HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG XỬ LÝ VỤ ÁN BỊ CAN BỎ TRỐN

Những năm gần đây, công tác phòng, chống và xử lý tội phạm, đặc biệt là các trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài, đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài diễn biến ngày càng phức tạp, đồng thời việc xử lý vắng mặt hoặc dẫn độ về nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự và đối ngoại an ninh.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; đồng thời xem xét, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và dự án Luật Dẫn độ. Đây là những bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng các cơ quan hữu quan trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại an ninh và hỗ trợ tư pháp hình sự. Mục tiêu xuyên suốt là xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ án có bị can bỏ trốn, bảo đảm không để xảy ra khoảng trống pháp lý, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là trong trường hợp các bị can bỏ trốn, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể, chú trọng nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt là Công an cấp cơ sở. Đây được xem là một trong những biện pháp then chốt, hữu hiệu giúp phát hiện, xử lý sớm các hành vi trốn tránh pháp luật ngay từ địa bàn dân cư. 

TĂNG CƯỜNG CHO CÔNG AN CẤP XÃ - GIẢI PHÁP "TỪ SỚM, TỪ XA" NGĂN CHẶN BỊ CAN BỎ TRỐN

Cùng với các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) năm 2018 được Quốc hội thông qua là căn cứ pháp lý quan trọng để lực lượng Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề gắn “tinh giản” với sắp xếp, tổ chức lại để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cụ thể, ngay tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo đó, về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (Điều 17): Xác định xây dựng Công an xã chính quy phải có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với việc thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nhân sự, cơ sở vật chất, điều kiện chính quy Công an xã.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 20/11/2018, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 20/11/2018, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã chính quy (khoản 2 Điều 17) và điều khoản chuyển tiếp (Điều 46) để bảo đảm lộ trình thực hiện và tính khả thi. Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách, sẽ tiếp tục được sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở để tránh lãng phí nguồn nhân lực tại chỗ. 

Triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, nhất là sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây, ngày 22/6/2025, Bộ trưởng Công an đã ban hành các quyết định sắp xếp lại 52 Công an cấp tỉnh thành 23 đầu mối theo địa giới hành chính mới. Theo đó, toàn quốc có 34 Công an cấp tỉnh (mới) và 3.319 Công an cấp xã (gồm Công an 2.621 xã; 687 phường; 11 đặc khu), có hiệu lực từ thi hành từ ngày 1/7/2025.

Các quyết định nêu trên được Bộ Công an tổ chức công bố vào ngày 28/6/2025 (đối với Công an cấp tỉnh) và được Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức công bố vào ngày 29/6/2025 (đối với Công an cấp xã) để bảo đảm hoạt động hiệu quả, thông suốt, không gián đoạn từ ngày 1/7/2025.

Cùng với việc được tổ chức, sắp xếp lại, lực lượng Công an xã cũng được tăng thẩm quyền lên đáng kể. Cụ thể, sáng 27/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, với 445/449 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,1% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Sáng 27/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 27/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, Luật mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn cho Công an cấp xã. Cụ thể, Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã có thể được Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra các vụ án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã, trừ các quyết định liên quan đến biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Điều này được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực đáng kể cho Công an cơ sở trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở và việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên, Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp xã là phù hợp với định hướng này, bảo đảm tính kịp thời trong giải quyết vụ việc.

Công an xã Háng Đồng (cữ) xuống địa bàn nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại cơ sở. Ảnh: Quốc Tuấn

Công an xã Háng Đồng (cữ) xuống địa bàn nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại cơ sở. Ảnh: Quốc Tuấn

Bên cạnh đó, trong phần phát biểu, giải trình làm rõ thêm ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong Báo cáo số 1679, Bộ Công an dự kiến bố trí số lượng khoảng từ 30 đến 40 cán bộ công an ở mỗi xã. Thậm chí những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, những xã lớn có thể từ 50 đến 60 cán bộ, chiến sĩ và số lượng điều tra viên có thể từ 6 đến 7 hoặc từ 8 đến 10 người.

