Kinh tế carbon thấp

là sân chơi toàn cầu

Việt Nam không thể chậm chân

Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ hướng tới những mô hình phát triển ít phát thải, do vậy, nền kinh tế carbon thấp đang dần trở thành “luật chơi” mới định hình lại cả cấu trúc sản xuất lẫn thương mại toàn cầu.

Là một nền kinh tế mở và dễ bị tổn thương trước các cú sốc khí hậu, Việt Nam đã bắt đầu hành trình chuyển đổi với những mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và xây dựng thị trường carbon nội địa. Tuy vậy, tiến trình này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Để có một góc nhìn “cận cảnh” hơn về vị thế, những “nút thắt” cần tháo gỡ và cơ hội của Việt Nam trong hành trình carbon toàn cầu, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital - một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực tài chính khí hậu và phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Thuật ngữ kinh tế carbon thấp lần đầu tiên được đưa ra trong Báo cáo Chính sách Năng lượng của Bộ Thương mại và Công nghiệp Vương Quốc Anh vào năm 2003 có tên “Our Energy Future - Creating a Low Carbon Economy”. Theo đó, kinh tế carbon thấp đặt trọng tâm đặc biệt vào giảm phát thải khí nhà kính nhằm chống biến đổi khí hậu (DTI, 2003).

Kinh tế carbon thấp là mô hình phát triển trong đó tăng trưởng đi đôi với việc giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CO₂.

Người hỏi
Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong tiến trình xây dựng nền kinh tế carbon thấp? Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ khu vực?

Người trả lời
Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và tầm nhìn rõ ràng trong hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã ban hành các chính sách cụ thể, từ thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả đến xây dựng thị trường carbon nội địa, đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP28.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP28.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở khâu thực thi: tiến độ triển khai còn chậm, năng lực và nguồn lực chưa đáp ứng đủ, và kết quả cụ thể vẫn còn hạn chế.

Mặc dù việc so sánh Việt Nam với hệ sinh thái carbon phát triển của Singapore là không công bằng, nhưng chúng ta vẫn đang chậm chân hơn so với Indonesia và Thái Lan trong việc biến tham vọng thành một thị trường carbon vận hành hiệu quả.

Người hỏi
Việt Nam đang đối mặt với những rào cản nào trong việc mở rộng quy mô thị trường tài chính xanh và tín chỉ carbon? Đâu là rào cản lớn nhất hiện nay?

Ông Brook Taylor: Các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần những nghị định hướng dẫn và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để biết thế nào là một dự án “xanh” hoặc đủ điều kiện tạo ra “tín chỉ carbon”.

Nhân lực cũng là một điểm nghẽn lớn- hiện nay, số lượng chuyên gia có khả năng xây dựng, thẩm định và giám sát các dự án đạt chuẩn còn quá ít.

Cuối cùng, nếu muốn thu hút dòng vốn dài hạn, Việt Nam cần bảo đảm cơ chế cấp phép và ưu đãi thuế minh bạch, ổn định và có thể dự báo được.

Cả ba yếu tố đều quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn là hành lang pháp lý có thể triển khai được.

Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital

Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital

Việt Nam sở hữu tiềm năng đáng kể để phát triển một thị trường carbon chất lượng cao với quy mô lớn. Với hơn 14 triệu ha rừng và 3.000km đường bờ biển, đất nước đang nắm giữ những “kho dự trữ carbon” tự nhiên khổng lồ.

Việt Nam còn là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với hơn 27 triệu ha đất nông nghiệp - nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển các dự án giảm phát thải trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp.

Nếu được khai thác đúng hướng, với chiến lược và chính sách phù hợp, các lợi thế này không chỉ mang lại nguồn thu mới từ thị trường tín chỉ carbon mà còn giúp Việt Nam thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư khí hậu toàn cầu, đặc biệt là trong khuôn khổ cơ chế hợp tác quốc tế theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

“Rào cản xanh” toàn cầu

đang định hình lại luật chơi xuất khẩu

Người hỏi
Ông có thể chia sẻ thêm về những hiểu nhầm phổ biến mà doanh nghiệp Việt thường gặp khi tiếp cận thị trường tín chỉ carbon?

Người trả lời
Một quan niệm sai lầm phổ biến là việc sở hữu diện tích rừng lớn hay đường bờ biển dài sẽ tự động tạo ra tín chỉ carbon có thể giao dịch.

Thực tế, để đạt được tín chỉ carbon chất lượng cao, các dự án cần thiết lập đường cơ sở minh bạch, được kiểm toán bởi bên thứ ba độc lập và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế như UNFCCC, Verra hay Gold Standard.
Đây là một quá trình đòi hỏi nhiều năm và chi phí bỏ ra đáng kể.
Hơn nữa, không ít doanh nghiệp lầm tưởng rằng thị trường tín chỉ carbon “không liên quan” đến họ - đây một nhận định hoàn toàn sai lệch.

Các cơ chế như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU (CBAM) hay chương trình CORSIA của ICAO đang trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Những quy định mới hướng tới nền kinh tế carbon thấp trên toàn cầu, như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM của liên minh Châu Âu, Đạo luật cạnh tranh sạch của Hoa Kỳ hay Sáng kiến CORSIA của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) … được dự đoán sẽ có tác động lớn đến các mặt hàng xuất khẩu và nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam.

Việc triển khai ký kết các thỏa thuận song phương của thỏa thuận Paris để thiết lập một nền tảng thúc đẩy hợp tác cho phép các quốc gia trao đổi, chuyển giao kết quả giảm phát thải, và tín chỉ carbon tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.

