Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã được Quốc hội thông qua và sẽ kéo dài đến hết năm 2026, mở rộng sang lĩnh vực vận chuyển, logistics và công nghệ thông tin. Việc này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó, góp phần giúp kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8%.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% còn 8% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm).

Để chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đạt hiệu quả và lan tỏa tới nhiều lĩnh vực kinh tế hơn nữa, Nghị quyết lần này đã mở rộng thêm đối tượng được giảm thuế so với quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội trước đây và kéo dài thời gian giảm thuế đến hết năm 2026. Theo đó, kinh doanh vận chuyển, logistics, hàng hoá, dịch vụ công nghệ thông tin thuộc đối tượng được giảm thuế.

Đây là điểm mới so với những lần giảm thuế giá trị gia tăng những năm trước.

Giảm gánh nặng chi phí: Từ túi tiền người dân đến doanh nghiệp

Chị Bùi Phương Ngọc, sinh sống tại Hà Nội cho biết, thu nhập gia đình một tháng khoảng hơn 20 triệu. Gia đình chị gồm có hai vợ chồng và một con nhỏ, dù tích kiệm nhưng mỗi tháng chi tiêu cho các khoản sinh hoạt thiết yếu như ăn uống, may mặc… hơn 10 triệu đồng.

“Kinh tế gia đình cũng chưa dư giả, trong khi đó giá cả đều tăng, vì vậy Nhà nước giảm thuế giá trị gia tăng thì những chi phí trong gia đình cũng giảm được một phần”, chị Ngọc nói thêm.

Nhiều siêu thị ở Hà Nội như BGR Mart, siêu thị thuộc trung tâm thương mại Aeon …  đã tuân thủ đúng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Các hóa đơn mua hàng đều thể hiện rõ việc giảm thuế cho các mặt hàng theo quy định, nhiều sản phẩm được giảm thuế giá trị gia tăng chỉ còn 8%, thay vì 10%.

Ví dụ với hóa đơn này, khách hàng đã được giảm nhiều loại mặt hàng như sữa chua, phô mai, gia vị nấu ăn như muối, bột canh, hạt nêm và một số thực phẩm khác.

Ví dụ với hóa đơn này, khách hàng đã được giảm nhiều loại mặt hàng như sữa chua, phô mai, gia vị nấu ăn như muối, bột canh, hạt nêm và một số thực phẩm khác.

Với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giả sử người mua hàng phải thanh toán 1 triệu tiền thuế giá trị gia tăng thì nay chỉ phải trả 800 nghìn, và tiết kiệm được 200 nghìn đồng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản tiền trong chi tiêu hằng tháng. Dù không phải số tiền lớn, nhưng cũng hỗ trợ phần nào cho người dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất lớn. Theo Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, việc Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng là giải pháp tài khóa kịp thời và thiết thực, đặc biệt giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vượt qua thách thức.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí, tiết kiệm tiền để có thể quay vòng vốn, tái đầu tư và thanh toán các khoản như nhân công, thuê xưởng. Việc kéo dài chính sách này đến hết năm 2025 và năm 2026 sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng là “mũi tên trúng hai đích”. Giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Khi sản phẩm có giá ưu đãi thì người tiêu dùng có lợi và mua sắm nhiều hơn, tạo thành một vòng tròn, tiếp tục kích thích doanh nghiệp sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia tư vấn chính sách thuế

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam, việc giảm thuế giá trị gia tăng là “mũi tên trúng hai đích”. Giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Khi sản phẩm có giá ưu đãi thì người tiêu dùng có lợi và mua sắm nhiều hơn, tạo thành một vòng tròn, tiếp tục kích thích doanh nghiệp sản xuất.

Kích thích tiêu dùng: Động lực cho tăng trưởng 8%

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng, với 452/453 đại biểu tán thành (chiếm 94,56% tổng số đại biểu). Ảnh: DUY LINH

Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng, với 452/453 đại biểu tán thành (chiếm 94,56% tổng số đại biểu). Ảnh: DUY LINH

Việc giảm thuế giá trị gia tăng mặc dù tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời giúp tăng thu từ các sắc thuế khác nhờ hiệu ứng lan tỏa của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế nhận định:“Điều lo lắng nhất khi chúng ta giảm thuế là sợ nguồn thu không đủ để đảm bảo cho quản trị của ngân sách. Nhưng thực tế, giảm thuế thì chúng ta có được sự tăng trưởng kinh tế rất là tốt hoặc hạn chế được quá trình bị suy thoái về tăng trưởng”.

Năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, tăng 108,13% so với dự toán. Năm 2024, thu ngân sách lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra và tăng thu 16,2% so với năm 2023.

Nhìn lại 3 năm từ 2022 đến 2024, Chính phủ đều thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, trung bình mỗi tháng giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Nhưng tổng kết thu ngân sách mỗi năm đều có mức tăng đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Bộ tài chính, năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, tăng 108,13% so với dự toán. Năm 2024, thu ngân sách lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra và tăng thu 16,2% so với năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế cho biết, minh chứng về những lần giảm thuế giá trị gia tăng những năm qua cho thấy, chính sách này sẽ kích thích trở lại, giúp tăng thu ngân sách, tăng cường nguồn lực trong đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Mặt khác, để thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Chính phủ đề ra là 8% trở lên trong năm 2025 và tiến tới hai con số trong những năm tiếp theo, thì cần phải tập trung vào tiêu dùng – là một trong ba động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ được thực thi, thì mức giá sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ giảm, giúp gia tăng khả năng chốt đơn và tỷ lệ đặt dịch vụ.

Khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ được thực thi, thì mức giá sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ giảm, giúp gia tăng khả năng chốt đơn và tỷ lệ đặt dịch vụ.

Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành của tập đoàn LuxGroup chia sẻ, doanh nghiệp luôn cố gắng tính toán để mang đến chi phí tốt nhất cho khách hàng. Khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của Chính phủ được thực thi, thì mức giá sản phẩm, dịch vụ du lịch sẽ giảm có thể là vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, giúp gia tăng khả năng chốt đơn và tỷ lệ đặt dịch vụ.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã và đang giúp người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi. Trong đó, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp.

Về tiêu dùng, theo số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước. Đây là mức tăng khá có nhiều dư địa để có thể tăng cao hơn nữa trong 6 tháng tiếp theo năm 2025 và năm 2026 khi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thực hiện.

Người dân mua hàng tại siêu thị. Ảnh: Bnews

Người dân mua hàng tại siêu thị. Ảnh: Bnews

Tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, sự hỗ trợ từ chính sách góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực bán lẻ và dịch vụ, và đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Tiến sĩ Lê Duy Bình nhấn mạnh:“Cần thiết là tiêu dùng trong nước mạnh lên để làm một trụ cột quan trọng trong tổng câu kinh tế, để năng lực nội sinh của nền kinh tế mạnh hơn. Đặc biệt trong năm nay chúng ta sẽ hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao. Và tiêu dùng trong nước cũng sẽ là mục tiêu rất quan trọng để đảm bảo được mục tiêu này”.

Ngày xuất bản: 23/6/2025
Chỉ đạo: KIM PHƯƠNG BÌNH
Tổ chức: XUÂN BÁCH
Thực hiện và trình bày: QUỲNH TRANG-NHỊ HÀ KHÔI