KIẾM TIỀN TỪ NỀN TẢNG SỐ:

CƠ HỘI MỚI CHO CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ

Trong Báo cáo Xu hướng toàn cầu của Hiệp hội Báo chí Thế giới WAN-IFRA, mô hình kinh doanh kiếm tiền trên nền tảng số được định danh là "relationship with other platforms". Nghĩa là mô hình này không còn là mới mẻ. Chỉ có điều, trên nền tảng số, các cơ quan báo chí không độc quyền, mà còn phải cạnh tranh với những nhà sáng tạo nội dung cá nhân. Trong hội thảo Digital Media Awards tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) hồi tháng 4/2025, nhiều diễn giả đã nhắc đến “creator economy”, tạm dịch là nền kinh tế sáng tạo nội dung.

Không chỉ đơn thuần là kênh phát sóng mới, các nền tảng tạo ra hệ sinh thái kinh tế nội dung, nơi mà mọi cá nhân đều có thể biến sự sáng tạo thành thu nhập thực.

Từ việc review mỹ phẩm, livetream bán hàng, sáng tác podcast đến các nội dung ngách như lịch sử, tâm lý học, đời sống số…từng cá nhân đều có thể vận hành một “doanh nghiệp nhỏ” với hàng triệu lượt xem, hằng nghìn, thậm chí hằng triệu USD được tạo ra mỗi tháng.

Điều đó khiến các tòa soạn phải nghiêm túc nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ các nền tảng số, nhất là khi lao động từ ngành truyền hình đang "dôi dư".

CUỘC ĐUA MỚI KHÔNG THỂ CHẬM CHÂN

Kinh tế số của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế đã có những bước phát triển nhanh, nhiều triển vọng so với khu vực và thế giới. Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2022 - 2025, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm.

Trong cuộc chạy đua này, ông Nguyễn Văn Long, TGĐ Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Đa phương tiện 5G, chia sẻ: “Từ 2013, nhóm chúng tôi, những người làm báo, nhận thấy sự cần thiết của mạng xã hội để quảng bá cho các chương trình truyền hình nên chúng tôi đã khởi tạo những kênh, trang mạng xã hội đầu tiên. Chúng tôi đóng gói quy trình sản xuất và xuất bản các nội dung trên mạng xã hội, phái sinh của các chương trình truyền hình và sau này là các bài viết từ báo, phái sinh các sản phẩm radio”.

Ở thời điểm đó, ông Long cùng các đồng sự nhận định, việc quảng bá truyền thông, Marketing cho các chương trình truyền hình, báo, đài đã hiệu quả rồi. Tuy nhiên, TẠI SAO CÁC NỀN TẢNG SỐ KHÔNG LÀ MỘT NGUỒN THU? Và đây chính là ý tưởng khởi điểm để nhóm thực hiện hoạt động này.

“Năm 2016, chúng tôi ra đời 5 kênh YouTube, 3 trang fanpage Facebook, đồng thời liên kết sản xuất các chương trình truyền hình. Từ năm 2019, nhóm bắt đầu quản trị các kênh nội dung số của các báo và kênh truyền hình như ANTV, báo Sức khỏe và Đời sống, báo Lao động, báo Quân đội Nhân dân, Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam...“, ông Long cho hay.

Trong bối cảnh các nguồn thu truyền thống đang suy giảm, cụ thể là quảng cáo và phát hành, các cơ quan báo chí phải tự vận động để đa dạng hóa nguồn thu, và quá trình chuyển đổi số cũng sẽ thúc đẩy cho sự đa dạng ấy.

Trên thực tế, mô hình kiếm tiền từ các nền tảng số cũng đã được nhắc tới trong nhiều cuốn cẩm nang về báo chí. Nhiều tòa soạn trên thế giới cũng đã đầu tư cho các mini studio trong tòa soạn để khai thác nguồn thu từ các nền tảng số như YouTube, Facebook và Tiktok qua chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo.