Tại xã, phường, không chỉ có lực lượng công an chính quy được bố trí bài bản, quy mô mà hỗ trợ cho họ còn có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là một lực lượng rất quan trọng.

Trước đây, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (ngày 28/11/2023) đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Luật nhằm sắp xếp, tổ chức lại lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, lực lượng dân phòng, không làm tăng biên chế nhưng góp phần rất quan trọng trong việc hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã chính quy bảo vệ vững chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từ sớm, từ xa ngay tại cơ sở.

Các đại biểu bấm nút thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu bấm nút thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn

Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này.

Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trực tiếp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; hướng dẫn, phân công, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cán bộ Công an xã Ea Sol hỗ trợ người dân địa phương đưa trẻ tới trường.

Cán bộ Công an xã Ea Sol hỗ trợ người dân địa phương đưa trẻ tới trường.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ Công an cấp xã nắm tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội trên địa bàn phụ trách thông qua nguồn tin của Nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn của Công an cấp xã.

Khi phát hiện, tiếp nhận thông tin vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội trên địa bàn phụ trách, phải báo ngay cho Công an cấp xã; có mặt tại nơi xảy ra vụ việc để thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã; kịp thời ngăn chặn hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của cơ quan, tổ chức trong điều kiện, khả năng cho phép và theo quy định của pháp luật...

Vì vậy, với việc sắp xếp, tổ chức lại lực lượng, tăng cường số lượng, trang thiết bị, cơ sở vật chất và nghiệp vụ chuyên môn, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng Công an cấp xã có bước trưởng thành, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân. Điều này giúp Công an cấp xã hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, góp phần xử lý kịp thời các vấn đề an ninh, trật tự ngay từ cơ sở. Qua đó, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm pháp luật “từ sớm, từ xa”, trong đó có các đối tượng bị buộc tội có nguy cơ hoặc động cơ bỏ trốn.

CẦN TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề một số đối tượng vi phạm pháp luật tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự, dân sự hoặc thi hành án đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với công tác bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý và an ninh quốc gia.

Việc đối tượng bỏ trốn không chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật. Trước thực trạng đó, việc đề ra những giải pháp phòng, chống và xử lý hiệu quả là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Trước hết, hành lang pháp lý cần được rà soát và hoàn thiện liên tục. Các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, cấm xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh phải rõ ràng, minh bạch, tránh kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Qua đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát, Thi hành án) và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để phòng ngừa các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đang trong quá trình điều tra.

Cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến việc xuất nhập cảnh, cấm nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh để cơ quan có thẩm quyền nắm bắt một cách chủ động trong việc phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Ngoài ra, cần phải bổ sung các quy định về chế tài xử lý đối với hành vi tiếp tay, bao che cho đối tượng bỏ trốn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh cũng cần được tăng cường. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin và sinh trắc học để theo dõi, cảnh báo và phát hiện sớm các hành vi bỏ trốn sẽ giúp nâng cao hiệu quả kiểm soát. Các đối tượng đang trong quá trình bị điều tra, truy tố cần được theo dõi đặc biệt và việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan quản lý cán bộ cần được thực hiện một cách kịp thời, chặt chẽ.

Cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến việc xuất nhập cảnh, cấm nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh để cơ quan có thẩm quyền nắm bắt một cách chủ động trong việc phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến việc xuất nhập cảnh, cấm nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh để cơ quan có thẩm quyền nắm bắt một cách chủ động trong việc phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Theo luật sư, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng là một giải pháp không thể thiếu trong quá trình truy bắt các đối tượng bỏ trốn lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Nhiều đối tượng sau khi bỏ trốn đã tìm cách xin tị nạn hoặc sống tại những quốc gia không có hiệp định dẫn độ với Việt Nam, gây khó khăn lớn cho việc truy bắt và dẫn độ. Vì vậy, việc mở rộng mạng lưới hiệp định dẫn độ, tương trợ tư pháp, cũng như tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như INTERPOL là điều cần thiết.

