thí dụ như các hoạt động truyền thông dành cho thiếu nhi liên quan đến chuyển đổi sang "giao thông xanh", như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông điện. Chính phủ cũng đang triển khai Đề án 1 triệu ha lúc chất lượng cao, phát thải thấp, Đề án phát triển thị trường carbon trong nước, Đề án thí điểm chi trả dịch vụ hấp thu carbon rừng các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ… Đây là một số thí dụ cụ thể về việc giảm phát thải KNK trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cho thấy các giải pháp về giảm phát thải đang dần được thực hiện, huy động sự tham gia của toàn xã hội.Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã đề cập đến việc áp dụng các biện pháp quản lý và công nghệ tiên tiến, hướng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý cây trồng phù hợp, cũng như tái chế các sản phẩm phụ nông nghiệp. Những giải pháp này không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mang lại hiệu quả kinh tế tuần hoàn, tùy theo mô hình và điều kiện áp dụng cụ thể.
Người dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) thu hoạch lúa hè thu 2023.
Người dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) thu hoạch lúa hè thu 2023.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi và ven biển nhằm kiểm soát nghiêm ngặt chuyển đổi rừng, mất rừng và suy thoái rừng để giảm phát thải khí nhà kính. Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa để tăng cường hấp thụ carbon. Nâng cao chất lượng, trữ lượng carbon rừng tự nhiên nghèo thông qua trồng bổ sung, làm giàu rừng nhằm tăng hấp thụ carbon. Nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng để tăng hấp thụ carbon và giảm phát thải thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn sang rừng trồng chu kỳ dài; giảm khai thác gỗ rừng trồng cho sản xuất gỗ dăm. Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để giảm phát thải từ kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng, cháy rừng và đốt sinh khối; tăng hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái. Phát triển, nhân rộng các mô hình nông-lâm kết hợp thông qua trồng bổ sung cây lâm nghiệp, cây gỗ để tăng hấp thụ carbon và chống suy thoái đất, ưu tiên các vùng đất dốc.
Như vậy có thể thấy, giảm nhẹ phát thải KNK đang từng bước được triển khai bằng các hành động, giải pháp cụ thể trong nhiều lĩnh vực.
Doanh nghiệp là mắt xích then chốt trong chiến lược phát thải ròng bằng “0”

Phóng viên:
Doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong “Chiến lược hành động giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam? Việc các doanh nghiệp chủ động tham gia giảm phát thải khí nhà kính có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển bền vững cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

TS, Nguyễn Sỹ Linh:
Hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu đã bắt đầu phải báo cáo phát thải khí nhà kính, thậm chí là thực hiện kiểm kê khí nhà kính hoặc tính toán “dấu chân carbon” trong toàn bộ chuỗi giá trị. Đây là những yêu cầu không nằm trong khuôn khổ bắt buộc pháp lý trong nước, nhưng lại là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn, nơi ngày càng đề cao các tiêu chuẩn xanh.Nhìn từ góc nhìn của doanh nghiệp, có thể lý giải như sau: Trên quy mô toàn cầu, giảm phát thải KNK đồng nghĩa với việc giữ mức gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ 21 không quá 1,5 oC với với thời kỳ tiền công nghiệp như đề cập trong Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại COP21 vào vào năm 2015 ở Pháp nhằm hạn chế các thảm hoạ khí hậu. Giảm pháp thải KNK thực chất trên phạm vi toàn cầu làm chậm lại quá trình thay đổi hệ thống khí hậu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, như: bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… Điều này không chỉ góp phần bảo vệ hạ tầng, con người và sản xuất, mà còn gìn giữ hệ sinh thái thông qua bảo vệ, tăng cường khả năng hấp thụ carbon của rừng, các vùng đất ngập nước,…
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn tại xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn tại xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Vì vậy, chống lại biến đổi khí hậu cần nỗ lực chung, cần sự tham gia của tất các quốc gia, các lĩnh vực và toàn xã hội loài người. Việc hành động vì khí hậu hiện nay không chỉ là vấn đề trách nhiệm mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế cho các quốc gia đang phá triển, chẳng hạn như nguồn hỗ trợ Quỹ khí hậu xanh (GCF), Quỹ khí hậu toàn cầu (GEF), hay chương trình hợp tác quốc tế như JETP… để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng carbon thấp, có khả năng chống chịu tốt hơn trước thiên tai, thời tiết cực đoan…