Trong Báo cáo khảo sát xu hướng Báo chí thế giới 2024-2025 của Hiệp hội Báo chí thế giới WAN-IFRA, ngoài nguồn thu chính từ quảng cáo và doanh thu từ độc giả, thì mô hình “Hợp tác với các nền tảng” cũng đem lại khoản doanh thu không hề nhỏ cho các tòa soạn. Cho dù nguồn thu này đã giảm chút ít so với năm trước đó (15% xuống còn 12%), nhưng vẫn là nguồn thu quan trọng, chỉ xếp sau tổ chức sự kiện, tài trợ, dịch vụ, thành viên (xem biểu đồ).

Trao đổi với Nhân Dân, một chuyên viên của Google châu Á-Thái Bình Dương phụ trách phát triển YouTube cho hay, 5G là một trong các MCN (Multi Channel Network, được coi là đại lý của Google) chính thức của tập đoàn này ở Việt Nam, chuyên quản lý và phát triển các kênh tin tức.

Ở lĩnh vực tin tức, ngoài 5G còn có thể kể tới các MCN khác như Yotel (quản lý kênh Truyền hình Vĩnh Long, có 5,58 triệu lượt đăng ký), POPS (quản lý kênh Báo Thanh Niên, có 6,17 triệu lượt đăng ký), Metub,…

Nhờ hợp tác với các MCN và kênh YouTube của các báo, đài tăng trưởng nhanh chóng cả về lượng người đăng ký (subscriber) lẫn doanh thu. Thậm chí, một số cơ quan báo chí địa phương cũng đạt số người đăng ký lên tới cả triệu (nút vàng), "vượt mặt" các cơ quan báo chí trung ương, đơn cử như Báo Hà Tĩnh, Báo Thanh Hóa, đặc biệt là Truyền hình Vĩnh Long.

Bà Lê Thanh Tân, Trưởng phòng Kinh doanh Báo điện tử VTC News, một trong những cơ quan truyền thông tiên phong phát triển hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam cho biết, từ mục tiêu ban đầu là trở thành một tờ báo hàng đầu Việt Nam, VTC News đã mở rộng thành một hệ sinh thái truyền thông số đa nền tảng.

VTC News đang vận hành một hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng với 60 triệu lượt xem và 15 triệu người dùng hàng tháng trên nền tảng chính.

Các kênh mạng xã hội của VTC News cũng ghi nhận mức độ tương tác ấn tượng: trang Facebook có 1,7 triệu lượt theo dõi và đạt 275 triệu lượt xem mỗi tháng; kênh TikTok thu hút 2,5 triệu người theo dõi và đạt 60 triệu lượt xem; hệ thống kênh YouTube có 3 triệu lượt đăng ký và 101 triệu lượt xem trung bình hàng tháng.

Trong tương lai, truyền thông số sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, lấy AI, dữ liệu lớn, công nghệ cá nhân hóa nội dung làm nền tảng, đi cùng với đó là thách thức sức ép cạnh tranh gay gắt và sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, hành vi công chúng. Đơn vị đánh giá với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và hành vi tiêu thụ nội dung của người dùng thì cần một hệ sinh thái, một tổ hợp truyền thông số đa nền tảng mà trong đó báo điện tử VTC News là trung tâm bên cạnh các trang/kênh mạng xã hội.

MẠNG XÃ HỘI KHÔNG CÒN LÀ ĐỐI THỦ, MÀ LÀ CÔNG CỤ

Để phân phối hiệu quả, đơn vị sử dụng các công cụ như Google Analytics, YouTube Studio, Facebook Insight… và hệ thống CMS nội bộ để theo dõi chỉ số tương tác, thời gian xem, tỷ lệ nhấp chuột... Bên cạnh đó, sự thay đổi thuật toán của các nền tảng là thách thức lớn, buộc đội ngũ phải cập nhật liên tục. Lượng traffic lớn từ mạng xã hội được chuyển hướng về website giúp thu hút nhà quảng cáo và nhà tài trợ.