Như vậy, việc truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài nhằm trốn tội sẽ chặt chẽ hơn và được giải quyết nhanh chóng, tránh trường hợp để các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Việc mở rộng mạng lưới hiệp định dẫn độ, tương trợ tư pháp, cũng như tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như INTERPOL là điều cần thiết.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Cùng với đó, trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân liên quan cần được nâng cao. Nêu thực tế trong nhiều trường hợp, đối tượng có thể bỏ trốn do sự buông lỏng quản lý, thiếu giám sát hoặc thậm chí là có dấu hiệu bao che, tiếp tay, luật sư cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc để đối tượng bỏ trốn. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong các cơ quan chức năng cũng cần được tiến hành thường xuyên và quyết liệt.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Nhà nghiên cứu Tội phạm học, Cựu điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội chia sẻ, trước hết, cần phải nhìn nhận khách quan rằng, tình trạng tội phạm hoặc người bị cáo buộc phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài không phải hiện tượng mới nhưng đang có xu hướng gia tăng về tính chất tinh vi, phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Những năm gần đây, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn đã xuất hiện tình trạng đối tượng chủ mưu bỏ trốn ra nước ngoài trước hoặc ngay sau khi có dấu hiệu bị điều tra, truy tố. Điều này gây ra nhiều hệ lụy: gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy bắt; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả phòng chống tội phạm; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trong thực thi nghĩa vụ phòng, chống tội phạm xuyên biên giới.

Theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến là: một số đối tượng có điều kiện kinh tế, quan hệ, am hiểu kẽ hở pháp luật và có sự chuẩn bị từ trước để trốn ra nước ngoài. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát xuất nhập cảnh tuy đã được siết chặt nhưng đôi khi vẫn tồn tại lỗ hổng; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật đồng bộ, kịp thời. Thêm vào đó, quy trình tố tụng hình sự ở một số trường hợp chưa bảo đảm khép kín, dẫn đến lộ lọt thông tin, tạo điều kiện cho đối tượng bỏ trốn.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Nhà nghiên cứu Tội phạm học, Cựu điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Nhà nghiên cứu Tội phạm học, Cựu điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội

Để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sau:

Một là, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phát hiện sớm tội phạm, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng, tội phạm có tổ chức. Ngay khi phát hiện dấu hiệu phạm tội, cần áp dụng kịp thời các biện pháp tố tụng phù hợp, như cấm xuất cảnh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… để hạn chế khả năng đối tượng tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Hai là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng: Công an, Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh, Biên phòng, hàng không và các hãng vận chuyển quốc tế, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ di biến động của người thuộc diện theo dõi, điều tra.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm, ký kết các hiệp định song phương, đa phương về tương trợ tư pháp hình sự với các quốc gia, nhất là những nước thường được lựa chọn làm điểm đến lẩn trốn. Đồng thời, tích cực phối hợp với INTERPOL, sử dụng hiệu quả hệ thống truy nã quốc tế để truy bắt, dẫn độ kịp thời đối tượng bỏ trốn.

Bốn là, nâng cao tính răn đe và trách nhiệm của cán bộ làm công tác tố tụng, không để xảy ra sơ hở, lộ lọt thông tin điều tra. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay, bao che cho tội phạm bỏ trốn.

“Đấu tranh với tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, bài bản của cả hệ thống chính trị, các cơ quan tư pháp và sự hợp tác hiệu quả với cộng đồng quốc tế”, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Có thể thấy, để phòng chống và xử lý hiệu quả tình trạng các đối tượng bị buộc tội bỏ trốn ra nước ngoài, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa hoàn thiện pháp luật, nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cơ quan tư pháp. Chỉ khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, mọi hành vi vi phạm được xử lý công bằng, kịp thời, thì công lý mới được bảo đảm, niềm tin của nhân dân vào pháp luật mới được củng cố vững chắc.

Ngày xuất bản: 11/7/2025
Tổ chức thực hiện: KIM PHƯƠNG BÌNH

Nội dung và trình bày: MAI ANH-VŨ QUANG CẢNH-NHỊ THU-GIANG KHÔI
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, QUOCHOI.VN