

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG XỬ LÝ VỤ ÁN BỊ CAN BỎ TRỐN
Những năm gần đây, công tác phòng, chống và xử lý tội phạm, đặc biệt là các trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài, đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài diễn biến ngày càng phức tạp, đồng thời việc xử lý vắng mặt hoặc dẫn độ về nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự và đối ngoại an ninh.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; đồng thời xem xét, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và dự án Luật Dẫn độ. Đây là những bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng các cơ quan hữu quan trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại an ninh và hỗ trợ tư pháp hình sự. Mục tiêu xuyên suốt là xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ án có bị can bỏ trốn, bảo đảm không để xảy ra khoảng trống pháp lý, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.
Trước tình trạng một số bị can trong các vụ án hình sự bỏ trốn ra nước ngoài, công tác đối ngoại an ninh và hợp tác tư pháp quốc tế giữ vai trò then chốt trong việc bảo đảm thực thi công lý. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với hai dự án luật quan trọng: Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và Luật Dẫn độ, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giải quyết căn cơ vấn đề này.
DỰ ÁN LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ - "THANH BẢO KIẾM" PHÁP LÝ SẮC BÉN



Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum, nay là Đoàn Quảng Ngãi) bày tỏ hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Theo đại biểu, đây là một dự án luật có ý nghĩa chiến lược, không chỉ hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn tạo ra một “thanh bảo kiếm” pháp lý sắc bén để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và quyền lợi của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp.
Đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành một đạo luật chuyên sâu tương trợ tư pháp về hình sự không chỉ là yêu cầu nội tại của công tác cải cách tư pháp mà còn là một bước đi tất yếu thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong công cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm xuyên quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum, nay là Đoàn Quảng Ngãi)
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum, nay là Đoàn Quảng Ngãi)
“Tôi đánh giá rất cao Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã xây dựng một dự thảo luật công phu, toàn diện và kế thừa được những điểm còn phù hợp với luật cũ, đồng thời có những bước tiến đột phá, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn”, đại biểu Phước nói.
Thống nhất quy định trong Điều 32 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Phước khẳng định: “Đây là lần đầu tiên đưa ra các quy định về hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản, thể hiênh một bước tiến lớn đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống tham nhũng, rửa tiền”.
Theo Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng có xu hướng gia tăng rõ nét và diễn biến phức tạp. Ngày càng có nhiều vụ án hình sự phát sinh hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự; nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục được mở rộng, ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp hơn về hình thức thực hiện, liên quan đến nhiều loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống. Điều này đòi hỏi pháp luật có liên quan phải tiếp tục được hoàn thiện, làm cơ sở sở pháp lý cho hoạt động này.
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao cho hay, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các điều ước đa phương trong lĩnh vực tư pháp hình sự có điều khoản về tương trợ tư pháp về hình sự. Từ khi Luật Tương trợ tư pháp về hình sự năm 2007 có hiệu lực (1/7/2008) đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký 20 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài, trong đó có 3 Hiệp định được đàm phán, ký trên cơ sở tách khỏi các Hiệp định tương trợ tư pháp đa lĩnh vực ký kết ở các thời kỳ trước (Hiệp định với Lào, Hungary, Cộng hòa Séc).
Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nên xu hướng rõ nét và thường xuyên đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp hình sự. Chỉ riêng lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, nếu trong năm 2008, Việt Nam chỉ gửi 1 yêu cầu cho nước ngoài, thì năm 2022 đã gửi 369 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện.
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm
Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, quán triệt, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, nhất là các quan điểm chỉ đạo nêu tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 9/12/2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp;...
Cùng với đó, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án đặt ra nhiệm vụ, giải pháp đối với các cơ quan: Tăng cường tương trợ tư pháp, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng; mục IV.9 của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra nhiệm vụ: Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; giải quyết hiệu quả các xung đột về thẩm quyền và pháp luật giữa Việt Nam và các quốc gia khác, bảo đảm tốt các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam. Đây là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Dự thảo Luật quy định, tương trợ tư pháp về hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, trường hợp chưa ký kết điều ước quốc tế, việc tương trợ có thể được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự sẽ quyết định việc tiếp nhận hay từ chối yêu cầu trên nguyên tắc này, có thể lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan để đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia, chính trị và ngoại giao.
