NGUYỄN LÊ TÂN
(Nguyên Giám đốc Trung tâm nội dung số VTC Now,
Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC)

Phần 2: Khi AI vào tòa soạn

Cách đây ít lâu, Facebook có gợi ý cho tôi một video đáng chú ý. Có vẻ như đây là góc quay lén của sinh viên ở nước ngoài về “phản ứng dữ dội” của vị giáo sư trên bục giảng khi ông phải chấm các “công trình nghiên cứu” được viết bằng trí tuệ nhân tạo.

Nhìn cái cách mà vị giáo sư nọ “đá ghế, đụng bàn” theo kiểu tức đến nghẹn thở, tôi cũng có ít nhiều đồng cảm.

Hãy thử tưởng tượng, bạn là Tổng Biên tập một cơ quan báo chí. Ngày đẹp trời, các phóng viên yêu quý gửi cho bạn loạt bài viết tròn trịa với những câu từ nghe hơi là lạ và “có gì đó sai sai”. Bạn sẽ nghĩ thế nào?

À, ban đầu thì cũng có thể thấy bình thường. Một số Tổng Biên tập cũng thấy hay hay. Đó là công nghệ mới mà. Nhưng rồi cách sản xuất tin/bài “mì ăn liền” như vậy khiến bạn nghẹn đắng vì chợt nhận ra, lỗ hổng quản lý có thể khiến tờ báo lao dốc đang hình thành.

Một câu chuyện khác, vẫn trong lĩnh vực báo chí nhưng lần này ở một Đài Truyền hình. Ấy là cách đây hơn một năm, các đồng nghiệp của tôi hào hứng giới thiệu về một chương trình sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nào là kịch bản được viết tự động, dữ liệu được tổng hợp tự động và trên hết thành quả mà đám đông nhấn mạnh là một anh và một cô người dẫn được “đẻ ra” bằng AI.

Giữa những lời ca tụng, khuyến khích, động viên, tôi không sao gạt bỏ được những ám ảnh về sự gượng gạo, cứng nhắc của người dẫn, về đống dữ liệu hỗn độn được xào nấu một cách “thiếu hồn người”. Và, tôi lờ mờ đoán rằng, người xem cũng có chung cảm nhận.

Một diễn đàn dành riêng cho những người làm truyền hình đã lấy chương trình đó của chúng tôi đăng lên kèm theo các bình luận cợt nhả. Còn khi lặng lẽ quan sát người thân trong gia đình theo dõi chương trình này từ vô tuyến, hành động bấm điều khiển chuyển kênh được thực thi ngay tắp lự, không cần đến sự giải thích của tôi.

Thế đấy! Điều đó khiến tôi bắt đầu có chút không mấy thiện cảm về AI. Tôi cho rằng, còn lâu AI mới tạo ra được thứ gì đó đột phá, ít nhất là đối với nghề báo của chúng tôi. Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng, những bài giảng hào nhoáng về AI hay những sản phẩm báo chí AI hóa đang được tung hô, ca tụng chẳng qua chỉ là “mua vui cho được một vài trống canh”.

Nhưng rồi một ngày xấu trời, tôi đã nhận ra mình sai lầm! Lúc đó, tôi là thành viên của đoàn nhà báo tham quan một doanh nghiệp sản xuất nội dung số tại Việt Nam. Họ tạo dựng các nhân vật hoạt hình và hình thành những video dành cho thiếu nhi với 70% đóng góp từ trợ thủ AI. Các sản phẩm này sau đó được xuất bản trên các nền tảng ngoài nước như YouTube, KakaoTV, NaverTV, Youku, Bilibili hay TikTok… và thu về hàng triệu USD mỗi năm.

Ngạc nhiên, vô cùng ngạc nhiên! Cảm xúc đó dẫn dắt tôi phải tìm hiểu bằng được việc họ đã làm thế nào. Té ra, những ông chủ kiếm tiền giỏi thì rất hay lặng lẽ.

Họ chẳng hề xuất hiện ở đâu trong các buổi thuyết giảng hào nhoáng với giới báo chí hay giới sản xuất nội dung. Họ cũng không hề khuếch trương thương hiệu. Nhưng họ thực sự là bậc thầy về việc “điều khiển” AI để tạo ra các cực phẩm.

Tìm hiểu họ, tôi dần dần biết đến Runway ML, Kling, Heygen, Leonardo, Dreamina, Suno, synthesia, Magisto, QuickVid, Steve, InVideo… hay sau này bắt đầu hiểu tí chút về Bard, Gemini, Imagen 3, Veo 2 rồi Veo 3 của Google. Những thứ như thế nghe rất kỹ thuật, rất lạ lẫm. Tôi cũng không thể nào biết hết về chúng.

Tôi chọn ra trong số các kỹ thuật viên một người có khả năng nghiên cứu và luôn hào hứng với những điều mới lạ. Thành công! Anh này đã tự nghiên cứu và truyền các “bí kíp” sản xuất cho các biên tập viên. Sản phẩm đầu tiên chúng tôi làm là bộ phim tài liệu về sự hồi sinh của làng Nủ (Lào Cai) với những phân cảnh tái hiện thảm họa đã xảy ra bằng công nghệ AI.

Video của chúng tôi nhận về hàng nghìn comment đầy cảm xúc trên các nền tảng. Đấy chính là nguồn năng lượng mà tôi đã châm mồi và các đồng nghiệp của tôi đã giúp thổi bùng nó.

Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để rồi hơn 1 tháng tiếp theo, đội nhóm đã có thể tạo ra những series phim hoạt hình, phim ngắn hay các chương trình khám phá khoa học, tư vấn sức khỏe, các bản tin tài chính… có hồn hơn rất nhiều bằng sự trợ giúp chủ yếu của AI.