Học sinh Trường TH, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục tham gia hoạt động phân loại rác thông qua trò chơi trải nghiệm. (Ảnh do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub cung cấp)
Học sinh Trường TH, THCS và THPT Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục tham gia hoạt động phân loại rác thông qua trò chơi trải nghiệm. (Ảnh do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub cung cấp)
Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, người tiêu dùng hiện nay ngày càng ưu tiên các sản phẩm có tính bền vững cao, minh bạch về phát thải, được chứng nhận "carbon thấp”, “thân thiện với môi trường” và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đó. Đây là một trong những yêu cầu, tín hiệu từ thị trường, từ người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng carbon thấp, có trách nhiệm với hệ thống khí hậu.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, người tiêu dùng hiện nay ngày càng ưu tiên các sản phẩm có tính bền vững cao, minh bạch về phát thải, được chứng nhận "carbon thấp”, “thân thiện với môi trường” và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm đó. Đây là một trong những yêu cầu, tín hiệu từ thị trường, từ người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động, chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng carbon thấp, có trách nhiệm với hệ thống khí hậu.
Có thể nói doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải, vì những lý do sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp là chủ thể phát thải trực tiếp, dù ở cấp quốc gia, phát thải được phân chia theo ngành (như năng lượng, giao thông, xây dựng…), nhưng trên thực tế, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mới là nơi trực tiếp sử dụng năng lượng, vận hành phương tiện, dây chuyền công nghệ, sử dụng tài nguyên, phát sinh chất thải… tức là nơi, nguồn phát sinh KNK.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp là đối tượng có nguồn lực để chuyển đổi, triển khai các biện pháp giảm phát thải. Với năng lực tài chính, công nghệ và khả năng quản trị, doanh nghiệp có thể chủ động áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thay đổi nguyên liệu đầu vào, đầu tư công nghệ sạch, hoặc tham gia vào các cơ chế thị trường carbon góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK của ngành, quốc gia….
Doanh nghiệp cũng là đối tượng điều chỉnh của chính sách. Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) có 2.166 cơ sở phát thải thuộc 5 lĩnh vực phát thải chính phải thực hiện việc kiểm kê KNK bắt buộc. Danh mục này sẽ được cập nhật 2 năm một lần và dự kiến trong những lần cập nhật tiếp theo số lượng cơ sở bắt buộc phải thực hiện kiểm kê KNK và triển khai các biện pháp giảm nhẹ sẽ tăng lên. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng hoặc có quy mô lớn là đối tượng bắt buộc thực hiện kiểm kê, một số cơ sở
phát thải lớn thuộc lĩnh vực nhiệt điện, sản xuất sắt thép và xi-măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải để có thể trao đổi, giao dịch trên thị trường carbon trong nước.
Do đó, hành động của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định việc Việt Nam có đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết quốc tế hay không. Cam kết và chính sách chỉ mang tính định hướng, nhưng để hiện thực hóa, cần chính doanh nghiệp vào cuộc bằng hành động cụ thể.
Một trong những động lực lớn để doanh nghiệp hành động là cơ hội kinh doanh xanh. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam cần tới 59 tỷ USD để đầu tư các dự án mới; Trong lĩnh vực công trình xanh, nhu cầu đầu tư có thể lên tới 80 tỷ USD; Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cơ hội đầu tư xanh có thể đạt khoảng 600 tỷ USD.
Bên cạnh đó, việc huy động tài chính xanh sẽ ngày càng gắn chặt với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, từ tín dụng xanh, trái phiếu xanh, đến các tiêu chuẩn tín dụng quốc tế. Đây chính là xu hướng tất yếu trong điều kiện hội nhập sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Phóng viên:
Từ góc độ chuyên gia, ông có khuyến nghị gì để các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế?

TS, Nguyễn Sỹ Linh:
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, tuân thủ các yêu cầu từ thị trường quốc tế và đồng hành cùng lộ trình giảm phát thải quốc gia, tôi đề xuất một số khuyến nghị trọng tâm đối với cộng đồng doanh nghiệp như sau:Thứ nhất, thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ, kể cả trong trường hợp chưa thuộc diện bắt buộc. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động đo lường và xác định các nguồn phát thải chính, đồng thời công bố thông tin một cách minh bạch trên website hoặc nhãn sản phẩm, từ đó tạo niềm tin với khách hàng và đối tác quốc tế.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch giảm phát thải cụ thể, lồng ghép mục tiêu giảm phát thải vào chiến lược sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Cần phân kỳ kế hoạch thành các giai đoạn rõ ràng, xác định nguồn phát thải chủ yếu để có giải pháp, biện pháp phù hợp. Cách làm này giúp doanh nghiệp giảm áp lực về vốn đầu tư một lần, đồng thời dễ dàng huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài cũng như lồng ghép trong các quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ ít phát thải, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu suất vận hành. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn, song hiệu quả dài hạn sẽ rất rõ rệt, nhất là trong việc giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.
Thứ tư, chủ động tìm hiểu, tham gia thị trường carbon, sàn giao dịch tín chỉ carbon, nhất là với các doanh nghiệp có thể tạo lập tín chỉ carbon như trong năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... Chuẩn bị, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ việc kiểm kế phát thải NNK, chuẩn bị hồ sơ dự án tạo lập tín chỉ carbon theo hướng dẫn nếu doanh nghiệp có kế hoạch tham gia thị trưởng carbon trong nước và quốc tế. Đối với một số ngành đặc thù như lúa gạo, việc xây dựng tín chỉ carbon phức tạp hơn, nhưng vẫn cần nghiên cứu để từng bước tham gia, nâng cao năng lực tiếp cận các biện pháp kỹ thuật và yêu cầu về MRV (Đo lường-Báo cáo-Thẩm tra) tín chỉ carbon.
Cuối cùng, nâng cao năng lực nội bộ là điều kiện tiên quyết. Doanh nghiệp cần quan tâm đến đào tạo nhân sự chuyên trách, cập nhật thường xuyên các chính sách quốc tế như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) hay EUDR (Quy định chống phá rừng của châu Âu). Đây là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao khả năng tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiếp cận hiệu quả các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung: THANH TRÀ
Trình bày: ĐĂNG NGUYÊN
Ảnh: Báo Nhân Dân, TƯ LIỆU