Phạm vi bao gồm các hoạt động sau: Tống đạt văn bản, tài liệu trong tố tụng hình sự; Lấy lời khai trực tiếp, trực tuyến; Thu thập, cung cấp chứng cứ; Khám xét, thu giữ; Áp dụng các biện pháp tố tụng nhằm bảo đảm việc tịch thu, trao trả, xử lý vật chứng, tài sản; Tổ chức cho người ở nước được yêu cầu sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ; Tổ chức cho người có thẩm quyền ở nước yêu cầu sang nước được yêu cầu có mặt trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự; Chuyển giao tạm thời người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù ở nước được yêu cầu sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ; Chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự; Trao đổi thông tin; Các hình thức tương trợ khác.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về các trường hợp như yêu cầu về tống đạt giấy triệu tập, yêu cầu về lấy lời khai trực tuyến, yêu cầu về áp dụng các biện pháp tố tụng nhằm bảo đảm tịch thu, trao trả, xử lý vật chứng, tài sản, tổ chức cho người ở Việt Nam sang nước ngoài để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ, tổ chức cho người có thẩm quyền ở nước ngoài đến Việt Nam, chuyển giao tạm thời người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam sang nước ngoài, và yêu cầu về chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng)
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), việc ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự là phù hợp và cần thiết nhằm hoàn thiện một bước pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự, giúp giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố, nhân tố nước ngoài; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm hình sự có tổ chức xuyên biên giới quốc gia ngày càng gia tăng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn cùng vướng mắc, nâng cao hiệu quả của hoạt động này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới…
DỰ ÁN LUẬT DẪN ĐỘ - NÂNG CAO HIỆU QUẢ
TRUY BẮT CÁC ĐỐI TƯỢNG PHẠM TỘI
BỎ TRỐN RA NƯỚC NGOÀI
Cùng với dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, đại biểu Nguyễn Tạo cũng bày tỏ sự tán thành cao đối với dự án Luật Dẫn độ được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Theo đại biểu, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Bộ luật có liên quan đến công tác dẫn độ như Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Thi hành án hình sự 2019; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015… Do đó, việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định về dẫn độ để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo), dự án Luật Dẫn độ nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đối tượng người nước ngoài phạm tội lẩn trốn ở nước ta nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Theo Bộ trưởng Công an, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực dẫn độ nói riêng.
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW) xác định một trong các nhiệm vụ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế là “Chú trọng việc nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sớm ban hành Luật Dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù”.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW) cũng xác định một trong những nhiệm vụ chiến lược cải cách tư pháp là “hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, pháp luật dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp” và “tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp”.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình Dự án Luật Dẫn độ. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình Dự án Luật Dẫn độ. Ảnh: quochoi.vn
Theo Bộ trưởng Công an, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 10 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 18 hiệp định song phương về dẫn độ.
Qua rà soát, ban soạn thảo nhận thấy một số điều khoản về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 còn một số nội dung chưa thực sự phù hợp với quy định trong các hiệp định này (quy định về bắt khẩn cấp, kinh phí, quá cảnh người bị dẫn độ, quy tắc đặc biệt...). Vì vậy, việc ban hành Luật Dẫn độ sẽ góp phần tạo điều kiện thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng ký kết các điều ước quốc tế về dẫn độ; qua đó, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong dẫn độ.
Dự thảo Luật Dẫn độ quy định, về nguyên tắc dẫn độ: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; Phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế về dẫn độ, việc dẫn độ được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Nguyên tắc có đi có lại chỉ áp dụng khi không trái nguyên tắc dẫn độ chung, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu tương tự của Việt Nam, và thực tiễn, nhu cầu hợp tác cho phép. Bộ Công an quyết định việc áp dụng nguyên tắc này, có thể lấy ý kiến Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan.
Theo dự thảo Luật, các trường hợp có thể bị dẫn độ gồm: Người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài quy định hình phạt tù có thời hạn từ 1 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất 6 tháng; Hành vi phạm tội không nhất thiết phải cùng nhóm tội, tội danh hoặc có các yếu tố cấu thành tội phạm giống nhau theo quy định pháp luật Việt Nam và nước ngoài.
Cùng với đó, nếu yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi phạm tội, trong đó có ít nhất một hành vi đáp ứng điều kiện trên, Việt Nam có thể đồng ý dẫn độ đối với tất cả các hành vi đó.
Hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn có thể bị dẫn độ nếu pháp luật Việt Nam quy định đó là hành vi phạm tội.