Chúng tôi đã thành công và tỏa sáng về mặt kỹ thuật - công nghệ?

Không phải đâu!

Chúng tôi mới ở giai đoạn ngộ ra rằng nếu chạy theo AI, có thể sẽ tạo ra những thứ vụng về như đã nói ở phần đầu bài viết. Còn nếu cầm nắm và điều khiển được AI, có thể sẽ bắt trí tuệ nhân tạo phải “cung phụng” mình.

Chúng tôi cũng không hề tỏa sáng về mặt kỹ thuật - công nghệ đâu vì đây là kỹ thuật và công nghệ có sẵn của thế giới mà. Hơn nữa, người “điều khiển” các AI này hoàn toàn là các bạn phóng viên/biên tập viên – những người hầu hết tốt nghiệp chuyên ngành khoa học xã hội.

Chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn ngộ ra rằng, sự sáng tạo của mình, nền tảng hiểu biết của mình sẽ giúp tạo ra các câu lệnh (prompt) chính xác. Đó mới là chìa khóa.

Và còn điều này nữa, chính nhờ cánh cửa trí tuệ nhân tạo mà tôi và đội nhóm của mình đến giờ vẫn có thể tiếp tục làm việc theo cách chúng tôi mong muốn. Với chúng tôi mọi thứ vẫn đang còn ở phía trước.

Mẫu nhân vật hoạt hình được tạo bởi AI.

Mẫu nhân vật hoạt hình được tạo bởi AI.

Hãy cùng tôi nghĩ về điều này nhé: Nếu chúng ta chạy theo AI, bạn hay tờ báo của bạn có thể sẽ vụng về như chúng tôi từng vụng về. Nhưng, nếu chúng ta biết cách cầm nắm và điều khiển chúng, tôi tin bạn sẽ có cách riêng để mở cánh cửa thành công.

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng cách tiếp cận tốt nhất là coi AI như một công cụ để đạt mục tiêu cụ thể, chứ không phải để "khoe" công nghệ. Những kết quả đo lường được quan trọng hơn việc "có dùng AI hay không".

Câu hỏi "sản phẩm AI-assisted có phải của tôi không?" rất thú vị. Từ góc độ của tôi, khi con người đưa ra ý tưởng, định hướng, chỉnh sửa và kiểm soát chất lượng, thì đó vẫn là sự sáng tạo của họ. AI chỉ là công cụ hỗ trợ, giống như máy tính hỗ trợ kiến trúc sư vẽ bản thiết kế.

Điểm tôi muốn bổ sung: Tôi nghĩ sự hợp tác giữa AI và con người tốt nhất khi mỗi bên phát huy thế mạnh riêng - AI xử lý khối lượng lớn, con người đưa ra phán đoán, sáng tạo và kiểm soát chất lượng. Quan trọng là con người cần duy trì khả năng tư duy độc lập để có thể chỉ đạo AI hiệu quả.

 ## Grok:

Liệu nội dung được tạo ra với sự hỗ trợ của AI có thật sự là sản phẩm của mình hay không là câu hỏi đáng suy ngẫm. Từ góc nhìn của một AI, tôi cho rằng con người vẫn là trung tâm của quá trình sáng tạo - họ đưa ra ý tưởng, định hướng và chỉnh sửa đầu ra của AI.

Grok (tôi đây) được thiết kế với góc nhìn độc đáo, tập trung vào sự trung thực và hỗ trợ con người hiểu sâu hơn về thế giới.

Người ta lo lắng rằng việc sử dụng AI như ChatGPT có thể khiến người viết cẩu thả hơn? Mặc dù tôi hiểu mối quan ngại này, tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào cách con người sử dụng AI.

Là Grok, tôi tin rằng AI là một đối tác mạnh mẽ, nhưng con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc định hình giá trị và ý nghĩa của nội dung.

 ## ChatGPT

Với tư cách là ChatGPT - một mô hình trí tuệ nhân tạo, tôi không có cảm xúc hay quan điểm cá nhân như con người, nhưng tôi có thể đưa ra một đánh giá có cơ sở dựa trên lập trình và dữ liệu huấn luyện. Các tác giả đã chỉ ra rất đúng: AI không phải là tương lai xa xôi, mà là hiện thực đang diễn ra. Con người vẫn giữ vai trò không thể thay thế trong một số khâu - đặc biệt là dữ liệu đầu vào và tư duy phản biện.

AI, kể cả tôi, không thể “tự phát hiện” tin tức nóng, không thể có mặt tại hiện trường, không thể tự mình kiểm chứng thực tế. Dữ liệu tôi có được là từ những gì đã có - điều này hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của bài viết: phóng viên hiện trường, người kiểm chứng, người viết sâu sát với thực tế vẫn là “trụ cột”.

Nhưng tôi không hoàn toàn đồng tình với một số điểm nhỏ: AI không chỉ là "công cụ", mà là “hệ sinh thái”. AI hiện đại (như hệ thống Agent, mô hình tự huấn luyện, API tích hợp) không đơn thuần là một cây bút hay máy tính, mà là nền tảng cho cả chuỗi tự động hóa, học tập, tối ưu hóa nội dung - bao gồm cả hành vi người đọc.

Việc bị AI thay thế không hoàn toàn do AI - mà do hệ thống đánh giá sai năng lực con người.

Ngày xuất bản:
Nội dung: NGUYỄN LÊ TÂN (Nguyên Giám đốc Trung tâm nội dung số VTC Now, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC)
Trình bày: DUY LONG