Năm 2022, chúng tôi được đánh giá là network có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Long - TGĐ Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Đa phương tiện 5G

Sự ra đời của các kênh trang đầu tiên mang lại hiệu quả rõ rệt đối với các chương trình truyền hình (chỉ số người xem Rating) tăng cao đáng kể, các phản hồi của công chúng góp ý về nội dung chương trình, bổ sung và cung cấp thông tin cho chương trình rất hiệu quả.

Để đánh giá hiệu quả, các công cụ theo dõi chỉ số hiệu quả như lượt view, số thời gian xem, doanh thu quảng cáo…được bám sát để đo lường nội dung và điều chỉnh kế hoạch, chiến lược.

Từ việc quảng bá cho các chương trình truyền hình, đến năm 2022, đơn vị trở thành một trong những mạng lưới tăng trưởng nhanh nhất cả nước. Mục tiêu gần 10 năm là tạo hệ sinh thái truyền thông dựa trên ba trụ cột: Tin tức - Giải trí - Khoa giáo, kết hợp phân tích dữ liệu, hiểu công chúng và tối ưu nền tảng số - ông Nguyễn Văn Long, TGĐ Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Đa phương tiện 5G nhắc lại.

Năm 2024 doanh thu trên nền tảng số chiếm gần 50% tổng doanh thu toàn đơn vị

Bà Lê Thanh Tân - Trưởng phòng Kinh doanh Báo điện tử VTC News.

Theo bà Tân, xu hướng tương lai của truyền thông số là cá nhân hóa nội dung, ứng dụng AI, dữ liệu lớn và các công nghệ gợi ý nội dung. Bà Tân nhấn mạnh: “Chúng tôi không coi mạng xã hội là đối thủ mà là công cụ. Vấn đề là phải kiểm soát nội dung, giữ được bản sắc và uy tín. Người dùng hiện tại không chỉ đọc tin tức. Họ muốn nội dung phải vừa nhanh, vừa trúng nhu cầu, dễ tiếp cận và có chiều sâu”.

Kỷ nguyên truyền thông đa nền tảng đang mở ra một không gian rộng lớn cho sáng tạo và kiếm tiền. Qua những chia sẻ thực tế, có thể thấy rằng không tồn tại một công thức duy nhất cho thành công. Mỗi đơn vị, mỗi cá nhân đều đang trong hành trình riêng: có nơi chọn tập trung vào một nền tảng chủ lực để chuyên sâu, có nơi lại mở rộng đa nền tảng nhằm tăng độ phủ và phân tán rủi ro.

Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào đội ngũ phân tích dữ liệu và AI để cá nhân hóa nội dung, trong khi những cá nhân sáng tạo thì lựa chọn xây dựng thương hiệu độc lập để tự do sáng tạo và kiểm soát dòng tiền.

“Các bạn trẻ hoặc startup làm truyền thông nên hiểu rõ độc giả, đầu tư vào nội dung có giá trị, sáng tạo không ngừng và có trách nhiệm xã hội. Đó là cách duy nhất để tồn tại bền vững trong một thế giới truyền thông liên tục biến động" - Lê Thanh Tân

Nếu ví truyền thông truyền thống như những chuyến tàu lớn, có hướng đi định hình, chậm rãi ít linh hoạt thì truyền thông đa nền tảng ngày nay giống như một cuộc đua “go-kart”, với những chiếc xe đua nhỏ đầy tốc độ trên xa lộ công nghệ.

Trên xa lộ đó, các chiếc xe phải liên tục “đảo lái” với những thử nghiệm, thích nghi, nắm bắt kịp thời xu hướng và sẵn sàng từ bỏ những giá trị cũ để đổi lấy khả năng tồn tại mới.

Ngày xuất bản: 18/6/2025
Chỉ đạo thực hiện: HOÀNG NHẬT
Nội dung: TRUNG HIẾU
Trình bày: TRUNG HIẾU
Ảnh: TRUNG HIẾU, NHÂN VẬT CUNG CẤP