Người hỏi
Theo ông, trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon Việt Nam còn đang hình thành, doanh nghiệp nên ưu tiên hành động gì để không bị chậm chân trước các rào cản xanh quốc tế như CBAM, CORSIA,…?

Người trả lời
Trước hết, doanh nghiệp cần phân tích khung pháp lý quốc tế liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình và xây dựng các kịch bản ứng phó trong tương lai gần. Tiếp theo, cần thực hiện kiểm toán nội bộ để xác lập đường cơ sở phát thải và xác định các phương án giảm phát thải. Nếu không có dữ liệu đáng tin cậy và tư duy đón đầu, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động khi bước ra sân chơi toàn cầu.

Người hỏi
Việc kiểm kê phát thải và xây dựng chiến lược ESG bài bản đang là điểm yếu lớn. Ông có khuyến nghị cụ thể nào về cách doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bắt đầu hành trình này?

Người trả lời
Đây là một nhiệm vụ mang tính toàn thị trường, đòi hỏi sự hợp lực giữa chính sách nhà nước, đào tạo học thuật và nỗ lực từ khu vực doanh nghiệp.

Với nguồn lực hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bắt đầu bằng việc khai thác các tài liệu và công cụ miễn phí từ UNFCCC, PRI, GRI, cũng như các bộ tiêu chuẩn mới từ ISSB để nâng cao năng lực nội tại.

Từ đó, doanh nghiệp có thể triển khai thu thập dữ liệu theo từng giai đoạn và đặt ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng.

Người hỏi
Ngoài việc định giá carbon, Việt Nam nên học hỏi gì từ các mô hình quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính xanh một cách hiệu quả và thực chất?

Người trả lời
Chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chỉ có thể thành công khi có sự phối hợp chặt chẽ, minh bạch và đồng bộ giữa nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Chính sách quốc gia cần được xây dựng sát với các chuẩn mực toàn cầu để bảo đảm khả năng kết nối và hội nhập hiệu quả. Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa, việc chủ động hòa nhập - thay vì đi một mình - sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công của Việt Nam trên hành trình này.

Quỹ đầu tư tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam

và sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Quỹ VinaCarbon được thành lập vào năm 2023 với mục tiêu ban đầu là đầu tư vào đa dạng các dự án nhằm giảm hoặc loại bỏ khí nhà kính. Quỹ hướng tới xây dựng một ngân hàng tín chỉ carbon chất lượng cao, và mang lại những tác động tích cực cho cộng đồng, môi trường và xã hội.

Quỹ VinaCarbon tập trung đầu tư vào các công ty và dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon.

Người hỏi
VinaCapital đã thành lập quỹ VinaCarbon - được xem là một trong những quỹ đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào đầu tư vào các công ty và dự án có khả năng tạo ra tín chỉ carbon. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quỹ này? Đâu là điểm khác biệt so với các quỹ đầu tư tác động khác hiện nay tại Việt Nam?

Người trả lời
VinaCarbon được thành lập nhằm đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi theo yêu cầu ngày càng khắt khe của mục tiêu giảm phát thải. Đây là một trong những quỹ đầu tiên tại Việt Nam chuyên đầu tư vào các dự án có khả năng tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao, giúp doanh nghiệp vừa tạo ra giá trị môi trường, vừa có tiềm năng sinh lời bền vững.

Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí thải nhà kính được cắt giảm. Nhiều công ty, nếu không phải tất cả, và dự án cần có các sáng kiến kinh tế tuần hoàn để góp phần giảm phát thải khí nhà kính, từ đó tạo ra các tín chỉ carbon.

Theo chuyên gia của VinaCapital, xây dựng và vận hành một dự án tín chỉ carbon sẽ mất hàng năm, nếu chờ đợi đến gần thời điểm thị trường vận hành mới bắt đầu thì đã là quá muộn.
Việc những nhà đầu tư sẵn sàng đảm nhận vị trí tiên phong trong phát triển thị trường và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình này sẽ góp phần xây dựng một thị trường carbon thành công cho Việt Nam.

Những nhà đầu tư sẵn sàng đảm nhận vị trí tiên phong để phát triển thị trường và chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình này sẽ giúp xây dựng một thị trường carbon thành công cho Việt Nam và cung cấp những “giấy thông hành” tín chỉ carbon để giúp các nhà doanh nghiệp tại Việt nam có thể xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế.

Người hỏi
Ông có thể chia sẻ về quy trình lựa chọn và triển khai một dự án tạo tín chỉ carbon tại VinaCarbon? Ông có thể đưa ra thí dụ thực tế về một dự án đã hoặc đang triển khai - được đánh giá là tiêu biểu cho mô hình “tác động khí hậu và hiệu quả tài chính” của quỹ.

Người trả lời
Chúng tôi bắt đầu bằng việc xác định các lĩnh vực then chốt cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, chẳng hạn như lâm nghiệp bền vững, nông nghiệp phát thải thấp và năng lượng sạch. Sau đó, chúng tôi sàng lọc các dự án có tiềm năng tạo ra lợi ích kép - không chỉ về khí hậu mà còn về xã hội - và có khả năng phát hành tín chỉ carbon chất lượng cao.

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai một chương trình lâm nghiệp bền vững và một dự án sản xuất than sinh học. Những khoản đầu tư ban đầu này mang tính thử nghiệm và định hướng mô hình - tập trung vào việc chứng minh tính khả thi hơn là ưu tiên lợi nhuận tài chính ngay lập tức.

Tổ chức sản xuất: Hoàng Nhật
Nội dung: Hải Yến
Ảnh: VinaCapital, Tư liệu
Trình bày: Đình Thái