Liên quan đến vấn đề về xử lý trường hợp nước ngoài từ chối dẫn độ người Việt Nam phạm tội hoặc người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam phạm tội ở Việt Nam trốn ra nước ngoài và các cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện để đề nghị nước ngoài dẫn độ vào Việt Nam, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ: “Trường hợp này phải nói rằng thời gian qua rất bất cập. Có những trường hợp chúng ta truy cứu trách nhiệm hình sự, khi phát hiện, truy cứu thì họ trốn ra nước ngoài. Thậm chí mình đã phát hiện nơi ăn, chốn ở của họ và yêu cầu dẫn độ thì nước ngoài không dẫn độ…”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ ra, đây là một điều bất cập trong thời gian qua.
Có những trường hợp chúng ta truy cứu trách nhiệm hình sự, khi phát hiện, truy cứu thì họ trốn ra nước ngoài. Thậm chí mình đã phát hiện nơi ăn, chốn ở của họ và yêu cầu dẫn độ thì nước ngoài không dẫn độ…
“Chúng ta không dẫn độ được một số người phạm pháp trốn ra nước ngoài nên những quy định chặt chẽ như thế này là hết sức cần thiết và luật của chúng ta bảo đảm được yêu cầu những đối tượng, đặc biệt là những đối tượng tham nhũng, đối tượng giết người, cướp của ở Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng trốn ra nước ngoài thì chúng ta dẫn độ về Việt Nam xử lý. Đương nhiên, chúng ta phải có ký kết hiệp ước quốc tế với những đối tác thì lúc đó mới tổ chức thực hiện được”, đại biểu nêu rõ.
Về những trường hợp bắt người khẩn cấp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng quy định này là hết sức cần thiết. Bắt người khẩn cấp để yêu cầu dẫn độ phải thực hiện theo quy định của Việt Nam hoặc luật pháp nước ngoài để bắt những trường hợp khẩn cấp, để chúng ta phòng ngừa những đối tượng phạm tội trốn ra nước ngoài, chúng ta ngăn chặn kịp thời...
“Trong thời gian qua tôi thấy những trường hợp Bộ Công an được phê chuẩn với Viện kiểm sát bắt người khẩn cấp rất tốt, bảo đảm được yêu cầu để phòng ngừa, ngăn chặn những đối tượng trốn chạy khi phạm tội. Khi tội phạm trốn chạy mình thực hiện vụ án đó rất khó khăn”, đại biểu bày tỏ.

Về Điều 33 trong dự thảo Luật quy định về việc bắt người để phục vụ yêu cầu dẫn độ trước khi có hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức của phía nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, đây là một quy định mới so với Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, biện pháp “bắt” sẽ liên quan đến Điều 20 của Hiến pháp năm 2013. Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 quy định, một người chỉ bị bắt khi có quyết định của Tòa án hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, không nên dùng từ “bắt” mà nên dùng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ yêu cầu dẫn độ trước khi có hồ sơ yêu cầu chính thức. Việc giữ người này hoàn toàn có thể do cơ quan đầu mối là Bộ Công an thực hiện và không phải thực hiện thủ tục phê chuẩn cũng như không phải lập hồ sơ sang Tòa án để bảo đảm tính kịp thời, tránh việc đối tượng bỏ trốn.
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh, quy định về căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp, dù là bắt hay là giữ thì đều phải quy định rất chặt chẽ về căn cứ, đồng thời phù hợp với thực tiễn hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa qua…

Việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến sẽ thông qua hai dự án luật quan trọng này tại kỳ họp tới không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm không có “vùng cấm” trong xử lý tội phạm dù ở trong hay ngoài lãnh thổ. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý các bị can bỏ trốn, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam trong hợp tác tư pháp quốc tế và phòng, chống tội phạm xuyên biên giới.

Ngày xuất bản: 10/7/2025
Tổ chức thực hiện: KIM PHƯƠNG BÌNH
Nội dung và trình bày: MAI ANH-VŨ QUANG CẢNH-NHỊ THU-GIANG KHÔI
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, QUOCHOI.VN